Khi các cha lên “phây”
Với nhiều người có tài khoản trên mạng xã hội, những avatar (ảnh đại diện), ảnh bìa mang bóng dáng của chiếc áo chùng thâm đã không còn là điều xa lạ. Các linh mục cũng lên mạng, lướt Facebook (face) chia sẻ suy nghĩ, thông tin, bộc lộ những tình cảm cá nhân và nối kết với mọi người.
Nối dài vòng tay, lan tỏa Tin Mừng
Không phải là “sao” nhưng thường face của các linh mục luôn có số lượng bạn bè và người theo dõi khá cao. Rất nhiều cha đã vượt qua hạn mức kết bạn mà facebook cho phép ở số 5.000 và chế độ theo dõi cũng lên đến vài ngàn tài khoản. Bạn bè trong danh sách của các ngài cũng đủ thành phần, thuộc nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, chiếm số đông vẫn là giáo dân Việt trong lẫn ngoài nước. Sự quan tâm có phần nổi trội như lời chia sẻ dí dỏm của cha Giuse Nguyễn Hữu An, Chánh xứ Kim Ngọc – GP Phan Thiết là bởi “con đông”. Theo vị linh mục có 4.959 người kết bạn này thì hầu hết “bạn” trên face đều là giáo dân trong giáo xứ và giáo phận, số ít là những anh chị em Công giáo thuộc giáo phận khác.“Thời công nghệ, ngay cả học sinh cũng dễ dàng dùng face, cho nên tôi cũng phải cập nhật. Trang cá nhân của tôi dùng như một kênh liên lạc với các em đi học hoặc những người đi làm xa xứ để họ có thể nắm bắt thông tin xứ nhà, đồng thời cũng để công bố việc bác ái trong xứ được mọi người dễ dàng tiếp cận…”, cha An chia sẻ.
Cha Antonio Trần Liên Sơn chia sẻ cùng bạn bè trên trang cá nhân về những công việc bác ái của giáo xứ
Bắt đầu dùng face hơn ba năm, cha An đã đăng tải không ít những bài viết mang tính chất loan báo Tin Mừng như các hoạt động bác ái trong giáo phận, chia sẻ Lời Chúa, cập nhật những thông tin nhà đạo. Và cũng chính nhờ face của cha mà nhiều giáo dân đã nắm bắt được những tin tức nóng hổi nhất trong dịp Đại hội Gia đình thế giới vào tháng 9.2015 tại Hoa Kỳ do cha có dịp tham dự và tường thuật.
Khác với cha An, linh mục Antonio Trần Liên Sơn, chánh xứ Cây Rỏi, GP.Qui Nhơn lại sống tại một vùng quê nghèo miền núi. Theo lời cha kể, hầu như cả xóm đạo chỉ mỗi nhà xứ được nối mạng, nên dù có hơn mười mấy ngàn người theo dõi mà chẳng có mấy người là con dân trong xứ. Vì vậy, đối tượng được cha chia sẻ, giới thiệu nhiều nhất chính là những hoàn cảnh khó khăn, những sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn nơi vùng quê nghèo. Là người yêu thích tranh ảnh, có sở thích sưu tập ảnh đẹp và cũng vì “chăm” đăng tải chia sẻ Lời Chúa mỗi ngày nên sau bốn năm lập face, cha Sơn đã có một kho ảnh khổng lồ lên đến hơn mười ba ngàn ảnh. Vì tỉ mẩn phân chia thành các album có chủ đề riêng để mọi người tiện theo dõi, face của cha Sơn nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Song vị linh mục miền núi này lại rất “kiệm lời” hay bình luận. Mang tâm niệm “chỉ là người gieo” nên bao thời giờ dành cho “truyền thông xã hội mới” – theo cách nói của cha – đều dành cho việc đầu tư nội dung qua từng câu chữ, bài viết.
Cha Nguyễn Văn Hưởng gần gũi với hình ảnh đời thường
Ngay tại TGP.TPHCM, được biết đến là một cha giáo, luôn nghiêm khắc trên giảng đường và thuộc thế hệ xưa nhưng cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, chánh xứ Chợ Đũi (Huyện Sỹ), nguyên Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn lại sử dụng face khá chuyên nghiệp và có rất đông người quan tâm đến các bài viết của ngài. Cha cập nhật thường xuyên bữa cơm cho người nghèo ở xứ nhà hay các hoạt động trong giáo xứ cùng các chuyến thăm viếng mang đậm tình liên tôn với các tôn giáo bạn. Cha Hưởng thẳng thắn: “Trang face của tôi tìm lối sống tích cực, dựa vào sự kiện trên thế giới để suy nghĩ tìm lối sống theo Giáo hội hướng dẫn… Nhiều người có thể viết trên facebook một cách vô trách nhiệm nhưng luân lý Công giáo không cho phép chuyện đó. Chúng ta luôn luôn có trách nhiệm về hành động của chúng ta. Facebook của tôi thì chắc ai theo dõi cũng biết, nhằm tạo liên lạc với các học trò giờ tứ tán khắp nơi. Trang cũng có ý giúp suy tư về luân lý qua những biến cố của đời sống. Tóm lại, facebook của tôi muốn trình bày Tin Mừng qua cuộc sống thường ngày”.
Những niềm vui bình dị
Do facebook là trang cá nhân nên dễ nhận thấy những đăng tải trên “tường” của các cha, ngoài các suy tư còn mang tính giải trí, sở thích, quan tâm riêng của bản thân. Ở status (trạng thái), ảnh cũng đa dạng, từ chân dung cá nhân, hình tham quan các địa điểm nổi tiếng, ảnh chụp với bè bạn, gia đình, giáo dân trong các sinh hoạt, đến món ăn ngon và cả những hình vui nhộn sưu tầm được… Chẳng hạn như câu thơ và hình ảnh bàn tay có viết chữ trên face của cha GB. Trần Ngọc Bảo (Gx Thái Thiện – GP.Xuân Lộc) về việc nhớ giữ chay: “Thứ Sáu ăn chay, phải ghi vào tay, không thì quên mất” đã được rất nhiều người chia sẻ và bình luận đầy thích thú. Đơn giản chỉ có vậy nhưng tạo niềm vui cho cả cha lẫn “bạn”. Lại là cách để nhắc nhau giữ luật Hội Thánh.
Cũng có những cha chia sẻ rất đỗi đời thường những tấm hình chụp chung với gia đình lúc còn bé hay một góc quê nhà trong nước hình đen trắng…, nhất là hình ảnh ngày nhận thánh chức linh mục được đăng lại vào dịp kỷ niệm, đã khiến người xem có cảm giác linh mục không quyền bính và dễ gần. “Tôi rất thích theo dõi face và kết bạn với các cha. Ở đó tôi học được nhiều điều về chuyện đạo chuyện đời từ chia sẻ, phân tích của các ngài. Nhưng điều tôi nhận ra rằng sau thánh lễ, sau chiếc áo chùng thâm, các linh mục rất đáng mến, dễ gần và chân tình”, anh Trần Đình Thu, một người sử dụng face cho biết. Cha Giuse Nguyễn Hữu An vui vẻ bật mí mình cũng có khi chú ý đến lượt like và có lúc phải tủm tỉm cười trước những lời bình luận dễ thương. Đó cũng chính là những phút giải trí thư giãn đầu óc. Hay sử dụng hình thức check-in như để đánh dấu nơi đã đến, đang ở để giáo dân có thể theo sát biết cha đi đâu, làm việc gì một cách công khai. Đồng thời cũng giúp thông tin được cập nhật nhanh chóng.
Mang dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời trình bày bản thân trong cộng đồng xã hội, face các linh mục vẫn thể hiện cá tính, nét riêng của từng người. Và qua những mẩu chuyện thường ngày, bức ảnh chụp lại bữa tối ngon miệng hoặc album về kỳ nghỉ đáng nhớ bên những người thân, chuyến đi thiện nguyện, hành hương… sẽ trở thành những cột mốc sống động trong cuộc đời phục vụ của các ngài… Tùy theo độ tuổi, vùng miền đang phục vụ, chuyên môn và sở thích, các cha làm phong phú thêm thế giới mạng rồi mang cả niềm tin vào “thế giới ảo” để đức tin được loan truyền. Nói như linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên (Lm. Vinh Sơn Võ Văn Thọ – ĐCV Cái Răng GP Cần Thơ) – thường chia sẻ các bài suy niệm và nhạc phẩm của mình trên face thì: “Thật sự tôi yêu Chúa chứ không yêu nhạc, nhưng vì yêu Chúa tôi lại yêu nhạc, vì nhạc là một phương tiện truyền thông nhẹ nhàng và có sức thuyết phục để chuyển tải Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo hội cách hữu hiệu cho mọi người, nhất là các bạn trẻ. Chuyên môn của tôi là thần học tín lý chứ không phải nhạc, vì thế các bài chia sẻ tu đức mới là chính yếu, như những lời từ trái tim đến một trái tim. Tôi ham thích và tận dụng mọi khả năng cũng như phương tiện hiện đại sẵn có để rao truyền lòng thương xót Chúa”.
Thế giới trên facebook dưới những hình ảnh đại diện là chiếc áo chùng, tháp chuông thánh đường… mang một màu sắc đặc biệt, khó lầm lẫn giữa muôn người.
Minh Minh
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc