Khiêm nhường như Chúa Kitô là nhân đức của những người bé nhỏ

Khiêm nhường là nhân đức của sự bé nhỏ, nhưng không phải theo nghĩa là tự hào rằng mình bé nhỏ, theo kiểu có người nói: “Tôi khiêm nhường và tôi tự hào về điều ấy”. Nếu làm như thế thì không còn là khiêm nhường nữa. Khiêm nhường đích thực, là bước đi trong sự hiện diện của Chúa, không khoe khoang với người khác, mà chỉ chú tâm phục vụ, cảm thấy mình thực sự bé nhỏ… và đó là sức mạnh…
Khiêm nhường như Chúa Kitô là nhân đức của những người bé nhỏ

Thiên Chúa đã mặc khải Mầu nhiệm Cứu độ cho những người bé nhỏ, chứ không cho các bậc khôn ngoan thông thái. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này trong bài giảng lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nói về nhân đức của những người bé nhỏ, đó là kính sợ Thiên Chúa chứ không sợ hãi Ngài, và đó là người khiêm nhường.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha vì “Ngài đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời, mầu nhiệm về chính Ngài, cho những người bé mọn.”

Thiên Chúa tỏ cho người đơn sơ

Về mầu nhiệm Thiên Chúa và chính Thiên Chúa, con người không thể hiểu được bằng sự học thức và khôn ngoan, mà bằng tâm hồn của những người bé nhỏ. Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, cũng có đầy những chi tiết về sự bé nhỏ và kèm theo lời mời gọi đi theo con đường bé nhỏ ấy. Để mang lại sự giải thoát, ngôn sứ Isaia nói về “một chồi nhỏ từ gốc Giêsê” chứ không nói về “một đội quân”. Những con người bé nhỏ là các nhân vật chính trong dịp Giáng Sinh.

Trong lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ thấy có một sự bé nhỏ, rất nhỏ: một trẻ sơ sinh, một máng cỏ, một người mẹ, một người cha… Đây là những người rất bé nhỏ nhưng với tâm hồn lớn. Trên chồi non này, Thần Khí Thiên Chúa sẽ ngự xuống và làm cho Người biết kính sợ Thiên Chúa. Người sẽ bước đi trong sự kính sợ Thiên Chúa. Kính sợ không có nghĩa là sợ hãi. Người sẽ thực thi những lệnh truyền mà Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ Abraham. Người bước đi dưới ánh mắt Thiên Chúa và không ai chê trách được điều gì. Khiêm nhường. Đây là sự khiêm nhường. Kính sợ Thiên Chúa chính là khiêm nhường.

Chỉ những người bé nhỏ mới hiểu được ý nghĩa của khiêm nhường, ý nghĩa của lòng kính sợ Chúa, bởi vì họ tiến gần đến Thiên Chúa, vì họ thấy Ngài dõi theo họ và bảo vệ họ, vì họ cảm nhận được sức mạnh Thiên Chúa ban để họ tiến bước. Đó chính là khiêm nhường.

Tiến lại gần Thiên Chúa

Sống khiêm nhường, nhân đức khiêm nhường Kitô giáo, là có lòng kính sợ Thiên Chúa và không sợ hãi Ngài. Ngài là Thiên Chúa, tôi là một con người, tôi bước đi trong cuộc sống với những điều bé nhỏ, bước đi dưới ánh mắt của Ngài và cố gắng không có gì đáng trách. Khiêm nhường là nhân đức của sự bé nhỏ, nhưng không phải theo nghĩa là tự hào rằng mình bé nhỏ, theo kiểu có người nói: “Tôi khiêm nhường và tôi tự hào về điều ấy”. Nếu làm như thế thì không còn là khiêm nhường nữa. Khiêm nhường đích thực, là bước đi trong sự hiện diện của Chúa, không khoe khoang với người khác, mà chỉ chú tâm phục vụ, cảm thấy mình thực sự bé nhỏ… và đó là sức mạnh.

Xin ơn khiêm nhường

Khiêm nhường, rất khiêm nhường. Chúng ta hãy nhìn vào cảnh Giáng Sinh, nhìn vào người thiếu nữ mà Thiên Chúa đoái thương nhìn đến và sai Con của Ngài đến. Người thiếu nữ ấy đã chẳng nói gì ngoài câu xin vâng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói!” Khiêm nhường là thế, là bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa với đầy hạnh phúc và niềm vui, vì được Thiên Chúa đoái nhìn. Khi ấy mừng rỡ hân hoan bởi vì khiêm nhường, cũng giống như điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.

Hãy nhìn Chúa Giêsu đầy hoan lạc mà chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài đã tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ khiêm nhường. Chúng ta có thể xin ơn khiêm nhường, ơn kính sợ Chúa, để bước đi trong sự hiện diện của Ngài và không có gì đáng trách. Với lòng khiêm nhường ấy, chúng ta có thể tỉnh thức cầu nguyện, hăng say thực thi đức ái và tràn đầy niềm vui ca khen.

PopeFrancis-29Nov2016-07.jpg

PopeFrancis-29Nov2016-05.jpg

PopeFrancis-29Nov2016-04.jpg

PopeFrancis-29Nov2016-01.jpg

(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 29.11.2016)