Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương (Mc 6, 1-6)- 07.07.2024 – Chúa Nhật Tuần XIV TN

Bài Ðọc I: Ed 2, 2-5

“Ðây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd. 3-4

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con.

Xướng: 1) Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ, nhìn vào tay các vị chủ ông.

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con.

2) Như mắt của những người tỳ nữ, nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi.

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con.

3) Nguyện xót thương, lạy Chúa, nguyện xót thương, vì chúng con đã bị khinh dể ê chề quá đỗi! Linh hồn chúng con thật là no ngấy lời chê cười của tụi giàu sang, nỗi miệt thị của lũ kiêu căng. 

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con.

 

Bài Ðọc II: 2Cr 12, 7-10

“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Ðức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: 1Pr 1,25

Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 6, 1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: VÌ HỌ KHÔNG TIN

Nadarét thời nay khác nhiều so với thời Đức Giêsu.
Đó không còn là ngôi làng với vài trăm người sinh sống,
với một cái giếng cung ứng nước cho cả dân làng,
với một hội đường nhỏ để cầu nguyện trong ngày sabát.
Nadarét hôm nay là một thành phố lớn nhất ở bắc Israel,
nơi quy tụ của các kitô hữu thuộc nhiều hệ phái
sống ở nơi Đức Giêsu đã từng sống hơn ba mươi năm.

Đức Giêsu đã lớn lên và trưởng thành ở làng Nadarét.
Dân làng gần gũi nhau và quen biết nhau.
Họ biết Đức Giêsu từ nhỏ, từ thiếu nhi thành thiếu niên,
thành thanh niên, rồi thành một người lớn chững chạc.
Họ biết Đức Giêsu là một người làm thợ như cha mình,
kiếm sống bằng lao động, bằng mồ hôi vất vả.
Ngài không phải là một người học thức thuộc giai cấp trên,
không phải là bậc thầy trong dân Israel hay tư tế.
Họ biết rõ gia đình, và họ hàng của Đức Giêsu.
Họ có thể kể tên mẹ và các anh chị em của Ngài,
vì những người đó vẫn đang sống bên cạnh họ.
Nói chung, Đức Giêsu là một người bình thường,
có tên tuổi, quê quán, họ hàng, nghề nghiệp.

Rồi có ngày Ngài bỏ gia đình để lên đường, đi rao giảng,
kêu gọi một số bạn trẻ theo mình làm môn đệ.
Ngài được họ và dân chúng coi là một vị thầy.
Ngài hoạt động ở những vùng quanh biển hồ Galilê,
rao giảng Nước Trời đến gần rồi, chữa đủ mọi thứ bệnh,
đuổi các thần ô uế, tha tội, hoàn sinh kẻ chết…
Lời nói của Ngài có quyền uy đặc biệt,
ai chạm vào Ngài có thể được chữa lành.
Đức Giêsu đã trở nên nổi tiếng ở khắp vùng Galilê,
nhưng dân làng Nadarét vẫn chưa có cơ hội gặp Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
lần đầu tiên Đức Giêsu trở về quê mình là Nadarét,
gặp lại những khuôn mặt thân quen trong hội đường.
Khi nghe Ngài giảng, dân làng ngỡ ngàng sửng sốt.
Họ không thể tin đây là ông thợ Giêsu, người làng mình,
và họ đặt câu hỏi về nguồn gốc của sự thay đổi khó tin đó:
“Bởi đâu ông này được như thế ?” (Mc 6,2).
Bởi đâu ông hết sức khôn ngoan trong lời giảng dạy,
và quyền năng trong những phép lạ ông đã làm khắp nơi?
Tiếc thay, người làng Nadarét đã không tìm thấy câu trả lời,
vì họ khép kín trong những điều họ biết về ông Giêsu.
Những lợi thế của họ lại trở nên rào cản.
Họ không thể tin ông Giêsu có một nguồn gốc phi thường,
vì họ đã quá quen với hình ảnh ông Giêsu làm thợ.
Họ không tin làng của họ có một vị ngôn sứ, một vị Mêsia.
Họ càng không thể nào dám nghĩ rằng
Con Thiên Chúa đã chọn ngôi làng Nadarét
để sống phần lớn phận người bình thường của mình.
Tên của ngôi làng ít tiếng tăm, từ nay được vinh dự
gắn liền với tên của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Nadarét.

Có thể nói, Đức Giêsu đã thất bại khi về làng cũ.
Ngài không thể làm được những phép lạ lớn ở đó,
vì phép lạ cần diễn ra trong bầu khí đức tin.
Tiếc thay dân làng Nadarét không mở lòng
để Thiên Chúa tự do hoạt động.

Như người làng Nadarét xưa,
hôm nay ta cũng được sống gần gũi với Chúa Giêsu
qua những việc đạo đức có vẻ bình thường
như đọc Lời Chúa, dự Thánh lễ, làm việc bác ái…
Chúng ta có cảm nhận được cái phi thường
ở trong những điều bình thường mỗi ngày không?

Cầu Nguyện

Lạy Thiên Chúa,
xin ban cho con sự thanh thản
để chấp nhận những điều con không thể đổi,
lòng can đảm
để đổi những điều con có thể đổi,
và óc khôn ngoan
để phân biệt đôi bên.

Con sống từng ngày một,
thưởng thức từng giây một;
chấp nhận đau khổ như con đường dẫn đến bình an.

Thế giới tội lỗi này như thế nào,
con đón nhận nó như vậy,
không đòi nó phải theo ý mình.

Con tin rằng nếu con lụy phục ý Chúa,
thì Chúa sẽ làm cho mọi sự được ổn thỏa.
Con tin rằng con có thể khá hạnh phúc ở đời này,
và vô cùng hạnh phúc với Chúa mãi mãi ở đời sau.
(Reinhold Niebuhr)

 

Suy niệm 2: KHÔNG LÀM ĐƯỢC PHÉP LẠ

Ðức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà.
Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên
trước sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng.
Nếu họ chân thành tìm kiếm
họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người họ quá quen.

Tiếc thay người làng Nazareth đã không đủ vô tư.
Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài,
và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có.
“Ông ta không phải là bác thợ sao?”
Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người.
Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn,
sống bao năm ở đây không một chút hào quang.
Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt:
Bà Maria và các anh em, chị em của ông,
tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường,
như những người láng giềng gần gũi.
Một quá khứ và hiện tại như thế
đã khiến họ vấp phạm.
Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ,
lại càng không thể tin Ngài là Mêsia,
và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng
mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Không chắc chúng ta khá hơn người làng Nazareth.
Hôm nay chúng ta vẫn có thể bị đóng khung
trong một cái nhìn nào đó về Ðức Kitô,
khiến chúng ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài.
Có những người chúng ta rất quen ở gần ta,
nhưng chúng ta chẳng hiểu mấy về họ.
Những gì ta biết về họ là đúng, nhưng không đủ.
Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời.
Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng,
để gặp được mầu nhiệm tha nhân,
để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.

Chúng ta thường nói đến một Thiên Chúa toàn năng,
nghĩa là Ðấng làm được mọi sự.
Nhưng Ðức Giêsu tại Nazareth lại cho ta thấy
hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối và bất lực.
Ngài bó tay trước sự cứng lòng của con người.
Ðức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào ở đó.
Thế mới hay con người có khả năng cản trở Thiên Chúa,
có thể dùng chính tự do Ngài ban để khước từ Ngài.
Phép lạ là quà tặng cần được đón nhận với lòng tin.
Phép lạ không phải là phù phép áp đặt trên người nhận.

Có bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta,
mà Ngài không làm được, vì ta không để Ngài làm.
Nên thánh là để cho Chúa yêu thương ta,
để cho Chúa tự do hoạt động trong đời ta.
Lúc đó đời ta sẽ trở nên một kỳ công của Thiên Chúa,
và nhờ Ngài, ta có thể làm được những kỳ công.

 

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Quá khứ của một người có thể làm chúng ta không thấy sự thật về người đó. Bạn có khi nào giống như người Nazareth không?
2. Có khi nào bạn thấy Thiên Chúa bị bó tay, chỉ vì bạn khăng khăng từ khước không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ