Kinh Hòa Bình: Bài 1: Xin làm cho con nên khí cụ bình an _Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Kết quả hình ảnh cho tranh bảo vệ hòa bình

SUY NIỆM MÙA VỌNG

KINH HÒA BÌNH

Mùa Vọng là thời gian giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh, lễ của bình an và hòa bình như tiếng hát thiên thần lừng vang trên cánh đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vì thế, những suy niệm được chia sẻ ở đây mong giúp mọi người đón nhận bình an như hồng ân Giáng Sinh, và trở thành khí cụ bình an của Chúa. Nội dung suy niệm được chia thành 3 bài: (1) Xin làm cho con nên khí cụ bình an của Chúa; (2) Khí cụ bình an trong gia đình; (3) Linh đạo bình an.

 

Bài 1. XIN LÀM CHO CON NÊN KHÍ CỤ BÌNH AN

  1. Kinh Hòa Bình

Ngày 4-9-2016 tại Rôma, Mẹ Têrêxa Calcutta được tuyên thánh trong niềm vui và sự kính phục của cả thế giới. Với Hội Thánh Công giáo, việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa trong Năm Thánh Lòng Chúa thương xót 2016 là để làm nổi bật khuôn mặt của một chứng nhân Lòng Chúa thương xót. Tuy nhiên Mẹ Têrêxa không chỉ được các tín hữu Công giáo quý trọng và ngưỡng mộ nhưng còn nhận được sự quý mến và kính phục của cả thế giới, trong đó có cả những người không có niềm tin tôn giáo. Bằng chứng cụ thể nhất là Mẹ đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979.

Người nhận giải Nobel thường có hai diễn văn: một bài thuyết trình (Nobel Lecture) và một bài phát biểu khi nhận giải (Acceptance Speech). Trong bài phát biểu khi nhận giải, Mẹ Têrêxa đã mở đầu bằng việc mời mọi người hiện diện cầu nguyện bằng Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi:

“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa,

để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

đem an hòa vào nơi tranh chấp,

đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.

  1. Trở thành khí cụ bình an của Chúa

Lãnh giải Nobel Hòa Bình mà lại bắt đầu diễn văn nhận giải bằng Kinh Hòa Bình, Mẹ Têrêxa đã tôn vinh vẻ đẹp của lời kinh ấy, qua đó cho thấy vẻ đẹp của Đạo Kitô và cách riêng của Kinh Hòa Bình. Trong bài kinh nổi tiếng này, Thánh Phanxicô không xin ơn bình an cho ngài nhưng xin Chúa làm cho ngài trở thành khí cụ bình an của Chúa cho mọi người.

Tâm tình đó được thể hiện trong chính cuộc đời của Mẹ Têrêxa.

Mẹ trở thành khí cụ bình an của Chúa cho người nghèo bị bỏ rơi: đi nhặt những bệnh nhân nghèo ngoài đường về để chăm sóc và để họ được chết một cái chết xứng với phẩm giá con người.

Mẹ trở thành khí cụ bình an của Chúa trong việc bảo vệ các thai nhi : Mẹ lên án mạnh mẽ việc phá thai, coi đó là hành động hủy diệt hòa bình.

Mẹ trở thành khí cụ bình an của Chúa khi can thiệp với các nhà lãnh đạo thế giới trong việc gìn giữ và xây dựng hòa bình, chẳng hạn viết thư cho Tổng thống Bush của Hoa Kỳ để ngăn cản chiến tranh Iraq.

Có lẽ đây là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ: chúng ta xin ơn bình an rất nhiều cho bản thân và gia đình (cầu nguyện riêng, xin lễ), nhưng ít khi ý thức chính mình phải là khí cụ bình an, nghĩa là tích cực cộng tác với ơn Chúa để thực hiện chính điều chúng ta cầu xin, và đem bình an đến cho người khác. Như thế, Kinh Hòa Bình mời gọi suy nghĩ lại về cầu nguyện: không chỉ chờ đợi cách thụ động nhưng còn cộng tác với ơn Chúa để hành động tích cực như thánh Phanxicô và Mẹ Têrêxa nêu gương.

  1. Bình an của Chúa

Một chi tiết khác cũng dễ quên là trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô – và mỗi tín hữu khi cầu nguyện bằng kinh ấy, khi xin Chúa làm cho ngài thành khí cụ bình an, đã nhấn mạnh là “khí cụ bình an của Chúa” (chứ không phải bình an của thế gian!).

“Bình an của Chúa” là bình an của Đấng đã hứa: “Thầy ban cho anh em phúc bình an của Thầy”, đồng thời xác định rằng, “Thầy không ban như thế gian ban tặng” (x. Ga 14,27).

“Bình an của Chúa” là bình an của Đấng nói với các môn đệ: “Bình an cho các con”, đồng thời cho các ông xem tay và cạnh sườn, bàn tay còn lỗ đinh và cạnh sườn còn in dấu lưỡi đòng! (x. Ga 20,19-20). 

Như vậy, có thứ bình an của thế gian và có thứ bình an của Chúa.

Thế nào là bình an của thế gian? Thường là thứ bình an từ ngoài vào: được đảm bảo vì có tiền bạc, quyền lực, tiện nghi… Nhưng thử hỏi, liệu người ta có thực sự bình an? Trở thành triệu phú, có ngủ ngon hơn? Gia đình bình an hơn hay đổ vỡ nhiều hơn? Quyền lực ngất trời, liệu có bình an hơn hay lo sợ hơn?

Còn bình an của Chúa là bình an từ trong ra, sự bình an được ví như đáy đại dương yên tĩnh dù mặt biển dậy sóng. Lời chất vấn của Thánh Giacôbê Tông đồ vẫn còn đó: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không được, nên anh em chém giết nhau; anh em ghen ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gia 4,1-2).

Rất nhiều khi, đặc biệt trong thời đại ngày nay, người ta đi tìm bình an ở ngoài thay vì ở trong. Có chuyện kể về một ông thầy đánh mấy chìa khóa vào nhà và cặm cụi tìm kiếm ở khoảng sân trước cửa. Đám học trò thấy vậy mới đến tìm giúp. Lật từng ngọn cỏ, bới từng cục gạch, vẫn không thấy. Một anh học trò hỏi: Thầy có nhớ là để quên ở đâu không? Ông thầy ngẫm nghĩ một lúc mới nói: Thầy để quên chìa khóa trong nhà rồi sập cửa lại! Cả đám học trò kêu lên: Thế mà thầy không nói, làm bọn con mệt chết được. Lúc đó, ông thầy mới nói: nhiều khi chìa khóa hạnh phúc là ở trong tâm hồn, còn chúng ta cứ nong nả tìm ở bên ngoài nên tìm hoài không thấy!

“Bình an của Chúa” là bình an nội tâm, đồng thời không phải là thứ bình an dễ dãi. Hình ảnh Đấng Phục sinh chúc bình an cho các môn đệ, đồng thời cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, giúp chúng ta hiểu được điều đó. Hình ảnh nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của Mẹ Têrêxa Calcutta làm sáng lên sự bình an đó. Đó là niềm bình an xuyên qua đau khổ và hi sinh vì tình yêu phục vụ. Có tình yêu đích thực nào mà không đòi hỏi phải hi sinh, có tình thương chân thành nào không đòi hỏi phải quên mình? Vì thế, khi xin Chúa làm cho mình trở thành khí cụ bình an của Chúa, điều đó cũng hàm nghĩa là phải xin Chúa ban cho ơn can đảm để chấp nhận những hi sinh và từ bỏ cần thiết, nhờ đó có thể thực sự trở thành sứ giả bình an.

Lạy Chúa,

Chúng con thường xuyên xin ơn bình an cho bản thân và gia đình, nhưng ít khi ý thức rằng Chúa muốn chúng con trở thành sứ giả hòa bình, khí cụ bình an: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Xin giúp chúng con biết tìm kiếm bình an nội tâm bằng sự vun trồng tình yêu thương và các nhân đức, nhờ đó chúng con có thể trở thành khí cụ bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm