Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Ngày 26.12.2021 Chúa Nhật lễ Thánh Gia
ĐTC PHANXICÔ: NOI GƯƠNG THÁNH GIA ĐI TỪ “TÔI” ĐẾN “BẠN”
Ngọc Yến
Chúa nhật 26/12, Lễ Thánh Gia, vào lúc 12:00 giờ trưa, từ cửa sổ Dinh Tông tòa, trước sự hiện diện của các tín hữu và khách hành hương, Đức Thánh Cha có bài giáo lý ngắn, tập trung vào Tin Mừng Chúa Nhật lễ Thánh Gia, và chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Tiếp đến, ngài công bố thư gửi các vợ chồng, mời gọi mọi người cầu nguyện và chuẩn bị cho Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Công giáo Thế giới sắp tới.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia Nazareth. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm tốn và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm vẻ đẹp mầu nhiệm này, đồng thời nhấn mạnh hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.
Chúa Giêsu là con của một lịch sử gia đình
Thứ nhất: gia đình là lịch sử, từ nơi đó chúng ta đến. Mỗi người chúng ta đều có một lịch sử riêng, không có ai sinh ra bằng một chiếc đũa thần, mỗi chúng ta có một lịch sử và một gia đình, từ đó chúng ta đến. Tin Mừng Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Giêsu cũng là con của một lịch sử gia đình. Chúng ta thấy Chúa đi lên Giêrusalem với Mẹ Maria và Thánh Giuse dịp lễ Vượt Qua; sau đó, Chúa làm cho cha mẹ lo lắng khi hai ông bà không thấy Chúa đâu; rồi khi tìm được, Chúa trở về nhà với hai ông bà (Lc 2,41-51). Thật là đẹp khi nhìn ngắm Chúa Giêsu được đưa vào gia đình, được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm của cha mẹ. Điều này đối với chúng ta cũng quan trọng. Chúng ta đến từ một lịch sử được đan xen bằng những tương quan tình thương. Có thể chúng ta không sinh ra trong một gia đình ngoại lệ, một gia đình không có vấn đề, nhưng đây là lịch sử của chúng ta – mỗi người phải nghĩ: đây là lịch sử của tôi -, đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không tạo dựng chúng ta để trở thành những người lãnh đạo đơn độc, nhưng để cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho gia đình chúng ta. Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta và muốn chúng ta cùng nhau: biết ơn, hiệp nhất, có khả năng giữ gìn cội nguồn. Chúng ta phải nghĩ đến điều này, đến chính lịch sử của chúng ta.
Cần học mỗi ngày để trở thành một gia đình
Khía cạnh thứ hai: cần phải học mỗi ngày để trở thành một gia đình. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy ngay cả trong Thánh Gia, mọi việc đều không suôn sẻ: có những vấn đề bất ngờ, lo lắng, đau khổ. Không có Thánh Gia của những bức tranh bé nhỏ. Đức Mẹ và Thánh Giuse đã bị lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm Người, và chỉ ba ngày sau đó, hai ông bà mới tìm được Chúa. Và khi ngồi giữa các bậc thầy trong Đền thờ, Chúa trả lời rằng: Chúa phải lo bổn phận của Cha, Đức Mẹ và Thánh Giuse không hiểu. Hai ông bà cần thời gian để học biết Chúa. Đối với chúng ta cũng vậy: hàng ngày, trong gia đình cần học cách lắng nghe và hiểu nhau, cùng nhau bước đi, cùng nhau đối diện với những xung đột và khó khăn. Đó là một thách đố hàng ngày, và vượt qua được nhờ thái độ đúng đắn, qua các cử chỉ đơn giản, quan tâm đến các chi tiết các mối tương quan của chúng ta. Và điều cũng giúp chúng ta rất nhiều là khi chúng ta nói chuyện với nhau tại bàn ăn. Việc cha mẹ, con cái, anh chị em nói chuyện với nhau sẽ giúp mọi người sống cội nguồn của gia đình, bắt nguồn từ ông bà, vì vậy cần phải nói chuyện với cả ông bà.
Trong gia đình, để giữ hòa thuận cần tránh cái “tôi”
Nhưng điều này được thực hiện như thế nào? Chúng ta hãy ngắm nhìn Đức Maria trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con” (câu 48). Cha con và mẹ, không phải mẹ và cha con. Trước khi nói về mình, Đức Mẹ nhắc đến Thánh Giuse trước! Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải đấu tranh với sự độc tài của cái “tôi”. Thật nguy hiểm khi thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại trách móc nhau về lỗi lầm; khi thay vì có những cử chỉ quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của mình; khi thay vì đối thoại, chúng ta tự cô lập mình với điện thoại, thật là buồn khi tại bàn ăn mỗi người với điện thoại, nói chuyện với điện thoại, không nói chuyện với nhau; khi chúng ta tố cáo nhau, luôn lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ, trong đó, mỗi người muốn là người có lý và rồi luôn kết thúc trong im lặng, lạnh lùng. Tôi nhắc lại một lời khuyên: vào buổi tối, khi mọi thứ đã kết thúc, hãy làm hòa. Đừng bao giờ đi ngủ khi chưa làm hòa, nếu không, hôm sau sẽ có “chiến tranh lạnh”! Và điều này thật nguy hiểm vì sẽ bắt đầu một câu chuyện trách móc, hờn giận. Đã bao lần, thật không may, xung đột bắt nguồn từ những bức tường gia đình do thời gian im lặng kéo dài và từ sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi điều này thậm chí kết thúc bằng bạo lực về thể chất và đạo đức. Điều này xé nát sự hòa hợp và giết chết gia đình. Chúng ta hãy hoán cải, biến đổi từ “tôi” thành “bạn”. Và mỗi ngày, xin hãy dành chút thời gian để cùng nhau cầu nguyện, xin Chúa ban bình an. Và tất cả chúng ta hãy dấn thân – cha mẹ, con cái, Giáo hội, xã hội – để nâng đỡ, bảo vệ và gìn giữ gia đình!
Xin Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của Thánh Giuse và Mẹ Chúa Giêsu nâng đỡ gia đình chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi/