Kitô giáo và những đóng góp quan trọng cho châu Âu lẫn thế giới

Sau 2.000 năm, những truyền thống bắt nguồn từ Kitô giáo vẫn tiếp tục góp phần hoàn thiện hơn xã hội châu Âu, theo phân tích của giáo sư – linh mục Antoni Matabosch, một chuyên gia hàng đầu về tôn giáo đại kết.
Kitô giáo và những đóng góp quan trọng cho châu Âu lẫn thế giới

Tình hình châu Âu hiện nay khá rối rắm và đầy những mâu thuẫn. Một mặt, châu lục này vẫn đầy những tiềm năng to lớn, mặt khác, lục địa già biểu hiện những dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, giáo sư Matabosch, người vừa được chính quyền Catalonia trao tặng giải thưởng Thánh giá Thánh George, đã đưa ra những luận điểm mà ông cho rằng Kitô giáo vẫn đang góp phần xây dựng châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, theo trang tin Aleteia.

Ý tưởng làm người như thế nào: Dựa trên truyền thống Kitô, con người biết được Thiên Chúa muốn thiết lập mối quan hệ tình thương/tình bạn với mỗi người. Tất cả nhân loại đều là con cái của Chúa. Mọi người đều bình đẳng và quan trọng. Tất cả đều là hình ảnh của Ngài.

Ý tưởng về “tồn tại” vượt trên “sở hữu”: Nếu tính cách mỗi người được hình thành không dựa trên sự tồn tại, họ dễ dàng sa vào xu hướng sùng bái hàng hóa. Chủ nghĩa tiêu dùng và năng suất hàng hóa sẽ trói buộc con người vào vòng khép kín mà qua đó, con người được nhìn nhận thông qua sự thể hiện bên ngoài. Thế nhưng, sự thừa mứa quá độ không khiến con người trở nên hoàn hảo hơn, mà càng khiến các cá nhân dễ dàng sập bẫy sự hào nhoáng của vật chất.

Giao thoa giữa lý trí và lòng bác ái: Truyền thống Hy Lạp đã mang đến cho loài người giá trị của lý tính (logos), và giá trị này đã đơm hoa kết trái trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của châu Âu, đặc biệt vào thời hiện đại. Tuy nhiên, con người phải loại bỏ một khía cạnh của chủ nghĩa duy lý. Phẩm cách và chân giá trị của nhân loại yêu cầu mỗi cá thể nên được thấm đẫm bởi tình yêu thương. Không phải tự nhiên mà Thánh Augustinô từng thốt lên câu nói để đời: “Con người không thể nào bước đến ngưỡng sự thật mà không thông qua cánh cửa của lòng khoan dung”. Sự cân bằng giữa lý trí và tình thương/lòng bác ái cũng cho phép con người hiểu được sự tồn tại không chối cãi của đức tin.

Quyền của con người, giá trị dân chủ và thượng tôn pháp luật: Sự hiểu biết về quyền và bản thân mỗi người, luôn tồn tại với phẩm giá bất khả xâm phạm, đã dần dần được xác nhận trở thành quyền của con người nói chung, và cuối cùng được LHQ tuyên bố vào năm 1948. Quyền con người cung cấp một cơ sở vững chắc cho việc thiết lập và sinh hoạt trong một môi trường của nền dân chủ, được xây dựng dựa trên thượng tôn pháp luật.

Cởi mở với sự siêu việt:Khi một xã hội tự khép kín và không mở cửa đón nhận những thứ bên ngoài, xã hội đó tự đẩy mình vào tình trạng bị bóp nghẹt. Bất kỳ xã hội nào cũng nên cởi mở trước những hình thái như cái đẹp, cái thiện, chân lý. Nó được tôn giáo bao bọc, nhưng đồng thời cũng khai mở đầu óc trước những khía cạnh không gian khác. Sự cởi mở đó chính là nguồn gốc tạo nên những tập đoàn lớn và là cội nguồn của sự sáng tạo.

“...Những trải nghiệm được các tôn giáo khác nhau thừa nhận trong các cuộc đối thoại liên tôn góp phần mạnh mẽ cho hòa bình và sự chung sống hòa bình…Tôn giáo đại kết và đối thoại liên tôn: Tôn giáo đại kết hướng đến sự thống nhất trong giới Kitô hữu và các giáo hội. Tôn giáo đại kết dựa trên nền tảng tự do tôn giáo; chấp nhận những giá trị của người khác, cho phép mỗi tôn giáo duy trì được sự độc đáo nhưng vẫn cởi mở với các ý tưởng mới mẻ; và cuối cùng phải dựa trên đối thoại. Mặt khác, châu Âu đang có xu hướng ngày càng phát triển thành xã hội đa nguyên và càng đa nguyên hơn về lĩnh vực tôn giáo. Và những trải nghiệm được các tôn giáo khác nhau thừa nhận trong các cuộc đối thoại liên tôn góp phần mạnh mẽ cho hòa bình và sự chung sống hòa bình.

Tạo điều kiện cho phiên bản Hồi giáo của châu Âu: Những giá trị và các khía cạnh cụ thể bắt nguồn từ Kitô giáo đã trở thành một yếu tố không thể thiếu cho văn hóa chung của châu Âu, cho phép những người Hồi giáo định cư ở châu lục có điều kiện thực hành một phiên bản riêng của Hồi giáo. Các giá trị cơ bản của châu Âu sẽ đóng vai trò dẫn dắt họ có sự tiếp nhận cởi mở hơn về các quyền của con người.

Sự hợp nhất của gia đình và đoàn kết xã hội: Nếu truyền thống châu Âu, dựa trên các bài giảng từ Kinh Thánh, dạy cho các Kitô hữu biết rằng mọi nam giới và phụ nữ đều bình đẳng về mặt phẩm giá, và cùng nhau hợp thành một cộng đồng nhân loại chung, thì mọi người nên cảm thấy có tình thân thuộc và bày tỏ sự đoàn kết với toàn bộ thế giới bên ngoài, ở mọi nơi con người đang hiện hữu. Giống như Đức Hồng y Martini đã kêu gọi: “Nếu chỉ xây dựng một ngôi nhà chung ở châu Âu là vẫn chưa đủ, mà còn phải góp phần vào sự hình thành nên “gia đình của mọi quốc gia”.

Văn hóa mới hoan nghênh sự đoàn kết: Truyền thống Kitô giáo nhấn mạnh vào tình yêu thương đối với mọi người, thông qua các biểu hiện và hành động của sự vị tha. Châu Âu cần phải học cách tạo ra một hệ thống và văn hóa của sự tị nạn và làn sóng di dân. Cánh cửa châu lục luôn nên được mở rộng cho những người lánh nạn và nhập cư. Sập cánh cửa trước mặt những người khác sẽ tạo ra một châu Âu ích kỷ và ác độc.

…Phải góp phần vào sự hình thành nên “gia đình của mọi quốc gia”…Quyền của mỗi người: Trong số những thế hệ mới của quyền con người, cùng với quyền cá nhân và kinh tế, chúng ta cần phải bao hàm cả quyền dựa trên văn hóa độc nhất vô nhị của từng người, cho phép họ hình thành một quốc gia, dù không có sự tồn tại của nhà nước. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nhiều lần lặp lại luận điểm này, đặc biệt trước LHQ vào năm 1995. Liên minh châu Âu cần phải quan tâm đến sự đoàn kết về mặt tổng thể, chứ không nên phản ảnh những bất công và những phiền phức dựa trên ranh giới từng quốc gia.

Học cách phân biệt giữa chính trị và tôn giáo; nhà nước và tôn giáo: Những thăng trầm trong lịch sử có thể vô cùng khác biệt, nhưng nếu quay về gốc rễ Thiên Chúa giáo, các Kitô hữu có thể đóng góp cho ý tưởng nhằm phân biệt tôn giáo khỏi nhà nước, và xoáy vào tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Theo đó, các chính phủ công nhận bản chất tự nhiên của các tôn giáo theo hướng tích cực, và nhu cầu đồng thuận nhằm tiến tới một xã hội hòa bình.

Xây dựng một ngôi nhà châu Âu chung: Hội đồng các giáo hội Kitô ở châu Âu nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải giúp tìm lại linh hồn của châu Âu, một dạng như là “mái nhà chung”, một hình mẫu cuộc sống bền vững và dựa trên giá trị nhân đạo, và các quy luật của ngôi nhà phải được đảm bảo bởi mối quan hệ của sự bình đẳng, cùng chia sẻ giá trị, đối thoại, thân thiện…

GIANG VÔ YÊN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc