Chưa bao giờ các nhà vatican học dùng chữ “chưa từng có” nhiều như vậy để nói về các hoạt động của triều Giáo hoàng Phanxicô.
Từ chiều đầu tiên 13 tháng 3-2013, Đức Phanxicô đã không ngừng gây ngạc nhiên về phong cách duy nhất của ngài. Nếu các vị tiền nhiệm của ngài, mỗi người theo cách riêng của mình tạo những bước ngoặt cho Giáo hội thì Đức Jorge Mario Bergoglio là khởi thủy của nhiều sáng tạo, đặc biệt qua các hành vi trong tinh thần đại kết và liên tôn giáo, nhưng nhất là qua thái độ mục vụ của ngài.
Phong cách Giáo hoàng Argentina trước hết là cắt đứt với lối sống xa hoa. Sau khi được bầu chọn, ngài chọn Nhà trọ Thánh Mácta làm nơi thường trú của mình, đây là một chọn lựa tận căn. Nhà trọ Thánh Mácta là nơi các hồng y ở trọ trong thời gian về Vatican dự mật nghị. Đức Phanxicô không dùng căn hộ giáo hoàng sơn son thiếp vàng mênh mông ở tầng ba dinh Tông tòa. Một chọn lựa không phải do tinh thần khó nghèo, nhưng do không muốn sống cô lập, ngài đã giải thích nhiều lần như trên.
Allô? Giáo hoàng Phanxicô đây…
Từ đó, ngài ấn định một phong thái duy nhất, không mặc áo ngắn đỏ giáo hoàng, không mang giày đỏ, cùng dùng xe buýt với đồng bạn giáo triều khi di chuyển ở Rôma, dùng xe riêng đơn giản. Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo thích sống như một cha xứ làng quê, đôi khi ngài còn có những chuyến ‘xuất hành’ bất ngờ, như đến một tiệm kiếng ở Rôma để thay mắt kính. Ngài cũng không ngần ngại cầm điện thoại lên gọi cho người này người kia, làm cho có lần đầu giây bên kia ngẫn ngơ không tin vào tai mình: “Xin chào, Giáo hoàng Phanxicô đây!”
Ngài là ngôi sao của những ngẫu hứng, rất nhiều lần ngài bỏ qua một bên bài diễn văn soạn sẵn để nói chuyện với đám đông, dù đôi khi làm như vậy cũng mếch lòng các cộng sự của mình. Các lần nói ngẫu hứng với đám đông này đã làm cho Đức Phanxicô được mến chuộng rất nhiều, dù ngài nói lui nói tới những chuyện mình đã nói, như xin mọi người có quyển Thánh Kinh trong túi, như phải có lòng thương xót Chúa trong tòa giải tội, hoặc các lời khuyên hiền hòa cho các cặp vợ chồng.
Giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh không ngừng rao giảng “phải đi ra vùng ngoại vi”… và ngài thực hiện điều này. Vô địch tiếp xúc với đám đông, ngài thích có những cử chỉ cụ thể với những người ở bên lề, cử hành thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh trong tù, rửa chân cho phụ nữ, những việc đã làm xáo trộn nghi thức phụng vụ. Không theo truyền thống phong hồng y xưa cũ, ngài phong cho các mục tử ở những địa phận bị bỏ quên. Tĩnh tâm Mùa Chay thì ngài đưa Giáo triều La mã đi ra khỏi tường thành Vatican.
Chiều được bầu chọn, ngài tự giới thiệu mình là người đến từ “tận cùng thế giới” sẽ “giải vùng, giải tập trung”, một trong các điểm quan trọng đánh dấu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Ngài khánh thành Năm Thánh, mở Năm Thánh Lòng Thương Xót trên tất cả các địa phận trên thế giới, dù có thể làm cho khách hành hương ít về Rôma. Ngài mở một ‘công trường lớn’ cho gia đình, ngài đặt chân lên các vùng đất dễ bị phỏng, nhất là việc đón nhận người ly dị tái hôn, làm cho Thượng Hội Đồng phải bối rối.
Được mến chuộng ở tầm vóc quốc tế
Điều không chối cãi là Đức Phanxicô đã mang đến nhiều bước ngoặt nhất về mặt đại kết. Ba năm đầu tiên triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, người ta thấy hai vụ xích lại gần với các Giáo hội kitô trước đây có khuynh hướng dè dặt với Rôma, các vụ này đều mang tính lịch sử. Tháng 6-2015, lần đầu tiên có chuyến thăm giáo hoàng ở Vaud, Turinô. Một sự kiện mà sau đó một nhóm người Vaud đến viếng thăm Vatican chín tháng sau. Ngày 12 tháng 2-2016, lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Giáo hoàng gặp Thượng phụ Chính thống Matxcơva và toàn nước Nga ở Cuba. Họ đã ký một hiệp ước chung. Nếu sự xích lại gần đã có thể làm từ triều Đức Bênêđictô XVI từ lâu, thì các quan sát viên cho rằng, nền ngoại giao thời Đức Phanxicô rất đáng xứng công, vẫn luôn cẩn thận về vấn đề Ukraina. Đức Phanxicô đã khẳng định, “sự hiệp thông giữa người chính thống và người công giáo là một trong các quan tâm hàng đầu của tôi.”
Về đối thoại liên tôn, từ đầu năm 2016 Đức Phanxicô nhận lời mời viếng thăm một nguyện đường hồi giáo ở Rôma, đây là lần đầu tiên của một triều giáo hoàng. Tháng 11 năm 2015, cũng dưới triều giáo hoàng của ngài, một tài liệu chính thức của Hội đồng các quan hệ tôn giáo với Do thái giáo khẳng định Giáo hội Công giáo không tìm các làm cho các tín hữu Do thái giáo trở lại. Một tuyên bố được Tòa Thượng phụ Israel chào mừng, mở nhiều cánh cửa cho một đối thoại trong tương lai.
Giáo hoàng “môi sinh”
Tháng 6 năm 2014, Đức Phanxicô đã hội Tổng thống Israel và Palestina tại Vườn Vatican để cầu nguyện cho hòa bình ở Đất Thánh với nhiều tiếng nói: Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Một sáng kiến chưa bao giờ thấy ở một lãnh vực mà đối thoại liên tôn thường xen vào các vấn đề của địa chính trị. Và cũng do sự thúc đẩy của ngài, tháng 3 năm 2014, phát sinh Mạng Tự do Toàn cầu (Global Freedom Network, GFN) ở Vatican, để chống lại nạn nô lệ hiện đại và cũng là lần đầu tiên quy tụ các đại diện công giáo, anh giáo và hồi giáo. Trên bàn cờ chính trị quốc tế, người ta thấy bàn tay ngài đưa ra với Trung Quốc, sự đóng góp của ngài trong sự xích lại gần nhau của hai nước Cuba và Mỹ.
Nếu Đức Bênêđictô XVI đã được gọi là ‘giáo hoàng xanh” thì Đức Phanxicô cũng được gọi như vậy qua việc xuất bản Thông điệp “Chúc tụng Chúa”, một văn bản nói về môi sinh nhân loại được công bố vào tháng 6 năm 2015. Bản văn được đón nhận như một đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi sinh, dù bản văn không phải chỉ là “thông điệp xanh,” nhưng còn đóng góp vào “công chính xã hội,” như các cộng sự của ngài giải thích. Sau sự kiện này, từ Vatican, gần 70 thị trưởng các thành phố lớn trên thế giới, cũng như các đại diện của Liên Hiệp Quốc trên toàn thế giới đã lên tiếng họ “đồng minh cho sự phát triển lâu bền”.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 11.03.2016/
cath.ch, Anne Kurian, 2016-03-09)