Lao động là thánh thiêng và là một phần của ơn gọi làm người

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19-8-2015 ĐTC đã khai triển đề tài gia đình và công ăn việc làm. Lễ nghỉ và lao động là hai yếu tố trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. ĐTC nói:

 PopeFrancis-19Aug2015-2.jpg

Người ta thường nói việc làm cần thiết để duy trì gia đình, nuôi nấng con cái lớn lên, và bảo đảm cho những người thân một cuộc sống xứng đáng. Đề cập đến một người nghiêm chỉnh, liêm khiết, điều đẹp nhất mà người ta có thể nói là: “Đó là một người làm việc”, họ thật là một người làm việc, là một người không sống trên vai người khác trong cộng đoàn. Tôi thấy có nhiều người Argentina ở đây và tôi sẽ nóí như chúng ta thường nói: “No vive de arriba Không sống trên cao”

 

Thật thế, công việc làm, trong hàng ngàn hình thái của nó, bắt đầu từ công việc nội trợ, cũng lo lắng cho công ích. Và người ta học kiểu sống cần mẫn này ở đâu? Trước hết trong gia đình. Gia đình giáo dục làm việc với gương của cha mẹ: cha mẹ làm việc cho thiện ích của gia đình và xã hội.

 

Trong Phúc Âm, Thánh Gia Nagiarét xuất hiện như một gia đình công nhân, và chính Chúa Giêsu cũng  được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) hay một cách trực tiếp là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Và thánh Phaolô sẽ cảnh cáo  các kitô hữu: “Ai không làm việc thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10). Đây là một phương pháp tốt giúp gầy đi, không làm thì đừng ăn! Thánh Tông Đồ rõ ràng ám chỉ khuynh hướng duy linh giả dối của vài người sống trên vai các anh chị em khác mà “không làm việc gì cả” (2 Tx 3,11).

 

Dấn thân làm việc và sống cuộc sống tinh thần, trong quan niệm kitô, thật ra không trái nghịch nhau. Hiểu rõ điều này thật là quan trọng! Cầu nguyện và làm việc có thể và phải hòa hợp với nhau, như thánh Biển Đức dậy. Thiếu công ăn việc làm cũng gây hại cho tinh thần cũng như thiếu cầu nguyện cũng làm hại cho sinh hoạt cụ thể.

 

Tôi xin lập lại lao động, trong hàng ngàn hình thái của nó, là đặc điểm của con người. Nó diễn tả phẩm giá của con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế người ta nói rằng công việc là thánh thiêng. Do đó việc quản trị công ăn việc làm là một trách nhiệm lớn của con người và của xã hội, không thể để trong tay một ít người hay được giao cho một “thị trường” được thần thánh hóa. Làm mất đi chỗ làm việc có nghĩa là gây ra cho xã hội một thiệt hại nghiêm trọng. Tôi cảm thấy buồn, khi trông thấy có người không có công ăn việc làm, không tìm ra việc và không có phẩm giá đem bánh về cho gia đình. Và tôi vui mừng biết bao, khi trông thấy các vị lãnh đạo làm mọi cố gắng để tìm ra công ăn việc làm và để cho tất cả mọi người đều có một việc làm. Việc làm là thánh thiêng, việc làm trao ban phẩm giá cho một gia đình. Chúng ta phải cầu nguyện để không thiếu việc làm cho một gia đình.

 

Như vậy cũng giống ngày lễ, công việc làm là một phần trong chương trình của Thiên Chúa Tạo Vật. Trong sách Sáng Thế, đề tài trái đất như là nhà – vườn được trao phó cho sự săn sóc và việc canh tác của con người (St 2,8.15) đã đuợc diễn tả trước với một đoạn rất đánh động: “Khi Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai, và Người làm trào lên từ đất nước của các con kinh để tưới” (St 2,4b-6). Đây không  phải là chuyện thơ mộng, mà là mạc khải của Thiên Chúa. Và chúng ta có trách nhiệm hiểu biết nó và thấm nhuần nó tới nơi tới chốn. Thông điệp Laudato si’ đề nghị một môi sinh toàn vẹn cũng có sứ điệp này: vẻ đẹp của trái đất và phẩm giá của công việc làm được làm ra để nối kết với nhau. Cả hai chúng đi với nhau: trái đất trở nên xinh đẹp, khi nó được con người canh tác. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

 

Khi công việc làm bị tách rời khỏi giao ước của Thiên Chúa với ngưòi nam và người nữ, khi nó bị tách rời khỏi các phẩm tính tinh thần của chúng, khi nó là con tin của cái luận lý lợi nhuận thôi, và khinh rẻ các tâm tình của cuộc sống, việc làm giảm giá trị của linh hồn  khiến ô nhiễm tất cả: kể cả khí, nước, cỏ cây và thực phẩm… Cuộc sống dân sự bị hư thối và môi sinh bị hư hoại. Và các hậu quả âm hưởng nhất là trên những người nghèo nhất và các gia đình nghèo nhất. Việc tổ chức công ăn việc làm tân tiến đôi khi cho thấy một khunh hướng nguy hiểm  coi gia đình như là một chướng ngại, một gánh nặng, một sự thụ động đối với sự sản xuất của công việc làm. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: sự sản xuất nào đây? Và sản xuất cho ai? Cái gọi là “thành thị thông minh” chắc chắn là giầu việc phục vụ và tổ chức. Tuy nhiên, nó thường thù nghịch với trẻ em và người già.

 

Đôi khi người đề ra dự án chú ý tới việc quản trị sức mạnh việc làm cá nhân, cần quy tụ, sử dụng hay gạt bỏ, tùy theo sự phù hợp kinh tế. Gia đình là một trường thử nghiệm lớn. Khi sự tổ chức việc làm bắt nó làm con tin, hay tệ hơn ngăn cản đường đi của nó, thì khi đó chúng ta chắc chắn là xã hội loài người đã bắt đầu làm việc chống lại chính nó.

 

Các gia đình kitô nhận được  từ việc kết hiệp này một thách đố và một sứ mệnh lớn. Chúng đem vào đó các yếu tố nền tảng công trình tạo dựng cuả Thiên Chúa: căn tính và mối dây nối kết của nguời nam và người nữ, việc sinh con cái, việc làm khiến cho đất đai được thuần thục và thế giới có thể ở được. Đánh mất đi các nền tảng này là một việc vô cùng nghiêm trọng, vì trong căn nhà chung đã có quá nhiều vết nứt rạn rồi! Nhiệm vụ không dễ. Đôi khi đối với các hiệp hội gia đình có thể xem ra như Đavít đứng trước mặt Gôliát… nhưng chúng ta biết câu chuyện thách thức ấy đã kết thúc ra sao! Cần phải có đức tin và sự khôn khéo. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tiếp đón lời kêu gọi của Ngài với niềm vui và lòng hy vọng, trong lúc khó khăn này của lịch sử của chúng ta, ơn gọi làm việc để trao ban phẩm giá cho chính mình và cho gia đình mình.

 

ĐTC đã chào các nhóm hành hương Pháp,  đặc biệt các linh mục trong ngày lễ thánh Jean Eudes. Ngài nói trong lúc khó khăn này của lịch sử chúng ta hãy xin Chúa nâng đỡ các gia đình trong cuộc sống thường ngày và trong sứ mệnh của chúng. Xin  Chúa cho các gia đình can đảm và trung thành giữ gìn các giá trị nền tảng của thụ tạo.

 

Chào các nhóm nói tiếng Anh, nhất là các đoàn hành hương Nhật Bản, ĐTC xin Chúa Kitô củng cố đức tin của họ và của gia đình họ để họ có thể là dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót Chúa giữa lòng thế giới.

 

Chào các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Brasil, ngài cầu chúc chuyến hành hương củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô, là Đấng mời gọi các gia đình cộng tác vào việc xây dựng một thế giới công bẳng và tốt đẹp hơn.

 

Với các nhóm Ba Lan ĐTC nói mùa hè là thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức mạnh cho thân xác và tinh thần để chu toàn các nhiệm vụ của mình, cũng như suy tư về ý nghĩa công việc làm trong cuộc sống cá nhân, gia dình và xã hội. Việc làm có thể là con đường nên thánh, nếu nó được thực thi như là sự tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa và diễn tả tình yêu đối với tha nhân, nhất là các người thân trong gia đình.

 

Chào các nhóm tiếng Ý ngài nói: Ngày mai cộng đoàn đại kết Taizé kỷ niệm 75 năm thành lập, tôi muốn gửi lời chào kèm theo lời cầu nguyện tới các anh em đan sĩ, trong niềm tưởng nhớ vị sáng lập yêu quý là thầy Roger Shutz, mà cách đây ba ngày chúng ta đã tưởng niệm 10 năm qua đời. Xin chúc cộng đoàn tiến bước tốt đẹp.

 

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội nhớ thánh Jean Eudes. Xin lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Mẹ Maria của thánh nhân dậy giới trẻ cần sự bầu cử của người trên con đường thiêng liêng; khích lệ các anh chị em bệnh nhân đương đầu với khổ đau trong dức tin; và khuyến khích các đôi tân hôn biết giáo dục con cái Chúa sẽ ban cho họ.

 

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

 PopeFrancis-19Aug2015-1.jpg

 

 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 20.08.2015)