Fleur Dorrell
Kinh Thánh dành sự thánh thiện cho Thiên Chúa, Giavê được gọi là Đấng Thánh. Đây là sự thánh thiện cực kỳ, một điều gì đó khác lạ mà đứng trước nó thì con người chỉ có tôn kính và sợ hãi như trong Stk 15,12; 28,10-19; Xh 3,1-6; I Sm 6,13-21 và 2 Sm 6,1-10. Nhưng Thiên Chúa thông ban sự thánh thiện của Ngài cho dân Israel như ta đọc thấy trong Is 12,6; 29,19-23; 30,11-15; 31,1-3. Họ trở thành dấu hiệu cho các dân tộc, trong đời sống hằng ngày, trong đời sống đức tin và phụng tự. Họ tỏ bày một cách sống khác cho các dân tộc quanh mình như được đề cập đến trong Lv 19,1-37; 21,1-2 và Kh 4,1-11.
Để thực hiện sự thánh thiện mà Thiên Chúa kêu mời này, trước hết dân Chúa chọn không chỉ có những phương tiện theo lề luật và thực hành là thanh tẩy bên ngoài. Họ phải thấy được nhu cầu hoán cải nội tâm nhiều hơn nữa, tìm kiếm sự thanh tẩy tâm hồn cho phép họ có được sự thân mật gần hơn với sự thánh thiện, và vì vậy, đó là đời sống của Thiên Chúa như được mô tả trong Is 6,1-7; Tv 14; Ed 36,17-32 và 1 Pr 1,14-18. Họ hy vọng sự thánh thiện được Thiên Chúa thông truyền trực tiếp. Niềm hy vọng này được thực hiện trong Đức Kitô, Đấng tỏa ra sự thánh thiện và thánh tính của Thiên Chúa ngự trên Ngài như ta thấy trong Ga 3,1-15, 1 Cr 3,16-17; Gl 5,16-25 và Rm 8,9-14. Và Đức Giêsu đến để thánh hóa tất cả nhân loại.
Như là “Đức Chúa”, Đức Giêsu Kitô thông truyền thánh tính và sự thánh thiện của Ngài cho Giáo Hội qua giáo huấn của Ngài và các bí tích. Đây là những phương tiện của cuộc sống thần nhân (divine-human life) của Ngài để chữa lành và giao hòa, được tiếp tục trong thế giới qua Giáo Hội. Chúng ta thấy điều này trong Mt 13,24-30; 25,2; Cl 1,22 và 2 Cr 1,12. Giáo huấn này mạnh mẽ trong cộng đoàn Kitô giáo sơ thời của thế kỷ I đến nỗi họ tự gọi mình là “Các Thánh” như được nói đến trong 2 Cr 11,12; Rm 15, 26-31 và Ep 3,5-8; 4,12; và họ gọi Giáo Hội là “sự hiệp thông của các thánh”. Tước hiệu này, chúng ta vẫn sử dụng trong Kinh Tin Kính, đã có nguồn gốc trong cử hành Thánh Thể, nơi mà những người thánh thiện, Các Thánh, tham dự vào “những sự thánh” (Holy things). Như vậy, sự thánh thiện của Kitô hữu được xem như thông phần vào đời sống được chia sẻ của Thiên Chúa hiện diện trong các hành vi của Giáo Hội, trên hết là trong các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.
Khi ta được rửa tội, tên một vị thánh được gán cho chúng ta để ta hành động như vị thánh bổn mạng của mình (hoặc ta có thể chọn một vị thánh nào đó nếu là người trưởng thành được rửa tội). Khi nhận bí tích Thêm sức, một lần nữa ta chọn tên một vị thánh để trở thành gương mẫu và nguồn cảm hứng trong đời sống đức tin lâu dài của chúng ta. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, chúng ta đồng hành cùng các thánh. Vì thế, thực hành đạo đức của người Công giáo là cầu xin sự can thiệp của các anh chị em đã qua đời trong Đức Kitô – các thánh – đã có từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, và được chia sẻ bởi người Công giáo, Chính thống giáo Đông phương, các Kitô hữu Đông phương khác, và một vài giáo hội Anh giáo. Ngày lễ Các Thánh Nam Nữ được xác định vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Hiện Xuống (ngày này vẫn còn được giữ trong Giáo Hội Đông phương). Trong Giáo hội Tây phương, nó được chuyển vào ngày 13 tháng 5 để phù hợp với ngày lễ cung hiến điện Pantheon ở Rôma làm Vương cung thánh đường Sta Maria ad Martyres vào năm 609 Công nguyên.
Đức giáo hoàng Grêgôriô IV đã chuyển lễ này vào ngày 1 tháng 11 khi ngài cung hiến một nhà nguyện trong Đền thờ Thánh Phêrô cho “Các Thánh” và mở rộng ngày lễ đến với những người tuyên xưng đức tin và các vị tử đạo. Tháng 11 là tháng sau mùa gặt nên có nhiều nguồn cung cấp lương thực hơn cho những đám đông đến tham dự, vì thế tháng này có nhiều ý nghĩa hơn để khuyến khích lòng đạo đức này trong suốt tháng. Ngày lễ Các Thánh đem lại cho người thờ phượng nhiều cơ hội hơn để đền bù những thiếu sót trong việc tôn kính các thánh trong năm; và vì đã có quá nhiều vị thánh nên dường như thật hợp lý khi tôn vinh tất cả cùng nhau và trong cùng một ngày.
Như Kinh Thánh cho biết, những người đã ở trên trời biết đến lời cầu xin của những người còn trên mặt đất. Ta thấy điều này trong Khải Huyền 5,8 khi Gioan mô tả rằng các thánh trên trời dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa dưới hình dạng “những bát vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh”. Nếu các thánh trên trời dâng lời cầu xin của chúng ta lên Thiên Chúa thì họ phải biết những lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta tin vào việc tôn vinh và cử hành sự hiệp thông các thánh trên trời vào ngày đặc biệt này vì họ được kết hợp với Đức Kitô, và sự hiện diện của họ trên trời cho phép toàn thể Giáo hội trên mặt đất này theo gương sự thánh thiện của họ.
Tôi muốn trải qua thiên đàng khi làm việc lành trên trái đất này (Thánh Têrêsa Lisieux)
Như sự hiệp thông và tình bằng hữu Kitô giáo trong những người hành hương của chúng ta mang chúng ta đến gần hơn với Đức Kitô, thì sự hiệp thông của chúng ta với các thánh liên kết chúng ta với Đức Kitô bây giờ và mãi mãi. Vì thế, chúng ta có thể và nên cầu xin họ can thiệp cho chúng ta và cho thế giới.
Đừng khóc, tôi sẽ hữu ích cho anh em sau khi chết và tôi sẽ giúp anh em hiệu quả hơn là khi tôi sống (Thánh Đaminh nói với các anh em khi hấp hối).
Tuy nhiên, sự thánh thiện không phải là kết quả hay phần thưởng của nỗ lực hay sự anh dũng của con người mà đúng hơn là ân sủng của tình yêu Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của tâm hồn của người trước sáng kiến của Thiên Chúa. Dante, nhà thơ vĩ đại của Ý thời Trung cổ, đã hiểu đúng điều này khi ông cơ cấu nhãn quan tuyệt vời của mình về hỏa ngục, luyện ngục, và thiên đàng quanh một tình yêu bền vững. Thoạt đầu, tình yêu thuộc về nhân loại, của một người nam dành cho một người nữ, của Dante dành cho Beatrice. Nhưng khi tìm kiếm sự sâu thẳm của tình yêu đó, ông mở ra với nguồn gốc của mọi tình yêu, và cuối cùng thấy mình bị thu hút vào chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi cử hành lễ Các Thánh, Giáo hội cử hành chính ơn gọi của mình là mở ra trong tâm trí và tâm hồn với tình yêu hòa giải của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Và từ trong tình yêu đó giúp sức và nâng đỡ những ai cần đến nó trong quyền năng của Thánh Thần, Đấng khiến cho mọi sự thánh thiện đều có thể.
Kinh Chiều ngày lễ Các Thánh được tiếp nối ngay bằng lễ Các Đẳng Linh Hồn – nghĩa là những người được cầu cho tiếp theo sau những người được cầu đến – được cử hành vào ngày 2 tháng 11. Được cử hành sau một ngày, lễ này có đích nhắm khác. Đây là ngày cầu nguyện cho tất cả những ai đã qua đời và ra đi trước chúng ta nhưng tình trạng của họ không rõ ràng như “Các Thánh” của chúng ta. Trong cuộc sống, ta hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, chúng ta yêu và được yêu hơn, thuận tiện hơn trong mọi hoàn cảnh, hạnh phúc hơn và khỏe hơn. Nhưng luôn có đó một nhận thức nền tảng rằng thời gian bị hạn chế, không chóng thì chầy chúng ta sẽ chết. Ta biết điều này nhưng không cần phải giữ nó trong tim cho đến khi có những hoàn cảnh đặc biệt buộc ta phải nhớ đến nó. Như vậy, lễ Các linh hồn dành cho tất cả những ai đã chết và chưa đạt được thiên đàng. Đây là ngày quan trọng đến nỗi Giáo hội Công giáo ban ân xá khi viếng nhà thờ trong ngày này. Ân xá là cách mạnh mẽ để biểu lộ tình yêu của chúng ta dành cho một người bạn và thành viên gia đình vừa mới qua đời.
Giáo hội Công giáo dạy rằng sự thanh tẩy các linh hồn trong luyện ngục có thể được trợ giúp bằng lời cầu của các tín hữu trên mặt đất. Giáo huấn này cũng dựa trên thực hành cầu nguyện và bác ái dành cho kẻ chết được nói đến trong 2 Maccabê 12,42–46. Ở phương Tây có nhiều bằng chứng về tập quán cầu cho kẻ chết được ghi trên các văn bia trong hầm mộ (catacombs) với lời cầu nguyện liên lỉ cho sự bình an của các linh hồn người qua đời và trong các phụng vụ sơ thời chứa đựng nhiều kinh tưởng niệm cho người qua đời. Tertullianô, Cyprianô và các giáo phụ phương Tây sơ thời khác cũng đã chứng kiến việc thực hành đều đặn các lời cầu nguyện cho người chết trong số các Kitô hữu sơ thời. Nền tảng cơ bản cho ngày lễ này là giáo lý cho rằng các linh hồn, sau khi bỏ lại thân xác trên mặt đất, đã không được sạch tội hay chưa hoàn toàn đền những tội lỗi trong quá khứ, họ chưa sẵn sàng để gặp Chúa. Những linh hồn này đi vào trong một trạng thái gọi là Luyện ngục (Purgatory). Các tín hữu trên trần gian được khuyến khích giúp đỡ họ trên hành trình từ Luyện ngục lên Thiên đàng bằng cách dâng lời cầu nguyện, bố thí và tham dự thánh lễ dành cho họ trong ngày này.
Vì thế, trong đức tin, chúng ta theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng đối diện sự chết với cùng sự quảng đại khi Ngài đối diện với sự sống, và lời hứa trong sự phục sinh của Ngài khẳng định niềm hy vọng sâu thẳm của chúng ta rằng sự sống không mất đi. Kinh Thánh nói với chúng ta về một nơi được chuẩn bị cho chúng ta ngay từ khi bắt đầu thời gian, xem Tv 26; Is 25,6-9; Kh 21,1-7. Chúng ta được dẫn tới niềm hy vọng về một hành trình tiếp tục đi vào sự sống và vào tình yêu Thiên Chúa. Nhưng cái chết là một thực tại có thật của dự phóng trần thế của chúng ta. Nó khiến cho ta và những người khác nhìn lại toàn bộ cuộc sống mình và thấy ta như thế nào, ta được kết quả gì và những gợn sóng nào vẫn còn đi qua thời gian và không gian khi ảnh hưởng đến người khác.
Nhưng bên kia cái chết chúng ta đi vào sự hiện diện thân mật của Đấng Tạo Dựng đầy yêu thương và có lẽ lần đầu tiên ý thức được sự thẳm sâu của của tình yêu đã đưa chúng ta đến hiện hữu và giúp đỡ ta trong cuộc sống. Và ta thấy được bản tính câu trả lời của chúng ta. Ai trong chúng ta có thể tin chắc là mình sẽ đi đến cuộc hội ngộ đó, đã hoàn thành, đã chín muồi trong đức tin và đức ái, hòa giải hoàn toàn và mở ra sự sống với Thiên Chúa và các thánh? Có bao nhiêu người trong chúng ta nghi ngờ rằng mình có thể tìm thấy mình trước một tình yêu như thế và hổ thẹn về tất cả những gì trong cuộc sống chúng ta, những tư tưởng, những hành vi, thói quen, những điều không phải là của Đức Kitô? Tại thời khắc đó, chúng ta sẽ bị phán xét bởi chính chúng ta cũng như bởi Thiên Chúa của sự sống. Tất cả được hiến dâng cho chúng ta nhưng nào ta có sẵn sàng và mở ra để đón nhận tất cả đâu?
Chính vì thời khắc khủng hoảng sâu sắc này mà có ngày lễ Các đẳng linh hồn. Lời cầu của chúng ta và của các thánh đi trước chúng ta bao bọc và hỗ trợ những người đang cần mở ra các lãnh vực trong tâm trí và tâm hồn họ đã bị đóng lại vì tính vị kỷ và tội lỗi, để họ có thể tiến vào sự sống được hứa và chuẩn bị từ thuở đời đời. Như trên mặt đất này chúng ta bao bọc và trợ giúp những người chúng ta yêu mến đang bị đe dọa bởi bóng tối bệnh tật, thất vọng và cô đơn, lời cầu nguyện của chúng ta cũng đồng hành và làm cho những ai đi trước chúng ta mở ra với lòng thương xót Chúa và sự tha thứ được trao ban nhưng không. Tất cả chúng ta đều có khả năng từ chối hoàn toàn với tình yêu và lòng thương xót nhưng ngày lễ này nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ đối diện với thời khắc thử thách đó mà không được đồng hành hay không được trợ giúp.
Một thành phần đặc biệt trong phụng vụ của thời gian này là bài ca “Dies Irae”, nghĩa là “Ngày thịnh nộ”. Đây là bài thánh ca bằng tiếng Latinh mô tả Ngày phán xét, tiếng kèn cuối cùng triệu vời các linh hồn đến trước ngai Thiên Chúa, nơi người được cứu sẽ được giải thoát và người không được cứu sẽ bị ném vào lửa đời đời. Bài thánh ca nổi tiếng được sử dụng làm ca tiếp liên trong Thánh lễ Công giáo Rôma cầu cho người qua đời, dựa vào sách Xôphônia 1,14-18 ở cuối Cựu Ước.
Ngày vĩ đại của ĐỨC CHÚA
Đã gần rồi, ngày của ĐỨC CHÚA, ngày vĩ đại,
đã gần rồi, ngày ấy đến thật mau.
Trong ngày của ĐỨC CHÚA
sẽ vọng lên những tiếng kêu thê thảm,
ngay bậc anh hùng cũng phải kêu cứu
Ngày đó là ngày thịnh nộ, ngày khốn quẫn và gian truân,
ngày huỷ diệt và tàn phá, ngày tối tăm và mịt mù,
ngày âm u và ảm đạm,
ngày vang tiếng tù và với tiếng hét xung phong
tấn công vào các thành kiên cố
và các tháp cao ở góc tường thành.
Dân cư sẽ bị Ta vây hãm, chúng sẽ bước đi như những kẻ mù
vì đã đắc tội với ĐỨC CHÚA.
Máu chúng sẽ đổ ra chan hoà, và thịt chúng rữa ra như rác rưởi.
Dù bạc hay vàng cũng không cứu nổi chúng:
trong ngày ĐỨC CHÚA nổi lôi đình,
lúc cơn ghen của Người bừng lên như lửa;
bấy giờ toàn cõi đất sẽ bị thiêu rụi.
Quả thật, Người sắp thi hành án diệt vong
để trừng phạt dân cư toàn cõi đất, điều ấy thật kinh hoàng.
“Ngày thịnh nộ” (Dies Irae) là đề tài sáng tác của nhiều nhà soạn nhạc như Berlioz, Lizst, Mozart, Verdi, Stravinsky, Saint-Saëns và Mussorgsky. “Dies Irae” trong hình thức nguyên thủy của nó cũng được tìm thấy trên màn ảnh, từ The Lion King đến The Shining, từ The Lord of the Rings, Star Wars – Episode IV, A New Hope đến It’s a Wonderful Life. Nó cũng nổi bật trong nhạc phim Mad Max, Django Unchained, Black Mirror và The Simpsons.
Để hiểu rõ nhất về hành trình chúng ta về phía bên kia, ta nên quay về với “Thần khúc” (Divine Comedy) của Dante, vẫn còn ngự trị trên tất cả các tác phẩm khác. Không có bộ văn chương nào khác có thể sánh với nhãn quan phổ quát của ông. Ông ôm cả trời đất trong chi tiết thơ ca, sự vĩnh cửu và thời gian với tiền thức đáng kinh ngạc. Ông tỏ bày các mầu nhiệm Thiên Chúa và các biến cố nhân loại qua nhiều nhân vật có thể nhận biết được, các thánh và những tội nhân; ông dẫn đưa tới giáo lý và giáo huấn thánh từ ánh sáng của tư tưởng suy lý, hoa trái của kinh nghiệm cá nhân và sự khôn ngoan tập thể của lịch sử. “Thần khúc” có tính thực tiễn, khai minh và biến đổi. Nó không chỉ là thơ ca gợi hứng cái đẹp hay luân lý nhưng làm biến đổi tận căn tâm hồn con người. Dante dẫn đưa chúng ta từ hỗn độn đến khôn ngoan, từ tội lỗi đến thánh thiện, từ nghèo nàn đến niềm vui, và từ thực tại kinh khủng của hỏa ngục đến thị kiến hạnh phúc của Thiên đàng nơi các thánh chờ đợi chúng ta trong vinh quang.
Nguồn: gpquinhon.org (30.10.2022)