Lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ trong lịch phụng vụ cũ gọi là lễ ”Thanh tẩy của Đức Maria”, hay theo thói quen bình dân gọi là ”Lễ nến”, cử hành 40 ngày sau lễ Giáng Sinh.


 
Thật ra đây là lễ của Chúa Kitô chứ không phải lễ của Đức Mẹ. Biến cố này đã được thánh sử Luca thuật lại trong chương 2 như sau: ”Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môshê, Bà Maria và Ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ”Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,22-24).

Là những người trung thành tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse thực thi điều Luật Thiên Chúa đã truyền cho ông Môshê như ghi trong chương 13 sách Xuất Hành: ”Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta”; ”Vậy khi Giavê đã đưa ngươi vào đất Canaan như Người đã thề với ngươi và cha ông của ngươi, và khi Người đã ban đất ấy cho ngươi, thì ngươi phải nhượng lại cho Giavê mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi: các con đực thuộc về Giavê. Mọi con đầu lòng của giống lừa ngươi sẽ lấy con chiên mà chuộc lại; nếu ngươi không chuộc lại, thì đánh gãy ót nó đi. Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại. Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: Điều đó nghĩa là gì? Thì ngươi sẽ nói với nó: ”Giavê đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Bởi vì Pharaô làm khó dễ khi phải thả chúng ta ra, nên Giavê đã sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ con đầu lòng của loài người cho đến con đầu lòng của loài vật, vì thế mà cha tế dâng Giavê mọi con so giống đực; còn con đầu lòng trong số con cái cha, thì cha chuộc lại” (Xh 13,11-15).

Cũng trong dịp này người mẹ làm lễ thanh tẩy cho chính mình như ghi trong chương 12 sách Lêvi: ”Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình. Nếu sinh con gái, thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng hai tuần, như khi có kinh; rồi nó phải đợi sáu mươi sáu ngày cho máu được thanh tẩy.

Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế ở cửa Lều Hội Ngộ, một chiên con một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một con chim gáy làm lễ tạ ơn. Tư tế sẽ tiến dâng chúng trước nhan Giavê và cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ được thanh tẩy sau khi đã xuất huyết. Đó là luật về người đàn bà sinh con trai hay con gái. Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch” (Lv 13,6-8).

Việc dâng con trai đầu lòng trước Nhà tạm có ý nghĩa chuộc con, vì nó thuộc Thiên Chúa như viết trong chương 18 sách Dân Số: Đức Chúa phán với ông Aharon: ”ngươi phải cho chuộc lại con đầu lòng của người ta, và con đầu lòng của súc vật không sạch, ngươi cũng cho chuộc lại. Ngươi sẽ cho chuộc khi nó được một tháng; tiền chuộc ngươi sẽ ấn định là mười lăm chỉ bạc, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện. Nhưng bò, chiên và dê đầu lòng, ngươi sẽ không cho chuộc lại. Chúng là vật thánh, nên máu chúng, ngươi sẽ đổ trên bàn thờ, còn mỡ thì sẽ đốt làm hỏa tế thành hương thơm làm đẹp lòng Đức Chúa, và thịt thì để cho ngươi dùng, cũng như thịt sườn đã được tiến dâng theo nghi thức và thịt đùi bên phải đều thuộc về ngươi.” (Ds 18,15-18).

Chúng ta có tin liên quan tới lễ Dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thánh tại Giêrusalem từ bà Eteria, một tín hữu hành hương nổi tiếng nhất của thời cổ Kitô. Bà đã viếng thăm các nơi thánh bên Palestina vào giữa thế kỷ thứ VI. Nhưng lễ này đã được cử hành một thế kỷ trước đó, chẳng hạn tại Alessandria bên Ai Cập, nơi thánh Cirillo cũng làm chứng cho cuộc rước với ánh sáng và đuốc. Tại Constantinopoli vào năm 534 lễ này được hoàng đế Giustiniano dời từ ngày 14 sang ngày mùng 2 tháng Hai, trong khi nó được Đức Giáo Hoàng Sergio người Siri du nhập vào Giáo Hội Roma vào cuối thế thỷ thứ VII.

Đề tài Chúa Kitô Ánh Sáng định tính cho toàn chu kỳ các ngày lễ Giáng Sinh và đạt tột đỉnh với lễ Hiển Linh, tức biến cố Chúa tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ đại diện cho các dân tộc không do thái, được kéo dài cho tới ngày lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Cử chỉ của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse chu toàn Lề Luật trong kiểu dấu ẩn khiêm tốn định tính việc Nhập thể của Con Thiên Chúa, nhận được sự tiếp đón từ cụ già Simeon và nữ ngôn sứ Anna. Được Thiên Chúa linh hứng, họ vào Đền Thờ và nhận biết Đấng Cứu Thế nơi Hài Nhi Giêsu. Trong cuộc gặp gỡ giữa cụ già Simeon và Đức Maria người mẹ trẻ, Cựu Ước và Tân Ước nối kết với nhau một cách tuyệt vời trong việc tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Giêsu Kitô Hài Nhi Cứu Thế là Ánh Sáng chiếu soi toàn nhân loại và là vinh quang của Israel.

Thánh sử Luca miêu tả lại cảnh này như sau: ”Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simeon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm vui của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc Mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: ”Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là Ánh Sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài”. Cha và Mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simeon nói về Người. Ông Simeon chúc phúc cho hai Ông Bà và nói với Bà Maria, Mẹ của Hài Nhi: ”Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Chúa còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà”.

Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Penuel thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá bà đã sống với chồng được bẩy năm, rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết mọi người mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,25-38).

Trình thuật Dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa Cha trong Đền Thờ Giêrusalem là hình ảnh hiến dâng chính mạng sống mình cho Thiên Chúa và cho chương trình tình yêu cứu rỗi của Chúa. Này con đến để làm theo thánh ý Cha. Ý nghĩa hiến dâng toàn cuộc sống cho Thiên Chúa đã khiến cho Đức Gioan Phaolô II trực giác được mục đích của những người sống đời thánh hiến và năm 1997 cử hành Ngày cho đời thánh hiến lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Nó bao gồm nhiều mục đích. Trước hết là chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa vì ơn gọi đời thánh hiến, thuộc sự thánh thiện của Giáo Hội. Trong ngày này toàn cộng đoàn dân Chúa khắp năm châu hiệp nhau cảm tạ Thiên Chúa Cha vì ơn gọi đời thánh hiến và cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến. Tiếp đến ngày này nhằm mục đích ngày càng đánh giá cao chứng tá của những người chọn theo Chúa Kitô qua việc sống các lời khuyên phúc âm, bằng cách thăng tiến sự hiểu biết và lòng qúy chuộng cuộc sống thánh hiến trong lòng Dân Chúa. Sau cùng Ngày cho đời thánh hiến là dịp qúy báu để những người sống đời thánh hiến lập lại và canh tân các thề hứa dấn thân của mình và làm sống dậy các tâm tình đã và đang linh hứng cho họ tận hiến cuộc đời cho Chúa.

Đó là lý do giải thích tại sao trong ngày lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh lại có nghi thức rước nến, và nghi thức các tu sĩ nam nữ lập lại các lời khấn sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Tại Roma chính Đức Giáo Hoàng hay Đức Hồng Y Tổng Trưởng bộ Tu Sĩ và các Hiệp hội tông đồ chủ sự Thánh Lễ trong đền thờ thánh Phêrô với sự tham dự của hàng ngàn tu sĩ nam nữ thuộc các dòng và hiệp hội tông đồ khác nhau.

Tuy nhiên, ý nghĩa của lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh cũng liên quan tới mọi Kitô hữu. Trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội linh mục đã xức dầu thánh hiến họ cho Thiên Chúa để họ trở thành thành phần của Giáo Hội, chi thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Cùng với áo trắng biểu tượng cho linh hồn trong sạch khỏi tội tổ tông và cuộc sống mới trong ơn thánh, Linh mục cũng trao cho họ nến sáng thắp từ Cây Nến Phục Sinh, biểu tượng cho Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng cứu độ chiếu soi nhân loại và toàn thế giới, chiếu soi cuộc sống của tín hữu mọi ngày. Và đến phiên họ, Kitô hữu cũng phải sống thế nào để chứng tá cuộc sống của họ chiếu soi cho mọi người, đặc biệt cho các anh chị em chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng yêu thương cứu độ, giúp họ nhận biết Chúa và đưa họ đến với Chúa để được ơn cứu độ. Năm Đức Tin sắp khai mở vào tháng 10 tới đây là dịp rất tốt để Kitô hữu là ánh sáng và muối men của trần gian.

(Thánh Mẫu Học bài 328)

Linh Tiến Khải