Để hiểu rõ hơn bản chất, việc thực hành và nền tu đức lòng sùng kính Mẹ Maria, việc tìm hiểu lịch sử lòng sùng mộ, cả khi ngắn gọn, là điều cần thiết.
Trước hết là lòng sùng mộ theo Thánh Kinh. Trong Thánh Kinh rõ ràng là từ “trái tim” – “cor” trong tiếng Latinh; “leb, lebab” trong tiếng Do thái, “kardia” trong tiếng Hy lạp – là nền tảng của tất cả tương quan tôn giáo-luân lý của con người với Thiên Chúa. Trái tim là trung tâm của toàn cuộc sống tâm lý, luân lý và tôn giáo. Nó là nơi các thái độ tốt hay xấu của con người thành hình. Nó là trung tâm cuộc sống luân lý, như là nguyên lý và nguồn gốc của tinh thần trách nhiệm, hiểu như là lương tâm. Trái tim cũng là trung tâm của cuộc sống hiểu biết, và như thế diễn tả nội tâm con người và sự thân tình sâu thẳm. Do đó nền nhân chủng học kinh thánh cựu ước coi trái tim như trung tâm của tất cả cuộc sống tinh thần của con người. Trái tim là nguyên lý sự sống, là ký ức, là tư tưởng, là ý chí, là tính nội tại của con người. Áp dụng cho Mẹ Maria trong kiểu nói “trái tim của Đức Maria” từ “tim” chiếm hữu được một năng động mạnh mẽ có khả năng phát triển các năng lực tinh thần khác, Các văn bản cứu thế chúc tụng (Tv 44), các văn bản đề cập đến “con tim mới“ (Ed 36,24-28) và nhiều văn bản khác của Thánh Kinh Cựu Ước coi trái tim như là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa.
Nổi tiếng nhất là văn bản của ngôn sứ Edêkiel chương 36, trong đó Thiên Chúa hứa quy tụ dân Israel từ khắp nơi về, thanh tẩy dân Israel khỏi mọi tà thần và ban cho họ một con tim mới. Văn bản viết: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim bằng thịt” (Ed 36,26).
Trong Thánh Kinh Tân Ước từ “trái tim” duy trì giá trị từ vựng của Thánh Kinh Cựu Ước. Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy học nơi Người vì Người hiền dịu và khiêm nhường trong tim (Mt 11,29). Tranh luận về truyền thống liên quan tới luật thanh sạch và ô uế, Chúa Giêsu khẳng định rằng những gì ở ngoài đi vào trong con người không khiến cho họ ra ô uế. Ăn mà không rửa tay không khiến cho con người ra ô uế. Chính những cái từ miệng phát xuất ra, là phát xuất từ trái tim con người, những thứ đó làm cho con người ra ô uế. Vì từ con tim phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế (Mt 11,18-20). Trả lời câu hỏi điều răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết con tim, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Đó là điều răn quan trọng nhất (Mt 22,37). Chương 6 Phúc Âm thánh Luca ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu xem qủa thì biết cây “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng lòng tốt của mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì tim có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45) (Lc 9,47; 24,25; Ga 12,40; 16,22). Tả cảnh kitô hữu thời Giáo Hội khai sinh hiệp nhất yêu thương nhau sách Công Vụ viết trong chương 4 câu 32: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”. Kể lại lời Phó tế Stephanô tố cáo giới lãnh đạo Do thái, chương 7 sách Công Vụ viết: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, tim và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ngươi thế nào thì các ngươi cũng vậy” (Cv 7, 51). Trong thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô khẳng định với tín hữu rằng nhờ đức tin họ trở nên công chính và không thất vọng “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào con tim chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Trong chương 3 thư thứ II gửi tín hữu Côrintô thánh nhân nói ngài và các cộng sự viên không cần thư giới thiệu, vì tín hữu chính là thư giới thiệu của ngài. Thư ấy được viết trong tim ngài, mọi người đều biết và đã đọc. Tín hữu là bức thư Đức Kitô giao cho thánh nhân và các cộng sự viên chăm sóc, được viết trên thịt tức là trái tim con người (2 Cr 3,2-3) (Ep 3,17; 4,18; Cl 3,15-16; Dt 8,10, 10,16).
Lòng sùng kính trái tim Đức Maria được ưu tiên đặc biệt vì dựa trên ba văn bản chìa khóa của Thánh Kinh Tân Ước, là nền tảng của tất cả truyền thống sau này. Cả ba văn bản nằm trong trình thuật cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trước hết là biến cố Giáng Sinh. Phúc Âm thánh Luca viết trong chương 2 câu 18-19: “Nghe các mục đồng thuật chuyện ai cũng ngạc nhiên. Về phần mình Đức Maria gìn giữ mọi điều này và suy đi nghĩ lại trong tim” (kardía). Thuật lại biến cố dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thờ Giêrusalem thánh sử Luca ghi lại lời tiên tri của cụ già Simeon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu con tim bà” (kardía) (Lc 2,35). Trong biến cố Chúa Giêsu lên 12 tuổi cùng cha mẹ lên Giêsuralem mừng lễ Vượt Qua, ở lại trong Đền Thờ và đối đáp với các bậc thầy Do thái, sau khi tìm thấy Người Mẹ Maria trách: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con làm gì? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài. Còn riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong hồn” (psiché) (Lc 2, 48-52).
Hai văn bản đầu tiên đã được giải thích nhiều cách khác nhau, nhất là trong chìa khóa lịch sử, khải huyền và khôn ngoan. Nhiều nhà chú giải cho rằng thánh sử Luca, hay tác giả mà thánh sử tùy thuộc, đã muốn ám chỉ một cách tế nhị rằng nguồn gốc các tin tức của thánh nhân là chính Đức Trinh Nữ Maria. Nhiều nhà chú giải tân tiến khác thì nghĩ rằng hai văn bản Lc 2,19 và Lc 2, 51 diễn tả một hình thái văn chương riêng của loại văn chương khải huyền , được soạn giả dùng để lôi kéo sự chú ý của độc giả trên tầm quan trọng của điều được kể. Cũng giống như trong sách Daniel. Daniel sau thị kiến về “Con người” nói rằng: “Tôi, Daniel, tôi rất bối rối trong tư tưởng, mầu mặt tôi thay đổi và tôi giữ gìn tất cả những điều ấy trong tim” (Dn 7,28).
Chắc chắn đây là một hình thái văn chương thuộc loại khải huyền, được dùng để ám chỉ không phải nguồn gốc lịch sử, mà tác giả tùy thuộc, cho bằng sự kiện Đức Maria được đặt ở trung tâm của suy tư kitô về các mầu nhiệm cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Điều này rất quan trọng đối với nền tu đức sùng mộ Khiết Tâm Đức Mẹ, bởi vì trái tim Đức Mẹ, theo các nguồn tin mừng, được coi như là chiếc nôi của toàn suy niệm kitô về các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Và điều này ban cho lòng sùng kính Trái tim Đức Mẹ một nền tảng tài liệu viết không thể so sánh được. Tuy nhiên, cũng cần chú ý tới truyền thống truyền khẩu rất quan trọng và thường khá trung thực nơi các dân tộc vùng Trung Đông, trong đó có dân Do thái. Chắc chắn Đức Mẹ đã kể lại nhiều điều về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, trong đó có các biến cố được các Phúc Âm nhắc tới trên đây.
Ngoài ra cũng không nên lơ là với viễn tượng khôn ngoan được học giả A. Serra nêu bật. Theo học giả Serra “suy niệm trong tim” là đặc tính của người khôn ngoan, giữ gìn trong ký ức các sự kiện để thời sự hóa nội dung của chúng. Cũng thật là hay, khi ghi nhận rằng từ “suy gẫm” (sunbálllein) nhắc lại sinh hoạt biểu tượng, qua đó người ta đặt các thực tại cổ xưa với các thực tại mới để hiểu rõ chúng hơn.
Văn bản thứ hai tả lại cảnh dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thờ Giêrusalem cũng rất hay trên bình diện thánh mẫu học, bởi vì trong văn bản này việc kết hiệp nội tại của Đức Maria với toàn công trình cứu độ của Con mẹ lộ hiện một cách sâu xa bất ngờ. Tất cả những gì được thành toàn trong thân thể khổ đau của Con thì cũng thành toàn trong tâm hồn và trong con tim của Mẹ Người.
Đó là lý do giải thích tại sao hai yếu tố nòng cốt này giúp hiểu kiểu nói “trái tim Đức Maria” bắt đầu từ Thánh Kinh.
(TMH449)
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 07.03.2015)