Nhiều nhà sử học tin rằng bức tượng gốc được chạm khắc ở Tây Ban Nha vào khoảng năm 1340, tại một tu viện Xitô. Nhiều truyền thống cho rằng một tu sĩ đã nhìn thấy Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra và tu sĩ này đã cho khắc bức tượng theo ông nhìn thấy. Bức tượng này được giữ ở Tây Ban Nha vài thế kỷ và cuối cùng được Thánh Têrêsa Avila sở hữu vào thế kỷ 16.
Dù vậy, cuối cùng bức tượng được chuyển đến Praha ở nơi ngày nay là nước Cộng hoà Séc, khi nhà Habsburg thống trị vào năm 1556. Vào thời điểm đó, bức tượng Chúa được quý bà Dona Isabella Manrique tặng cho con gái là Marie Manrique làm quà cưới, khi cô lấy Vratislav người Pernstyn. Truyền thống cho rằng chính Thánh Têrêsa Avila đã tặng bức tượng cho quý bà Isabella.
Bức tượng được lưu truyền trong gia đình cho đến khi được công chúa Polyxena von Lobkowicz tặng lại cho một tu viện Cát Minh trong vùng. Khi đó, công chúa đã nói với tu viện những lời này: “Tôi tặng cho quý sơ điều mà tôi trân quý nhất trong gia sản của tôi. Xin quý sơ hãy giữ gìn bức tượng trong tôn kính và quý sơ sẽ được đầy phúc lành.”
Ngay sau cuộc trao tặng trên, thành Praha bị xâm lược và bức tượng bị thất lạc. Sau đó, một vị linh mục tìm thấy tượng Chúa trong đống đổ nát của một nhà thờ và đặt bức tượng vào một nhà nguyện mới. Khi đang lau chùi bức tượng, vị linh mục nghe Chúa Giêsu Hài Đồng nói với mình: “Hãy thương xót Ta, và Ta sẽ thương xót con. Hãy tặng cho Ta đôi tay và Ta sẽ ban cho con bình an. Con càng tôn kính Ta bao nhiêu, Ta càng chúc phúc cho con bấy nhiêu.” Khi đó, vị linh mục tìm cách gây quỹ để sửa lại bức tượng, Chúa lại phán với ông: “Hãy đặt Ta gần cửa vào phòng thánh và con sẽ được giúp đỡ.” Những gì cần thiết đều được mang đến cách mầu nhiệm và bức tượng được sửa lại thành công.
Kể từ đó, lượng khách hành hương khổng lồ đổ đến cùng tượng thánh Chúa Hài Đồng Praha đã nhận được nhiều phép lạ không thể đếm nổi. Bức tượng được sao chép và được lan truyền ra khắp thế giới, đến nay trở thành mẫu ảnh tượng Chúa phổ biến nhất trong số các ảnh tượng ở các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ailen, Ba Lan, Philippines, Nam Mỹ,…
Năm 1896, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII chấp thuận lòng tôn sùng Chúa Hài Đồng Praha làm lòng sùng kính hoàn vũ, và thiết lập một hội đạo đức để tôn kính tước hiệu này của Chúa. Ngày 30/3/1913, Thánh Giáo Hoàng Piô X thành lập Hội Anh Em Chúa Giêsu Hài Đồng Praha. Đức Piô XI đội vương miện cho bức tượng vào ngày 27/09/1924. Về sau, ngày 26/09/2009, Đức Bênêđictô XVI đội vương miện cho tượng thánh Chúa lần thứ hai.
Gioakim Nguyễn lược dịch