Liệu có nguy cơ “buôn bán ơn gọi” chăng?

Isabella H. de Carvalho

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các phong trào truyền giáo từ Nam bán cầu đến Bắc bán cầu, mặc dù hữu ích, nhưng phải được thực hiện một cách “thận trọng”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Mundo Negro tiếng Tây Ban Nha của Tổ chức Comboni Missionaries, được xuất bản hôm 13. 01. 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng việc rao giảng Tin Mừng phải là mối quan tâm chính đối với các thừa sai được gửi từ Nam bán cầu đến Bắc bán cầu. Vì nhiều giáo phận phương Tây đang phải đối diện với việc ít ơn gọi hơn, nên họ vui mừng chào đón các tu sĩ từ “các vùng ngoại biên” của thế giới. Tuy nhiên, những phong trào này đôi khi có thể bị ảnh hưởng bởi những quyền lợi khác.

Trong cuộc phỏng vấn, được phát hành trong bối cảnh chuyến tông du sắp tới của ngài đến Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối tháng Giêng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng dòng chảy truyền giáo ngược từ miền Nam lên miền Bắc này “là một sự trao đổi hữu hiệu, nhưng phải hết sức thận trọng” để không trở thành việc “buôn bán ơn gọi”. Theo Đức Thánh Cha,

Chúng ta không thể khai thác ‘nguyên liệu thô’ từ các nước truyền giáo, và đây sẽ là một phương thế tồi tệ để thực hiện sứ vụ ở phương Tây. […] Chúng ta phải quan tâm đến quyền tự do rao giảng Tin Mừng chứ không phải các loại quyền lợi khác.

Xu hướng

Trong những thập niên vừa qua, nhiều nước phương Tây đã chứng kiến sự suy giảm số lượng ơn gọi, điều này dẫn đến việc thiếu linh mục ở một số khu vực. Ví dụ, theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ của Đại học Georgetown, Hoa Kỳ, số lượng linh mục ở Hoa Kỳ đã giảm 41% trong vòng 50 năm qua. Vào năm 1970, có khoảng 59.000 linh mục, trong khi vào năm 2021, con số này là dưới 35.000. Trong khi đó, số tín hữu Công giáo đã tăng lên, từ 54,1 triệu lên 73,2 triệu người.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã trích dẫn “năm địa danh: Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ireland và Quebec” là những nơi “vốn cung cấp dồi dào các nhà thừa sai khắp thế giới” nhưng hiện nay có rất ít ơn gọi.

Để giải quyết vấn đề phổ biến này, nhiều giáo phận phương Tây đã thiết lập mối tương quan với các quốc gia khác, chủ yếu ở Nam bán cầu, là những nơi có nhiều Giáo hội trẻ hơn, năng động hơn, và có số lượng ơn gọi nhiều hơn.

Sự phân bố địa lý các giáo sĩ

Ví dụ, khi gặp khó khăn trong việc phục vụ các tín hữu, sống rải rác khắp 103 giáo xứ với diện tích gần 26.000 cây số vuông, thì Giáo phận Superior ở vùng nông thôn Wisconsin, Hoa Kỳ đã bắt đầu thiết lập quan hệ với một số giáo phận ở Ấn Độ. Cụ thể, vào năm 2021, giáo phận này đã sử dụng quỹ từ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ để thiết lập một chương trình định hướng nhằm giúp các linh mục quốc tế làm quen với cuộc sống ở Wisconsin. Vào mùa thu năm 2021, hơn 40% linh mục trong giáo phận này đến từ Ghana và Ấn Độ.

Trong bối cảnh của Thượng hội đồng Amazon, được tổ chức vào tháng 10. 2019, mà một trong những chủ đề thảo luận chính là làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu linh mục để phục vụ khu vực rộng lớn này, Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Zenit vào năm 2019 rằng, ngài tin là cần phải có một “sự chia sẻ phổ quát các linh mục“.

Đức Hồng y Gracias trích dẫn một số quốc gia châu Á, chẳng hạn như Việt Nam, Philippines và cả quê hương Ấn Độ của ngài, là những nơi có đủ ơn gọi, và do đó, có thể giúp đỡ các giáo phận tại những khu vực khác trên thế giới đang phải đối diện với tình trạng thiếu linh mục. Những lời phát biểu của ngài phản ánh “dòng chảy truyền giáo,” được đề cập trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Mundo Negro, một dòng chảy đã đưa các linh mục từ Nam bán cầu đến Bắc bán cầu.

Tuy nhiên, trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Querida AmazoniaĐức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu bật một vấn đề khác. Ngài kêu gọi các giám mục hãy “quảng đại trong việc khuyến khích những người thể hiện ơn gọi truyền giáo chọn khu vực Amazon”. Đức Thánh Cha giải thích trong phần chú thích rằng “ở một số quốc gia thuộc Lưu vực Amazon, có nhiều nhà thừa sai đi tới Châu Âu hoặc Hoa Kỳ hơn là ở lại để hỗ trợ các Địa hạt của họ tại khu vực Amazon”.

Trên thực tế, một bài báo của Crux năm 2019 đã báo cáo rằng, Châu Âu chiếm 42% tổng số linh mục, trong khi chỉ chiếm 23% dân số Công giáo trên thế giới.

Những lời bình luận của Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự phân bố giáo sĩ trên khắp các khu vực trên thế giới không phải lúc nào cũng đồng đều. Do đó, điều này giải thích lời ngài kêu gọi “hãy thận trọng” khi gửi các nhà thừa sai ra nước ngoài.

Cần tránh việc “buôn bán ơn gọi”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng hoan nghênh quyết nghị của Hội đồng Giám mục Philippines vào năm 1994, khi quyết định ngăn chặn các dòng tu không có trụ sở ở trong nước đến đây để tìm kiếm ơn gọi. Điều mà theo Đức Thánh Cha, đã dẫn đến một kiểu “buôn bán ơn gọi”.

Đức Thánh Cha cảnh báo:

Từ ‘buôn bán’ là một từ chói tai, nhưng chúng ta phải hết sức cẩn thận với tinh thần thăng tiến con người này vốn dĩ không phải lúc nào cũng đồng nhất với ơn gọi. Có những trường hợp, đặc biệt là các cô gái, đến đây với tư cách là tu sĩ, không được chuẩn bị sẵn sàng, không có ơn gọi truyền giáo, và cuối cùng phải lang thang trên đường phố.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến vấn đề này trong Tông hiến về đời sống chiêm niệm của phụ nữ, Vultum dei Quaerere2016.

Mặc dù việc thành lập các cộng đoàn quốc tế và đa văn hóa là một dấu hiệu cho thấy tính phổ quát của đoàn sủng, nhưng việc tuyển dụng các ứng viên từ các quốc gia khác chỉ vì mục đích đảm bảo sự tồn tại của một đan viện là điều tuyệt đối nên tránh”.

Những khía cạnh kinh tế

Lợi ích kinh tế của việc gửi các thừa sai ra nước ngoài cũng là một khía cạnh quan trọng, tuy nhiên, điều này có thể hoạt động như một con dao hai lưỡi.

Chẳng hạn, một linh mục ở nước ngoài có thể gửi một phần tiền lương của mình về giáo phận quê hương. Ví dụ, theo hướng dẫn của Giáo phận Munster, Đức quốc nói rằng các linh mục nước ngoài được phép gửi một khoản đóng góp hàng tháng tối đa €400 (khoảng 432 dollars) cho lãnh thổ quê hương của mình. Điều này có thể rất có giá trị ở một quốc gia có tỷ giá tiền tệ thấp hơn.

Ngoài ra, các linh mục ở nước ngoài có thể giúp thúc đẩy mối liên kết giữa các Giáo hội giàu có hơn và các giáo phận ít lợi thế hơn. Một bài báo của BBC năm 2019 đã cho thấy các linh mục Ấn Độ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu mục tử tại Giáo phận Killaloe của Ireland ra sao. Linh mục Rexon Chullickal giải thích rằng ngài rất cảm động khi giáo dân của ngài tự nguyện quyên góp được €2.100 (khoảng 2.278 dollars) cho Giáo phận Cochin (Ấn Độ) quê hương ngài, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa gió mùa. Nhưng cha nói với BBC rằng “Tôi không yêu cầu họ làm điều này”.

Những mối liên kết về phương diện kinh tế này có thể hữu ích cho các giáo phận ở những nơi nghèo hơn trên thế giới. Tuy nhiên, chúng cũng có thể trở thành một yếu tố tiêu cực thúc đẩy việc gửi các thừa sai ra nước ngoài. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn, mối quan tâm hàng đầu phải là “quyền tự do rao giảng Tin Mừng”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (20. 01. 2023)