Trong chương IX, là chương cuối cùng của Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương”, ĐTC Phanxicô khai triển đề tài “Linh đạo hay nền tu đức phu thê và gia đình”, các số từ 313 tới 325.
Mở đầu ĐTC viết: Tình bác ái có nhiều sắc thái khác nhau, tuỳ theo tình trạng cuộc sống mỗi người đã được mời gọi. Liên quan tới việc tông đồ của giáo dân, cách đây vài thập niên Công Đồng Chung Vaticăng II đã nêu bật nền tu đức hay linh đạo phát xuất từ gia đình. Công Đồng khẳng định rằng “linh đạo của giáo dân phải có một diện mạo đặc biệt”, cả từ “tình trạng của hôn nhân và của gia đình” nữa và các lo lắng của gia đình không được là một cái gì xa lạ với kiểu sống thiêng liêng của chúng. Vì thế, thật đáng công dừng lại một chút để miêu tả vài đặc thái nền tảng của linh đạo chuyên biệt này được phát triển trong năng động các tương quan của cuộc sống gia đình (s. 313).
Linh đạo của sự hiệp thông siêu nhiên
Chúng ta đã luôn luôn nói tới việc Thiên Chúa ở trong trái tim người sống trong ơn thánh Ngài. Ngày nay chúng ta cũng có thể nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của sự hiệp thông hôn nhân. Cũng như Ngài ở trong các lời chúc tụng của dân Ngài (x. Tv 22,4), Thiên Chúa sống một cách thân tình trong tình yêu phu thê làm vinh danh Ngài (s. 314).
Sự hiện diện của Chúa sống trong gia đình là sự hiện diện thực sự và cụ thể, với tất cả các khổ đau, chiến đấu, niềm vui và các dự tính thường ngày. Khi người ta sống trong gia đình, nơi khó mà có thể giả bộ và nói dối, chúng ta không thể cho thấy một mặt nạ. Nếu tình yêu linh hoạt sự chân thành ấy, Chúa ngự ở đó với niềm vui và sự bình an của Ngài. Linh đạo của tình yêu gia đình đuợc làm thành bởi hàng ngàn cử chỉ thực sự và cụ thể. Trong sự khác biệt của các ơn và các cuộc gặp gỡ khiến cho sự hiệp thông chín mùi ấy, Thiên Chúa có chỗ riêng của Ngài. Sự tận hiến này hiệp nhất các giá trị nhân bản và các gia trị thiên linh, bởi vì nó tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Một cách vĩnh viễn linh đạo hôn nhân là một nền tu đức của mối dây được tình yêu của Thiên Chúa ở trong đó (s. 315).
Một sự hiệp thông gia đình được sống tốt đẹp là một lộ trình thánh hóa trong cuộc sống thường ngày và của sự trưởng thành thần bí, một phương thế giúp kết hiệp thân tình với Thiên Chúa. Thật vậy, các nhu cầu huynh đệ và cộng đoàn của đời sống gia đình là một dịp để luôn luôn mở rộng con tim, và điều này khiến cho cuộc gặp gỡ với Chúa luôn luôn tràn đầy hơn. Lời Chúa nói với chúng ta rằng “ai ghét anh em mình thì bước đi trong tối tăm” (1 Ga 2,11), “ở trong sự chết” (1 Ga 3,14), và “đã không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8). Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Biển Đức XVI đã nói rằng “nhắm mắt trước người lân cận cũng là nhắm mắt trước Thiên Chúa”, và rằng tình yêu nói cho cùng là ánh sáng duy nhất luôn luôn chiếu soi trở lại một thế giới tối tăm. Chỉ nếu chúng ta yêu nhau, Thiên Chúa mới ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài toàn hảo nơi chúng ta” (1 Ga 4,12). Vì bản vị con người có một chiều kích cấu trúc xã hội bẩm sinh, và vì kiểu diễn tả đầu tiên và nguyên thuỷ của chiều kích xã hội của con người là cặp vợ chồng và gia đình, linh đạo được nhập thể trong sự hiệp thông gia đình. Vì thế, những người có các ước mong thiêng liêng sâu thẳm không được cảm thấy rằng gia đình làm cho họ xa rời việc lớn lên trong cuộc sống của Thần Khí, nhưng nó là một lộ trình, mà Chúa dùng để đem họ tới các đỉnh cao của sự kết hiệp thần bí (s. 316).
Hiệp nhất trong lời cầu dưới ánh sáng của lễ Phục Sinh
Nếu gia đình thành công trong việc tập trung nơi Chúa Kitô, thì Chúa hiệp nhất và soi sáng toàn cuộc sống gia đình. Các khổ đau được kinh nghiệm trong hiệp thông với Thập Giá của Chúa, và việc ôm lấy Ngài cho phép chịu đựng những lúc tệ hại hơn. Trong các ngày cay đắng của gia đình có một sự hiệp nhất với Chúa Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được một sự đổ vỡ. Các gia đình đạt tới sự thánh thiện của chúng qua cuộc sống hôn nhân từ từ với ơn của Chúa Thánh Thần, cả bằng cách tham dự vào mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, là mầu nhiệm biến đổi các khó khăn và khổ đau thành của lễ tình yêu. Đàng khác, các lúc tươi vui, nghỉ ngơi hay mừng lễ, và cả tính dục được sống như một tham dự vào cuộc sống tràn đầy của sự Phục Sinh. Với các cử chỉ khác nhau thường ngày các cặp vợ chồng trao ban hình thái cho không gian đối thần, trong đó có thể sống kinh nghiệm sự hiện diện thần bí của Chúa phục sinh (s. 317).
Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu tiên giúp diễn tả và củng cố niềm tin phục sinh này. Mỗi ngày có thể tìm ra vài phút để hiệp nhất trước mặt Chúa hằng sống, nói với Ngài các điều khiến cho chúng ta âu lo, cầu nguyện cho các nhu cầu gia đình, cầu nguyện cho ai đó đang phải trải qua một lúc khó khăn, xin Ngài trợ giúp để yêu thương, cảm tạ Ngài vì sự sống và những điều tốt lành, xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta với áo choàng của Mẹ. Với các lời đơn sơ, lúc cầu nguyện này có thể đem lại rất nhiều thiện ích cho gia đình. Các diễn tả lòng đạo đức bình dân khác nhau là một kho tàng tu đức đối với nhiều gia đình.
Con đường cộng đoàn của lời cầu nguyện đạt tột đỉnh trong việc cùng tham dự bí tích Thánh Thể, đặc biệt trong bối cảnh của ngày nghỉ Chúa Nhật. Chúa Giêsu gõ cửa gia đình để chia sẻ với nó Bữa Tiệc Chiều. Ở đó các cặp vợ chồng luôn luôn có thể đóng ấn giao ước phục sinh đã kết hiệp họ với nhau và phản ánh Giao Ước, mà Thiên Chúa đã đóng ấn với nhân loại trên Thập Giá. Thánh Thể là bí tích của Giao Ước Mới, trong đó hiện thực hành động cứu độ của Chúa Kitô. Như vậy được ghi nhận các mối dây ràng buộc sâu đậm hiện hữu giữa cuộc sống hôn nhân và Thánh Thể. Lương thực Thánh Thể là sức mạnh và kích thích giúp sống giao ước hôn nhân mỗi ngày như “Giáo hội tại gia” (s. 318).
Linh đạo của tình yêu triệt để và tự do – Trong hôn nhân người ta cũng sống ý thức hoàn toàn tùy thuộc một người duy nhất. Các cặp vợ chồng chấp nhận thách đố và ngưỡng vọng cùng nhau già đi và tự tiêu hao, và như thế họ phản ánh lòng trung thành của Thiên Chúa. Quyết định vững vàng này ghi dấu một kiểu sống, là một đòi buộc nội tâm của khế ước tình yêu phu thê, bởi vì người không quyết định yêu thương luôn mãi, thì cũng khó mà có thể yêu thương một cách chân thành dù chỉ một ngày. Nhưng điều này không có ý nghĩa thiêng liêng, nếu đó chỉ là một luật được sống với sự chịu trận. Nó là một sự tuỳ thuộc của con tim, ở nơi chỉ Thiên Chúa trông thấy (x. Mt 5,28).
Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta canh tân trước Thiên Chúa quyết định này của lòng trung thành, cho dù có gì xảy ra trong cuộc sống đi nữa. Và mỗi người khi đi ngủ, chờ đợi thức dậy để tiếp tục cuộc phiêu lưu này, bằng cách tín thác nơi sự trợ giúp của Chúa. Như thế, mỗi một người phối ngẫu là dấu chỉ và dụng cụ sự gần gũi của Chúa cho người khác. Chúa là Đấng không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20) (s. 319).
Có một điểm, trong đó tình yêu lứa đôi đạt sự giải thoát tột đỉnh và trở thành một không gian của sự tự lập lành mạnh: đó là khi mỗi người khám phá ra rằng người kia không phải là của mình, nhưng có một chủ nhân quan trọng hơn rất nhiều, là Chúa duy nhất của họ. Không ai có thể yêu sách chiếm hữu sự thân tình cá nhân nhất và bí ẩn nhất của người được yêu, và chỉ có Ngài có thể chiếm chỗ trung tâm cuộc sống của họ. Đồng thời nguyên lý của sự thực tế tinh thần khiến cho người phối ngẫu không yêu sách người khác phải thoả mãn các đòi hỏi của mình một cách hoàn toàn. Con đường thiêng liêng của từng người – như Dietrich Bonhoeffer đã chỉ cho thấy – cần phải giúp họ tháo gỡ ảo tưởng của người khác, thôi chờ đợi từ người đó điều chỉ là riêng tư của tình yêu Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một sự lột bỏ nội tâm. Khoảng không gian triệt để, mà mỗi người phối ngẫu dành cho tương quan cá nhân của mình với Thiên Chúa, không chỉ cho phép chữa lành các vết thương của cuộc chung sống, mà cũng cho phép tìm ra trong tình yêu của Thiên Chúa ý nghĩa cuộc đời mình nữa. Chúng ta cần khẩn nài hoạt động của Chúa Thánh Thần mỗi ngày để sự có thể có được sự tự do nội tâm này. (s. 320).
Sau khi khai triển các tiểu đề: linh đạo của sự hiệp thông siêu nhiên, hiệp nhất trong lời cầu nguyện dưới ánh sáng phục sinh và linh đạo của tình yêu triệt để và tự do, ĐTC Phanxicô đề cập tới linh đạo của việc săn sóc, ủi an và kích thích trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Ngài viết: Các đôi vợ chồng kitô là những cộng sự viên của ơn thánh và là các chứng nhân của đức tin đối với nhau, đối với con cái và tất cả các thành phần khác trong gia đình. Chính vì thế mà gia đình luôn luôn là “nhà thương gần nhất”. Chúng ta hãy săn sóc nhau, nâng đỡ nhau, khích lệ nhau và hãy sống tất cả những điều đó như là phần của linh đạo gia đình. Cuộc sống lứa đôi là một sự tham dự vào công trình phong phú của Thiên Chúa, và mỗi một người là một khiêu khích của Thần Khí đối với người khác. Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả qua các lời nói sống động và cụ thể, qua đó người nam và người nữ nói lên tình yêu phu thê của họ với nhau. Như vậy, với nhau cả hai là các phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, củng cố với lời nói, cái nhìn, sự trợ giúp, vuốt ve và vòng tay ôm. Do đó, muốn thành lập một gia đình là có can đảm làm thành phần giấc mơ của Thiên Chúa, can đảm mơ tưởng với Ngài, can đảm xây dựng với Ngài, can đảm cùng Ngài bước vào lịch sử này, xây dựng một thế giới, trong đó không có ai cảm thấy cô đơn (s. 321).
Tuy nhiên, cuộc sống gia đình là một “đồng cỏ” nhân từ. Mỗi người cẩn thận vẽ và viết trong cuộc sống của người khác: “Thư của chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi… không phải với mực, mà với Thần Khí của Thiên Chúa.” (2 Cr 3,2-3). Mỗi một người là một “kẻ chài lưới người” (Lc 5,10), thả lưới nhân danh Chúa Giêsu (x, Lc 5,5) đối với các người khác, hay một nông phu làm việc trong thửa đất tươi mát là những người thân của mình, bằng cách khích lệ điều tốt nhất của họ.
Sự phong phú hôn nhân bao gồm việc thăng tiến, vì yêu một người là chờ đợi từ họ một cái gì đó không thể định nghĩa được, không thể thấy trước được; đồng thời cống hiến cho họ, trong một cách thế nào đó, phương tiện giúp đáp trả lại sự chờ đợi ấy. Điều này là một việc phụng tự đối với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng đã gieo vãi nhiều điều tốt lành nơi các người khác trong niềm hy vọng rằng chúng ta làm cho chúng lớn lên (s. 322).
Thật là một kinh nghiệm thiêng liêng chiêm ngắm một người thân với đôi mắt của Thiên Chúa, và nhận ra Chúa Kitô nơi họ. Điều này đòi hỏi một sự sẵn sàng nhưng không, cho phép đánh giá cao phẩm giá của họ. Ta có thể hiện diện một cách tràn đầy trước người khác, nếu ta tự trao ban chính mình mà không hỏi tại sao, bằng cách quên đi tất cả mọi sự chung quanh. Như thế người được yêu xứng đáng với tất cả sự chú ý. Chúa Giêsu đã là một mẫu gương, bởi vì khi có ai đó đến gần nói chuyện với Ngài, Ngài nhìn họ với tình yêu mến (x. Mc 10,21). Trước sự hiện diện của Ngài không có ai cảm thấy mình bị lơ là, bởi vì các lời nói và cử chỉ của Chúa diễn tả câu hỏi này: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” (Mc 10,51). Đây là điều ta sống trong cuộc sống thường ngày của gia đình. Trong đó chúng ta nhớ rằng người sống với chúng ta đáng được tất cả, vì họ có một phẩm giá vô tận, vì họ là đối tượng tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha. Như thế nở hoa sự dịu hiền, đến độ khơi dậy nơi người khác niềm vui cảm thấy mình được yêu. Nó đặc biệt biểu lộ trong việc êm dịu chú ý tới các hạn hẹp của người khác, đặc biệt khi chúng nổi lên một cách hiển nhiên (s. 323).
Dưới sự thúc đẩy của Thần Khí, hạt nhân gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng cách sinh ra nó trong lòng mình, nhưng rộng mở, ra khỏi chính mình để đổ trên thiện ích của các người khác, để săn sóc họ và kiếm tìm hạnh phúc của họ. Sự rộng mở này được diễn tả một cách đặc biệt trong việc hiếu khách, được Lời Chúa khích lệ một cách gợi cảm như sau: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” (Dt 13,2). Khi gia đình tiếp đón và gặp gỡ các người khác, đặc biệt là các người nghèo và bị bỏ rơi, nó là biểu tượng, chứng tá, sự tham dự vào chức làm mẹ của Giáo Hội.
Tình yêu xã hội, phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thực ra là điều kết hiệp ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và sứ mệnh của nó bên ngoài chính nó, vì nó khiến cho lời rao giảng hiện diện với tất cả các đòi buộc cộng đồng của nó. Gia đình sống linh đạo đặc biệt của nó đồng thời bằng cách là một Giáo Hội tại gia và một tế bào sinh động hầu biến đổi thế giới (s. 324).
Các lời của Thầy (x, Mat 22,30) và các lời của thánh Phaolô (x. 1 Cr 7,29-31) liên quan tới hôn nhân, không phải vô tình mà được lồng vào trong chiều kích cuối cùng vĩnh viễn của cuộc sống chúng ta, mà chúng ta cần tái chiếm. Trong cách thế đó các cặp vợ chồng sẽ có thể nhận biết ý nghĩa con đường họ đang đi. Thật thế, như chúng ta đã nhắc tới nhiều lần trong Tông huấn, không có gia đình nào là một thực tại toàn thiện, và được chế tạo một lần cho luôn mãi, nhưng nó đòi hỏi một sự phát triển từ từ của khả năng yêu thương. Có một tiếng gọi liên lỉ đến từ sự hiệp thông tràn đầy của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự hiệp nhất tuyệt vời giữa Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, từ cộng đoàn xinh đẹp là gia đình Nagiarét và từ tình huynh đệ không tì ố hiện diện giữa các thánh trên trời. Tuy nhiên, chiêm ngắm sự tràn đầy mà chúng ta chưa đạt tới cũng cho phép chúng ta thôi đòi hỏi từ các tương quan liên bản vị một sự hoàn thiện, một sự trong sáng của các ý hướng và một sự trung thực, mà chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong Nước vĩnh cửu. Ngoài ra, nó ngăn cản chúng ta phán đoán với sự nghiêm ngặt những người sống trong các điều kiện của sự giòn mỏng lớn. Chúng ta tất cả được mời gọi duy trì sống động việc hướng tới một cái gì vượt quá chính mình và các hạn hẹp của mình, và mỗi một gia đình phải sống trong kích thích liên lỉ đó. Hỡi các gia đình, chúng ta hãy bước đi, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! Điều được hứa cho chúng ta luôn luôn hơn thế. Chúng ta đừng mất đi niềm hy vọng vì các hạn hẹp của chúng ta, nhưng cũng đừng khước từ kiếm tìm tình yêu và hiệp thông tràn đầy đã được hứa ban cho chúng ta.
Lời cầu nguyện với Thánh Gia
Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, nơi Chúa, Mẹ và Cha Thánh chúng con chiêm ngưỡng ánh quang rạng ngời của tình yêu chân chính, chúng con xin tín thác mình cho Ba Đấng.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin cũng làm cho các gia đình của chúng con trở thành nơi của sự hiệp thông và các nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường học đích thật của Tin Mừng và các Giáo Hội nhỏ tại gia.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin cho trong các gia đình đừng bao giờ có các vụ bạo lực, khép kín và chia rẽ nữa; xin cho bất cứ ai bị thương tích hay bị gương mù gương xấu được mau ủi an và chữa lành.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin làm cho tất cả chúng con ý thức về tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, của vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa.
Lậy Giêsu Maria Giuse, xin lắng nghe chúng con và khấng nhận lời van nài của chúng con. Amen
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 16.06.2016)