Lời dịch giả: Nguyên tác bài này , Social and religious spirituality of St Mother Teresa đăng trên tạp chí Vidyajyoti Journal (Jyoti=Ánh sáng (của) Vidya (Minh trí)), số ra tháng tám 2018, của Dòng Tên Ấn Độ. 1]
Trước đây, tôi đã viết về hai nhân vật nổi tiếng quốc tế của Ấn Độ là Gandhi và Tagore. Đáng lẽ tôi phải viết về nhân vật thứ ba, cũng xuất phát từ Ấn, mà cả thế giới hôm nay trìu mến và kính ngưỡng dưới cái tên là Mẹ Têrêsa Calcutta, người đã từng nhận nhiều giải thưởng từ chính phủ Ấn Độ, từ các nước Đông Nam Á, và mới đây giải Nobel Hòa bình. Vâng, đáng lẽ tôi phải viết về Mẹ Têrêsa đã được phong thánh, và trong lễ phonng thánh ấy tại Rôma, rất nhiều bậc vị vọng của Ấn Độ, kể cả thủ hiến mấy tiểu bang, cũng bay sang dự lễ, dù họ khác tôn giáo. Vâng, đáng lẽ tôi phải viết về nhân vật, mà người Ấn nói chung, khi nhắc đến đều tỏ lòng kính yêu ấy, nhưng vì gặp trong tạp chí Vidyajyoti Journal of Theological reflection bài viết quá đầy đủ của tiến sỹ J. Ladislaus, nên tôi chỉ làm công việc khiêm tốn là chuyển ngữ để độc già Việt nam chúng ta có dịp tìm hiểu sâu xa về con người, tâm hồn và hành động của vị thánh nói trên. Sau khi đọc xong bản văn, sẽ thấy Mẹ Têrêsa quả là hiện tượng của thời đại về lòng thương người bao la, và về những công trình vĩ đại Mẹ làm nên để ”phục vụ những ai nghèo nhất giữa các người nghèo”.
Vì nguyên tác có quá nhiều chú thích (note) nói lên nguồn gốc của mỗi thông tin, nên tôi xin phép bỏ qua. Thay vào đó, tôi đưa ra những chú thích của riêng tôi khi gặp những gì khó hiểu về phong tục, địa lý… Ấn độ… đối với độc giả Việt.
Bản văn
Mẹ Têrêsa Calcutta được giải Nobel Hòa bình vào tháng 10 năm 1979. Trong cuộc nghênh đón Mẹ, ngài Jyoti Basu, hồi ấy là Thủ hiến tiểu bang Bengali[2], nói với vị mới đoạt giải Nobel rằng :”Từ lâu Mẹ đã là Mẹ của Bengali, còn nay Mẹ thành Mẹ của thế giới rồi”. Trong dịp phong hiển thánh cho Mẹ vào ngày 4-9-2016, Đức Giáo chủ Phanxicô nhận xét :”Sự hiền từ và lòng thương xót là những phẩm chất nổi bật của đức Ái” nó khiến “Mẹ Têrêsa ưu tiên chọn giúp đỡ những ai nghèo nhất giữa các người nghèo”.
Năm 1985, vào dịp khánh hạ năm 40 Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở Nữu Ước, ngài Tổng thư ký Javier Perez de Cuillar khi giới thiệu Mẹ đã nói: ”Thiết nghĩ việc tốt nhất tôi có thể làm là cảm tạ Mẹ, và tuyên bố : Hơn cả tôi, hơn hết mọi người trong chúng ta, Mẹ là Liên hiệp quốc, là Hòa bình của thế giới”.
Ngày nay thì Mẹ Têrêsa đã được tưởng nhớ tới trong tâm tình tri ân và kính ngưỡng trên khắp hoàn cầu rồi.
Dù Mẹ Têrêsa sống vào thế kỷ trước, nhưng Mẹ đã thành người của mọi thế kỷ. Đức tin sâu thẳm của Mẹ biểu hiện nơi việc làm, đức tin ấy không thể chết đi với Mẹ, mà mãi mãi hiện thể thành hành động hôm nay, ngày càng mãnh liệt hơn. Rất nhiều người cố gắng tìm hiểu về trực giác và linh đạo xã hội-tôn giáo của Mẹ. Sau đây cũng là cố gắng của riêng tôi, hòng ghi nhớ đời sống và sự nghiệp của Mẹ, qua đó truyền hứng cho niềm tin và lòng xót thương của quý vị độc giả.
Bài này gồm bốn phần : 1) “Làm tông đồ bằng đời sống” nói lên nguồn gốc việc Mẹ hiến thân phục vụ người nghèo nhất giữa các người nghèo, cũng như tình yêu sâu xa của Mẹ đối với Thiên Chúa; 2) “Chiêm niệm trong hành động” diễn tả đời sống và công việc phục vụ của các Thừa sai Bác ái, thân mình nối dài của Mẹ Têrêsa; 3) “Những thâm tín” đưa ra ánh sáng nhữnng thâm tín của Mẹ được thể hiện bắng hành động; 4) “Thành quả cho hôm nay” nói lên ý nghĩa của sứ điệp Mẹ Têrêsa cho chúng ta hôm nay.
1- Làm tông đồ bằng hành động
Một nụ hồng nhỏ- Mẹ Têrêsa sinh ngày 26-8-1910 với tên gọi Anjeze (Agnès trong tiếng Pháp) Gonxhe (Gonxhe là nụ hồng trong tiếng Albania) Bojaxhiu trong một gia đình người Albania. Sinh quán của Mẹ : Skopje, nay là thủ đô Nước Cộng hòa Macedonia, còn khi ấy chỉ là một phần của Kosovo Vilayet trong Đế quốc Ottoman. Cô bé là út trong ba đứa con của Nicolle và Dranafile Bojaxhiu. Năm 1919, khi Agnès mới lên tám, thì ba chợt bệnh và qua đời. Vững vàng lên từ cái chết của bố, Agnès rất sán mẹ.
Nhờ mẹ gợi hứng- Dranawas là một phụ nữ đạo hạnh và đầy lòng thương người. Bà chuyển sang cho con gái Agnès những tâm tình bác ái thâm sâu. Quả thế, Agnès học từ mẹ lòng .xót xa trước những túng thiếu của người nghèo, người cùng khổ. Bà Dranawas dạy con cái biết thức tỉnh trước nhu cầu của láng giềng và tìm cách giúp đỡ họ. Mỗi tuần một lần, lắm khi có bé Agnès đi với, bà đến thăm một phụ nữ lớn tuổi hơn bị con trai bỏ rơi. Bà mang thức ăn tới và giúp dọn dẹp nhà cửa. Hai ngày một lần, bà tắm rửa cho một phụ nữ say rượu, mình đầy lở chốc, và chữa trị cho. Agnès thườnng giúp mẹ trong những công việc như thế. Bà Dranawas cũng chăm sóc một bà góa bệnh tật có sáu đứa con. Khi nào bà ngăn trở, thì sai Agnès đi thăm. Đến khi bà góa chết, thì sáu đứa con của bà được mang về nhà Bojaxhiu, và chúng trở nên thành viên của gia đình. Dẫu chẳng giàu có gì cho cam, bà Dranawas Bojaxhiu vẫn mở rộng vòng tay đón tiếp những ai túng đói trong vùng tới ăn uống trong nhà mình. Bà khuyên Agnès như sau :”Con ạ, đừng bao giò nuốt một miếng mà không chia sẻ nó với người khác”. Khi bé Agnès hỏi những người đến ăn là ai, thì mẹ luôn luôn trả lời :” Một số là bà con, nhưng hết thảy đều là đồng bào của chúng ta”. Cứ thế, với Agnès, bà mẹ đã thành tấm gương sống về sự quan tâm đến người nghèo khổ, trần trụi!
Nguồn gốc ơn gọi tu dòng- Từ đức tin Kytô-giáo của mình, bà Dranawas rút ra một sức mạnh lớn cho bà và gia đình bà. Bà đưa cả ba con đi nhà thờ cầu nguyện và dự thánh lễ. Rồi mỗi tối, cả gia đình họp lại ở phòng chung để lần hạt. Bà rất sùng đạo, chuyển sang cho các con đức tin bà đã tiếp nhận từ cha mẹ mình. Ngay từ tuổi thơ, Agnès tới nhà thờ đều đặn, và coi đó là việc phải làm hơn hết những gì khác.
Linh mục Jambrenkovich, cha sở họ đạo Thành Tâm, nói cho giới trẻ biết chuyện các tu sỹ Dòng Tên của nước Yougoslavie (Nam Tư) ra đi truyền giáo ở vùng Bengali (bên Ấn) vào năm 1924. Lòng hăng say truyền giáo của những vị ấy được kể lại cho các thành viên hội đoàn Sodality (Đoàn kết), và chuyện ấy tác động mạnh vào tâm tư của bọn trẻ, nhất là của Agnès. Tốt hơn, hãy nghe chính lời thú nhận của cô :”…Ngày kia, một nhà truyền giáo Dòng Tên bên Ấn tới thuyết giảng ở nhà thờ chúng tôi. Cha nói về công việc của cha làm bên Ấn, và lời của cha tác động sâu xa vô tâm hồn tôi. Tôi thưa truyện với vị linh mục này về ý muốn của tôi, và ngài khuyên tôi cầu nguyện để biết thánh ý Chúa”.
Agnès quyết chí trở thành nữ tu, và bỏ nhà năm 1928 lúc 18 tuổi, tới dòng các sơ Loretô thuộc đan viện Loretô bên Rathfarmam, Ái nhĩ lan, để học Anh văn, với mục đích đi truyền giáo : tiếng Anh là ngôn ngữ các sơ Loretô sử dụng khi dạy các trẻ em bên Ấn. Agnès sẽ không còn gặp lại mẹ bao giờ nữa.
Đời sống nữ tu ở Bengali- Một năm sau, Agnès, nay là Maria Têrêsa (tên dòng) sang Darjeeling bên Ấn làm tập sinh, và tháng 5-1931 thì khấn nguyện lần đầu. Sơ được gửi đến dạy ở trường nữ trung học Thánh Mẫu Maria do các sơ Loretô điều hành, và sơ hiến thân dạy các em thuộc gia đình nghèo nhất của Bengali. Sơ Têrêsa học nói thông thạo tiếng Bengali và Hindi[3] trong khi dạy môn sử địa. Sơ cũng có ý giúp các em thoát nghèo nhờ học vấn.
Ngày 4-5-1937, sơ khấn nguyện trọn đời khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Kể từ đấy, theo thói quen dòng Loretô, như các sơ sau vĩnh nguyện (khấn trọn đời), sơ được gọi là Mẹ : Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa tiếp tục dạy ở trường Thánh Mẫu Maria, và đến 1944 thì trở thành hiệu trưởng. Bằng sự dịu hiền, quảng đại và tận tâm giáo dục nữ sinh, Mẹ hướng dẫn các em tới việc tôn sùng Chúa Kytô :”Xin cho con sức mạnh để thành ánh sáng cho các em, để cuối cùng có thể dẫn các em tới Chúa”.
Đối mặt với túng nghèo và khổ cực- Mẹ Têrêsa sống đời nữ tu 19 năm, bắt đầu như một tập sinh, rồi sơ sau đó. Trong khi dạy ở trường Thánh Mẫu Maria, Mẹ có dịp cảm nhận thấm thía thực tại của sự túng quẫn. Năm 1943 xảy ra nạn đói lớn làm chết ít nhất hai triệu người; và những học sinh nghèo đến trường với dạ dầy trống rỗng. Bằng mọi cách, các sơ cố giúp các em có bữa ăn trưa. Sơ Têrêsa cũng chứng kiến cảnh khốn cùng của học sinh và dân chúng trong thời kỳ hạn hán. Và ý muốn giúp đỡ người nghèo bén rễ sâu trong tâm hồn Mẹ.
Năm 1946, cuộc xung đột Hồi giáo-Ấn giáo gây thảm họa lớn, và Calcutta rất khốn đốn do sự kiện dân cư thành phố gần như chia đôi giữa hai cộng đồng Ấn và Hồi đối đầu nhau. Các cuộc biểu tình và xung đột xảy ra khiến mấy trăm người bị giết. Là cô giáo đứng đầu nhà trường, sơ Têrêsa phải ra ngoài mua nhu yếu phẩm cho các em, nhờ đó tận mắt thấy xung đột và nỗi khổ của giống người. Và sơ nhận thức ra việc tông đồ của mình không thể đóng kín trong nề nếp của cơ sở giáo dục dành riêng cho giới trung lưu là chính, mà phải là giữa những người nghèo nhất trong đám người nghèo tại các khu ổ chuột.
Tiếng gọi lập dòng- Ngày 10-9-1946, Mẹ Têrêsa cảm nghiệm một tiếng gọi thứ hai nó thay đổi hẳn cuộc đời của Mẹ. Đang khi Mẹ đi xe lửa từ Calcutta đến chân núi Hy mã lạp sơn để tĩnh tâm, thì Đức Kytô nói với Mẹ hãy bỏ việc dạy học và tới làm việc ở những khu ổ chuột của Calcutta, hầu giúp đỡ những người nghèo nhất, ốm yếu nhất. Sau này, Mẹ diễn tả tiếng gọi ấy như “tiếng gọi bên trong tiếng gọi”. Và Mẹ nhớ lại :”Tôi phải bỏ nhà dòng đến chung sống với người nghèo khổ để giúp đỡ họ. Đó là mệnh lệnh, mà không tuân thủ cũng là bỏ đức tin luôn”.
Vì đã khấn nguyện vâng lời, nên Mẹ không thể bỏ dòng mà không có phép chính thức. Sau khoảng một năm rưỡi dây dưa, cuối cùng vào tháng giêng 1948, Mẹ được Đức Tổng giám mục Calcutta là F. Ferrier dòng Tên chấp nhận cho Mẹ đi theo ơn gọi mới này. Thế là tháng tám năm ấy, Mẹ khoác lên mình chiếc áo trắng viền xanh mà Mẹ sẽ công khai mặc cho đến hết đời; và chỉ với 5 ru-py[4] trong túi, Mẹ rời bỏ tu viện Loretô, lần đầu phiêu lưu vào những khu ổ chuột của Calcutta với ý chí giúp đỡ “những kẻ không được ai yêu thương và lo lắng cho”.
Mẹ ghi lại trrong nhật ký riêng, rằng trong năm thứ nhất, Mẹ ngập đầu với biết bao khó khăn : không một lợi tức, Mẹ phải đi xin lương thực và những vật dụng cần thiết. Trong mấy tháng đầu, Mẹ kinh nghiệm sự nghi nan, nỗi cô độc, và cám dỗ quay trở về với những tiện nghi của đời sống tu viện. Cuối cùng, Mẹ quyết định dứt khoát :”Lạy Chúa, vì lòng mến Chúa, con muốn ở lại và làm bất cứ gì Chúa muốn đối với con. Con quyết không để rơi giọt nước mắt nào cả”.
Những khởi đầu- Năm 1952, Mẹ Têrêsa mở Nhà Hấp hối đầu tiên trên khoảnh đất thành phố nhường cho. Với sự trợ giúp của mấy viên chức Ấn, Mẹ biến một ngôi đền Ấn giáo bỏ hoang ở Kalighat thành nhà dành cho người hấp hối, nơi nương trú miễn phí cho kẻ túng nghèo. Mẹ đặt tên cho ngôi nhà ấy là “Trái tim vô nhiễm”. Những ai được nhận vô sẽ được chăm sóc y tế và có cơ hội ra đi trong bình an, xứng với nhân phẩm và theo nghi thức tôn giáo của mình : kinh Quram được đọc cho người Hồi, nước sông Hằng mang tới người Ấn, phép Xức dầu làm cho người Công giáo. “Một cái chết đẹp” như Mẹ nói, “cho những kẻ sống thì không hơn con vật, nhưng chết lại giống như thiên thần, được yêu thương và quan tâm đến”.
Không lâu sau đó, Mẹ mở một nhà cho người bệnh phong, mà Mẹ đặt tên là “Thị trấn Bình an”. Các sơ Thừa sai Bác ái cũng lập nhiều bệnh viện phong trong thành phố để nuôi ăn và chăm sóc y tế cho người nội trú. Năm 1955, Mẹ Têrêsa mở nhà “Vô nhiễm” làm chốn ăn ở cho trẻ mồ côi và vô gia cư.
Sự ra đi của một con người vĩ đại- Ngày 5-9-1997, Mẹ Têrêsa từ trần. Tám ngày sau, 13-9, chính phủ Ấn Độ tổ chức quốc táng long trọng, có chức sắc từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự. Di thể của Mẹ được an nghỉ trong Nhà mẹ Dòng Thừa sai Bác ái ở Calcutta. Khi Mẹ qua đời, những lời chia buồn và ca ngợi đươc gửi đến từ khắp bốn phương :”Thế giới đã mất đi một trong những người khổng lồ của thời đại này”, tổng thống Clinton của Hoa kỳ nói, “con người ấy đã mang an ủi tới cho người nghèo, người khổ đau và hấp hối, đồng thời trở nên cho hết thảy chúng ta một gợi hứng và thách đố”.
Vào lúc Mẹ Têrêsa ly trần năm 1997, các Thừa sai Bác ái, gồm các sơ, linh mục và tu huynh, đếm được 4.232 người với 600 cơ sở ở 123 nước. Ngoài ra, còn tới hằng ngàn giáo dân tình nguyện trên khắp hoàn cầu. Với tất cả con số ấy, Mẹ Têrêsa nói :”Chúng tôi biết quá rõ : Cái chúng tôi làm được chỉ là giọt nước giữa đại dương. Dĩ nhiên nếu không có giọt nước ấy, hẳn đại dương cũng thiếu một cái gì”.
2- Chiêm niệm trong hành động
Sứ mệnh làm lan tỏa tình yêu- Mẹ Têrêsa chuyển tếng gọi ngày 10-9-1946 thành hành động cụ thể là cứu giúp kẻ túng nghèo trong thành phố. Mẹ bắt đầu mở một trường học giữa trời và lập Nhà hấp hối tại một căn phố hoang tàn mà Mẹ thuyết phục được nhà chức trách thành phố nhường cho để sử dụng vào công việc nói trên. Hồi đầu, vào năm 1949, một nhóm phụ nữ trẻ đến hỗ trợ Mẹ, để rồi với những cô gái này, Mẹ khởi sự một tu hội mới : Các Thừa sai Bác ái với lời khấn nguyện thứ tư là “Toàn tâm toàn ý cho việc phục vụ không công những người nghèo nhất giữa người nghèo”. Đến tháng 10-1950, tu hội mới nói trên được công nhận chính thức ; vào lúc ấy chỉ có một nhúm thành viên, mà hầu hết là cựu giáo chức và nữ sinh trường Thánh Mẫu. Sứ mệnh của dòng, theo đúng lời Mẹ, là chăm sóc “những kẻ đói khát, trần trụi, tật nguyền, mù lòa, vô gia cư, phong hủi, và hết thảy những người bị bỏ mặc, không xót thương, không được đếm xỉa tới, bị coi là gánh nặng hay bị gạt ra ngoài lề xã hội. Theo cách hiểu của Mẹ Têrêsa, “mỗi người như thế là Chúa Giêsu cải trang”.
Các Thừa sai Bác ái ngay từ đầu đã có sức lôi cuốn người ta đến gia nhập; cùng lúc các tặng phẩm quảng đại cũng được gửi đến. Nhờ đó, tới năm 1960, họ mở được những trung tâm cứu tế, trại mồ côi, trại phong cùi khắp trên nước Ấn. Kế đó, tu hội của Mẹ cũng bành trướng khắp hoàn cầu. Nhà đầu tiên bên ngoài Ấn được mở ở Venezuela năm 1965 với 6 sơ. Các nhà tiếp theo là ở Rôma, Tanzania, nước Áo. Trong năm 1970, có thêm nhiều nhà và cơ sở tại mười mấy nước châu Á, châu Phi, châu Âu và Hoa kỳ.
Mẹ Têrêsa thiết lập tu hội Tu huynh Thừa sai Bác ái năm 1963, và ngành chiêm niệm nữ tu năm 1976. Còn ngành giáo dân Công giáo và không-Công giáo được tập hợp trong nhóm “Cộng sự viên của Mẹ Têrêsa”, nhóm “Cộng sự viên vì người bệnh tật và đau khổ”, nhóm “Thừa sai Bác ái giáo dân”. Để đáp lại lời thỉnh cầu của nhiều linh mục, Mẹ Têrêsa còn lập “Phong trào Thánh Thể Chúa Kytô”dành cho linh mục; để rồi vào năm 1984, cùng với cha Giuse Langford, Mẹ thành lập “Các cha Thừa sai Bác ái” để liên kết những mục tiêu ơn gọi Thừa sai Bác ái vói những gì mà thừa tác vụ linh mục có thể cung cấp. Trong ý nghĩ của Mẹ Têrêsa, thì “các sơ và tu huynh chiêm niệm làm nên đôi chân của Chúa Giêsu trên bước đường tìm kiếm các linh hồn. Vâng, họ ra ngoài để cứu những linh hồn đang cần Chúa”.
Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Chúa Giêsu- Lần kia, cùng với mấy sơ, Mẹ đang tắm rửa và đút ăn cho một người cùi dơ bẩn, trông gớm ghiếc, trên một đường phố Calcutta. Một kẻ thấy thế đã nhận định :”Có trả tôi một triệu đô la tôi cũng chẳng chạm tới một người cùi”. Nghe thế, Mẹ Têrêsa đáp trả một cách hóm hỉnh :”Tôi cũng vậy nếu đây là vấn đề tiền . Vâng, dù cho tôi hai triệu đô, tôi cũng chẳng làm việc này đâu. Nhưng tôi lại vui sướng mà làm vì tình yêu Thiên Chúa”. Theo Mẹ, thì “Ơn gọi các Thừa sai Bác ái là yêu mến Chúa Giêsu”. Quả thế, các Thừa sai Bác ái, dù là sơ, tu huynh, linh mục hay giáo dân, hết thảy đều mang sứ mệnh y hệt của chính Chúa, đó là “đưa Tin mừng đến cho kẻ nghèo, tự do cho kẻ bị giam, ánh sáng cho kẻ mù, giải phóng cho kẻ bị áp bức, công bố Năm hồng ân của Thiên Chúa (Luca 4.18-19)”.
Yêu thương bằng hành động- Mẹ Têrêsa nhắc đi nhắc lại :”Tình yêu được minh chứng bằng hành động; hành động càng gây phiền não cho ta, thì chứng tá tình yêu càng lớn rõ hơn”. Năm 1969 Mẹ đến viếng thăm Trung quốc, ở đó Mẹ gặp gỡ một số lãnh đạo cao cấp đảng Cộng sản. Có mấy vị hỏi :”Này Mẹ Têrêsa, người Cộng sản là chi đối với Mẹ?” Mẹ trả lời ngay, cách rõ ràng :”Họ là con Thiên Chúa, là anh chị em của tôi!” Vị ấy thốt lên :”Mẹ đánh giá cao về chúng tôi đấy. Thế nhưng Mẹ lấy ý tưởng ấy ở đâu vậy?”” Và Mẹ trả lời :”Lấy từ chính Thiên Chúa đấy. Chúa nói :”Cái gì con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, đó là làm cho chính Ta”. Vào mùa hè năm 1982, lúc cao điểm của cuộc vây hãm Beirut, Mẹ liều mình đến Beirut thủ đô Liban ấy, tại đó Mẹ phải đi xuyên qua giữa hàng ngũ Kytô-giáo thuộc Đông Beirut và Hồi giáo thuộc Tây Beirut để cứu giúp trẻ nhỏ thuộc cả hai bên. Tại đây, Mẹ mở nhà “Quà tặng của Yêu thương” cho những ai bị nhiễm HIV. Trước một cử tọa đông đảo, Mẹ nói về các sơ thuộc tu hội của Mẹ như sau :”Chúng tôi là Thừa sai Bác ái. Đó là tên gọi và chức năng của chúng tôi trên thế giới này. Mỗi người chúng tôi phải có thể nói lên được rằng : Tôi muốn là Tình yêu”. Điều bí ẩn nhất của linh đạo Mẹ Têrêsa là Yêu bằng một tình yêu vô hạn, vô điều kiện, không biên giới. Mẹ nói :”Tôi không biết chắc Thiên đường giống cái gì, nhưng tôi biết khi ta chết, để phán xử chúng ta, Thiên Chúa sẽ không hỏi : -Ngươi đã làm được bao nhiêu việc lành; nhưng Ngài lại hỏi :-Ngươi đặt bao nhiêu yêu thương vô những gì ngươi làm đó?”
Mẹ Têrêsa chú ý đến từng con người và mọi chi tiết. Mẹ nói :”Cái chúng tôi quan tâm là cá nhân người đó. Để yêu thương được họ thì phải gần gũi, xem họ như người duy nhất cho tôi trên đời vào lúc này. Mẹ kết hợp một thông cảm sâu xa với một dấn thân nồng nhiệt vào việc giúp họ bằng một tổ chức chặt chẽ và điều hành khôn khéo, qua đó phát triển một tập thể quốc tế rộng lớn và hữu hiệu, và đây là những Thừa sai (Bác ái) với mục tiêu cứu giúp kẻ khốn cùng khắp năm châu. Mẹ Têrêsa có một tài khéo hiếm thấy, khiến Mẹ và các sơ của Mẹ có thể hiện diện bất cứ đâu có người cần giúp đỡ nhất. Vâng, các Thừa sai Bác ái muốn chinh phục thế giới bằng yêu thương, nhờ đó mang tới cho trái tim mỗi người tình yêu Thiên Chúa và bằng chứng về việc Thiên Chúa yêu thương thế gian.
Tinh thần vui tươi- Một trong những nét đáng để ý của các sơ Thừa sai Bác ái là sự đằm thắm vui tươi mà họ tỏa phát ra xung quanh. Mẹ Têrêsa đã sống như thế ngay thời còn trẻ theo lời khuyên của linh mục Jambrenkovich. Khi ấy, cô bé đến hỏi cha giải tội Jambrenkovich, xem làm sao để biết ơn gọi của mình. Theo ngài nhắn nhủ, thì cách duy nhất để biết chắc có ơn gọi là trải nghiệm niềm vui. Sau đó, ngài giải thích rõ hơn :”Khi con nghĩ rằng Chúa gọi con, trong chiêm niệm con phải cảm thấy niềm vui được phụng sự Chúa và phục vụ người láng giềng. Một niềm vui thâm sâu phải là cái la bàn nó chỉ ra hướng đi cho việc chọn lựa ơn gọi. Người ta phải cứ đó mà theo dù gặp khó khăn”.
Bằng nhiều cách và nhiều phen, Mẹ Têrêsa dạy các Thừa sai của Mẹ, là phải vui tươi cả bên trong lẫn ở dáng vẻ bên ngoài. Theo Mẹ, thì “Vui tươi là nguyện cầu. Vui tươi là sức mạnh. Vui tươi là yêu thương. Vui tươi là cái lưới tình yêu để nắm bắt các linh hồn”. Ngay trong hiến pháp dòng, ở khoàn 203, Mẹ đã đặt vui tươi như cái gì không thể bỏ qua :”Tinh thần vui tươi phải thấm nhiễm cuộc sống hằng ngày, và tập sinh phải được khích lệ coi việc tỏa phát niềm vui ấy như thành phần quan yếu của việc tông đồ”. Cuộc sống một sơ Thừa sai Bác ái thật nặng nề, nên đòi hỏi cùng lúc phải chan chứa niềm vui. Chính hiến pháp dòng cũng ấn định :”Cách tốt nhất để chúng ta tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa và người đời, là tiếp nhận tất cả trong vui tươi”.
Tinh thần khiêm nhu và hi sinh- Khiêm nhường luôn là phương thế tốt nhất cho con đường thiêng liêng. Mẹ Têrêsa nhắn nhủ cách thực hành khiêm nhường như sau :”Nói rất ít về mình. Để ý đến công việc của mình. Đừng can thiệp vào công việc người khác. Tránh tò mò. Bỏ qua sai sót của người khác. Dịu dàng tiếp nhận phản đối và sửa sai. Chấp nhận chửi bới và nguyền rủa. Chấp nhận bị khinh rẻ. quên lãng và không ưa. Tỏ ra hiền dịu và dễ mến dù bị khiêu khích. Không bao giờ ỷ dựa vào địa vị của mình. Luôn chọn cho mình những gì cam go nhất”.
Các sơ thức dậy lúc 4g45 sáng, rồi đọc kinh, suy niệm trước thánh lễ. Kế đó lao mình vào những công việc khó khăn và cực nhọc một cách vui tươi. Dẫu bận rộn đến đâu chăng nữa, họ dành nhiều giờ để cầu nguyện. Họ tự mình làm tất cả công việc, chứ không dùng người hầu, và đây là quy luật. Các Thừa sai Bác ái theo một luật sống khắt khe, khổ hạnh và nghiêm ngặt ở một cấp độ rất cao. Họ không sử dụng những thứ tiện ích thông thường, có khi cần thiết nữa, như quạt máy, radio, tivi, máy ảnh,v.v…; riêng điện thoại di động và máy vi tính chỉ được phép vì mục đích cộng đồng thôi; còn máy điều hòa thì xa lạ hoàn toàn với các Thừa sai Bác ái. Không hề có máy giặt trong nhà của họ; mọi giặt giũ đều làm bằng tay hết. Thêm vào tất cả những hi sinh ấy, họ còn có những thực hành đền tội riêng, như ăn chay. Ngày thứ sáu đầu tháng nào cũng vậy, các sơ tịnh trai (mà không bớt gì ở công việc hằng ngày), không phải chỉ như một hành vi đền tội, mà còn như một hành vi yêu thương đối với người đời, khi mà số tiền dành dụm do việc ăn chay sẽ được mang ngay giúp người cùng túng.
Các sơ Thừa sai Bác ái không nhận mời đi ăn ở bất cứ cuộc khánh hạ nào dù xã hội hay tôn giáo. Và Mẹ Têrêsa giải thích :”Nhận lời mời ăn như thế có thể gây cảm tưởng là chúng tôi được đền bù vì những gì chúng tôi làm, bởi lẽ dù làm gì, chúng tôi chỉ làm không công thôi. Tôi luôn luôn nói : Chúng tôi làm việc ấy vì Chúa và vì lòng yêu thương người cùng túng. Chúng tôi không nhận dù chỉ một ly nước”.
Mỗi sơ Thừa sai Bác ái chỉ được phép có một đôi dép, ba bộ quần áo bằng vải bông thô sơ, và hai áo choàng sari thô sơ cũng bằng vải bông nốt. Mỗi sơ tự giặt lấy quần áo của riêng mình; và vì họ làm việc giữa người nghèo, người cùi, người ốm đau, nên họ phải giặt giũ mỗi ngày. Nếu vì lý do sức khỏe mà một sơ nào đó không thể tự giặt được, thì một sơ khác sẽ giúp. Các sơ được về gia đình ngắn hạn vào dịp lễ nghỉ cứ mười năm một lần. Dĩ nhiên, họ có thể vể nhà ít bữa khi bố mẹ qua đời hay bệnh nặng; hoặc khi sắp xuất ngoại xa, họ cũng ghé thăm khi đi ngang qua.
Phó thác cho sự quan phòng của Chúa- Mẹ Têrêsa không bao giờ gây quỹ, mà còn chống lại hoàn toàn việc ấy. Chẳng những các sơ, mà ngay cộng sự viên cũng bị cấm bất cứ việc gây quỹ nào. Trong quan phòng yêu thương, Chúa sẽ lo liệu hết những gì cần đến cho các Thừa sai Bác ái trong công việc từ tthiện của họ. Những tặng dữ cứ đến, đôi khi còn rất dồi dào nữa, và lập tức chúng được sử dụng cho những công việc cần đến. Những quà tặng rộng rãi lắm khi đến từ những nguồn gốc không trông đợi trước, và chúng đến vào đúng lúc rất cần. (Tin vào sự quan phòng của Chúa,) Mẹ Têrêsa không muốn sự gây quỹ hay ký gửi nhà băng.
Mẹ Têrêsa không thôi khẳng định :”Chúng tôi chiêm trong hành động”. Bất cứ ai quan sát các sơ của Mẹ dù chỉ mấy phút thôi, đều nhận thấy họ chìm đắm trong nguyện cầu, ngay cả lúc gồng mình làm việc gấp gáp nhưng đằm thắm. Công việc không làm họ phân ly với cầu nguyện, và cầu nguyện cũng chẳng chia cách họ với việc làm. Với họ, chiêm hành cùng cần thiết như nhau và bổ túc cho nhau. Không nghi ngờ gì cả, Mẹ Têrêsa đúng là một “Karma-yogin” dốc sức cho công việc; nhưng cũng ngang bằng như thế, Mẹ là một “Bhakti-yogin”[5] theo con đường sùng mộ, yêu thương. Trong thực tế, không phải Mẹ mỗi lúc mỗi đường, nhưng cả hai một trật, như Mẹ quen nói :”Các Thừa sai Bác ái chiêm trong hành động giữa lòng thế giới”. Theo lời Macolm Muggeridge, chọn lựa của Mẹ Têrêsa “sống trong khu ổ chuột của Calcutta, giữa bụi bậm, tật nguyền và khốn khổ, điều ấy mang ý nghĩa của một tinh thần bất khuất, một đức tin không lung lay, một yêu thương vô tận…”. Mẹ Têrêsa là con người quá ư đặc biệt đến nỗi chính Mẹ và các sơ của Mẹ có thể đi tới bất cứ đâu cần đến mình nhất. Họ có một nghị lực phi thường, mà nguồn gốc chỉ có thể là cầu nguyện.
3- Những thâm tín
Vì sự sống- Mẹ Têrêsa rất kiên cường bảo vệ sự sống. Mẹ nghiêm khắc chống việc phá thai :
-“Cái gọi quyền phá thai là cạm bẫy nó khiến mẹ chống con, vợ chống lại chồng. Nó gieo rắc bạo động và bất hòa ngay trong quan hệ giữa người với người thâm sâu nhất. Nó tước bỏ hơn nữa vai trò của người cha trong một xã hội ngày càng không cha. Nó biến cái quà tặng lớn nhất là đứa bé thành kẻ cạnh tranh, xâm nhập, bất tiện; nó công khai cho phép người mẹ có quyền bất khả xâm phạm trên đứa bé trai hay gái yếu đuối không sức tự vệ. Và bằng cách trao cái quyền vô lý ấy, nó mở lối cho nhiều phụ nữ có những đòi hỏi ích kỷ và bất công đối với chồng hay người tình của mình.
Mẹ cương quyết khẳng định :”Đứa bé chưa sinh có quyền được sống bất chấp sự chấp thuận hay không của mẹ nó”. Một lần kia, trong buổi họp National Prayer Breakfast[6], Mẹ có dịp đối đầu vớI Tổng thống Bill Cliinton về lập trưởng cho phá thai của ông. Mẹ cũng mang thông điệp vì sự sống ấy đệ trình lên Tòa án tối cao của Mỹ. Các luật sư của Mẹ viết bản điều trần đòi Tòa phải nhìn nhận quyền sống bất khả xâm phạm của trẻ chưa sinh. Không may là Mẹ đã thất bại. Nhưng vững tin và xả thân bảo vệ sự sống, Mẹ đã làm một việc can đảm, vượt xa trên những gì người khác có thể. Trong bài phát biểu lúc nhận giải thưởng Nobel năm 1979, Mẹ nói thẳng :”Tôi tin rằng cái hủy hoại hòa bình lớn nhất ngày nay chính là sự phá thai”. Đúng là Mẹ vững vàng trong những xác tín của Mẹ, mà không một chỉ trích nào có thể làm Mẹ chùn bước trên đường thẳng tiến. Theo lời tiến sỹ John Sannes, lãnh đạo ủy ban giải Nobel, thì “Mẹ Têrêsa xứng đáng nhận giải Nobel, bởi lẽ Mẹ cổ võ hòa bình một cách căn bản nhất khi khẳng quyết sự bất khả xâm phạm của phẩm giá con người”.
Tất cả vì người nghèo- Tuy không thích vinh quang, nhưng Mẹ Têrêsa lại nhận được quá nhiều vinh dự từ khắp nơi trên thế giới. Những vinh dự ấy vượt xa trên mơ ước của bất cứ phàm nhân nào; thế nhưng với Mẹ thì chúng chẳng có gì quan trọng. Và Mẹ cảm thấy không thoải mái với những thứ ấy, không để ý đến vinh quang chúng mang tới cho mình. Có điều Mẹ vui sướng được chuyển hết những món tiền thưởng kèm theo cho các cơ sở từ thiện của Mẹ ở bốn phương. Ngày 16-10-1979, Mẹ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình “vì cuộc chiến đấu chống nghèo đói và thống khổ nó đe dọa hòa bình”; Mẹ yêu cầu bữa tiệc thường lệ tôn vinh người đoạt giải Nobel kỳ này được bãi bỏ, và dành số tiền khoảng 6000 đô la phí tốn cho Mẹ sử dụng để giúp kẻ túng nghèo bên Ấn độ, lấy lý do phần thưởng chỉ quan trọng khi nó giúp Mẹ giúp kẻ cần đến.
Một phóng viên hỏi Mẹ cảm thấy thế nào khi nhận giải Nobel, và Mẹ trả lời :”Đây chỉ là một giọt nước giải thoát cho cả một đại dương đau khổ. Tôi không đáng với giải thưởng. Nhưng do việc trao giải này, người Đan mạch đã nhận ra sự có mặt của người nghèo. Chính vì những người này mà tôi tới đây”. Sau đó, Mẹ còn nhận xét :”Tôi được giải Nobel là vì người nghèo. Dẫu sao, giải thưởng đi trên những thể hiện bên ngoài của nó : giải thưởng thật sự đánh thức lương tâm mọi người trước cảnh đói nghèo đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, có cái gì đó nhắc nhở chúng ta rằng người nghèo là anh chị em ta, và chúng ta có bổn phận đối xử với họ bằng yêu thương”.
Can đảm trong xác tín- Mẹ Têrêsa khôg bao giờ sợ phải nói lên ý nghĩ của mình, hay xấu hổ vì đức tin của mình trước bất cứ cử tọa nào. Lúc nhận giải Nobel, Mẹ được hỏi :”Mẹ làm gì để cổ võ cho hòa bình?” Mẹ đáp :”Hãy về mà yêu mến gia đình anh!” Mẹ có thể nói về tình yêu gia đình một cách xác quyết, cũng như không ngại giãi tỏ lòng mình trước thế giới. Trong cuộc lễ trao giải Nobel ở Oslo, Mẹ phải nói trước một cử tọa gồm phần đông là những bậc vị vọng trên thế giới. Và họ thuộc mọi niềm tin, thuộc cả cộng sản và vô thần. Thế nhưng Mẹ vẫn khiến cho hết thảy cùng cầu nnguyện với Mẹ bằng lời cầu xin hòa bình của thánh Phanxicô, mà Mẹ in sẵn và trao cho :
-“Xin Chúa biến con thành công cụ cho sự bình an của Chúa. Ở đâu có hận thù, cho con gieo tình yêu. Ở đâu có nguyền rủa, cho con gieo tha thứ. Ở đâu có thất vọng, cho con gieo hi vọng. Ở đâu có tối tăm, cho con gieo ánh sáng. Ở đâu có buồn phiền, cho con gieo niềm vui. Ôi lạy Đấng Chủ tể tối cao, xin cho con điều mà đáng lẽ con không dám xin nhiều đến thế. Cho con đươc an ủi như con ủi an. Cho con đưoợc người hiểu như con hiểu người. Cho con được thương yêu như con mến thương. Bởi vì chính lúc cho đi là ta nhận lãnh. chính khi tha thứ là ta được thứ tha. Chính lúc chết đi, ta sinh lại trong sự sống muôn đời”.
Khoảng mười năm trước ngày nhận giải Nobel, vào cuối lúc gặp gỡ con người vô thần, cộng sản và chống tôn giáo là Fidel Castro, Mẹ nói với ông rằng :”Xin cầu cho tôi, tôi sẽ cầu nguyện cho ngài.” Và phép lạ đã xảy ra khi chính ông Fidel Castro hứa :”Tôi sẽ cầu nguyện để Mẹ Têrêsa mở một nhà bên nước tôi”. Khi Đông Âu đã cởi mở hơn với thế giới vào cuối năm 1980, Mẹ hướng những cố gắng của Mẹ về phía những nước cộng sản trước đây đã từ chối các Thừa sai Bác ái, và Mẹ triển khai được trên mười dự án. Mẹ viếng thăm Cộng hòa xô viết Armenia sau trận động đất 1988, và gặp ông Nikolai Ryzhokov đứng đầu nội các, và ông cho phép Mẹ cứu giúp dân chúng lầm than.
Bài phát biểu đơn sơ, tự phát của Mẹ Têrêsa tại buổi lễ trao giải Nobel đầy ắp niềm tin Kytô-giáo và lòng bác ái. Mẹ nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với hết thảy loài người, về việc Ngài trao ban chính Con Ngài qua Đức Maria đầy ân phúc. Mẹ Têrêsa nói về ơn gọi nên thánh của hết thảy, về lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, và hiện vẫn đang yêu thương chúng ta. Cũng theo Mẹ Têrêsa, Chúa xuống thế gian để mang Tin mừng đến cho người nghèo. Mẹ xác quyết rằng “người nghèo là người nào đó cho chúng ta, họ cũng được tạo dựng bằng bàn tay thương yêu của Chúa”. Mẹ không quên nhắc nhở những người hội họp ở Oslo rằng : Khi lìa đời, ta sẽ chịu xét xử xem ta đã yêu thương kẻ nghèo, kẻ hèn mọn nhất thế nào. Và Mẹ nhắc lại chính lời Chúa Giêsu nói :”Bất cứ gì ngươi làm cho kẻ hèn mọn nhất trong anh em của Thầy, đó là làm cho chính Thầy”. Mẹ cũng tách riêng vấn đề phá thai, coi đó như “sự phá hoại hòa bình lớn nhất hiện nay. Bởi lẽ một người mẹ mà có thể giết chính con mình, thì còn ai mà người ta không dám giết nữa chứ?”
Trong bài phát biểu ấy, Mẹ cũng nói :”Trên thế giới, không chỉ trong các nước nghèo, mà tôi thấy sự nghèo túng bên Tây phương còn khó xóa bỏ hơn gấp mấy. Khi tôi bắt gặp một người đói trên đường, tôi chỉ việc cho họ một bát cơm, một miếng bánh, thế là đủ để xóa bỏ cơn đói ấy. Chứ một con người mà bị tống cổ đi, không ai đoái hoài tới, lại còn bị đe dọa, gạt ra ngoài lề xã hội nữa, thì sự khốn đốn ấy là cùng cực, không chịu nổi.
Vững trong yêu thương giữa đêm tối mịt mờ- Gần đây, chúng ta mới biết được những chiến đấu thiêng liêng của Mẹ Têrêsa qua thư từ Mẹ gửi cho các cha giải tội, linh hướng và bề trên của Mẹ trong khoảng thời gian trên 66 năm, trong đó có Đức Tổng giám mục Cacutta Ferdinand Perrier dòng Tên, cha Celeste Van Exem dòng Tên vốn là cố vấn thiêng liêng của Mẹ kể từ khi thành lập dòng Thừa sai Bác ái. Trong đời sống tư riêng, Mẹ trải nghiệm những hoài nghi và chiến đấu liên quan đến những tin tưởng tôn giáo của mình, và điều ấy kéo dài gần 50 năm cho đến hết đời. Mẹ thường không cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ cách nào. Mẹ biểu thị những hoài nghi nặng nề về sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như nỗi đau khổ vì thiếu đức tin ấy như sau :”Đức tin tôi ở đâu? Ngay trong sâu thẳm tâm hồn, chẳng có gì ngoài sự trống rỗng và tăm tối. Lạy Thiên Chúa của con, đau dường nào nỗi đau không thể hiểu ấy. Con hướng lòng về Trời, nhưng ở đấy chỉ thấy trống vắng nó cắt cứa sâu vào lòng như lưỡi dao sắc nhọn”.
Mẹ tin rằng Chúa vẫn hành động qua đức tin thật sự không suy suyển của Mẹ; và khi Mẹ khốn đốn vì mất cảm giác gần gũi Chúa, Mẹ không hề đánh dấu hỏi trên sự hiện hữu của Ngài, và có lẽ khi ấy Mẹ đang trải nghiệm cái gì giống như sự đau khổ Chúa Giêsu khi Ngài kêu lên trên thập giá :”Thiên Chúa ôi! Thiên Chúa ôi! Sao nỡ bỏ con?” Có gì giống như “Đêm tối” của thánh Gioan Thánh giá con người huyền nhiệm thuộc thế kỷ XVI. Nhiều vị thánh khác cũng có những trải nghiệm tương tự về sự khô khan thiêng liêng, hay cái mà người Công giáo tin là thử thách thiêng liêng (thanh tẩy thụ động), giống như điều mà thánh Têrêsa Lisieux gọi là “đêm tối của hư vô”. Đây là thứ trải nghiệm đau đớn hơn cái mà nhửng tác giả viết về đời sống thiêng liêng gọi bằng tiếng “khô khan”. Sau mười năm hoài nghi như thế, Mẹ nói tới một giai đoạn ngắn của đức tin phục hồi. Khi Đức Giáo chủ Piô XII từ trần vào mùa thu 1958, tới cầu nguyện cho Ngài trong một thánh lễ cầu hồn, Mẹ cho biết đã được giải thoát khỏi “cái đêm tối dài lâu, nỗi đau không thể tả”. Thế nhưng chỉ năm tuần lễ sau, Mẹ cho biết đã trở về với những khó khăn trong tin tưởng.
Đến 26-4-1959, sau khi tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của cha Picachy dòng Tên (sau này thành hồng y), Mẹ viết cho cha để nói lên việc chấp nhận sâu xa nỗi khốn khổ nội tâm, và Mẹ phó thác hoàn toàn theo ý Chúa. Mẹ nói “Xin cha cầu cho con có thể quên mình hoàn toàn và phó thác hết để tuân theo ý Chúa….Xin cho con đừng từ chối Chúa bất cứ điều gì để phó thác hoàn toàn theo thánh ý Chúa, bây giờ và cho đến hết đời con”. Rồi đến tháng 12-1980, Mẹ lại viết cho cha Giuse Neuner dòng Tên, một trong những linh hướng của Mẹ, rằng :”Trong một năm nay, con đã có nhiều dịp thỏa mãn lòng Chúa Giêsu khao khát tình yêu, khát khao các linh hồn. Đây là một năm đầy ắp khổ nạn Chúa, và con không biết nỗi khát nào lớn hơn, nỗi khát của Chúa hay của con vì Chúa?”
Suốt thời kỳ trải nghiệm Đêm tối, lời kinh duy nhất Mẹ có thể đọc là :”Ôi Thánh Tâm Chúa Giêsu, con đặt hết niềm tin vào Chúa. Con gắng làm dịu bớt lòng khát khao linh hồn của Chúa!” Phân tích việc làm của Mẹ và thành quả, Đức thánh Giáo chủ Gioan-Phaolô II nói :”Do đâu mà Mẹ Têrêsa tìm được sức mạnh và lòng kiên trì để dấn thân hoàn toàn vào việc giúp đỡ người khác? Đó là từ trong cầu nguyện và thầm lặng chiêm ngưỡng Thánh nhan, Thánh Tâm Chúa Giêsu!” Còn Đức Bênêdctô XVI thì nêu gương Mẹ Têrêsa khi nói:”Chỉ trong suy chiêm và đọc sách thiêng liêng, ta mới vun trồng được ơn nguyện cầu!”
4- Thành quả hôm nay
Mẹ Têrêsa vẫn sống qua các Thừa sai Bác ái- Mẹ vẫn sống hôm nay, trước hết qua đời sống và việc làm của các thành viên Thừa sai Bác ái. Hết thảy đều dũng cảm, yêu thương, quên mình và sống một đời sống thiêng liêng sâu xa. Vào lúc Mẹ Têrêsa qua đời, có cả thảy 3842 sơ tại 594 cơ sở ở 120 nước, thêm vào đó là 363 tu huynh tại 68 cơ sở ở 19 nước, rồi 14 tu huynh chiêm niệm tại 4 cơ sở thuộc 3 nước, và 13 linh mục tại 4 cơ sở thuộc 3 nước. Chưa hết, gia đình thiêng liêng của Mẹ còn bao gồm những linh mục giáo phận và giáo dân hợp tác, họ cũng muốn tham gia vào sứ vụ tình yêu của Mẹ. Các Thừa sai Bác ái còn được trợ giúp bởi những cộng sự viên đếm được trên một triệu người.
Hiện giờ, có hơn 5000 sơ phục vụ ở 735 nhà tản mát ở trên 139 nước. Riêng bên Ấn độ có 238 nhà, con số lớn nhất tại một quốc gia. Kế đó là Hoa kỳ với 166 nhà[7]. Năm 1998, ba sơ được phúc tử đạo vì đức tin tại Yemen. Đây là những tử đạo đầu tiên của dòng. Sang năm 2016, thêm bốn sơ Thừa sai Bác ái tử đạo cũng trong quốc gia ấy lúc họ đang tất bật phục vụ. Bắn chết họ là những người đàn ông vũ trang, xem ra vì lý do tôn giáo. Những sơ nói trên đã hy sinh tất cả để phụng sự Chúa Giêsu ở Aden.
Những Thừa sai Bác ái, với lời khấn nguyện thứ tư “toàn tâm toàn ý giúp người nghèo nhất giữa người nghèo cách vô vị lợi”, được xem như cái mình thứ hai của Mẹ Têrêsa. Họ theo con đường sùng mộ và yêu thương, họ chiêm niệm trong hành động giữa đời. Các Thừa sai Bác ái là biểu tượng của hy vọng cho loài người, nhất là cho người già yếu, trần trụi, người ốm đau, bị xã hội gạt bỏ và cho những đứa bé chưa sinh. MẹTêrêsa mang tới cho chúng ta sứ điệp của tình Thiên Chúa yêu thương thắm thiết, và Mẹ là “một mẫu mực của cái nó là như “máng chở” tình yêu ấy”.
Tưởng nhớ Mẹ Têrêsa- Năm 1984, chính phủ Tamil Nadu thành lập Đại học Mẹ Têrêsa dành cho phụ nữ, Kodaikanal một đại học công lập. Chính phủ Puducherry cũng lập Viện nghiên cứu hậu đại học về các ngành liên quan đến sức khỏe mang tên Mẹ Têrêsa ỏ Pondicherry năm 1999. Lại có những viện khảo cổ, thánh đường, cao ốc, đường phố mang tên Mẹ. Cũng mang tên Mẹ Têrêsa còn có phi trường quốc tế ở Albania. Riêng nước Albania dành ngày 5-9 hằng năm (trước đây là 19-10) làm Ngày Mẹ Têrêsa, ngày lễ nghỉ. Còn ngôi nhà của Mẹ tại quê hương Skopje thuộc Macedonia thì biến thành Nhà lưu niệm Mẹ Têrêsa vào năm 2009. Chưa hết, nhà thờ chính tòa Công giáo La mã ở Pristina thuộc Kosovo cũng mang tên Mẹ. Đồng thời, công ty Hỏa xa Ấn độ tung ra một chuyến tầu, gọi là “Tốc hành Mẹ Têrêsa” hôm 26-8-2010 để đánh dấu ngày sinh nhật thứ 100 của Mẹ. Còn Đại hội đồng Liên hiệp quốc thì lấy ngày Mẹ Têrêsa lìa đời làm Ngày quốc tế Bác ái, bắt đầu từ 5-9-2013.
Tổng kết
Tuy chỉ sống vào thế kỷ XX, Mẹ đã là người của mọi thế kỷ. Câu nói năm 1985 của vị Tổng thư ký Liên hiệp quốc: ”Mẹ Têrêsa chính là Liên hiệp quốc. Mẹ là Hòa bình của thế giới”, câu nói ấy đã trở thành lời ca ngợi lớn nhất mà một người có thể tiếp nhận. Sự vĩ đại và sức mạnh Mẹ Têrêsa nằm ở việc Mẹ toàn tâm toàn ý cho tình yêu đối với Chúa và loài người, cũng như ở thái độ khiêm tốn và đơn sơ của Mẹ. Hãy để tôi tổng kết những suy tư trên đây bằng câu nói của lệnh bà Pratibal Pati, Tổng thống đáng kính của nước Ấn, nhân dịp khánh hạ bách chu niên sinh nhật Mẹ Têrêsa như sau :”Bó mình trong chiếc sari viền xanh, Mẹ và các sơ Thừa sai Bác ái đã trở thành biểu tượng cho hi vọng đối với biết bao người già yếu, trần trụi, ốm đau, cùng khổ và với những người bị gia đình ruồng rẫy!”
Tác giả: Tiến sỹ Joseph Ladislaus
Chuyển ngữ: Hoành Sơn, S.J.
(dongten.net 18.06.2019)
[1] Dòng Tên Ấn Độ hiện có 18 tỉnh dòng bến Ấn.
[2] Ấn độ gồm nhiều tiểu bang; thành phố Calcutta thuộc tiểu bang Bengali.
[3] Bên Ấn, mỗi tiểu bang có ngôn ngữ riêng, còn ngôn ngữ chung là Hindi và tiếng Anh.
[4] Ru-py là tiền Ấn độ, giá trị khoảng 1/70 USD.
[5] Yoga=con đường; karma=hành động; bhakti=sùng mộ. Ấn giáo thường không mặn mà với hành động, vì theo thuyết luân hồi, hành động (nghiệp) luôn sinh nghiệp quả, khiến nngười ta không thể được giải thoát. Sau này trong Vishnu-giáo phát sinh con đường mộ đạo (bhakti) chủ trương yêu Chúa để được Chúa ban ân sủng và giải cứu.
[6] National Prayer Breakfast, họp hằng năm vào thứ năm đầu tháng hai tại Washington D.C., quy tụ hằng ngàn chính khách Hoa kỳ và nhiều bậc vị vọng trên thế giới được mời dự.