Thật ra thì nỗi lo không chỉ xuất hiện trong mùa tựu trường, lễ tết. Cuộc sống của con người kể từ ngày bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là một chuỗi dài những lo lắng. Bất kỳ lứa tuổi nào, nơi nào, thời điểm nào, chúng ta cũng có những nỗi lo lắng riêng của mình. Vậy, chúng ta sẽ phản ứng ra sao, chúng ta sẽ thích nghi thế nào khi phải đối diện với những lo lắng ấy?
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đề cập đến sự lo lắng và đưa ra những lời giáo huấn chí tình. Một trong số những giáo huấn đó là: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x. Mt 6, 25-34). Đừng lo âu thái quá tìm kiếm của ăn, cái mặc vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.
Có bao giờ chúng ta bớt chút thời giờ, thưởng thức cảnh bình minh đang lên với lũ chim sẻ ríu rít đón chào ngày mới. Ngẫm xem chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho mà Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm săn sóc, cho của ăn để cho chúng có thể tồn tại.
Hoặc giả như có dịp chúng ta một mình ngoài đồng nội trong cảnh hoàng hôn tĩnh mịch. Nghe tiếng gió reo, chiêm ngắm những bông hoa tự mọc lên, không cần ươm tơ kéo sợi mà vẫn được Cha trên trời khoác cho tấm áo đẹp lộng lẫy hơn áo bào vinh hoa tột bậc của vua Salomon.
Chim trời không có giá trị bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn nuôi ăn, ban cho mặc đẹp. Con người là con cái Thiên Chúa chả lẽ lại không được Ngài quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó sao?
Có ai trong chúng ta, nhờ lo lắng, mà “kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Hơn nữa, dù ta có lo lắng bao nhiêu đi nữa cũng vô ích, vì mọi sự đều do ơn Chúa ban như lời thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).
Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm thêm thu nhập, còn cái lo của Thiên Chúa là con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Ngài. Những điều cần cho thân xác như của ăn, áo mặc không đáng giá mảy may nào trước sự tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Tín thác không đồng nghĩa với thái độ thụ động, ỷ lại, phó mặc cho Chúa định liệu mọi sự, còn mình thì nằm hưởng nhàn chờ “sung rụng”. Tín thác là an tâm làm việc để kiếm tiền nuôi thân với niềm tin Chúa sẽ ban cho đủ lương thực hằng ngày như lời cầu trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11).
Tín thác vào Chúa quan phòng cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót của mình để tu sửa. Khoan dung, chân thành góp ý hướng dẫn trước những khuyết điểm của người dưới. Chấp nhận các sự thất bại như cơ hội giúp mình thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn trong tương lai.
Người không nhận biết Thiên Chúa và không tin có đời sau chỉ lo tìm kiếm hạnh phúc vật chất cho đời tạm này. Người Kitô hữu chúng ta tin vào Chúa nên đừng lo tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh củu. Đó là ưu tiên làm sáng danh Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã dạy cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Mỗi tối, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Trái Tim Chúa thay vì nằm vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ lo lắng thái quá.
Thử nghĩ xem, nếu đêm nay, thần chết đến gọi ta, liệu ta có thể nói với hắn rằng: “Hãy khoan, để tôi lo kiếm thêm ít của ăn cái mặc, để tôi lo kiếm thêm một ít tiền, để tôi lo …” được không? Vì vậy hãy “quẳng gánh lo đi” để sống ung dung trong từng giây phút hiện tại. Bình tâm chu toàn các việc bổn phận với lòng mến Chúa yêu người, và tín thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng