Thương xót
Ga 8,1-11
1 Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. 2 Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. 3 Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. 4 Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, 5 mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” 6 Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. 8 Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. 9 Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. 10 Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” 11 Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7)
Chủ đề nổi bật của ngày hôm nay là Ơn Giải Thoát
– Trong Bài Đọc I (Is 43,16-21), Tiên Tri Isaia tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc xuất hành mới để giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh lưu đày.
– Bài Đáp Ca trích Tv 125 được soạn sau khi cuộc lưu đày đã kết thúc. Tác giả ca tụng công cuộc giải phóng kỳ diệu ấy: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ”.
– Bài Phúc âm (Ga 8,1-11) kể chuyện Chúa Giêsu giải thoát người phụ nữ ngoại tình khỏi bị ném đá.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay với ý thức mình là người tội lỗi. Lời Chúa trong các Chúa nhật trước an ủi chúng ta rằng Chúa vẫn yêu thương chúng ta và sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Hôm nay, Chúa lại nói với chúng ta, như đã nói với người phụ nữ ngoại tình, rằng “Ta không kết án con đâu. Hãy về và đừng phạm tội nữa”.
Thiên Chúa thật là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta hãy đến với Ngài trong Thánh lễ này với trọn tâm tình tin yêu phó thác.
II. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 43,16-21)
Đoạn này được trích trong phần II sách Isaia. Hoàn cảnh lúc đó là dân Do Thái đang bị lưu đày bên Babylon.
Trước hết Isaia nhắc họ nhớ lại chuyện xuất hành ngày xưa: Thiên Chúa là Đấng giải thoát. Để giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập, Ngài đã rẽ đôi Biển đỏ, đã nhận chìm quân đội Pharaon trong biển cả.
Tiếp đến, Tiên tri hứa là Thiên Chúa sẽ thực hiện việc giải phóng đó một lần nữa, tức là giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày: “Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”.
2. Đáp ca (Tv 125)
Ca tụng việc Thiên Chúa giải thoát dân khỏi cảnh lưu đày: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ”.
3. Phúc âm (Ga 8,1-11)
Câu chuyện về người phụ nữ này giống một bức tranh trong đó các hình ảnh đối chọi nhau nhưng lại làm nổi bật nhau lên:
– Một bên là một con người tội lỗi rõ ràng, vì bị bắt quả tang đang phạm tội đáng chết, bên kia là Con Thiên Chúa thánh thiện vô cùng.
– Một bên là thái độ hung hăng của những người biệt phái đòi giết kẻ có tội, bên kia là thái độ nhân từ hiền hậu của Đấng cứu thế.
Bởi đó thánh Augustinô đã tóm ý nghĩa bức tranh này bằng một câu ngắn gọn rất súc tích: “Miseria et misericordia” (Sự cùng khốn và lòng thương xót).
4. Bài đọc II (Pl 3,8-14)
Thánh Phaolô đề cao sự công chính mà Chúa Giêsu ban. Đây không phải là sự công chính do Luật Môsê đem lại (như các người biệt phái trong bài Phúc âm) mà nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô (như người phụ nữ ngoại tình).
III. GỢI Ý GIẢNG
1. Tình cảm thứ tám
Người ta thường nói rằng con người chúng ta có 7 thứ tình cảm là Hỉ Nộ Ai Cụ Ái Ố Dục. Hỉ là vui, nộ là giận, ai là buồn, cụ là sợ, ái là thương, ố là ghét và dục là muốn. Tất cả gồm 7 tình cảm, “thất tình”. Nhưng bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta biết thêm một thứ tình cảm nữa, đó là Thương Xót.
Thương xót là gì? Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào (thương) vừa đau đớn đắng cay (xót).
Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trỗi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta thương nhưng người ấy vừa phạm một lỗi lầm.
Khi đó, chúng ta phải đối xử thế nào? Lên án chăng? Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. Vậy làm thế nào bây giờ? Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu: Ngài nói với người phụ nữ ngoại tình “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nào nữa. Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Tại sao Chúa ban cơ hội cho người tội lỗi? Chúng ta cũng hãy tìm lý do trong bài Phúc âm này. Và chúng ta tìm gặp trong câu Chúa nói với những người muốn giết người phụ nữ ngoại tình ấy: “Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi”. Vậy lý do là bởi vì ai cũng có tội. Thân phận làm người là như thế, đã là người thì có tội. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành và thánh thiện, đúng lý ra Ngài có đầy đủ lý do để lên án loài người tội lỗi chúng ta, nhưng vì thương xót, Ngài đã ban cho chúng ta biết bao cơ hội: “Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. Trong dụ ngôn về hai con nợ, Chúa Giêsu cũng nói một câu đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như Ta đã thương xót ngươi” (Mt 18,33).
Một quyển sách tựa đề “Tình trên non cao” kể rằng có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau và sống với nhau trên một ngọn núi cao, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đến nỗi nhiều lần họ hô to giữa trời lồng lộng “Chúa ơi, sao mà chúng con hạnh phúc quá!” Nhưng đâu phải chỉ sống với nhau mãi trên núi mà hạnh phúc. Người chồng thỉnh thoảng cũng phải xuống núi để làm ăn. Trong một chuyến xuống núi, người chồng đã lỡ sa ngã ngoại tình với một người đàn bà khác. Người vợ biết được, rất giận, từ đó không nói chuyện với chồng nữa. Phần người chồng thì cũng hối hận nhưng không thể nào xin lỗi được vì mỗi lần muốn nói lời xin lỗi với vợ thì vợ bỏ đi nơi khác. Một đêm kia người chồng trên đường lên núi về nhà thì gặp bão tuyết, chiếc xe ngựa bị gãy, con ngựa bị què, anh cũng bị thương nặng ở chân. Nhưng anh vẫn cố bò về tận cửa nhà. Người vợ ở trong nhà nhìn ra thấy chồng lết tới cửa, nhưng chị nhất định không mở cửa. Sáng hôm sau, người ta thấy xác người chồng đã cứng đờ ngay trước mái ấm gia đình của mình. Một mối tình rất hạnh phúc trên non cao đã kết thúc bi thảm như thế, chỉ vì người vợ không biết thương xót, không cho chồng mình một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Cuộc đời quả thật không đơn giản trắng là trắng, đen là đen, tốt là tốt, xấu là xấu. Trong một dụ ngôn, Chúa Giêsu cho chúng ta biết cuộc đời phức tạp như một mảnh ruộng có cả lúa và cỏ lùng lẫn lộn (Mt 13,36-43). Lòng người cũng thế, có khi tốt như thiên thần, có khi xấu như ác quỷ, có phần sáng có phần tối, dù lỡ phạm tội nhưng vẫn còn lương tâm. Bởi thế con người sống với nhau phải có lòng thương xót. Mà thương xót là, xin lặp lại một lần nữa, biết ban cho kẻ lỡ lầm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Chúa đã thương xót chúng ta cho chúng ta biết bao cơ hội. Chúng ta cũng thương xót chính mình nên tự cho mình rất nhiều cơ hội. Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta thương xót anh chị em chúng ta để ban cho anh chị em chúng ta những cơ hội làm lại cuộc đời.
2. Tội bắt quả tang
Vua Quang Vũ nhà Đông Hán có người chị là Hồ Dương, công chúa goá chồng. Nhà vua muốn tìm cho chị người bạn trăm năm, liền đem danh sách các quan của mình ra hỏi ý kiến chị. Công chúa nói: “Tất cả bá quan trong triều đình chỉ có Tổng Hoằng là người có tư cách khác thường, những người khác không sao bì kịp”. Vua Quang Vũ biết ý chị đã vừa lòng Tổng Hoằng, liền bảo chị hãy ra ngồi phía sau tấm bình phong, rồi cho đòi Tổng Hoằng đến. Nhà vua bảo:
– Ta nghe tục ngữ có câu: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” có phải thế không?
Tổng Hoằng liền quì xuống tâu:
– Bạn bè giao du với nhau còn nghèo hèn không nên quên nhau, người vợ trong cảnh hàn vi không nên cho xuống ở nhà dưới.
Vua Quang Vũ biết Tổng Hoằng là người thuỷ chung, nhân nghĩa, không thể nào lay chuyển được, nên càng đem lòng yêu mến hơn. Rồi nhà vua nói với chị: “Việc hôn nhân không thành được, con người này không thể đem danh lợi và phú quí để mê hoặc”.
*
Câu chuyện trên đây là một tấm gương cao đẹp về lòng chung thuỷ, khác hẳn với câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong bài Phúc âm hôm nay.
Gia đình là nền tảng của xã hội, một khi vợ chồng đã đánh mất lòng chung thuỷ thì không những gia đình ấy bị đổ vỡ, mà còn băng hoại đến toàn xã hội. Vì thế, các kinh sư và nhóm Pharisêu dẫn người phụ nữ ngoại tình đến xin Chúa Giêsu xét xử là hợp lý, vì chính luật Môsê cũng truyền phải ném đá hạng người đó. Nhưng đó chỉ là cái bẫy để có bằng chứng tố cáo Người mà thôi.
Nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá chị ta thì lỗi luật Môsê, nếu Người truyền phải ném đá thì Người đã làm sai lời dạy của mình là “Các con hãy yêu thương nhau”. Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.
Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Người đang viết tội của họ ra hay Người đang suy nghĩ tìm câu trả lời, điều đó không ai biết nhưng có một điều chắc chắn là họ đang đắc thắng vì dồn được Người vào chân tường, họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Người đã trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ, và mũi dao ấy vẫn tiếp tục xoáy vào lương tâm mỗi người chúng ta khi nghe lại lời đó: “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi” (Ga 8,7).
Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.
Vâng, không ai dám tự hào mình vô tội. Có biết bao tội bất trung bất nghĩa còn xấu xa chẳng kém tội ngoại tình. Có những tội ngoại tình trong ước muốn, trong tư tưởng. Có những tội ngoại tình lén lút chẳng ai hay.
Dường như ngày nay người ta chỉ nhận mình phạm tội khi bị bắt quả tang, còn những tội phạm trong thầm kín thì kể như không có. Vì thế người ta tìm mọi cách để che đậy, giấu giếm những hành vi tội lỗi để không bị bắt quả tang. Và họ cứ an tâm thanh thản trong cuộc sống. Họ hoàn toàn đánh mất cảm thức về tội lỗi.
Có một điều trớ trêu là khi người ta thấy một ai đó bị bắt quả tang phạm tội, họ không ngại ngùng vung hòn đá ra ném vào người đó. Có lẽ là để gián tiếp minh chứng mình vô tội chăng? Người ta dễ dàng bỏ qua cho mình, nhưng lại không buông tha cho kẻ khác. Tuy nhiên, Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân: “Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân.
3. Cái nhìn
“Tôi đứng dưới chân đồi,
Nhìn xa xa lên ngọn đồi, tôi thấy một cái bóng giống như một con vật.
Tiến lên nhìn gần hơn một chút, tôi nhận ra cái bóng ấy là một con người.
Tiến sát hơn nữa để nhìn cho thật kỹ, tôi nhận ra đó là người anh em của tôi.”
Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta một bài học quý giá về cách nhìn người và nhìn việc: đứng trước một người vừa mới làm một việc gì đó lầm lỗi, ta đừng nhìn bằng cái nhìn của Biệt phái mà hãy bằng cái nhìn của Chúa Giêsu:
a/ Đừng nhìn họ như nhìn một con vật mà hãy nhìn như nhìn một con người, hơn nữa, như người anh em của mình.
b/ Đừng chỉ nhìn những hoàn cảnh bên ngoài, mà hãy nhìn thấu những tình tiết, tâm trạng bên trong của người anh em đó.
c/ Và cũng nhìn đến sứ mạng của mình: sứ mạng đối xử nhân bản với một người anh em, sứ mạng cứu vớt người anh em đó.
4. Chuyện minh họa
Có chuyện kể rằng người ta bắt được một tên trộm cắp đưa đến nhà vua, và nhà vua đã hạ lệnh giết hắn. Tên trộm cắp này rất khôn ngoan, nên nói với đao phủ: “Tôi có một bí mật này rất quý. Nếu tôi chết thì bí mật ấy cũng bị mang theo. Thật là uổng. Cho nên tôi muốn giao nó lại cho nhà vua”. Người ta dẫn hắn tới nhà vua. Hắn nói: “Bí mật của tôi là tôi có một hạt giống kỳ diệu, đào lỗ chôn xuống đất thì nội trong một đêm nó sẽ mọc lên thành cây và trổ ra toàn những trái bằng vàng”. Nhưng hắn nói thêm: “Nhưng có điều kiện này là chỉ người nào chưa từng lấy gì của người khác thì mới trồng hạt giống đó được”. Sau đó hắn thú nhận: “Tôi thì là một thằng ăn cắp nên không thể trồng được rồi. Vậy trong số các quan đây, ai chưa từng lấy gì của người khác hãy trồng nó đi”. Các quan lần lượt viện cớ để từ chối, giống y những người Biệt phái trong bài Phúc âm này vậy. Cuối cùng tên trộm cắp nói với nhà vua: “Chắc là Bệ Hạ có thể trồng được”. Nhưng nhà vua đáp: “Nói ra thì thật xấu hổ. Hồi còn nhỏ, Ta cũng đã từng lấy của người khác vài lần”. Khi đó tên trộm nói: “Bệ hạ và các quan là những người có đầy đủ mọi thứ thế mà còn lấy của người khác mà không bị hình phạt gì cả. Phần tôi thì nghèo túng thiếu thốn mọi điều, thế mà lại bị xử tử vì tội lấy của người khác”. Nhà vua đành ra lệnh tha cho hắn.
5. Chuyện minh họa
a/ Lòng thương xót
Một người đàn bà đến với Vua Napoléon để cầu xin cho đứa con trai của bà khỏi bị xử tử. Nhà vua dựa vào Luật pháp và cho biết rằng theo luật thì con trai bà phải chết. Bà nói:
– Muôn tâu Bệ Hạ, tôi đến đây không phải để xin công lý mà xin lòng thương xót.
– Nhưng con bà không đáng hưởng lòng thương xót. Vua trả lời.
Nhưng bà lập luận:
– Nếu nó đáng thì đâu phải là lòng thương xót nữa.
Cuối cùng nhà vua phải chấp thuận:
– Được rồi. Ta sẽ tỏ lòng thương xót đối với nó.
Người con trai ấy đã được tha chết.
Lòng thương xót không phải là tiền công trả cho một điều gì xứng đáng, mà là một ơn ban miễn phí.
b/ Mù quáng
Từ xưa tới nay người ta vẫn coi Vua Salomon là một người có tài xét xử khôn ngoan. Thế nhưng lại có một chuyện sau đây:
Vì đã xử nhiều vụ án quá nên nhà vua càng ngày càng trở nên vô cảm, vô tình. Nói cách khác, nhà vua càng ngày càng khô khan và khe khắt khi xử án.
Một hôm khi Salomon ngồi lên ngai và sắp sửa xử một vụ án, thì chiếc vương miện trên đầu vua bỗng tuột xuống che cả hai con mắt. Nhà vua lấy tay đẩy nó lên, nhưng chỉ một chút sau là nó lại sụp xuống. Sự việc tái diễn đến 8 lần như thế. Cuối cùng nhà vua bực quá nói với nó: “Tại sao mày cứ sụp xuống che mắt tao mãi như thế?” Chiếc vương miệng trả lời: “Tôi phải làm thế để nhắc cho Ngài biết rằng: khi mà quyền hành đã mất đi sự cảm thông thì người cầm quyền sẽ bị che mắt như thế”. Nói cách khác, khi đó người ta sẽ thành mù quáng.
6. Mảnh suy tư
– Người nào càng thánh thiện thì càng ít xét đoán người khác.
– Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống.
– “Chị về đi, và đừng phạm tội nữa”: Chúa Giêsu không phủ nhận chị này có tội, nhưng Ngài muốn cho chị này một cơ hội để sám hối và làm lại cuộc đời. Chúa Giêsu không muốn chị này chối tội, bào chữa tại sao chị phạm tội, hay đổ tội cho người khác, những cách làm này quá dễ nhưng không ích lợi gì. Ngài muốn chị can đảm nhìn nhận sự thật, không tuyệt vọng và khuyến khích chị sửa đổi. Đó mới là ơn giải thoát.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là vị Thẩm phán công minh đầy lòng từ bi nhân hậu. Tin tưởng vào tình thương hải hà của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội thánh luôn nhắc nhở con cái mình hãy hòa giải với Thiên Chúa và với nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / mau mắn thực hiện lời mời gọi tha thiết này.
2. Trong đời sống thường ngày / có những người lúc nào cũng thích phê bình chỉ trích / thậm chí lên án người khác cho thỏa lòng ganh ghét / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người Kitô hữu hiểu rằng / chỉ một mình Thiên Chúa là vị Thẩm phán công bằng / không bao giờ kỳ thị thiên tư.
3. Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết: / Ai nói rằng mình không có tội / đó là người nói dối / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết ý thức thân phận tội lỗi yếu hèn của mình.
4. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: / Tôi cũng vậy / tôi không lên án chị đâu / Thôi chị cứ về đi / và từ nay đừng phạm tội nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết lắng nghe lời Chúa dạy / và thực hiện lệnh Chúa truyền.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con: Anh em đừng xét đoán người khác, vì anh em xét đoán thiên hạ làm sao, thì Thiên Chúa sẽ xét đoán anh em làm vậy. Xin cho chúng con biết cố gắng sống lời Chúa để khỏi bị khiển trách khi ra trình diện trước tòa Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha: Nếu chúng ta thấy thái độ khắt khe của những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay là sai trái, chúng ta hãy sốt sắng khi đọc câu “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”
VII. GIẢI TÁN
Những lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng muốn nói với mỗi người chúng ta: “Chúng con hãy về, và đừng phạm tội nữa”.
Lạy Chúa, chúng con rất sợ bị bắt quả tang đang phạm tội. Nhưng có tội nào chúng con phạm mà Chúa chẳng am tường. Xin cho chúng con biết cởi bỏ những mặt nạ giả dối, để luôn sống chân thật và trong sáng trước mặt Chúa và anh em.
Nếu Chúa đã không lên án chúng con, thì xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ xét đoán anh em của mình. Amen. (TP)
Lm Carôlô Hồ Bặc Xái