Lời Chúa: Chúa Nhật XI mùa Thường Niên – Năm C

Lòng tha thứ của Chúa

 
 
Chúa Nhật XI mùa Thường Niên – Năm C
Lời Chúa: 

Lc 7,36–8,3

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người nghĩ thầm rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi”. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”. – “Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”. Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”. Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”. Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47)

 
Suy niệm: 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Đôi khi vì mặc cảm tội lỗi mà chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta nói “Tôi đã phạm tội, tôi không xứng đáng nữa”. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một người tội lỗi đã dám đến với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu nói với chị: “Tội của con đã được tha. Con hãy về bình an”.

Vậy mặc dù chúng ta tội lỗi, nhưng chúng ta hãy đến với Chúa và hãy tin chắc rằng Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

  • Chúng ta chưa tin tưởng đủ vào lòng nhân từ tha thứ của Chúa.
  • Chúng ta không siêng năng lãnh nhận bí tích Giải tội.
  • Chúng ta không sớm đứng dậy sau mỗi lần sa ngã.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (2 Sm 12,7.10-13)

Có 3 ý tưởng lớn trong đoạn này:

  • Tội của Đavít rất nặng: trước tiên là tội ngoại tình (với Bétsabê); kế đến là tội giết người, mà đó lại là một người vô tội (Uria chồng của Bétsabê).
  • Tội này còn rất đáng trách vì Đavít đã được Thiên Chúa ban cho rất nhiều ơn sủng.
  • Đavít nhìn nhận tất cả tội lỗi mình và xin Chúa tha thứ. Chúa thấy Đavít biết ăn năn nên đã tha thứ ngay.

2. Đáp ca (Tv 31)

Tv này nhấn mạnh đến lòng tha thứ hơn là đến tội lỗi: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được thứ tha, người có tội mà được khoan dung”.

3. Tin Mừng (Lc 7,36–8,3)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 đoạn và đều nói tới phụ nữ:

a. Chuyện người đàn bà tội lỗi lau chân Chúa Giêsu (7,36-50):

  • Nàng là một người tội lỗi nổi tiếng, “trong thành ai cũng biết”
  • Nàng bày tỏ lòng sám hối rất công khai: a/ trong một bữa tiệc, trước mặt nhiều người; b/ không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương); c/ quỳ gối dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, xổ tóc ra (một cử chỉ có thể bị kết án là tự làm ô nhục), lấy tóc lau chân Chúa.

Câu nói của Chúa Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng: “Tội nàng nhiều nhưng được tha hết vì nàng yêu mến nhiều”

b. Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng: những người này gồm có Nhóm 12 và cả các phụ nữ, trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng của cải nữa.

4. Bài đọc II (Gl 2,16.19-21)

Đoạn này chứa đựng ý tưởng chính của toàn thể bức thư gởi tín hữu Galát: con người được nên công chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ lề luật.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Để được thứ tha

Bài đọc Cựu ước trích từ sách tiên tri Samuel hôm nay nhắc lại trường hợp phạm tội của vua Đavít. Có thể nói vua Đavít đã phạm tội rất khéo, phạm tội mà hầu như không ai biết, cho nên mọi người vẫn coi vua như một người thánh thiện gương mẫu. Mà tội của Đavít rất nặng: ông đã ngoại tình với vợ của tướng Uria, sau đó lại dùng âm mưu thâm độc để giết chết Uria hòng che giấu tội mình, rồi công khai cưới bà vợ góa ấy làm vợ mình, sau đó lại gian dối che giấu tội lỗi trước mặt tiên tri Natan. Rõ ràng đó là một tội nặng, rất nặng.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra một người tội lỗi nữa: đó là một người đàn bà có lẽ hành nghề mãi dâm. Nghề đó chẳng những đem lại tội cho bà, mà còn làm cho nhiều người đàn ông khác phạm tội, và còn có thể làm tan nát nhiều gia đình nữa. Đây cũng là một tội nặng, rất nặng.

Nhưng cả hai người tội rất nặng đó đều đã được tha, tha rất dễ dàng và nhanh chóng. Vua Đavít nói với tiên tri Nathan “Tôi đã phạm tội cùng Chúa”, thì Natan đáp ngay “Chúa đã tha tội cho vua rồi”. Còn người đàn bà kia quỳ khóc dưới chân Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu nói với chị “Tội con đã được tha rồi”.

So sánh trường hợp tội lỗi của hai nhân vật trên với trường hợp tội lỗi của chúng ta, chúng ta cảm thấy an tâm. Trong chúng ta đây, mặc dù ai cũng đều có tội, nhưng không ai tội nặng bằng hai người đó: Có ai trong chúng ta quá tệ đến nỗi ngoại tình, rồi giết chồng để đoạt vợ người ta? Có ai trong chúng ta tệ đến nỗi hành nghề mãi dâm và tai tiếng cả thành phố? Những tội hết sức nặng nề của hai nhân vật ấy mà còn được Chúa tha thứ một cách hết sức dễ dàng và nhanh chóng thì huống chi là những tội của chúng ta! Vì thế mà chúng ta thấy an tâm.

Nhưng rồi chúng ta lại lo ngại, lo ngại vì chính sự an tâm đó! Tại sao? Thưa chính vì mình an tâm mà mình đâm ra coi thường những tội của mình, không coi đó là tai hại bao nhiêu, cho nên không ăn năn thống hối, không quyết tâm từ bỏ.

Chúng ta hãy nhớ lại những tội mà chúng ta thường phạm và thường xưng. Có những tội chúng ta xưng thì cứ xưng nhưng trong thâm tâm thì lại coi thường và xưng xong thì vẫn cứ phạm. Những lần xưng tội sau thì cũng vẫn bấy nhiêu tội đó. Thậm chí nếu thấy có Cha ngồi sẵn trong tòa giải tội là chúng ta có thể bước vào xưng ngay không cần mất giờ xét mình, vì ta đã thuộc lòng các tội ta quen phạm rồi!

Ở đây không có ý nói tới những tội quá vặt vảnh như đọc kinh ngủ gục lo ra, giận hờn, bỏ đọc kinh hôm mai v.v. mà có ý nói tới một số tội có sức tác hại nhiều hơn, chẳng hạn như say sưa (đánh chửi vợ con), cờ bạc, nói hành nói xấu (làm hại danh dự người khác) ăn cắp vặt, ăn cắp của công, buôn bán gian lận vv. Những tội này khi ta phạm thì chẳng những có hại cho chính bản thân mình mà còn có hại cho nhiều người khác nữa. Vậy mà chúng ta rất coi thường chúng, chúng ta phạm hoài, lần xưng tội nào cũng có những tội đó.

Tội của Đavít, tội của người nữ mãi dâm kia dù rất nặng nề nhưng vì hai người đã nhìn nhận mức độ nặng nề của nó và thành tâm thống hối nên đã được Chúa tha. Còn những tội của chúng ta, tuy không nặng nề bằng nhưng nếu ta không nhìn nhận sự tai hại của chúng và không thống hối thì dù nhẹ cũng không được tha!

Xin trở lại với một số tội vừa kể ra ở trên:

  • Tội say sưa: đâu có phải chỉ hại cho riêng mình, mà còn làm hao tốn tiền bạc lẽ ra dành cho gia đình, còn kích thích mình gây gỗ với bạn bè lối xóm, đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc trong nhà, biết bao nhiêu người bị phiền vì mình say sưa…
  • Tội cờ bạc: cờ bạc là bác thằng bần, nó làm cho gia đình nghèo túng, nó gây xích mích lục đục trong gia đình, nó xúi người ta trộm cắp, nó làm gương xấu cho trẻ em…
  • Tội ăn cắp vặt, ăn cắp của công, làm ăn gian lận: rõ ràng là có hại cho những người bị mất của, bị gian lận; ngoài ra còn có hại là từ việc mất công bình nhỏ dần dần đưa ta đến mất công bình lớn hơn.
  • Tội nói hành nói xấu người khác: không chỉ là tội cho bản thân mình mà còn làm sứt mẻ danh thơm tiếng tốt của người khác. Tội này đòi ta phải bồi thường danh dự, cũng như tội trộm cắp đòi ta phải bồi thường những thiệt hại vật chất đã gây ra.

Đó là một số tội chúng ta quen phạm nhưng chúng ta cũng quen coi thường, vì thế mà không thật lòng thống hối, và vẫn cứ tái phạm.

Suy gẫm lời Chúa hôm nay, chúng ta đã biết Chúa không quan tâm tới tội ta phạm là nặng hay là nhẹ, là nhiều hay là ít, nhưng Chúa chú trọng đến lòng thống hối ăn năn và Chúa chờ đợi ta quyết tâm sửa đổi. Vì thế, chúng ta cũng vậy, hãy lưu ý thống hối và cải thiện nếu không đối với hết tất cả mọi tội lỗi của ta, thì ít ra cũng đối với một số tội chẳng những gây thiệt hại cho mình mà còn tác hại cho người khác nữa.

Nếu có được lòng thống hối và quyết tâm sửa đổi như thế thì chúng ta mới có thể an tâm sẽ được Chúa tha thứ, như Chúa đã thứ tha những tội tày trời của vua Đavít và của người đàn bà mãi dâm mà chúng ta đã nghe sách thánh thuật lại trong những bài đọc của Thánh lễ hôm nay.

2. Yêu nhiều tha nhiều

Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục có người giúp việc bê tha rượu chè. Một đêm kia, anh ta say mèm. Mọi người trong nhà đã ngủ hết, chỉ còn một mình thánh nhân thức khuya đọc sách. Chính người đã dìu anh về giường và lấy mền đắp cho anh, rồi sáng hôm sau mới nói cho anh biết lỗi.

Thánh nhân nói: “Giả sử lúc anh đang say, sẩy chân ngã xuống giếng thì sao. Hoặc lỡ bị gió độc mà chết thì sẽ thế nào. Linh hồn ở đâu bây giờ. Nghe vậy anh ta hối hận, xin tha thứ và trước mặt người, anh xin cam đoan sẽ không còn uống một giọt rượu nào nữa. Nhưng người bảo anh: “Đừng chừa vội quá như thế!”

Từ đó, anh ta xin nhận thánh nhân làm cha giải tội riêng cho mình và dần dần, đã biết chừa hẳn tội cũ sống rất đạo hạnh tử tế.

*

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47). Người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay không khác chi người giúp việc nát rượu của thánh Phanxicô trong câu chuyện trên đây. Họ đều là những người yếu đuối lầm lỡ trong tội, nhưng đã được Chúa Giêsu cũng như thánh Phanxicô bao dung tha thứ, nên họ đã mau mắn đáp lại tình yêu, để rồi cuộc đời của họ bắt đầu từ nay được đổi mới.

Medaleine Danielou đã viết “Tha thứ thật sự là hành động thần linh mà chúng ta chỉ học được từ nơi Thiên Chúa. Vâng, có thể nói: lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa (A. Pope). Nhưng người ta chỉ có thể lãnh nhận ơn tha thứ khi đã có lòng tin: Tin nơi Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, tin rằng Người sẵn sàng tha thứ và sẽ còn tha thứ mãi. Chúa phán: “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an” (Lc 7, 50). Chính lòng tin đã đem lại ơn tha thứ, và ơn tha thứ đã làm đổi mới tội nhân, để họ mãi mãi bước đi trong bình an.

Tuy nhiên, tình yêu và lòng tin của chúng ta cần phải được biểu lộ cách cụ thể qua lòng sám hối, vì sám hối tức là nhận mình có lầm lỗi, và chỉ những ai nhận mình lầm lỗi mới được Thiên Chúa thứ tha. Vì thế mà Thomas Carlyle đã nói một câu bất hủ: “Không nhận ra lầm lỗi là lỗi lớn nhất trong mọi lỗi lầm”. Quả thật, nếu ai cho mình không có tội thì đâu cần Thiên Chúa thứ tha. Nhưng Thánh Gioan lại nói rằng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1, 8).

*

Lạy Chúa, sa ngã trong tội là bản chất của con người nhưng ở lại trong tội lại là quỉ sứ.

Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình, và mau mắn chân thành sám hối, để được Chúa tha thứ và ban cho ơn bình an. Amen. (TP)

3. Bắt đầu lại

Câu chuyện sau đây kể về một người da trắng ở Cape Town trong thời kỳ có chế độ phân biệt chủng tộc apartheid: người da trắng này mới dời về sống trong một khu có nhiều người da màu. Một hôm ông thấy một người da màu cứ đứng ở ngoài hàng rào nhìn chăm chăm vào khu vườn nhà ông. Ông giận quá ra gặp người ấy và hỏi “Anh đang làm gì ở đây thế?” Thấy ông quá giận, người da màu lúng túng giải thích: “Trước đây tôi lớn lên trong khu nhà này. Trong vườn có một cây lê. Có năm nó rất nhiều trái, nhưng cũng có năm trái rất ít. Hôm nay tôi chỉ muốn xem năm nay nó có nhiều trái không”. Nghe lời giải thích ấy, người da trắng cảm thấy xấu hổ vì đã hiểu lầm người da màu kia. Ông định mở miệng xin lỗi thì người kia đã đi không còn ở đó nữa. Lòng ông rất xấu hổ vì đã nặng lời với một người đáng thương bị chế độ phân biệt chủng tộc làm mất nhà cửa.

Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay trái ngược hẳn. Nàng không được mời đến dự tiệc. Nàng đến chỉ vì biết có Chúa Giêsu đang ở đấy. Nàng đến trước mặt Ngài với con người thực của mình, và chỉ muốn phục vụ Ngài để tỏ lòng sám hối. Phần Chúa Giêsu, dù biết nàng là một người tội lỗi nhưng vẫn ưu ái đón nhận sự phục vụ của nàng. Những người khác nhìn nàng và chỉ thấy một vũng bùn nhơ. Còn Chúa Giêsu thì nhìn vũng bùn nhơ ấy và thấy những vết thương của nàng. Ngài thấy nàng đã bị người ta xét đoán đủ rồi và bị đời trừng phạt đủ rồi. Điều nàng cần đó là được cứu chữa chứ không phải bị lên án.

Qua cách đối xử nhân hậu với nàng, Chúa Giêsu đã giúp nàng tin vào cái tốt trong lòng nàng. Nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nàng bắt đầu một cuộc sống mới tốt hơn.” Elia Wiesel viết: “Nếu bạn muốn tìm gặp một tàn lửa, bạn phải nhìn vào đống tro”. (FM)

4. Những bài học rút ra từ câu chuyện vua Đavít

Chuyện vua Đavít phạm tội và sám hối có thể dạy ta nhiều điều:

a/ Sau khi ngoại tình với Bétsabê và biết Bétsabê mang thai, vua Đavít muốn dấu nhẹm tội mình nên lại phạm thêm một tội khác, đó là giết chết Uria chồng nàng. Nếu phạm tội mà không nhận tội, lại còn muốn che giấu nó, chúng ta có thể bị đẩy đưa đến chỗ phạm thêm những tội khác nữa.

b/ Khi ngôn sứ Natan kể chuyện về một người nhà giàu đang tâm giết chết người hàng xóm nghèo để chiếm đoạt con chiên độc nhất của người này, Đavít đã nổi giận và đưa ra phán quyết “Nó đáng chết” . Thấy tội người khác dễ hơn thấy tội của mình.

c/ Nhưng sau khi ngôn sứ Natan vạch tội Đavít ra, nhà vua đã khiêm tốn nhìn nhận “Tôi đã đắc tội với Chúa”. Đây chính là điều làm cho Đavít từ một người tội lỗi trở nên một vị thánh. Có mấy người mau mắn nhìn nhận tội lỗi của mình khi bị người khác vạch ra? Rất nhiều người chẳng những không nhìn nhận mà còn ác cảm với kẻ dám vạch tội mình.

d/ Đavít trở thành thánh nhân còn nhờ một yếu tố khác nữa: từ đó về sau, nhà vua đã ý thức về lòng thương xót của Chúa và hết lòng đáp lại tình thương của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”

5. Tội và tình

Người ta thường nói “tội tình”. Cách nói vô ý thức ấy lại chứa đựng một chân lý rất sâu sắc: tội lỗi và tình thương thường đi đôi với nhau.

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể về hai con nợ được tha thứ, ta có thể hiểu rằng tội đi trước, tình đi sau, bởi vì “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”. Vì được tha thứ nên yêu mến.

Tuy nhiên, qua một câu nói khác cũng của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này thì ta cũng có thể hiểu rằng tình đi trước: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Vì yêu mến nên được tha.

Hai trường hợp trên là nói về lòng yêu mến của tội nhân: lòng yêu mến có khi đi trước, có khi đi sau. Nhưng khi nói về Thiên Chúa thì tình yêu của Ngài luôn đi trước. Thánh Kinh đã ghi nhận biết bao bằng chứng là Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trước. Chính tình yêu của Ngài kêu gọi chúng ta sám hối, rồi tình yêu của Ngài tha thứ chúng ta, sau đó tình yêu của Ngài lại khuyến khích chúng ta yêu mến Ngài hơn. Tóm lại tình yêu Thiên Chúa bao trùm tất cả, trước, trong và sau khi chúng ta phạm tội.

6. Ông Simon và Chúa Giêsu

Một đêm cúp điện, trời tối. Người chồng đem chiếc đèn dầu ra để thắp sáng. Chiếc đèn đã quá cũ. Bóng đèn bám đầy khói. Tim đèn không còn nhạy. Người chồng bực bội quăng chiếc đèn dầu vào xó, và tìm một cây nến thay thế.

Tuần sau lại cúp điện. Người vợ châm lửa vào một chiếc đèn dầu xinh đẹp. Ánh sáng tỏa ra rất ấm cúng.

Người chồng ngạc nhiên hỏi vợ: “Em mới mua chiếc đèn này hả? Bao nhiêu tiền?” Người vợ cười đáp: “Chẳng tốn bao nhiêu cả, vì đó là chiếc đèn cũ. Chỉ tốn thời giờ thôi. Em đã lau chùi bóng đèn, vuốt lại tim đèn. Thế là nó có thể xử dụng tốt lại như trước”.

Quẳng đi món một đồ hư thì dễ hơn sửa nó lại nhiều. Đối với con người cũng thế. Dán lên con người lầm lỗi một nhãn hiệu rồi quẳng vào tù thì dễ. Nhưng làm thân với họ, tìm hiểu họ, rồi giúp họ thay đổi là một việc khó hơn.

Ông Simon trong bài Tin Mừng này là một người biệt phái, nên ông ghét người tội lỗi. Đối với ông, người phụ nữ tội lỗi kia là thứ người phải bỏ đi, không đáng được cứu. Những người như Simon rất nhiều trong thời chúng ta. Họ không tin rằng con người có thể sửa đổi, vì thế họ không cho kẻ tội lỗi có cơ hội sửa đổi. Một nền văn minh không tin vào sự cứu rỗi là một nền văn minh không có hy vọng.

Phần Chúa Giêsu, Ngài biết người phụ nữ này có tội, nhưng Ngài cũng thấy phương diện tốt của nàng. Ngài tin tưởng vào phương diện tốt ấy và giúp nàng đứng dậy. Thật tuyệt vời nếu có ai đó còn tin tưởng ta, không lên án ta mà còn yêu thương ta nữa.

Thái độ của Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết nhận ra điều tốt nơi người khác và yêu thương người ấy. Tội lỗi chỉ có thể cứu chữa bằng yêu thương. Kết án không bao giờ giải thoát được (FM)

7. Đấng cứu chữa

Tôi mơ thấy mình gặp Chúa.

Vừa run, vừa xấu hổ, vừa buồn phiền, tôi kể cho Ngài nghe hết tất cả mọi tội lỗi tôi đã phạm.

Kể xong, tôi vẫn còn quỳ đó, chờ đợi án phạt của Ngài, một án phạt rất nặng mà tôi rất đáng chịu.

Thế nhưng Chúa đứng lên, lấy một lọ dầu và nói: “Để Ta chữa lành thương tích của con”.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Thương tích nào, lạy Chúa? Chính con là kẻ gây thương tích cho biết bao người khác”.

Vừa nói xong tôi chợt hiểu ngay là Ngài có lý, bởi vì có tội cũng chính là bị thương. Tôi là người có tội, thương tích của tôi chính là tội của tôi.

Vì thế tôi đã để cho Ngài xức dầu chữa trị thương tích của tôi.

Sau đó tôi ra đi mà lòng tràn ngập mừng vui. Lòng tốt của Chúa đã khiến tôi cũng cảm thấy mình tốt và muốn được giống như Ngài. (FM)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ. Người luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của những kẻ có tội thật lòng sám hối ăn năn. Luôn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng khiêm tốn cầu xin:

1. Dung mạo của Hội thánh là dung mạo hiền lành của Chúa Giêsu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / tìm được nơi Hội thánh lòng khoan dung vô bờ.

2. Trên thế giới ngày nay / tệ nạn xã hội tràn lan khắp mọi nơi / ảnh hưởng không tốt đến đời sống hôn nhân và gia đình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc ngăn chặn tệ nạn xã hội của các quốc gia / đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

3. Đời sống khó khăn / tình trạng thất nghiệp / nhiều khi làm gia tăng tội ác trong xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người đều tìm được việc làm ổn định lâu dài.

4. Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ trong giáo xứ chúng ta / biết quan tâm đến việc giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái bằng lời nói / nhưng đặc biệt là bằng chính gương sáng của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con biết triệt để sống Lời Chúa dạy trong Tin mừng. Nhờ đó, chúng con có thể mạnh dạn nói như thánh Phaolô tông đồ: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước Kinh Lạy Cha: Lời Chúa hôm nay hẳn đã giúp chúng ta cảm mến tình thương tha thứ của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài tâm tình cảm mến, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết tha thứ cho anh chị em chúng ta.

VII. GIẢI TÁN

Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ tội lỗi cũng là nói với chúng ta: “Lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an”.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Lời Chúa hôm nay dạy con: Tình yêu vượt qua tất cả và làm cho con người xích lại gần nhau. Chỉ tình yêu mới giải thích nổi cả hành động của người phụ nữ tội lỗi lẫn việc Chúa chấp nhận bà ấy.

Trong một xã hội đã mất ý thức về tội, người ta đề cao tự do đến nỗi luôn làm theo ý mình mà gạt bỏ lề luật của Chúa hay những luân thường đạo lý. Người ta luôn dùng mục đích để biện minh cho phương tiện, cho dù đó là phương tiện xấu xa, đê tiện.

Xin Chúa giúp conbiết noi gương người phụ nữ, quyết tâm đập bể bình ngọc như phá bỏ những hào nhoáng, phù phiếm mau qua; và bắt chước vua Ðavít mặc áo nhặm,thống hối ăn năn, để nhận ra giá trị đích thực của chính mình: Là biết làm chủ bản thân, biết giữ phẩm giá làm người của mình.

Lạy Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, xin giúp sức con, để con can đảm sám hối và canh tân đời sống mỗi ngày một tốt hơn. Amen.