Trách nhiệm nhiều hơn
Mt 11,20-24
20Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:
21“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: 22đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.
23Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối (Mt 11,20)
Đặt trong sơ đồ chung của Mát-thêu: với hai chương 11-12 (từ hôm nay đến thứ ba tuần 16), chúng ta gặp một khúc quanh trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, thật vậy trong 10 chương trước, Mát-thêu lần lượt trình bày
– về thân thế của Chúa Giêsu (1-2),
– về chủ trương Messia của Ngài (3-4),
– về Hiến chương Nước trời của Ngài (5-7),
– về quyền năng Messia của Ngài (8-9),
– và việc Ngài thông quyền cho 12 tông đồ và sai các ông đi truyền giáo (10).
Tất cả diễn tiến đều diễn ra êm thắm tốt đẹp, hầu như không có trở ngại và vấn đề đặc biệt nghiêm trọng nào đặt ra. Nhưng từ chương 11 thì bắt đầu có trở ngại:
– trước hết là thắc mắc của Gioan Tẩy giả đặt ra (11,2-6),
– rồi đến những người không đón nhận Ngài (11,16-24),
– rồi biệt phái và luật sỹ lên tiếng chỉ trích (12, 1-45).
Nhưng chính nhờ những thắc mắc, chỉ trích và tranh cãi mà thánh Mát Thêu có dịp để trình bày những suy tư thần học của ông về Chúa Giêsu: Ngài là sự khôn ngoan (11,19), Chúa Con (11,25-27), Con Người (12,8), Tôi Tớ (12,18-21), Con Cua Đavít (12,23) và loan báo rõ ràng trước về biến cố Phục sinh (12,40).
Và cũng qua những thắc mắc và tranh cãi ấy, một vấn đề then chốt được đặt ra: trước Chúa Giêsu người ta phải dứt khoát chọn lựa có tin hay không. Sự chọn lựa dứt khoát này sẽ xác định số phận cũa mỗi con người.
Phân tích
Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khônradin, Bétsaiđa và Cáphácnaum.
Các thành này đều chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao? vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh kinh cao hơn (x. câu 23: “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư?”?”).
Khi thấy sự kiêu căng đã khép lòng họ, Chúa Giêsu nghĩ tới kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “Vì đã dấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”. (Câu 25).
Suy gẫm
1. “Khi ấy Chúa Giêsu khiển trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm mà không chịu sám hối”: Phép lạ này là để khơi dậy lòng sám hối, vì phép lạ cho người ta thấy việc kì diệu của Chúa, rồi vì nhìn lại thấy mình bất xứng với Chúa nên phải sám hối để xứng đáng với Chúa hơn.
2. Thời vua Luis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul có mặt trong bữa tiệc đó, đã nói với bà: “Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ”.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp: “Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói”. Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent được Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Ngày nay vẫn xảy ra những phép lạ tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kì diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không?
3. Những thành ven biển hồ được nghe Lời Chúa và được chứng kiến các phép lạ của Ngài nhiều hơn những vùng khác. Lẽ ra họ phải tin Chúa hơn những nơi khác. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ nặng hơn những nơi khác. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.
Tôi cũng nhận lãnh nhiều nén bạc hơn nhiều người khác. Đó là đặc ân của tôi nhưng cũng là trách nhiệm của tôi.
4. Có nhiều kiến thức về Chúa chưa hẳn đã ích lợi hơn là không có kiến thức nhưng lại có tâm hồn biết ngưỡng mộ những kì công của Chúa.
5. “Khốn cho ngươi hỡi Khônradin! Khốn cho ngươi hỡi Betsaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm ờ Tia và Xiđôn thì họ đã mặc vải thô, rắc tro lên đầu và tỏ lòng sám hối” (Mt11,21).
Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng đưa lộn, lương tâm tôi nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “nhằm nhò gì ba cái lẻ . Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.
Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên “Khốn cho ngươi””. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết đinh trở lại hiệu sách và đưa số tiền cho chị. Nhìn chị cười tươi sau tiếng cám ơn tôi cảm thấy nhẹ cả người.
Bài Ðọc I: (Năm II) Is 7, 1-9
“Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại nữa”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Xảy ra trong đời Acaz con của Gioatham, Gioatham con của Ozia, vua nước Giuđa, Rasin vua nước Syria, và Phaxê con của Rômêlia, vua Israel, tiến lên gây chiến với Giêrusalem, nhưng không thể thắng trận được. Người ta báo tin cho nhà Ðavít rằng: “Syria đã đóng quân ở Ephraim”. Nghe vậy, vua và dân đều run sợ, như cây trong rừng rung động trước gió.
Và Chúa phán cùng Isaia rằng: “Ngươi và con ngươi là Giasub, hãy đi đón vua Acaz đang ở cuối cống ao thượng, trên đường ra ruộng Fullon, và nói rằng: “Hãy cẩn thận ở yên lặng, đừng sợ, và đừng nao núng trước hai ngọn đuốc xông khói này là cơn thịnh nộ của Rasin, vua nước Syria, và của con trai Rômêlia, vì chưng Syria, Ephraim và con trai của Rômêlia đã toan mưu hại ngươi, họ nói rằng: “Chúng ta hãy tiến đánh Giuđa, quấy rối nó và lôi cuốn nó theo ta, và đặt con trai Tabeel làm vua”.
Chúa phán thế này: “Sự việc này không thành và không xảy ra đâu, vì Ðamas là thủ đô của Syria, và Rasin là thủ lãnh của Ðamas. Còn sáu mươi lăm năm nữa, thì Ephraim sẽ bị tiêu diệt và không còn là một dân tộc nữa. Thủ đô của Ephraim là Samaria, và thủ lãnh của Samaria là con của Rômêlia. Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại”.