Lời Chúa: Thứ Ba tuần XVII mùa Thường Niên

Hạnh phúc đích thực

 
 
Thứ Ba tuần XVII mùa Thường Niên – Ngày 26/07: Thánh Gioakim và Anna, song thân Đức trinh nữ Maria
Lời Chúa: 

Mt 13,16-17

16 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. 17 Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.

“Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe.” (Mt 13,16)

 
Suy niệm: 

* Lịch sử:

Cha mẹ của Đức Mẹ Maria, tức ông bà ngoại của Chúa Giêsu, đã không được nêu lên trong Tân Ước, cũng không có trong bản gia phả của Phúc Âm thánh Matthêu, cũng như của thánh Luca.

Danh tánh Gioakim và Anna được gặp thấy lần đầu tiên trong một tác phẩm ngụy thư được viết để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria vào khoảng năm 200. Danh tánh bà Anna (Hanna) gợi cho chúng ta nhớ đến người mẹ của ngôn sứ Samuel (x. 1Sm 1); bà được chồng yêu mến và được Thiên Chúa chúc phúc.

Thánh Anna được Giáo Hội Đông Phương tôn kính từ thế kỷ thứ V; và hiện tại, Người Hy Lạp hằng năm vẫn kính nhớ trong 3 ngày lễ. Lễ kính thánh Anna được phổ biến ở Giáo Hội Tây Phương vào thế kỷ thứ X. Thánh Gioakim thì mãi đến thế kỷ XVI mới thấy xuất hiện. Dù vậy, có một sự lên xuống trong thánh lễ mừng kính hai vị thánh này:

– Đức Giáo Hoàng Piô V (+ 1572) loại bỏ thánh lễ kính thánh Anna;

– Đức Giáo Hoàng Giêgôriô XIII (+ 1585) cho tái lập lại;

– Đức Giêgôriô XV (+ 1623) lại loại bỏ;

– Đức Lêo XIII (+ 1903) cho tái lập và nâng lên bậc II;

Tứ đó phụng vụ có:

– Ngày 26 – 7 mừng lễ thánh Anna

– Ngày 16 – 8 mừng lễ thánh Gioakim.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (+ 1978) canh tân phụng vụ, từ đó hai vị thánh được mừng chung vào ngày hôm nay: 26-7

(Linh mục Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Đoạn Tin Mừng gây không ít thắc mắc cho người đọc vì nó khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu để người ta không hiểu được và không được cứu rỗi. Thực ra ở đây Chúa Giêsu trích một câu của ngôn sứ Isaia. Mà Isaia nói đến một thực tế (chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa) là sự cứng lòng của dân, đến nỗi dù họ có tai có mắt mà cũng như điếc như mù, cho họ nghe và xem cái gì cũng vô ích. Một số người thời Chúa Giêsu cũng thế.

Bởi vậy, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta: “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là ai cũng có khả năng hiểu dụ ngôn (ai cũng có tai), nhưng điều quan trọng là dùng khả năng đó để thực hiện những điều mình đã nghe. Càng thực hiện thì càng hiểu Nước Trời hơn, càng sống lời Chúa thì càng hiểu Lời Chúa hơn.

B. Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Những lời được ghi lại trong các sách Tin Mừng không phải là lời của một nhân vật quá khứ, mà là của Chúa Giêsu phục sinh còn đang sống trong Giáo Hội và đang nói trực tiếp với tôi. Do đó phải đọc hoặc nghe không như đọc và nghe một quyển tiểu thuyết, mà là đọc và nghe một bức thư hay một cuốn băng cassette của một người thân vừa viết hoặc ghi để gởi cho tôi.

2. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng 1 thí dụ để giải thích:

Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó.

3. Có 3 cách đọc Lời Chúa:

– Coi Lời Chúa như dầu gió: khi bạn nhức đầu nóng lạnh, bạn xức dầu vì biết nó tốt cho sức khỏe của bạn.

– Coi Lời Chúa như chiếc bánh bông lan: tuy khô khan khó nuốt nhưng cũng ngon và bổ.

– Coi Lời Chúa như quả đào: vừa mát, vừa ngọt, vừa bổ dưỡng

4. Khi mới nghe Lời Chúa thì nhiệt thành muốn thi hành, nhưng vì không kiên trì nên khi gặp một số khó khăn thì chán nản bỏ cuộc.

Biết bao lần, nhất là trong những cuộc Tĩnh Tâm, tôi cũng quyết định sống theo một lời Phúc Âm nào đó. Nhưng không bao lâu thì tôi bỏ. Xin Chúa giúp con kiên trì hơn.

5. Nhiều khi tôi có thiện chí sống Lời Chúa, nhưng những lo lắng và những đam mê việc đời đà làm cho Lời Chúa bị chết ngạt.

Có nhiều khi đang lúc suy gẫm mà tôi cũng bị chia trí về những chuyện tôi đang lo hoặc đang say mê. Có những khi khác vì mải mê lo lắng một chuyện thế gian mà tôi bỏ không thực hiện chương trình đạo đức đã định. Tôi phải nhớ lời Chúa Giêsu dạy “trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác Ngài sẽ lo cho chúng con”

6. Đọc báo, tôi bật cười vì chuyện nhảy dù của một nữ tu đã già 75 tuổi. Bà mạo hiểm chỉ vì mục đích gây quỹ cho hội từ thiện.

Ngạc nhiên và thú vị, tôi chợt nghĩ đến một người khác. Chẳng hiểu sao mọi người rất yêu quý chị. Chị chẳng đẹp cũng không có địa vị. Chị chỉ là một người bình thường như bao con người bình thường khác, nhưng nơi chị như có một sức thu hút khiến người ta thích đến tâm sự, chia sẻ. Và chị đã làm được bao điều tốt đẹp từ những việc hằng ngày nhỏ nhặt ấy. Trong một lần chia sẻ kinh nghiệm sống, chị đã giới thiệu với tôi người thầy, người bạn thân thiết của chị là Chúa Giêsu. Tôi tự hỏi phải chăng Lời Chúa Giêsu đã làm cho chị đẹp hơn, từ việc nhỏ đến việc lớn.

Lạy Chúa, xin giúp con biết chăm sóc tâm hồn con mỗi ngày, để Lời Chúa đư sức vươn lên và sống mạnh mẽ qua cách thức con sống cuộc đời Ngài đã tặng ban cho con.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho con tìm được hạnh phúc đích thực khi con chiêm ngưỡng những kỳ công Chúa thực hiện trong dòng lịch sử của Giáo Hội, cùng biết nghe theo lời Chúa dạy, vì chỉ nơi Chúa mới có lời đem lại cho con sự sống đời đời. Amen.