Lời Chúa: Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên

Bà đừng khóc nữa !

Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên
Lời Chúa: 

 Lc 7,11-17

11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” (Lc 7,14)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu cứu sống con trai bà góa thành Naim:

Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp. Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì động lòng thương.

Chúa chạnh lòng trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non.

Cứu sống đứa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao nó lại cho mẹ nó.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Trái tim con người vốn giàu tình thương. Nhưng vì nhiều lý do, trái tim có thể bị trai lì đi, không còn xúc động gì trước cảnh khổ của người khác.

Thấy người nghèo thường quá, tôi không còn cảm động cái khổ của người nghèo.

Thấy người bệnh thường quá, tôi không còn cảm được nỗi đau của họ.

Thấy người tội lỗi quen quá, tôi dửng dưng nhìn người ta càng ngày càng chìm sâu trong tội

Lạy Chúa, xin đổi trái tim bằng đá của con bằng trái tim bằng thịt.

2. Xin Chúa cũng dạy con biết tế nhị: thấy được nhu cầu người khác trước khi họ xin con giúp, và giúp họ một cách tế nhị nhẹ nhàng như hôm đó Chúa đã trao đứa con lại cho người mẹ.

3. “Tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài”: việc làm này bị luật coi là ô uế. nhưng để an ủi gia đình người chết, và để “tiến lại gần” (ý muốn được gần gũi với người đau khổ), Chúa không ngại gì cả. Yêu thương giúp đỡ đòi hỏi phải can đảm và hy sinh.

4. Chuyện người mẹ Naim đau khổ được Chúa cứu giúp khiến tôi nghĩ tới cảnh khổ của bản thân mình. Bà không biết người đàn ông đúng ở cổng thành hôm ấy là Chúa Giêsu, Đấng có quyền năng cứu sống. Bà không ngỏ lời xin Chúa. Nhưng Chúa chạnh lòng thương, tự động Chúa lại gần và Chúa kéo bà ra khỏi cơn đau khổ.

Chúa lúc nào cũng ở gần tôi. Khi tôi phải khổ, Chúa cũng chạnh lòng và Ngài sẵn sàng cứu giúp. Tôi không bao giờ cô đơn.

5. “Chúa Giêsu lại gần sờ vào quan tài và nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói”. (Lc7,14-15).

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ Chúa nhật nào Giang cũng đi câu cá. Mai nằm lì trên gường. Tin và Sơn phóng xe đi chơi. Bích thì gọi điện thoại cho bạn. Này có ai gọi mình thì phải?

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ Bài giảng dài lê thê và khó hiểu quá. Xem phim hoạt hình trên Tivi, hay mở máy hát nghe nhạc, hoặc gọi điện thoại đấu láo với bạn bè còn thích hơn. Này rõ ràng có ai gọi mình mà!

Lạy Chúa, con chỉ nghe toàn những tiếng nhu cầu của bản thân. Còn tiếng gọi của Chúa sao mơ màng quá, khó nghe quá. Chúa đã gọi người thanh niên chỗi dậy từ cõi chết, xin Ngài cũng gọi con từ những đam mê bất chính của con. (Hosanna).

6. Mầm khác.

Tuy chỉ làm Giáo hoàng trong một thời gian vắn vỏi, không đầy năm năm, nhưng Đức Gioan XXIII đã làm tươi trẻ hẳn khuôn mặt của Hội Thánh. Trong suốt quãng đời trên ngôi giáo hoàng ấy, ngài đã đi thăm phạm nhân ở trại giam Ara Caeli, viếng các trẻ em ở viện nhi đồng, đột xuất chống gậy đến với các công nhân đang làm việc ttrong vườn hoặc ở nhà in Vatican. Trong các buổi triều yết, tính hồn nhiên, những câu chuyện và lòng nhân ái từ ngài phát xuất ra thật là như sức nóng sưởi ấm mọi con tim lương giáo vây quanh ngài. Qua cộng đồng Vatican II ngài triệu tập ngày 11-10-1962, ngài đã mở ra một con đường xinh đẹp cho Hội Thánh tiếp xúc với thế giới, với anh em công giáo, với anh em vô thần, khai mào một giai đoạn cởi mở và thông cảm. Ngài đã để lại một câu nói bất hủ : “Nếu Hội Thánh không đến với nhân loại thì nhân loại không đến với Hội Thánh”.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Xem thêm: 

 
Bài đọc 1: 1Tm 3,1-13

1 Đây là lời đáng tin cậy : ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp. 2 Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy ; 3 người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, 5 vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được ? 6 Người ấy không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. 7 Người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt, kẻo bị sỉ nhục và sa vào cạm bẫy ma quỷ.

Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn ; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. 10 Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại. 11 Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. 12 Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. 13 Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)