Ai là mẹ, là anh em tôi ?
Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên, T. Cosma, T. Đamianô, tử đạo.
Lời Chúa:
Lc 8,19-21
19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Suy niệm:
A. Phân tích (Hạt giống…)
Bài tường thuật cho thấy rõ hai nhóm người khác nhau :
a/ Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài, họ còn được Chúa Giêsu mô tả là những kẻ “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” ;
b/ Nhóm kia thì “đứng” ở ngoài và “không thể đến gần Ngài được”. Ý muốn của họ chỉ là muốn “thấy” Ngài (cách dịch sát nghĩa câu 32b) chứ không phải để “nghe” và “thực hành” những Lời Ngài dạy. Nhóm a mới là gia đình thật của Chúa Giêsu.
Nếu như không có Đức Maria hiện diện trong nhóm b thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài.
Thực ra không phải Chúa Giêsu phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại đây chính là một cách Ngài đề cao Người: Đức Maria tuy có mặt trong nhóm b nhưng không giống những người trong nhóm đó. Người là kẻ luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa (xem 1,38 “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” ; 1,45 Lời Êlisabét nói với Maria : “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” ; 2,19 Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” ; 2,52 Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ “Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” v.v.) : Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì Người luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Những bài Tin Mừng trong mấy ngày liên tiếp gần đây đều nhắc nhở việc phải thi hành những Lời của Chúa mà mình đã nghe. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn khuyến khích việc đó bằng cách coi những người thực hành Lời Chúa là gia đình thật của Ngài, thân thiết hơn cả gia đình tự nhiên.
2. Chúa Giêsu không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Lời Ngài, người đó có liên hệ với Ngài. Ai càng sống Lời Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài… Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)
3. Theo ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, Đức Maria hai lần xứng đáng là Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Chúa (“Mỗi ngày một tin vui”)
4. ” Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người mà không làm sao lại gần được vì dân chúng quá đông” (Lc 8,19)
Thế là chúng tôi đã bỏ lễ ngày Chúa nhật vì đường xa và lầy lội quá. Đi lên Hòa Hiệp vùng biên giới xa xôi, chúng tôi ước ao gặp được một nhà nguyện hay một nhà thờ nho nhỏ. Nhưng đất Hòa Hiệp rất ít người công giáo. Hơn nữa, người dân phải lao động đầu tắt mặt tối để kiếm sống nên không có thời gian đi lễ. Có quá nhiều lý do để người ta không thể dự lễ Chúa nhật dù lòng họ vẫn muốn đến với Chúa.
Tôi cảm thấy xấu hổ vì ở gần nhà thờ mà lười biếng đi dự lễ. Tôi tự nhủ : phải siêng năng hơn, vì có những người muốn đi lễ mà không được.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến Chúa và tìm mọi cách để đến với Chúa. (Hosanna)
THỰC HÀNH LỜI CHÚA
( Mt 13, 18-23 )
Trong Chúa nhật đầu tiên tại một giáo xứ, vị linh mục vừa nhận chức đã giảng một bài giảng rất văn hoa, xúc tích sâu sắc, hùng hồn. Tất cả các tín hữu có mặt hôm ấy cảm thấy rất sốt sắng và phấn khởi. Có lẽ có nhiều người đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho họ một vị linh mục có tài ăn nói: “phun châu nhả ngọc”.
Tiếng đồn về cha xứ mới lan mau như lửa cháy, vì thế vào chúa nhật kế tiếp, nhà thờ bỗng trở nên đông đảo hơn các chúa nhật khác. Mọi người nóng lòng chờ đợi cho đến lúc cha giảng. Nhưng cha sở lại giảng một bài gần giống như bài giảng chúa nhật tuần trước đó. Rồi trong thánh lễ chúa nhật thứ 3, 4, kế tiếp đó cũng vẫn một bài giảng đó.
Hội đồng giáo xứ cử người đến hỏi cha xứ xem tại sao cha lại cứ giảng đi giảng lại 1 bài hoài như vậy? Cha ở trả lời:
– Tại sao anh chị vẫn cứ sống như cách đây 6 tuần. Khi nào anh chị em đem áp dụng những gì tôi đã trình bày tôi sẽ giảng bài mới.
TÔNG ĐỒ TRONG GIA ĐÌNH
Gia đình em Cecilia cư ngụ ở mạn bắc nước Itali, trong một xóm lao động nghèo nàn. Từ sáng sớm ba em là một công nhân phải đến sở làm việc và mãi 8 , 9 giờ tối mới về lại nhà. Vì thế, chẳng mấy khi Cecilia được gặp ba. Còn mẹ thì lo việc nội trợ và làm nghề phụ để kiếm chút ít thêm vô ngân quĩ gia đình. Bà rất bác ái, đạo đức. Tuy kinh tế của gia đình chẳng sung túc bao nhiêu, nhưng có gì bà liền san sẻ ngay cho lối xóm. Ai đau ốm, bà biếu thuốc men; áo quần trẻ nhỏ rách, bà bỏ giờ khâu vá hộ; nhà nào có nhu cầu, bà đem hết khả năng giúp đỡ. Cả xóm làng ai cũng quí mến bà, tấm tắc khen bà là người hiền lành, phúc hậu.
Em bé Cecilia mới 6 tuổi đầu mà đã đi học cấp I. Em rất hãnh diện về mẹ và cảm thấy mình đang sống trong một gia đình hạnh phúc, được mẹ qúi mến yêu thương.
Từ 2 năm nay, ở trường học của giáo xứ, em Cecilia được huấn luyện sống lời Chúa, nhìn thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong những người bị áp bức, đau khổ. Em rất ngoan. Em thường hay chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn.
Một hôm, thật bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt, một đứa bạn nói: “Này Cecilia, mẹ mày thật tốt nhưng khốn khổ vô cùng!”
– Sao thế?
– Mày đừng tưởng gia đình mày hạnh phúc, vì ba mày đêm nào về đến nhà cũng say sưa be bét. Ong đánh dập chưởi mắng mẹ mày, hàng xóm nhà nào cũng nghe, mày không tin thì cứ thử rình mà xem!
Câu nói ấy như sét đánh vào tai Cecilia . . . Bao nhiêu giấc mơ xinh đẹp về gia đình phút chốc sụp đổ tan tành. Tất cả hãnh diện đều hóa thành tủi nhục. Quá xấu hổ với bạn, Cecilia đành cuối mặt làm thinh.
Tối hôm ấy, mẹ em cho em ăn sớm như mọi khi, để em có thì giờ học bài, rồi bà đưa em lên gác. Xong kinh tối, bà ôm hôn em, đắp chăn cho em rồi nhẹ nhàng xuống nhà làm việc đợi chồng về cùng ăn cơm một thể.
Nhưng đêm ấy Cecilia chẳng tài nào ngũ được, mà em cũng quyết không ngũ để xem câu chuyện
Nhưng dêm ấy Cecilia chẳng tài nào ngũ được, mà em cũng quyết không ngủ để xem câu chuyện các bạn nòi hối chiều có đúng không. Em cứ trằn trọc thao thức cho đến khi tiếng chuông gọi cửa vang lên. Cecilia nghe rõ tiếng mẹ ra mở cửa. Vứt chăn cách mau lẹ, em rón rén bước nhẹ từng bước đi xuống thang gác nép kĩ sau bức màn và hồi hộp theo dõi. . .
Một cảnh hải hùng đang diễn ra trước mắt Cecilia: ba em đầu tóc rối bù, hơi thở sặc mùi toàn rựơu. Ong ném mạnh mũ và áo xuống nền nhà; bà mẹ dịu dàng thu nhặt cất vào tủ, vui vẻ dọn bàn mời chồng ăn tối. Đôi mắt đỏ ngầu, ông trợn trừng nhìn bà chê lui chê tới, rồi tuôn ra hàng loạt lời mắng chửi như điên. Bà mẹ cúi mặt làm thinh, vừa ăn vừa khóc. Lát sau, ba Cecilia lùa nguyên cả mâm cơm xuống nền nhà, chén bát vỡ tan tành, đố ăn chảy lênh láng. . .cũng chưa vừa ý, ông còn tặng vợ những cú đá tàn nhẫn.
Sau bức màn, Cecilia chết lịm. Em thầm thì: “ thôi đúng rồi, tụi bạn đâu có nói oan. . . cả lối xóm đều biết. . .Khốn nạn quá!”.
Gượng đứng dậy, Cecilia rón rén trở lên gác.
Hôm sau, bi kịch ấy lại tái diễn trước mắt Cecilia. . .Tuy thế, sáng nào Cecilia thấy mặt mẹ cũng tươi, nén lòng lao mình vào công việc phục vụ đàn con nhỏ. Riêng Cecilia thì tâm thần bấn loạn, lòng dạ đau xót. Em suy nghĩ, cầu nguyện, nhớ lại lời Chúa và thương mến mẹ vô cùng, thấy bà tuy đau khổ vì chồng nhưng vẫn một mực thương yêu trọng kính. Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trong ba. Cecilia xác tín được điều đó. Em băn khoăn suy nghĩ hoài, nhưng chẳng biết làm sao. Cuối cùng, Chúa soi sáng cho em một diệu kế rất hay.
Từ nay tối nào Cecilia cũng nằm thức đợi ba. Vừa nghe tiếng chuông, em liền chạy ra cửa đón ba, ôm hôn ba, cất áo mũ cho ba. Vừa kéo ghế cho ba ngồi, em quay sang giúp mẹ dọn bàn. Trong suốt bữa ăn, em cứ ngồi kề bên ba ríu rít kể những chuyện vui ở trường, hỏi thăm ba công việc ở sở. Thoạt đầu, ba em rất lấy làm lạ, càu nhàu, khó chịu, nhưng dần dần cũng đành chịu thua con, thấy trong lòng vui vui. . . Nhiều lúc Cecilia đứng giữa nhà hát cho ba nghe các bài hát ở trường em. Ông thích thú lắm . Bầu khí gia đình ngày càng nhẹ nhàng, dễ chịu. Mỗi lần ông bảo: “Cecilia đi ngủ đi, để sớm mai còn dậy sớm đến trường”. Cecilia đều nũng nịu: “Con thương ba nhọc mệt cả ngày, con muốn ngồi mãi với ba”. Tuy vẫn còn ngà ngà say, ông cũng lấy làm cảm động vì câu nói đơn sơ của con, đoạn choàng tay ôm hôn con một cách âu yếm.
Ba tháng trôi qua, bi kịch ngày xưa đã lui vào dĩ vãng. Một hôm , như thường lệ, ba Cecilia bảo:
“ Đi ngủ đi, mai còn dậy sớm đến trường mà con “,
Cecilia âu yếm ôm choàng lấy ba và nói:
“ Ba ơi, ba biết tại sao con không đi ngủ không?”
“ Ba chả biết! Con thức vớ vẩn làm gì cho hại sức khỏe”
“Không đâu ba ạ! Nếu ba má thương con, ba má cho phép con nói nhé! Má đừng mắng con”
“Ừ, nói đi ba, má nghe thử”
Cecilia đánh bạo thuật lại cách đơn sơ làm sao em đã bị xúc động và tủi nhục trước câu nói của một người bạn, rồi hằng đêm, sau bức màn che, em đã chứng kiến tất cả. . .Cecilia thú thật là em thương ba má lắm. Em thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong ba. Vì thế em muốn mang Chúa đến cho ba má, yêu thương người đang bị bỏ rơi trong ba má. . . Nên mấy tháng nay, em đã thi hành diệu kế như trên, Càng nghe hai ông bà càng cảm xúc. Họ mừng mừng tủi tủi, không ngờ con bé khôn ngoan đạo đức đến vậy. Ba má Cecilia ôm siết lấy con, nghẹn ngào nhìn nhau. . . Lát sau ba Cecilia mới thốt nên lời: “ Từ nay con phải đi ngủ sớm nghe không! Ba hứa với con. Ba má sẽ hòa thuận , thương yêu nhau. Ba má cũng sẽ tìm hiểu và sống Lời Chúa như con. Ba má yêu thương con lắm!. . .
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến Chúa và tìm mọi cách để đến với Chúa. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Xem thêm:
Bài đọc 1: Er 6,7-8.12b.14-20
7 Hãy để cho tổng trấn của người Do-thái và các kỳ mục Do-thái lo việc xây cất Nhà Thiên Chúa, họ phải tái thiết Nhà Thiên Chúa ở chỗ cũ. 8 Đây là lệnh ta ban cho các ngươi về cách đối xử với hàng kỳ mục Do-thái trong việc tái thiết Nhà Thiên Chúa : phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó, không được gián đoạn. 12bChớ gì Thiên Chúa, Đấng đã đặt Danh Người ngự tại đó, lật đổ bất cứ vua hay dân nào dám vi phạm sắc chỉ này mà tra tay phá huỷ Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem. 14 Hàng kỳ mục Do-thái tiếp tục xây cất và thành công trong việc đó, theo lời sấm của ngôn sứ Khác-gai và của ông Da-ca-ri-a con ông Ít-đô. Họ hoàn thành công việc xây cất đúng theo lệnh của Thiên Chúa Ít-ra-en và lệnh của vua Ky-rô, vua Đa-ri-ô, và vua Ác-tắc-sát-ta vua Ba-tư. 15 Nhà đó được xây xong ngày mồng ba tháng A-đa, năm thứ sáu triều vua Đa-ri-ô. 16 Con cái Ít-ra-en, các tư tế, các thầy Lê-vi và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa. 17Để khánh thành Nhà Thiên Chúa, họ đã dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu đực, bốn trăm con chiên, và bắt mười hai con dê đực, theo số các chi tộc Ít-ra-en, làm lễ tạ tội cho toàn thể Ít-ra-en. 18 Họ thiết lập hàng tư tế theo các phẩm trật của họ, và các thầy Lê-vi theo các cấp bậc của họ, để phục vụ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, như đã chép trong sách Mô-sê.
19 Những người đi đày trở về cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. 20 Các thầy Lê-vi, trăm người như một, đã thanh tẩy mình : tất cả đều thanh sạch, nên họ đã sát tế chiên Vượt Qua cho những người đi đày trở về, cho anh em của họ là các tư tế, và cho chính họ.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)