Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên

Ăn chay

 
 
Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên
Lời Chúa: 

 Mt 9,14-17

14 Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” 15 Chúa Giêsu nói với họ rằng: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. 16 Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay.” (Mt 9,15)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Nhân dịp trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả về việc ăn chay, Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa và tinh thần đạo đức này:

Ăn chay không phải chỉ để chu toàn quy định của luật, mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách “chàng rể”, nghĩa là do tội mà phải xa cách Chúa.

Tâm tình căn bản của người môn đệ trong thời Tân Ước là tâm tình vui mừng vì được sống với “chàng rể”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Thánh Phaolô đã kêu gọi “Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Kitô giáo là đạo của niềm vui vì là đạo của ơn cứu thoát và là đạo của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Tâm tình thường xuyên của tôi phải là vui mừng trong Chúa. Và niềm vui của tôi còn phải lan toả sang cho những người sống chung quanh tôi nữa.

2. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh khổ chế có là con đường tu đức của các Kitô hữu, thì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô vẫn là tên gọi của đạo Chúa. Tôn giáo thiết yếu là một Tin Mừng, một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan. (Trích: Chờ đợi Chúa)

3. Người Ai Cập ăn chay để được trẻ trung hơn.

Người Hy Lạp ăn chay để tinh thần được nhanh nhẹn hơn.

Người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để bày tỏ lòng can đảm.

Người vẽ tượng Thánh ăn chay để vẽ cho đẹp hơn.

Người Do Thái ăn chay để ăn năn tội, để thương tiếc kẻ chết, để xin Chúa đặc biệt trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến.

Kitô hữu không ăn chay vì những lý do trên, bởi Chúa đã đến rồi, nhưng ăn chay để đón chờ Chúa lại đến, để Danh Chúa hiển sáng, Nước Chúa trị đến và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Như thế, ăn chay đối với Kitô hữu cũng có ý nghĩa dấn thân cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và với anh em.

Xin cho con biết chết đi trong tội lỗi, để sống lại với Chúa và cho Chúa. (Hosanna)

4. Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo Theodore Cuyler và Charler Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thoả trí. Cuyler kể một câu chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình Ngài nói:

Này bạn Theodore, chúng ta hãy quỳ gối cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.

Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó đã thản nhiên quỳ trên bãi cỏ xanh tươi để cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.

Đâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui vì một đàng là biểu hiện của sức khỏe tâm linh, một đàng là biểu hiện sức khỏe của thể xác. (Góp nhặt).

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con thât hạnh phúc vì được đón rước Chúa ngự đến viếng thăm. Chúa là Chúa cả trời đất. Chúa là Ðấng tạo thành. Chúa là Chúa, là vua của chúng con. Thế mà Chúa đã phá bỏ mọi ngăn cách để đến với chúng con trong khiêm tốn âm thầm. Với tấm bánh đơn sơ Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa trở nên người bạn luôn ở bên chúng con. Chúa luôn hoà nhập vào cuộc đời chúng con để chia sẻ những thăng trầm của kiếp người chúng con. Chúng con thật hạnh phúc. Chúng con trần ngập niềm vui khi được sống bên Chúa và trong sự chở che đầy yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, lời Chúa là lời chân lý. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết mau mắn tuân theo Lời Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê mù quáng để rồi ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng nói của Chúa. Xin ban ơn để chúng con thắng vượt những yếu đuối bản thân, biết làm chủ tư tưởng, ước muốn, lời nói, việc làm của mình theo đường lối huấn lệnh của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn chúng con được sống đời đời. Xin ban cho chúng con một lương tâm ngay thằng để chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Xin cho chúng con mau mắn tuân theo lề luật tối thượng của Chúa để tâm hồn chúng con luôn hoan lạc tràn trề trong tiệc cưới Chiên Thiên Chúa mà Chúa đã hứa ban cho những trung tín với Người. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)