Đừng sợ
Thứ Hai tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lời Chúa:
Mt 28,8-15
8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (Mt 28,8)
Suy niệm:
A. Phân tích (Hạt giống…)
Thánh Mát-thêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh:
1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.
Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.
Vui mừng: vì Thầy mình đã sống lại.
2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời thiên thần: Hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.
“Đừng sợ”: Trong Thánh kinh, từ Cựu ước tới Tân ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay thiên thần) đều nói “đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3 Tl6,23 Lc1,12.30 2,10 Mt14,27…).
Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người; hơn nữa, Thiên Chúa đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.
Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em”: sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài.
3. Phản ứng của giới thượng tế và kì lão: đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu sống lại.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1a. “Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “vui mừng hớn hở”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “vui mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.
1b. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ong nghĩ về phận mình và cảm thấy chán trường. Ông ném bó củi xuống và than vãn: “cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa! Ươc gì thần chết rước tôi đi!”.
Vừa nói xong thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều gì?”. Ông già kinh sợ nói: “Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai không?” (Góp nhặt).
2a. Chúa Giêsu Phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự Phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.
2b. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi:
– Hai anh em sinh đôi phải không?
– Không.
Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi:
– Hai anh em họ phải không?
– Không, chúng em là anh em ruột.
– Ồ, cô nghĩ có sự nhầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai anh em về nói mẹ ghi lại ngày sinh của mình rồi đưa lại cho cô vào sáng mai nhé?
– Tại sao vậy?
– Bởi vì nếu hai anh em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.
Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo: “Nhưng em không phải là người lớn hơn; vì cô biết đó, một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi.” (Góp nhặt).
3. “Tin Mừng hôm nay đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục sinh: Một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Phục sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng, tuy lo âu, nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canh, ngôi mộ trống đã không là khởi điểm của sự tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc…
Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Phục sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này…Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo hội” (Mỗi ngày một tin vui”).
4. Vậy là đã qua này sinh nhật vui với nhiều lời chúc, hoa và quà. Tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực!
…Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết: Chúa của tôi Phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.
Bởi lẽ:
Tình yêu đã chiến thắng;
Sự thật đã lên ngôi.
Bạn và tôi hãy xóa đi hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được Phục sinh nơi Ngài.
Cầu nguyện:
Ước gì niềm vui của Đấng Phục sinh tràn ngập trong con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng, đem nụ cười cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người, xây thiên đàng ngay trần thế hôm nay. (Ephata, Ban mục vụ giới trẻ TpHCM).