Lời Chúa: Thứ Hai tuần VI Phục Sinh năm A

Thập giá và Đức Kitô

 
 
Thứ Hai sau Chúa Nhật VI Phục Sinh
Lời Chúa: 

Ga 15,26_16,4a

15 26 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.

16 1 Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. 2 Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. 4a Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

 

Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Ga 15,27) 

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Do Thái coi Chúa Giêsu là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các Kitô hữu là những người phản bội Do Thái. Do đó họ giết Chúa Giêsu và bắt bớ các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết: “Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa”.

Nhưng đồng thời Chúa Giêsu trấn an họ: Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến.

Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ: Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ.

Ngài là Thần chân lý: Ngài sẽ soi sáng giúp các môn đệ vạch cho những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Đấng phù trợ” là dịch từ chữ hy lạp Parakletos, chỉ một nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị các trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều: đối với người bị cáo thì người này bớt sợ và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời sao cho khéo léo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với quan tòa thì sự hiện diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.

Thánh Kinh cũng dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt qua khỏi khung cảnh toà án, áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Thí dụ ngôn sứ Đanien là Parakletos bà Susanna khi bà bị hai ông già dê âm mưu kết án oan; Chúa Giêsu là Parakletos của người phụ nữ ngoại tình khi chị bị lôi ra xử án ném đá vì phạm tội ngoại tình.

Còn trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ. Thế gian cũng sẽ thù ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh để:

  • Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.
  • An ủi họ trong những lúc thua buồn.
  • Che chở họ trong những khi nguy hiểm.
  • Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.
  • Dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.
  • Đích thân bênh vực họ.

Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai trò Parakletos một cách hữu hiệu thế nào đối với các tông đồ khi các Ngài sống và hoạt động giữa thế gian.

Bài Phúc Âm này nhắc cho chúng ta nhớ đến một Đấng Parakletos mà chúng ta vẫn hằng có sát bên cạnh mình thế mà chúng ta thường quên, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta quên Ngài đến nỗi nhiều khi chúng ta đọc hay hát kinh Chúa Thánh Thần mà vẫn không nghĩ tới Ngài. Và bởi vì quên Ngài, không nghĩ tới Ngài nên chúng ta thường bị rơi vào tình trạnh cô đơn, buồn chán, lo âu, sợ sệt, ngã lòng…

2. “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.”

Sau những ngày làm đầy tớ cho một gia đình quý tộc, Sophie Berdanska phải thất nghiệp, đói rách, lang thang. Nàng được một gia đình Do Thái thuê về chăm sóc cho mấy đứa con nhỏ của họ. Nhưng ngay hôm đầu tiên, khi biết nàng là người công giáo, ông chủ đặt điều kiện là “Nàng không được giảng đạo” cho các con ông. Nàng nhận lời và bắt đầu công việc của mình bằng hết khả năng. Có điều trên cổ nàng luôn đeo một chiếc huy chương của cha nàng để lại, bên trong có nhét một mảnh giấy nhỏ, mà nàng nhất định không cho ai coi. Rồi đến khi lũ trẻ lâm bệnh, nàng ra sức chăm sóc, phục vụ. Lúc chúng được lành bệnh thì cũng là lúc nàng ngã bệnh và từ trần. Giờ đây người ta có thể đọc tấm giấy nhỏ trong tấm huy chương: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo đức trước mặt họ như một chứng từ hùng hồn nhất”. Bàng hoàng rồi cảm phục, gia đình người chủ Do Thái liền xin nhận Bí tích Thánh tẩy.

Lạy Chúa, xin giúp con can đảm sống đạo trước mặt mọi người như một chứng từ hùng hồn. (Epphata)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là nguồn sống dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Xin cho chúng con được ở trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con được lớn lên trong tình yêu bao dung, nhân hậu và từ bi của Chúa. Xin cho mỗi lần chúng con rước Chúa, là một lần chúng con được sống bằng chính sức sống của Chúa để có thể diễn tả tình yêu của Chúa cho thế gian.

Nhưng Chúa ơi, với bản tính yếu đuối, chúng con chưa dám sống như tình yêu của Chúa. Chúng con thường tự cao tự đại. Chúng con chưa dám sống bao dung với nhau. Chúng con thường dễ dàng kết án lẫn nhau. Chúng con thường khắc khe với nhau trong từng lời nói, việc làm. Chính lối sống thiếu bao dung đó đã khiến cho cuộc sống chung của chúng con luôn mang đầy những hiềm khích, thù hận. Xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết sống khiêm tốn để gần gũi và hoà hợp với mọi người. Xin cho chúng con biết tôn trọng lẫn nhau và cảm thông trước những thiếu sót của nhau.

Lạy Chúa, là suối nguồn tình yêu. Chúa đã dùng tình yêu để chiến thắng sự dữ, xin giúp chúng con cũng biết dùng tình yêu để hoá giải những hiểu lầm, những đố kỵ và ghen tương. Xin ban cho chúng con một tấm lòng yêu mến như Chúa để chúng con sống chan hoà tình yêu với anh chị em của mình. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)