Kho tàng trên trời
Mt 19,16-22
16 Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?” 17 Người bảo kẻ ấy rằng: “Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn”. 18 Người ấy hỏi rằng: “Những giới răn nào?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. 19 Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình”.20 Người thanh niên thưa lại rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? 21 Chúa Giêsu bảo anh: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. 22 Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Bán hết của cải và bố thí cho người nghèo, sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta.” (Mt 19,21)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chuyện một ơn gọi thất bại:
Đối tượng là một thanh niên giàu thiện chí. Vì thiện chí, anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời. Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả các giới răn từ thuở nhỏ.
Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến xa hơn một bước nữa: bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài.
Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được nên anh buồn rầu bỏ đi.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Mặc dù anh thanh niên này là một người tốt. Nhưng xét cho cùng, anh còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ đến thu vào, anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm chứ không muốn mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau. Khi Chúa Giêsu đề nghị anh từ bỏ tài sản thì anh từ chối.
Đối với Chúa Giêsu nhiều khi dám mất thì mới được: mất vật chất để được tinh thần, mất đời này để được đời sau.
2. “Tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành. Chúa Giêsu sửa lại cách nghĩ đó: “Sao anh hỏi tôi về việc lành? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành”. Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng là nghĩ lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhắm đến những công việc, mà nhắm đến một người là Thiên Chúa.
3. Người thanh niên này đã khá tốt lành, nhưng nếu anh muốn trọn lành thì hãy từ bỏ của cải. Từ đó ta có thể suy ra hai lý tưởng:
Sự dính bén với của cải là một cản trở cho việc trở nên tốt lành hơn.
Sự từ bỏ của cải giúp người ta trở nên trọn lành.
4. Có một vị khổ tu Hồi Giáo sống rất gương mẫu. Suốt đời ông chỉ có một thao thức là ra sức chống lại tình dục. Khi ông chết, nhiều người thương tiếc, trong số đó có một đệ tử của ông vì thương tiếc quá nên ngã bệnh và cũng qua đời. Khi tới thế giới bên kia, anh chứng kiến một cảnh tượng làm anh rất hài lòng, đó là có những đàn bà đẹp ở với Thầy. Anh chợt nghĩ rằng Thầy mình xứng đáng được hưởng như vậy, và anh đã đến chúc mừng Thầy. Thế nhưng vị khổ tu quay lại nhìn anh và nói: “Ngươi là một thằng điên. Ta không được hưởng công gì cả. Đây không phải là Thiên Đàng. Những người đàn bà này cũng đang bị trầm luân như ta thôi.”
Câu chuyện tưởng tượng trên đây muốn nói với chúng ta rằng, sự thánh thiện đích thực không hệ tại lối sống khắc khổ hay tuân giữ một cách nhiệm nhặt những quy định của đạo như ăn chay, hãm mình đọc kinh, bố thí… Đạo của chúng ta không chỉ là hệ thống luân lý gồm những điều phải làm và những điều phải tránh. Sống đạo không phải là một cuộc thao luyện của ý chí. Đạo của chúng ta là một con người, đó chính là Chúa Giêsu Kitô. (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)
5. Đoạn Phúc Âm này đặc biệt muốn nói với những người hiến thân cho lý tưởng tu trì: Sự đam mê và quyến luyến của cải rất hợp với lý tưởng họ đang theo.
6. Chúa Giêsu trả lời người thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy bán đi tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy theo tôi”. (Mt 19,21)
Hồi còn học cấp III, tôi khao khát nên hoàn thiện, và cố gắng thực hiện biết bao “nguyên tắc” do ba má, thầy cô, bạn bè, sách vở chỉ dẫn. Sau mấy năm nhọc công, tôi được nhiều người khen ngợi, quý mến và kết thân. Với chính mình, tôi cũng cảm thấy hài lòng hơn. Nhưng tự thâm tâm, tôi bắt đầu mệt mỏi trước những sự đòi hỏi của hoàn thiện, nhất là những yêu sách của Phúc Âm: toàn là những cái làm và phải làm. Giữa lúc chán ngán đến mệt nhoài, tôi có dịp đọc lại bài Phúc Âm người thanh niên giàu có, giữa anh thanh niên và tôi hình như có cái gì rất chung.
Vâng, tôi cũng cần bán tất cả, cần quên đi những cái tôi làm và phải làm. Điều chính yếu, tôi chỉ cần bước theo Chúa Giêsu, Đấng hoàn thiện để Ngài chiếm trọn đời tôi. Như thế, con đường nên hoàn thiện ngắn nhất là bám chặt vào Đấng hoàn thiện và để Ngài chiếm trọn cuộc đời tôi.
Lạy Chúa, chỉ mong Ngài lấy đi. Mong chẳng còn gì gọi là con; nhờ thế, con được gọi Ngài là tất cả của con. (Rabindranash Tagore)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tấm bánh dưỡng nuôi hồn xác chúng con. Xin cho chúng con được nên một với Chúa trong suy nghĩ và hành động. Xin giúp chúng con cũng biết bẻ tấm bánh đời mình nên nguồn vui và hạnh phúc cho anh em chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con đã tiếp nhận cuộc sống từ chính Chúa và qua bao người khác đã làm nên cuộc đời chúng con. Sự sống chúng con là của Chúa ban tặng. Cuộc sống này tiếp tục được nuôi dưỡng bởi cha mẹ, ông bà. Cuộc sống này tiếp tục được sống sung mãn ngập tràn hạnh phúc nhờ biết bao người yêu thương chúng con đã tạo dựng cho chúng con. Xin giúp chúng con một khi biết hân hoan đón nhận cuộc sống với bao niềm vui và đến lượt chúng con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi. Cho đi bản thân của mình để mang lại hạnh phúc cho tha nhân. Cho đi thời giờ của mình để nâng đỡ ủi an những ai cơ hàn. Cho đi khả năng của mình để phục vụ một cách quảng đại và vô vị lợi. Cho đi cả tài sản của mình để chúng con có được những bạn hữu của Nước Trời là những người nghèo khó lầm than.
Lạy Chúa là Ðấng chúng con tôn thờ trên hết mọi sự, xin cho chúng con biết yêu mến và phụng sự Chúa với trọn tâm hồn và thân xác chúng con. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)