Lời Chúa: Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên

Cho đi

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên
Lời Chúa: 

 Lc 21,1-4

1 Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. 2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. 3 Người liền nói : “Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)

Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21,3).

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Gương dâng cúng của một bà goá :
 
– “Bà góa” : Xã hội do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi : tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thế, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (x. Đnl 24,17-22).
 
– Bà goá nghèo này đã dâng vào hòm tiền Đền thờ “Hai đồng tiền kẽm” : nguyên ngữ là đồng tiền Kodrantes tức là loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.
 
– Tuy số tiền là ít nhưng được Chúa Giêsu đánh giá cao hơn số tiền của những người khác, “vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu mà đã dâng tất cả những gì bá có để nuôi sống mình”
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
 
1. Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý vì cũng là sự cho đi chính bản thân mình.
Thông thường khi có dư người ta mới cho : cho người nghèo và cho Giáo Hội.
 
2. Một Linh mục nọ có thói quen tốt là ghi kỹ trong nhật ký hằng ngày về những số quà nhận và số quà cho. Thỉnh thoảng kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho thì Linh mục ấy điều chỉnh lại để phần cho nhiều hơn.
Con người thường thích nhận hơn cho ; có cho thì cũng để nhận lại.
 
3. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta rằng : cách sử dụng tiền của tốt nhất là cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
 
4. Cử chỉ của bà goá là một định nghĩa của lòng quảng đại : quảng đại chính là cho mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. (“Mỗi ngày một tin vui”) 
 
5. Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.
 
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiến chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt) 
 
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 

Xem thêm:

Bài đọc 1: Đn 1,1-6.8-20
1 Năm thứ ba, đời vua Giơ-hô-gia-kim cai trị xứ Giu-đa, vua xứ Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-nô-xo đến bao vây thành Giê-ru-sa-lem. 2 Chúa trao vua xứ Giu-đa là Giơ-hô-gia-kim cùng với tất cả đồ dùng của Nhà Chúa vào tay vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Ông này mang những thứ ấy về đền thờ các thần của ông ta ở xứ Sin-a và bỏ vào nhà kho của các thần. 3 Nhà vua truyền cho quan đứng đầu các thái giám là Át-pơ-nát chọn trong số con cái Ít-ra-en một vài đứa trẻ thuộc dòng dõi hoàng gia và hàng quý tộc mà dẫn về. 4 Những đứa trẻ này phải là những đứa không khuyết tật, diện mạo khôi ngô, đã được học mọi lẽ khôn ngoan, hiểu rộng biết nhiều, trí khôn sắc sảo, có khả năng đứng chầu trong điện vua. Ông Át-pơ-nát còn phải dạy cho chúng biết chữ viết và tiếng nói của người Can-đê. 5 Nhà vua dành cho chúng khẩu phần hằng ngày trong thức ăn rượu uống của nhà vua. Chúng phải được nuôi dạy ba năm, và sau thời hạn đó, phải ra mắt nhà vua. 6 Trong số các trẻ ấy có Đa-ni-en, Kha-na-ni-a, Mi-sa-ên và A-da-ri-a là những người Giu-đa.
8 Phần Đa-ni-en, vì quyết tâm không để mình bị ô uế do thức ăn rượu uống của nhà vua, nên đã xin quan cho mình khỏi bị ô uế. 9 Chúa đã khiến cho Đa-ni-en được cảm tình của quan đứng đầu các thái giám. 10 Nhưng quan này nói với Đa-ni-en rằng : “Ta sợ đức vua ; vua đã chỉ định đồ ăn thức uống cho các ngươi. Vua mà thấy mặt mũi các ngươi gầy ốm hơn các bạn cùng tuổi thì chính các ngươi sẽ khiến ta mang tội trước mặt vua.” 11 Đa-ni-en thưa với người được quan đứng đầu các thái giám chỉ định để trông coi Đa-ni-en, Kha-na-ni-a, Mi-sa-ên và A-da-ri-a : 12 “Xin quan cứ thử các tôi tớ của quan đây trong mười ngày : cứ cho chúng tôi ăn rau uống nước, 13 rồi quan nhìn sắc mặt chúng tôi và sắc mặt những đứa dùng thức ăn của nhà vua. Lúc đó quan thấy thế nào thì cứ xử với các tôi tớ của quan như vậy.” 14 Quan chấp nhận lời các cậu ấy xin và thử trong mười ngày. 15 Hết mười ngày, quan thấy các cậu sắc mặt hồng hào, da thịt đầy đặn hơn tất cả những đứa đã dùng thức ăn của nhà vua. 16 Thế là quan giám thị cất phần thức ăn rượu uống của các cậu đi và cứ cho ăn rau. 17 Bốn cậu bé này đều được Chúa ban ơn hiểu rộng biết nhiều về tất cả chữ nghĩa và lẽ khôn ngoan. Riêng Đa-ni-en còn được hiểu biết mọi thị kiến và điềm báo mộng. 18 Khi đến thời hạn phải đưa bọn trẻ ra như vua đã truyền, thì quan đứng đầu các thái giám đem chúng ra trước mặt vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. 19Nhà vua nói chuyện với chúng, và trong số các trẻ ấy không có đứa nào được như Đa-ni-en, Kha-na-ni-a, Mi-sa-ên và A-da-ri-a. Thế là bốn cậu này được đứng chầu vua, 20 và khi vua hỏi các cậu về bất cứ điều gì cần đến sự khôn ngoan và tài trí, thì đều thấy các cậu trổi vượt gấp mười lần hơn tất cả các thầy phù thuỷ và pháp sư trong toàn vương quốc. 21 Đa-ni-en ở lại đó cho đến năm thứ nhất triều vua Ky-rô.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)