A. Phân tích (Hạt giống…)
Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin Mừng của các ngày trước và triển khai thêm chủ đề nghe Lời Chúa.
– Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn:
a/ Họ phải loan Tin Mừng cho những người khác biết nữa;
b/ Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.
– Dụ ngôn cái đấu: người nào càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.
2. “Hãy để ý điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy”: nhiều khi tôi thấy có những người khác đã hiểu và sống Lời Chúa một cách rất sâu sắc, rồi nhìn lại mình mà tự xấu hổ. Tại sao thế? Chính Chúa Giêsu giải thích: tại vì “cách nghe”. Họ chẳng những “nghe” mà còn “đón nhận” và “sinh hoa kết quả” cho nên “đã có thì lại được cho thêm”; còn tôi, có lẽ tôi chỉ “nghe” suông, cho nên “ngay cái đang có cũng bị lấy mất đi”.
3. Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:
– Chúng ta đi đâu?
– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.
– Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?
– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.
Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.
Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa (Góp nhặt)
4. Một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:
– Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?
– Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:
– Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?
– Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không (Góp nhặt)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)