Lời Chúa: Thứ Năm tuần IV Phục Sinh

Thầy Hằng Hữu

Thứ Năm tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: 

 Ga 13,16-20

16 Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.  17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em ! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (Ga 13,20)

 
Suy niệm: 
THỨ NĂM.
Ga13,16-20.
A. Phân tích (Hạt giống…)
Bài giáo lý thứ 5: chủ đề đón nhận.
Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu dạy tiếp một bài học mà rất cần cho các Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
B. Suy niệm (…nẩy mầm.)
1. “No man is an island”, đó là tựa đề một quyển sách (không ai là một hòn đảo). Ai sống cũng có người khác sống chung quanh. Cuộc sống đầy những dịp gặp gỡ. Khi tôi đến gặp ai, nêu người ta lạnh nhạt với tôi, tôi có khó chịu không? Thế thì tại sao người ta cầu nguyện với tôi, tôi lại không đón nhận. Huống chi Chúa Giêsu còn muốn tôi coi những người đến với tôi là do Chúa sai đến.
 
2. Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu gia nhập một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào? Tôi có luôn vui vẻ đón nhận sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm hướng dẫn tôi không?
 
3. Đón tiếp hay tiến nhận đòi hỏi tôi phải hy sinh thời giờ, công việc và có khi cả tiền bạc nữa. Không muốn hy sinh những thứ đó là không phải là sự đón tiếp và đón nhận, hoặc là đón tiếp cách thờ ơ lãnh đạm.
 
4. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
 
Người thợ giầy lại vào phòng khách và chờ đợi Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh ta thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại và hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút ra viết lại vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé đi về nhà đâu phải là chuyệu đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh trở lại về nhà thì đường phố đã lên đèn.
 
Vừa bước tới gần nhà nhà, anh đã thấy có một người đang đợi anh. Nhưng đó không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đem cả mẹ con vào nhà để săn sóc nhất là cho đứa bé đứa bé. Sau khi đã dọn chỗ cho cả hai mẹ con trong nhà, nửa đêm anh mới xong, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà Chúa vẫn chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh: “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống, cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà, cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”. (Trich Món quà Giáng Sinh).
 
5. “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Chị tôi có một anh bạn cùng lớp. Tôi không ưa kiểu nói năng càn dở của anh. Một hôm anh đến chơi, chị nhờ tôi pha nước. Mê coi tivi, bực mình vì bị quấy rầy, tôi đã pha cho anh một ly nước mật chua và khoái chí khi thấy bộ mặt nhăn nhó của anh.
Chúa đã Phục sinh gần 2000 năm nhưng con người cứ ngụp lặn trong thế giới cũ mèm của hận thù, đố kỵ. Thế giới này sẽ đẹp hơn, nếu như con người biết bao dung và khoan dung cho nhau, yêu thương và phục vụ lẫn nhau.
 
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp là một sứ giả của Chúa, Người mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp họ, để cả hai chúng con sống trong ánh sáng Phục sinh của Ngài. (Epphata)