Yêu mến và vâng phục
Ga 15,9-11
Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15,10)
Phân tích
Tiếp dụ ngôn bài giáo lý “Sống trong Chúa”:
Chúa Giêsu dạy: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, Các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy.”
Suy gẫm
1. Tôi yêu Chúa. Nhưng tôi không luôn yêu Ngài. Tình yêu của tôi đối với Ngài lúc có lúc không, có khi nồng nàn, có khi lạnh nhạt. Nghĩa là tôi chưa ở lại trong tình yêu của Ngài. Muốn ở lại tôi phải làm theo Lời Chúa dạy “Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy.”
2. Hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm sở thích của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống chi là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ ở với Ngài cũng như Ngài hằng mơ ước với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng lệnh truyền của Chúa Cha.
3. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Năm 1963, tại Washington, 200.000 người lắng nghe Matin Luther King. Vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel Hoà Bình nói chuyện: “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và những người chủ nô sẽ ngồi với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi ước mơ một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…”
Ông ra sức thực hiện ước mơ ấy, biết bao khó khăn thử thách, ghen tương đố kỵ đã đổ xuống trên đầu ông, nhưng ông vẫn kiên quyết thực hiện hoài bão này.
Năm 1968, MLKing đã gục dưới lằn đạn của những kẻ thù ghét ông. Nhưng công trình của ông vẫn được tiếp tục, bởi ước mơ của ông đã trở thành ước mơ của hàng triệu người trên thế giới.
Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại trong tình thương của Chúa.
4. Tin Mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con. Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chúa Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.
Cha Carôlô
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến lần thứ nhất, đã nhập thể làm người và qua đó trao ban cho chúng con niềm vui ơn cứu độ. Chúng con thật vui mừng vì có Chúa ở cùng chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa đến và lưu lại trong tâm hồn chúng con. Chúng con xin hết lòng cảm tạ, tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng chúng con tôn thờ, xin cho chúng con lưu lại trong Chúa để chúng con được tắm gội trong tình yêu của Chúa. Nhờ vậy mà chúng con được đổi mới cuộc đời, đổi mới cách sống cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con cũng mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con biết yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết đến với mọi người trong tinh thần yêu thương và phục vụ. Xin giúp chúng con đừng sống ích kỷ, đừng quá tham lam mà đánh mất tình bạn hữu, mà làm mất vẻ đẹp của phẩm giá làm người nơi chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết biến niềm vui có Chúa thành một đời sống chứng nhân cho Chúa giữa trần gian. Và xin cho chúng con biết sống khiêm tốn, thánh thiện, gương mẫu để mai sau chúng con được thấy Chúa, được ở bên Chúa, và được hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền