Hiểu biết và Dấn thân
Mt 16,13-23
13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. 15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. 16 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. 17 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 18 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. 19 Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. 20 Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
21 Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. 22 Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. 23Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Phân tích
Đặt trong sơ đồ chung của thánh Mátthêu:
– Phân đoạn trước (13,53-16,12) là hành trình đức tin của nhóm người đi theo Chúa Giêsu làm thành một “Giáo hội phôi thai”.
– Trong phân đoạn này (16,13-16,27: từ hôm nay đến thứ năm tuần 19), Thánh Mátthêu cho ta thấy mức độ tin của nhóm người này, qua đại biểu là Phêrô, đạt được: Vừa nhận biết Chúa Giêsu là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” nhưng đồng thời vẫn chưa hiểu rõ kiểu “Kitô” mà Chúa Giêsu muốn là như thế nào, do đó Phêrô đã lên tiếng ngăn cản khi Chúa Giêsu báo tin Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Vì vậy, Chúa Giêsu một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải từ bỏ.
Đoạn này cho ta thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:
1. Mức độ của dân chúng: nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.
2. Mức độ của Phêrô: Được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa.
3. Mức độ của Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: Hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác Thập giá đi theo Ngài.
Suy gẫm
1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào:
Coi Ngài là Ngài ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để được xin ơn?
Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ?
Sẵn sàng bỏ tất cả để vác Thập giá mà đi theo Ngài?
2. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”: cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo hội.
3. Chúng ta có nhiều cách để khước từ Thập giá: Khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niền tin Kitô trong từng giây phút cuộc sống.
4. Ngày khia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sỹ từ nhiều nước đến để dự cuộc thi “Mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sỹ An Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quý nhất. Các nghệ sỹ Ai Cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất ngạc nhiên khi thấy phái đoàn HyLạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trương bày các tác phẩn tranh giải. Ông hết sức khen các bước chân dung của mình do các nghệ sỹ An Độ và Ai Cập tạc nên. Sau cùng phòng trương bày của người Hylạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bước tường đã đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuông mặt mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đạt giải nhất trong cuộc thi đó.
Sứ mệnh căn bản của mỗi Kitô hữu là họa lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những cái gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.
5. Ông Simon Phêrô thưa: “Thấy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt16,16).
Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao nhiêu vấn đề, biết bao nhiêu chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi : kỷ luật trong lớp học, dàn hòa trong cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo…Tôi chỉ biết suy nghĩ các giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng, vì chúng chỉ luẩn quẩn trong đầu tôi mà không đi tới hành động.
Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống; nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết!
Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 31-34
“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: ‘Ngươi hãy nhìn biết Chúa’, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.