Tỉnh thức
Mt 25,1-13
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. 2 Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. 3 Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. 4 Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. 5 Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
6 “Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. 7 Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. 8 Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: ‘Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’. 9 Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: ‘E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (cửa) hàng mà mua thì hơn’. 10 Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. 11 Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. 12 Nhưng người đáp lại: ‘Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi’. 13 Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,6.13)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Dụ ngôn mười cô trinh nữ tiếp tục dạy về sự tỉnh thức:
– Kitô hữu tỉnh thức là để đòn chờ Đức Kitô (chàng rể) đến.
– Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô đến.
– Tỉnh thức là lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu).
Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. 5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị những thứ sẵn sàng cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền được nghỉ ngơi.
2. Cách sống của 5 cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.
3. Dầu mà tôi phải luôn chuẩn bị cho cây đèn là những gì?
4. Trong bài Phúc Âm này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu của 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không? Thưa nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là quá ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó không có ý nghĩa ích kỷ. Bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và không ai có thể xin ai được.
Anh bạn tôi chết, tôi thương anh tôi lắm nhưng tôi không thể chia những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san sẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh.
Bởi vậy, mỗi người tự gánh lấy trách nhiệm về cuộc đời mình, tu thân tích đức thì mình nhờ, chuốc lấy tội lỗi thì mình chịu.
5. Đời người là một cuộc chờ đợi, và chờ đợi nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình, một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.
Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào người đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)
6. “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)
“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi?” Đó chính là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường, và có kết quả:
– 20% được hỏi liền trả lời: “Chúng sẽ dùng thời cơ còn lại để uống say sưa, hút ma túy để vui chơi cho thoả thích”.
– Cuối cùng một nữ sinh 18 tuổi trả lời rằng: “Tôi sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ”.
Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó? Hay chúng ta chỉ mải sống trong nếp sống cũ? Hãy canh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.
Lạy Chúa Giêsu, bao giờ Chúa đến gọi con, hôm nay hay ngài mai? Mùa Thu hay mùa Xuân? Xin Chúa giúp con luôn tỉnh thức để đón chờ ngày đó. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc vì giờ đây Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con, chúng con xin phó dâng cuộc đời cho Chúa. Xin ban ơn soi sáng để chúng con luôn nhận ra ý Chúa và thực thi ý trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận và nói được như thánh nữ Têrêsa: Tất cả đều là Hồng ân. Vui – buồn – sướng – khổ, giầu có hay nghèo hèn, đều là ân ban của Chúa. Vì giá trị cuộc đời không phải là những cái có vật chất hay những tình cảm mau qua, mà là sự hiện diện của Chúa. Có Chúa ở bên và cùng đồng hành. Ðó chính là món qùa qúy gía nhất mà chúng con cần phải trân trọng nâng niu. Ôi, còn có gì hạnh phúc và êm đềm hơn khi được chính Chúa cùng chia sẻ buồn vui trong những thăng trầm của cuộc đời. Sự hiện diện của Chúa như người cha luôn mang lại cho con cái niềm tin, nghị lực, sức phấn đấu và sự ủi an . Vâng, sự hiện diện của Chúa , tựa như đá tảng vững chắc cho chúng con nương nhờ, như thành lũy chở che cho chúng con trong những đêm trường băng giá.
Xin giúp chúng con đừng bao giờ để mình bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Nhờ vậy, chúng con mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)