Ganh tị
Mt 20,1-16a
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. 2 Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
3 “Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, 4 ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
6 “Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ 7 Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.
8 “Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. 9 Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. 10 Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. 11 Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: 12 ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ 13 Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? 14 Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, 15 nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’
16a “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết.” (Mt 20,15-16a)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn những người thợ làm vườn nho này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:
– Lối suy nghĩ của một số người thợ làm việc nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.
– Lối suy nghĩ của ông chủ: Ông trả công vì thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.
Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu:
– Người Do Thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ, họ làm nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ càng nhiều.
– Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Lý lẽ của tình thương nhiều khi không công bằng với lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải vì lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình lại cư xử với con cái theo lý lẽ công bằng thì không biết con cái sẽ ra sao?
Chúa cũng cư xử với chúng tôi như thế. Nếu Chúa xử theo công bằng thì không biết chúng ta sẽ ra sao?
2. Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, thì tôi không nên ganh tỵ với người làm từ giờ thứ 11 (những người bên lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.
3. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tỵ với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!” Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi không phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người theo lẽ công bình, nhưng vươn tới tình thương.
4. Một người Do Thái nọ qua đời. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó chết theo đúng nghĩa y học, và cấp giấy chứng nhận để chôn cất. Giữa lúc hạ huyệt người ta đã nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị chủ trì nói với kẻ chết như sau: “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay đang chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của bác sĩ, ông quả thực là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.” Nói xong ông truyền đóng nắp quan tài và tiếp tục chôn.
Câu chuyện trên đây có lẽ muốn chế diễu tính máy móc, cứng nhắc của nhiều người khi tuân giữ các luật lệ tôn giáo cũng như khi cư xử với nhau. (Mỗi ngày một tin vui)
5. “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” (Mt 20,12)
Trời quá oi bức, cái quạt bàn trong nhà thờ hôm nay lại trục trặc rồi. Nó vẫn quạt mát nhưng lại đứng lì một chỗ không quay xung quanh được.
Một người lên xoay nó về phí mình. Chưa đầy hai phút một người khác lại lên và tiếp tục xoay nó. Thế rồi một lúc sau một người khác lại chạy lên. Bây giờ tiếng xầm xì nổi lên và người ta bắt đầu tranh chấp. Bỗng một người phía dưới lên tiếng: “Tốt hơn hãy tắt cái quạt máy đi!” và họ chỉ yên lặng sau khi quạt máy tắt hẳn.
Tôi suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao đến với Chúa mà người ta vẫn còn chanh chấp ganh tỵ? Nhưng dường như cuộc sống con người thường như vậy. Khi tính ích kỷ đã lấn át, cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình và quên đi mọi nhu cầu của tha nhân.
Lạy Chúa, tình yêu Chúa vượt qua mọi tính toán, xin cho con có một tình yêu như Ngài, để con không dừng lại ở quyền lợi, nhưng dừng lại ở chính con người để biết yêu thương. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Xem thêm:
Bài đọc 1: Tl 9,6-16a