Được sai đến
Lc 4,38-44
38 Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. 39 Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. 40 Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. 41 Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.
42 Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. 43 Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. 44 Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến.” (Lc 4,43)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu: sau khi giảng dạy và chữa một người bị quỷ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang đến rất nhiều bệnh nhân, Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và chữa cho họ. Sáng hôm sau, dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Khi có người nào đó giống Chúa Giêsu biết quan tâm cứu giúp những người đau khổ, thì người đau khổ vây quanh bám lấy người ấy, như một đám đông gần chết đuối bám lấy chiếc phao duy nhất.
Tội nghiệp cho nhân loại khốn khổ. Xin cho có nhiều người mang tâm hồn bao la như Chúa, xin cho trong số đó cũng có con.
2. Phần cuối của bài Phúc Âm này khiến tôi hơi thất vọng: những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “họ cố cầm giữ Người lại”, nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác”.
Nhưng tôi đã hiểu: Chúa không nhắm cứu chữa hết tất cả phần xác (bởi vì đã mang thân xác tất phải đau khổ. Trần gian là thế!), nhưng Ngài nhắmm đem lại cho nhân loại Phúc Âm, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.
3. “Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa”: Đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động rộn rịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện là hoạt động được phối hợp rất quân bình, không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm nhiều việc thì Ngài lại cầu nguyện nhiều hơn.
4. “Chúa Giêsu nói với dân chúng: ‘Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến’.” (Lc 4,43).
Tại một xứ nhỏ ở một miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người công giáo, nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến săn sóc cho ông. Mỗi Chúa Nhật có một thiếu nhi đến đọc truyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh bí tích Thánh Tẩy. Ông nói: “Thưa Cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được Cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, các em giúp vui, con cảm thấy mình như gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi Cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.
Lạy Chúa, xin cho con biết đem niềm vui của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô đến với mọi người, luôn cảm thấy thôi thúc, được sai đi. Xin cho con biết sẵn sàng trên đường khi được Chúa mời gọi. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi hy sinh cho người mình yêu. Vì yêu là chấp nhận hy sinh. Yêu là phải quảng đại, dấn thân để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Vâng lạy Chúa, tình yêu đó luôn thể hiện trong suốt cuộc đời của Chúa. Chúa yêu nhân loại nên chẳng nề gian lao vất vả. Ðau khổ đắng cay. Dầm mưa giãi nắng. Yêu thương và phục vụ là biểu tượng của Chúa. Từ trẻ nhỏ đến cụ già. Từ người giầu đến người nghèo. Từ kẻ quyền quý đến kẻ thấp hèn. Chúa đều thi ân giáng phúc cho tất cả. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa tấm lòng quảng đại hy sinh để chúng con đem niềm vui đến chốn u sầu, đem ủi an đến chốn thất vọng. Xin loại trừ trong chúng con sự ích kỷ và tính hưởng thụ cá nhân, để chúng con biết sống vì lợi ích tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho thế giới chúng con sống có nhiều người quảng đại như Chúa để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Xin cho chúng con mỗi lần rước Chúa, chúng con cũng mang tình yêu và sức sống của Chúa hòa tan trong thế gian. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)