Lời nguyện trôi theo mái tóc dài

     Tin Mừng (Lc 24: 35-48)

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo:

 

Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

 

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng-nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói:”Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

 

 “Lời nguyện trôi theo mái tóc dài,”

Cầu cho hoa lá thoát phàm thai.

Hồn lên vầng trán mây kềm toả,

Hình tượng nào đây? Thể xác ai?”

(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

 

Nhiều lúc, người đọc sách thánh đã cắt ngắn truyện Tin Mừng một cách quá sớm, để rồi không định ra được ý-tứ của người viết nói thế nào? Về ai? Có ý gì? 

 

            Trình thuật hôm nay ta nghe được, lại là chương cuối của Tin Mừng Luca với 4 trích đoạn kể lại việc tông đồ Chúa đạt niềm tin về sự Sống lại. Ở hai đoạn đầu, Maria Magđala và Phêrô, đã đến mộ phần Đức Kitô, phát hiện ra Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết.

 

Ở đoạn trích thứ 3 -“Đoạn Đường Emmaus”- Luca lại nói đến trường hợp Đức Kitô hiện ra với các đồ đệ đang tụ họp. Ở đây, trình thuật kết thúc ngay câu 48, khi Đức Kitô dặn các tông đồ phải trở nên chứng nhân cho việc Ngài sống lại. Trong khi đó, nếu đưa thêm hai câu tiếp, ta sẽ thấy: Đức Kitô nhắn nhủ các môn đệ hãy ra đi loan truyền Tình yêu cứu độ cho thế giới, bên ngoài.

 

        Sở dĩ, Hội thánh kết thúc trình thuật hơi sớm là vì không muốn gộp chung báo trước việc Đức Kitô Thăng Thiên, tức Ngài về với “Cha” đang mong. Và làm thế, người đọc Tin Mừng thấy kết cục hơi đột ngột, không thông như giòng chảy ngọt ngào như toàn bộ chương cuối. Truyện kể “Đoạn Đường Emmaus” phản ánh điều mà mỗi người chúng ta vẫn thường làm trong buổi Tiệc thánh, mỗi Chúa Nhật.

 

       Thật thế, nếu đưa câu 49 và 50 của chương 24 vào chung với đọan Tin Mừng hôm nay, ta sẽ nhận ra tình huống tương tự khi Ngài mới sống lại. Đặc biệt, các động từ trong truyện cho thấy Đức Kitô như  hiện diện với đồ đệ đang tụ họp vào mỗi buổi dự tiệc. Ngài trao ban chính mình Ngài cho các đồ đệ để mọi người nhận ra Ngài, ôm Ngài vào lòng.

 

Trong khuôn khổ buổi tiệc, Đức Kitô vẫn cùng ăn cùng uống với các đồ đệ. Ngài vẫn dạy mọi người hiểu thêm ý nghĩa thánh kinh; và, Ngài uỷ nhiệm mọi người hãy ra đi loan báo Tin Mừng Yêu thương cứu độ, coi đây như sứ mệnh cao cả gửi đến mỗi người.

 

        Tiệc Phục sinh ban đầu đem lại kết quả cho mọi người cũng hệt như tiệc của lòng mến mỗi Chúa nhật. Chúng ta tụ tập đông đủ, ở đây và lúc này, là để tưởng nhớ; và, một lần nữa, chuyển biến sự kiện quan trọng này thành sứ mệnh sống còn. Đây là lý do Hội thánh luôn đề cập đến con số 40 ngày Chay tịnh, từ Lễ Tro đến lễ Vọng Phục sinh.

 

Thật ra, con số 40 ngày –(hoặc 45 nếu tính cho đúng)—có rơi đúng hôm nay hay sau ngày Đại lễ, thì mỗi Chúa nhật đều là ngày để ta trỗi dậy mà Sống lại và nhớ bài sai ra đi rao truyền Tình thương cứu độ của Đức Chúa. Và, điều này hợp với ý định của Hội thánh.

 

        Cũng tựa như tiệc Phục sinh ban đầu có Chúa hiện diện, mỗi Chúa nhật đều là ngày Phục sinh ta cũng có Đức Kitô mời đến tham dự Tiệc rượu Lòng Mến.

 

Tham dự Tiệc Thánh, ta tiếp tục được hướng dẫn hiểu rõ thánh kinh. Tiếp tục sống tinh thần Tin Mừng trong cuộc sống đời thường. Có sống thương yêu đùm bọc theo tinh thần của Tin Mừng, ta mới tiếp tục có Chúa hiện diện. Ngài hiện diện với các thánh tông đồ, ngày Phục sinh. Ngài cũng còn hiện diện với chúng ta.

 

Và, Ngài vẫn thương yêu, đùm bọc mọi cộng đoàn kẻ tin, lớn nhỏ. Đặc biệt hơn, Ngài vừa chủ toạ vừa đồng bàn với ta trong tiệc lòng mến, mỗi khi ta ngồi lại với nhau, tụ họp và tưởng niệm. Ngài dặn dò, khích lệ ta vui vẻ ra đi loan truyền tình Thương yêu cứu độ. Ra đi, với niềm hăng say, quả cảm. Ra đi, với quyết tâm thực hiện tình thương yêu trong đời sống thường nhật.

 

        Để giúp ta thành công, hãy vui nhận sứ mệnh này như món quà cao quý Đức Kitô trao cho ta qua các môn đồ, ngay từ đầu. Đó là: sự an bình và vui sống với người đời trần thế như chứng nhân của Tình yêu cứu độ. Có lẽ, đôi lúc ta cũng cần đến óc sáng tạo để cho sứ mệnh cao trọng này thêm sinh khí. Có sáng tạo và thêm sinh khí, ta mới vui sống, phấn khởi thực hiện điều Ngài giao phó trong xã hội đương đại đầy nhiễu nhương, ác cảm. Câu truyện của vị cao niên dưới đây sẽ minh hoạ cho óc sáng tạo, phấn khởi:

 

        Chiều hôm ấy, vị cao niên nọ quyết định ở nhà để vui hưởng sự yên tĩnh. Nhà cụ ở, nằm sát cạnh trường học, nên thường xảy ra nhiều chuyện ồn ào, bất ưng. Chiều chiều, cứ thấy có 3 người trẻ lảng vảng, đập gõ inh ỏi vào các thùng tôn đựng rác. Không ai khuyên bảo, can ngăn bọn trẻ bỏ cái trò tinh quái, khó chịu ấy.

 

Vị cao niên nhà ta bèn nảy ra một ý kiến. Cụ gọi bọn trẻ đến và bảo: “Này, bác có ý kiến này: các cháu xem có làm được không, nhé. Nếu chiều nào các cháu cũng đến đây, lấy gậy đập mạnh vào các thùng rác cho thật to, để mọi người thưởng thức được loại nhạc Tếch-nô. Gõ xong, hết giờ, đến đây bác tặng cho mỗi đứa một chục đô. Các cháu nghĩ sao? Bọn trẻ nhận lời, chẳng bỏ lỡ cơ hội. Tiếng gõ đập của chúng càng lúc càng đinh tai, nhức óc.

 

Vị cao niên cứ để bọn trẻ gõ cho đến lúc trời nhá nhem mới gọi đến, bảo: “Tiếc quá, hôm nay bác đi lãnh mà tiền cấp dưỡng chưa vào sổ. Thôi, các cháu cầm đỡ mỗi đứa 25 cents, bác đưa thêm sau”. Tên đầu xỏ, tức giận trả lời: “Bộ, ông tưởng tụi tôi bỏ bao nhiêu thì giờ làm chuyện này để được có 25 cents thôi sao? Đúng, ông thuộc loại dở khùng dở điên. Này, ông cúi xuống mà nhặt lấy 75 cents đi, bọn này không thèm thứ tiền ấy đâu.

 

Và, ngày mai đừng có mong bọn này trở lại gõ tiếp đâu nhé…” Thế là vị cao niên thắng lớn. Ông tìm được sự yên tĩnh cần có, để an hưởng tuổi già.

 

            Hôm nay, Đức Kitô cũng dạy ta hãy ra đi làm việc gì hữu ích cho mọi người. Đem tình yêu hài hòa đến với mọi người. Hãy sáng tạo đổi mới cách thực hiện, hầu mọi người hưởng an bình, vui sống. Vui, vì được nghe lời Chúa. An bình, vì đã có Tin Mừng Chúa bảo bọc. 

 

            Đó là sứ mệnh gửi đến mọi người. Cầu mong sao, ta sẽ khôn ngoan để biết cách tạo hạnh phúc và hoà bình, đến muôn người. Những người đang sống quanh ta. Bây giờ và mai hậu.

 

            Trong tâm tình cảm-nghiệm ý-tứ của người viết truyện Tin Mừng, có lẽ cũng nên ngâm thêm lời thi-ca vẫn ca tụng một gặp gở nào đó, ở đời người:

 

            “Còn mảnh hồn thương dạt bến nào?

            Vành môi vực thẳm máu dâng cao.

Mùa trăng thủy thảo hoa đầy gối,

Ánh mắt không lời đọng biển sao.

(Đinh Hùng – Giọt Máu Sao Trời)

 

Mảnh hồn hay vành môi thương dạt bến nào” đi nữa, vẫn cứ là những “ánh mắt không lời” còn đọng ở biển sao cuộc đời người nhiều luyến tiếc. Tiếc rằng, sao Người không ở lại với ta cho thoả lòng cảm kích rất biết ơn. Ơn trời biển, nhờ đó mới nhận ra rằng Người vẫn ở với ta, hết mọi ngày cuộc đời, của con người.   

 

Lm Richard Leonard sj – Mai Tá lược dịch