Tổng cộng có 139 imam đã ký vào một văn bản rõ ràng, trong đó họ từ chối tôn vinh những kẻ khủng bố để khỏi đánh mất chính mình. “Hành động không thể bào chữa của những kẻ ấy hoàn toàn trái ngược với những nguyên tắc tối thượng của Hồi giáo”, họ giải thích. Trong bản tuyên bố, các imam cũng nhấn mạnh rằng họ “cầu xin Chúa cho thủ phạm của những tội ác này sẽ bị xét xử ở đời sau, theo mức độ tội ác chúng đã phạm (…) Đứng trước sự hèn hạ ấy, chúng ta sẽ không giống như những kẻ khủng bố, chúng ta phải ủng hộ tình yêu và lòng thương xót”.
Đối với đại đa số người Hồi giáo Anh Quốc, vụ tấn công mới khiến cho họ bị “sốc”. Sheikh Ibrahim Mogra, đồng chủtrì Diễn đàn Kitô giáo-Hồi giáo của Anh Quốc, phát biểu: “Thật là ghê tởm và tôi cảm thấy rụng rời vì đang khi tất cả những người Hồi giáo khác quy tụ tại thánh đường để cầu nguyện trong tháng Ramadan thánh, thì lại có những người Hồi giáo có thể thực hiện hành động tàn ác này”.
Hồi giáo, với tư cách một tôn giáo, lên án những hành động tàn bạo này
Trong bản văn phổ biến trên mạng internet, các imam lên án “những kẻ sát nhân hèn hạ, muốn chia rẽ xã hội và gieo rắc sợ hãi”. Theo Sheikh Ibrahim Mogra, cuộc tấn công mới này một lần nữa kêu gọi cộng đồng Hồi giáo ở Anh Quốc nhận lấy trách nhiệm: “Điều rất quan trọng đối với chúng ta là hiểu rằng Hồi giáo, với tư cách một tôn giáo, lên án những hành động tàn bạo này, và toàn thể cộng đồng Hồi giáo không thể buộc phải chịu trách nhiệm. Chúng ta tin chắc rằng chúng ta là một phần của giải pháp, và chúng ta muốn làm sao để bảo đảm rằng đất nước của chúng ta được an toàn, tự do và dân chủ. Chúng tôi cầu nguyện cho hoà bình và đoàn kết, và cho tất cả các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, dù họ theo niềm tin nào, dù ở đây hay trên toàn thế giới, đang là mục tiêu của khủng bố”.
Tại Pháp, sau vụ cha Jacques Hamel bị sát hại, cộng đồng Hồi giáo ở Saint-Etienne du Rouvray cũng đã từ chối cho Kermiche Adel, một trong hai kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về cái chết của cha, được chôn cất trong khu vực Hồi giáo của ngôi làng.
(Vatican Radio)
Minh Đức