Lòng nhẫn nại của Thiên Chúa

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài.

Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.

Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh để mời gọi con người suy nghĩ. Thứ nhất, như chiếc lưới thả xuống biển và bắt lên mọi cá tốt cũng như cá xấu, người ngư phủ ngồi lựa cá tốt cho vào giỏ, cá xấu quăng đi; thiên thần của Thiên Chúa cũng gom nhặt tất cả mọi người, người công chính cho vào Nước Trời, trong khi những người xấu nết bị quăng ra ngoài. Thứ hai, như một quản gia tích trữ trong kho cả những cái cũ lẫn cái mới, Nước Trời cũng bao gồm cả cái cũ lẫn cái mới, chứ không phải chỉ có những cái mới mà thôi.

Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.

Tất cả các dụ ngôn trên Chúa Giêsu đều nói đến nước Trời. Tuy nhiên hai dụ ngôn Cỏ lùng và Lưới cá hôm nay Người nhấn mạnh đến việc phân loại người tốt kẻ xấu vào ngày sau hết. Người tốt đương nhiên được hưởng phúc vinh quang đã dành sẵn còn kẻ xấu bị trừng phạt. Đó là lẽ đương nhiên, ngay tại trần thế tất cả luật pháp và ngay cả trong cuộc sống thường ngày ai cũng cư xử như vậy.

Điều khác biệt ở đây là lòng Chúa khoan dung và nhẫn nại chờ đợi. Người không cho nhổ cỏ lùng ngay khi phát hiện, Người chấp nhận để kẻ xấu tiếp tục lớn lên không phải để họ làm hỏng lúa nhưng Người chờ đợi sự hoán cải, sự đổi thay. Người kiên tâm chờ đợi vì tôn trọng sự tự do lựa chọn của họ.

Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.

Giáo Hội mời gọi tất cả không trừ ai, đây là dấu chỉ về việc mọi người, bất luận tốt xấu, đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời. Anh có thể là chú cá to đầy tràn sức sống, chị có thể là nàng cá vàng duyên dáng, còn em chỉ là con cá lòng tong, anh kia chị nọ có thể là những chú cá mang những tên gọi khác nhau. Lưới thả xuống biển chứ không phải thả câu để chỉ tìm cá tốt. Cá cứ ở trong lưới, không bị loại trừ ngay từ đầu nhưng chờ đến khi lưới đầy. Chờ tới khi lưới đầy nghĩa là còn thời gian để cá xấu trở nên tốt hơn, nghĩa là cá xấu không bị loại trừ ngay khi vào lưới.

Cũng như dụ ngôn cỏ lùng, Thiên Chúa lại khoan dung không vội loại trừ, Thiên Chúa lại kiên nhẫn chờ đợi. Chỉ đến khi lưới đầy (đến lúc) người ta mới kéo lên bãi để nhặt cá tốt cho vào giỏ còn cá xấu thì vứt ra ngoài.

Như thế Đức Giê-su muốn cảnh báo để chúng ta biết rằng chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính. Thiên Chúa Cha giàu lòng xót thương Người vẫn kiên tâm, nhẫn nại chờ đợi chúng ta.

Hẳn ta còn nhớ truyện Tấm Cám, có người khóc xót thương cho cô Tấm hiền lành; cũng có người tức tưởi vì sự độc ác của mẹ con cô Cám. Thật ra, thời đại nào cũng có rất nhiều người tốt và không thiếu những kẻ xấu. Hội Thánh tự bản chất là thánh thiện. Qua Bí tích Rửa Tội, ta gia nhập vào Hội Thánh để được thánh hoá và được kêu gọi để nên thánh. Nhưng ta phải chiến đấu với các khuynh hướng xấu tốt vẫn tồn tại trong con người chúng ta. Do đó, qua dụ ngôn chiếc lưới, Chúa Giêsu hôm nay dạy ta phải có thái độ bao dung và tha thứ với người tội lỗi, đồng thời tự nhận biết mình cũng là tội nhân. Việc sàng lọc, phân định kẻ tốt người xấu chỉ được thực hiện vào thời cánh chung mà thôi.

Đức Kitô đang hiện diện trong Hội Thánh và trong mỗi người như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung. Chuyện quan trọng là ta có cảm nhận để rồi ta sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ đối với mọi người. Ta còn nhớ không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không có sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi con người. Xin cho ta luôn tin tưởng vào lòng thương xót, nhẫn nại và nhân từ của Chúa dành cho ta, dành cho những người tội lỗi như ta.

Huệ Minh