Lòng Thương Xót Chúa đang như cao trào được nhiều người thúc đẩy cũng như phát động thành phong trào lớn trong Giáo Hội như mọi người thấy hiện nay.
Đỉnh điểm từ lễ kính “Lòng Thương xót của Chúa” mà Đức chân phúc Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000. Và đặc biệt, chúng ta đang sống trong năm Thánh Lòng Thương Xót.
Chắc hẳn ta nhớ đến hình ảnh Đức Giê-su từ bi thương xót do thánh Faustina Kowalska để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska thưa với Người rằng: “Lạy Chúa Giê-su, con xin tín thác vào Người !”
Thật ra mà nói, lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho con người có tự khởi đầu, từ ngày tạo thành vũ trụ này. Con người phản trắc, con người quay lưng nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Tự cái giây phút con người phạm tội, hình ảnh của Vầng Đông đã được tiên báo cho người phụ nữ mang tên Eva, cho các ngôn sứ và rồi Thánh Luca cũng đã nhắc lại :
“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).
Hơn ai hết, Đức Trinh Nữ Maria – người phụ nữ sửa cái sai lớn nhất của nhân loại từ Eva, Mẹ đã cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa khi gặp gỡ người chị họ Elisabeth :
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc , 48.54.55)
Quá rõ ràng rằng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người đến muôn đời. Chính vì lẽ con người ngày nay đánh mất cái cảm nhận quý báu nhất tự nơi Thiên Chúa để rồi Đức chân phúc Gioan-Phaolô II đã gợi lại lòng thương xót đó cho con người. Và gần đây nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót để xin Chúa mở lòng từ bi thương xót mọi người cũng như gợi mở cho mọi người cũng có lòng thương xót như Chúa Cha.
Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ”, đã viết:
“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem người giải nghĩa yêu”.
Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, bước vào thế giới này trong tĩnh lặng, nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lòng thương xót, và lắng nghe Thiên Chúa giải nghĩa chữ yêu được toả lan từ hang Bê-lem, khi chúng ta không nói nhiều, không ồn ào, và đi vào thinh lặng, nơi đó Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đợi chúng ta.
Thiên Chúa vẫn yêu thương mỗi người và Thiên Chúa cũng mong mỗi người cảm nhận được lòng thương xót mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người.
Thế nhưng, đáng tiếc thay có một số người nhìn nhận cũng như đi theo lòng thương xót một cách thế nào đó để rồi trong thực tiễn có 2 chuyện không vui về lòng thương xót. Có lẽ, những cái vết không vui đó làm cho nhiều người buồn và suy nghĩ.
Cảm nhận lòng thương xót thật sự đó là thương con người yếu đuối và tội lỗi của mình và Chúa tha thứ chứ không phải thương xót theo kiểu xôi thịt là đến với Chúa thương xót là được cái này, được cái kia. Nếu nhìn về khía cạnh xôi thịt hay mang khía cạnh xôi thịt vào lòng thương xót Chúa e rằng hạ giá quá thấp lòng thương xót Chúa.
Cũng vậy, mỗi khi ta đến với Mẹ, đến với Thánh Cả Giuse, đến với Thánh quan thầy và đặc biệt đến với Chúa xót thương, nên chăng ta xin cho ta ơn tha thứ, ơn bình an và ơn cảm được lòng thương xót của Chúa để ta cũng thương xót anh chị em đồng loại như Cha đã thương xót chúng ta. Ơn thương xót chỉ đến thật sự với ta khi ta biết xót thương người khác như trong Kinh Lạy Cha mà ta vẫn thường đọc : “Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”.
Xin Chúa thương xót thêm ơn cho ta để ngày mỗi ngày ta yêu cái người ta khó ưa, ta thương cả cái người làm hại ta. Có như vậy, ta mới sống đúng lòng thương xót mà Thiên Chúa đã dành cho ta từ thuở đời đời và dành cho ta khi ta còn là con người của một phạm nhân.
Huệ Minh