Trang Tin Mừng hôm nay mở rộng thêm về chân dung của Thiên Chúa không chỉ là Đấng phân xử công bằng, mà còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” làm nổi rõ điều đó. Nếu cứ theo luật công bằng thì những người được mướn vào làm sau thời điểm tảng sáng chắc chắn chỉ đáng nhận được tiền công ít hơn so với người làm từ tảng sáng.
Thế nhưng mọi chuyện thật phi lý khi vào cuối ngày ông chủ gọi từng người đến trả lương. Người làm cuối cùng lại được nhận tiền trước và nhận được số tiền như người làm từ tảng sáng. Chứng kiến việc chủ trả tiền cho những người thợ sau chót, hẳn nhiên những người đầu tiên sẽ phấn khởi mừng vui vì nghĩ mình chắc sẽ được nhiều hơn.
Thế nhưng họ cũng chỉ nhận được một đồng. Và phản ứng bực tức, thất vọng, là điều dễ thấy. Phản ứng này làm chúng ta nhớ lại dụ ngôn về người cha nhân hậu, khi người anh cả cũng phản ứng giận dữ như vậy vì biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Nhưng dụ ngôn cho chúng ta biết ông chủ không hề đối xử bất công đối với những người thợ làm từ tảng sáng vì ông đã trả cho họ đúng như đã thỏa thuận ban đầu. Câu cuối cùng của dụ ngôn đã làm nổi lời giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta : “Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh. Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn với tài sản của tôi sao?” Đó là nội dung chính yếu nói lên tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa dành cho con người.
Tình thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đã vượt xa suy nghĩ của con người. Điều con người tưởng chừng như không thể tha thứ thì Thiên Chúa đã thứ tha. Anh trộm lành chấp nhận chịu hình phạt do mình đã gây ra và không thể ngờ Thiên Chúa sẽ thứ tha, thì chính Người đã nói với anh : “Ngày hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Anh là người thợ thứ 11 như trong dụ ngôn mà Chúa đã đưa ra. Anh được hưởng những gì mà người khác nhiều khi đã phải nỗ lực cả đời mới có. Nhưng nói cho cùng thì không ai có thể xứng đáng để vào Nước Thiên Chúa. Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban nhưng không, hơn là một sự trả công cho những gì con người đã cố gắng đạt tới.
Tấm lòng thương xót của Thiên Chúa còn thể hiện qua việc Ngài chờ đợi con người. Tại sao ông chủ lại phải mất công hàng giờ ra chợ tìm kiếm những con người đang đứng chờ vất vưởng ngoài ấy để gọi vào làm vườn nho? Cũng như tại sao người cha nhân hậu lại phải mỏi mòn chờ đợi đứa con hoang đàng trở về, để khi nó vừa về đến thì vội vàng chạy ra ôm chầm lấy nó.
Tất cả là vì tình thương. Tất cả là ở lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho con người. Bởi thế con người đừng thất vọng vì nghĩ rằng mình không còn cơ hội để quay về làm hòa với Thiên Chúa. Cũng đừng chán nản vì đứng cả ngày ngoài chợ mà chưa có ai mời vào làm vườn nho Nước Trời. Sẽ có lúc Thiên Chúa sẽ đến và ban tặng ân phúc cho bạn mà bạn không thể ngờ. Thiên Chúa là thế, Ngài là Đấng nhân hậu và lòng nhân hậu ấy vẫn hằng sẵn sàng chờ đợi cho đến phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta.
Đối với Chúa điều quan trọng đâu phải là trước sau, mà chính là giây phút hiện tại, là lúc này. Vì thế mọi sự chểnh mảng coi thường, hoặc giữ đạo cơ hội, xu thời sẽ khó có thể được hưởng hạnh phúc với Chúa.
Hơn nữa, chính thái độ khoan dung nhân hậu của Chúa đã mở ra cơ hội cho nhiều người tuy đi sau nhưng lại về trước. Rất có thể họ đã có một quá khứ chẳng mấy tốt đẹp hay đã từng làm nhiều điều bất chính. Nhưng nhờ lòng xót thương của Chúa mà họ đã không chỉ được đứng dậy trở, về mà còn được vinh dự vào làm trong vườn nho của Chúa. Đây từng là câu chuyện của thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, các cột trụ của Giáo Hội.
Ước gì mỗi chúng ta, cũng biết nhìn ra tình thương và lòng Thương Xót của Chúa để biết luôn cảm tạ thay cho nghi kỵ ghen ghét, ước gì mỗi người chúng ta nhận ra lòng tốt của Thiên Chúa đang dành cho mình, để chúng ta biết sống tốt với mọi người. Nhất là khi thấy anh em được những điều may lành. Từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thái độ buông xuôi chán nản mỗi khi có yếu hèn vấp ngã vì chúng ta biết rằng Chúa chúng ta là Đấng nhân hậu từ bi, chậm bất bình và rất mực khoan dung.
Huệ Minh