Tuần nay, lướt qua Facebook, người dùng dễ bắt gặp một đường link chia sẻ, một comment hay đơn giản là một like về chuyện một sinh viên lượm được chiếc ví với tiền và sổ tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng và đã trả lại cho chủ nhân (23/3/2015). Nhiều người đã để lại những lời comment diễn tả sự cảm phục, xúc động, và cả lời cảm ơn về lòng tốt như một gương sáng, nhưng cũng không ít người đã đặt vấn đề có vẻ thực tế, đại ý như: Vì đó là sổ tiết kiệm, chứ nếu 1,3 tỷ đó là tiền mặt, chắc gì bạn sinh viên ấy đã trả lại? Hoặc, anh ấy hơi dại…!
Có thể những comment đó chỉ là những ý kiến cá nhân, chẳng đáng quan tâm. Nhưng xã hội không chỉ là tập hợp những cá nhân, mà, những cá nhân còn làm nên xã hội! Đọc những comment nghi ngờ về lòng tốt, không ít người gật gù tán đồng vì thấy nó thực tế. Có thể sự gật gù ấy không hẳn là hoàn toàn tán đồng, nhưng biết đâu cũng cho nó một vài điểm ủng hộ nào đó vì cái lý của nó. Cái lý mạnh nhất và có thể duy nhất là “thực tế”. Vì thực tế là cuộc sống người ta bắt gặp nhiều điều xấu và hiếm khi thấy được một điều tốt nên khiến họ phải nghi ngờ!
Không ai chắc bạn sinh viên ấy sẽ xử lý thế nào nếu đúng 1,3 tỷ đó là tiền mặt. Chỉ có điều, một tin tốt như thế lại tạo nên sự nghi ngờ chứ không phải tạo nên niềm vui. Dẫu sao, người ta cũng có cái nhìn xa hơn chỗ đứng hiện tại, mà nếu dùng từ hoa mỹ là biết “nhìn xa trông rộng”. Nhưng nếu tầm nhìn ấy được mở rộng để hướng về tình người và lòng vị tha thì hẳn tầm nhìn ấy mang một sắc màu khác.
Có thể bạn trách người nào đó quá nông cạn đã viết lên những câu nghi ngờ kia. Nhưng bạn có nghĩ, biết đâu trong cuộc sống thường ngày, chính mình cũng góp phần không nhỏ tạo nên những nghi ngờ ấy! Họ nghi ngờ vì cuộc sống của họ toàn gặp những điều tệ hại và hiếm khi gặp được ai đó làm một điều tốt cho họ. Phải chăng bạn đang nợ họ, nợ cuộc sống này một điều tốt, để họ thấy rằng lòng tốt là có thật chứ không chỉ lời nói suông!
Con người có một đặc tính lạ: khi cảm nhận mình nhận được lòng tốt từ ai đó, họ mới có thể cho đi lòng tốt của họ! Tiếc rằng, hai chữ “thực tế” với miếng cơm manh áo, đồng tiền là tiêu chuẩn, đã làm cho trái tim con người mất cảm giác trước lòng tốt họ nhận được mà cả đời cũng không đếm hết. Với suy nghĩ “thực tế”, người ta có thể nghi ngờ về một lòng tốt vô điều kiện. Nhưng thực tế vẫn có nhiều người không chỉ làm điều gì đó tốt mà còn hy sinh cả mạng sống mình vì người khác.
Sự nghi ngờ bước ra từ một trái tim khô cứng chứ không tồn tại trong một tâm hồn rộng mở. Anh bạn sinh viên đã trả lại chiếc ví cho chị chủ nhân, và chị đã vui mừng khôn tả. Nhưng cũng có một người đã trả lại cho chúng ta cả mạng sống với cái giá là mạng sống của chính mình. Tiếc rằng, không ít người đã chẳng “vui mừng khôn tả” mà ngược lại nghi ngờ về lòng tốt ấy. Thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều người không biết lý do tại sao các nhà thờ lại treo toàn màu tím tang tóc. Nhiều người khác biết lý do nhưng chẳng có gì xúc động hoặc nghi ngờ về một tình yêu ấy là thật và vô điều kiện.
Biết đâu người ta chưa ra tay vì điều tốt hoặc còn nghi ngờ lòng tốt của người khác, vì họ chưa cảm nhận tim mình rộn lên niềm vui khi chính mình được trả lại sự sống đúng nghĩa là con người với đầy đủ tự do và phẩm giá. Ước gì tình yêu của Thứ Sáu Tuần Thánh không bị đặt lên bàn cân của sự nghi ngờ nhưng mang lại niềm vui khôn tả vì mình đã nhận được một tình yêu quá lớn! Và một bí quyết để nhận ra tình yêu ấy: không gì khác hơn là ngồi một mình dưới chân Thập Giá và để lòng mình lên tiếng!
Văn Yên, SJ