[LTS:”Phúc cho những ai không thấy mà vẫn tin” (Ga 20, 29).
Bởi lẽ “Đức tin là phương cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là đường lối nhận thức những thực tại ta không thấy” (Dt 11, 1); thực thế: “Nếu đã xem thấy điều mình hy vọng sẽ được, thì không còn phải là hy vọng nữa; vì điều đã thấy được, nào ai còn hy vọng làm chi nữa!” (Rm 8, 24). “Đấng khơi nguồn… đức tin” (Dt 12, 2) là Đức Giêsu Kitô; Ngài cũng chính là nền tảng của đức tin.
Vậy nếu khoa học loài người thấy được trọn, hiểu được hết con người – Con Người Chúa – nơi Ngài, thì đâu còn cần đến niềm tin vào một Đức Giêsu Kitô! Cốt tủy cuộc đời Đức Giêsu là mầu nhiệm: mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể Làm Người. Đức tin kitô dựa trên một nền tảng khác, khác với những gì là kiên cố nhất trong các khoa học vững chãi, trong các sự kiện lịch sử chắc chắn nhất của loài người. Đức tin kitô vượt lên trên tất cả những hoa xinh quả đẹp của trí tuệ loài người. Chúng ta không biết đến cũng như không tin vào một con người Giêsu đơn thuần lịch sử . Chúng ta tin vào Con Người Thiên Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Con Một của Thiên Chúa Hằng Sống. Chúng ta yêu mến Ngài, và ước muốn tìm biết cho thật rõ, cho thật chính xác về Ngài, về Con Người mình kính thương, ngay cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong chuỗi ngày Ngài làm người sống trên dương thế, ở giữa dòng lịch sử này của loài người. Đây là điểm mà các khoa học của trí tuệ con người – đặc biệt là các ngành sử học, khảo cổ, chú giải theo phương pháp phê bình lịch sử… – có thể giúp chúng ta: giúp bổ túc những gì chúng ta hiểu biết cho chắc chắn, cho đích xác về các chi tiết liên quan đến con người lịch sử của Đức Giêsu. Tuy nhiên, nếu chưa biết rõ và chắc hết được các chi tiết ấy, thì không phải vì thế mà lòng tin thiếu đi nền móng! Cũng thiếu chi kẻ biết nhiều, biết chắc mà lại không tin. Và cũng rất có thể là việc biết thêm cho rõ ràng, cho chắc chắn và đầy đủ sẽ giúp cho lòng tin được sáng suốt, mạnh mẽ, linh động và có sức truyền cảm hơn.
Có nhiều giả thiết được đề xuất trong các lãnh vực này làm cho nhiều người kitô không yên lòng. Dù giả thuyết hay là chính thuyết hoặc là những phát hiện chắc chắn một trăm phần trăm xem ra đi ngược với lề lối tin yêu của người kitô, thì cũng không có gì là phải sợ cả. Dựa vào Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội không bao giờ sợ chân lý – chân lý đích thực; ngược lại, Giáo Hội xác tín về lời dạy của Thầy mình: “Chân lý sẽ giải thoát các con” (Ga 8, 32), và Lời của Thiên Chúa dạy phải biết “vâng phục sự thật” (1Pr 1, 22) và “bước đi trong sự thật” (3Ga 4). Giáo Hội và người kitô – không những không sợ, mà còn – tha thiết yêu mến sự thật nữa, vì Đức Giêsu Kitô chính là sự thật (xem Ga 14, 6), và Ngài “đã đến trong thế gian … để làm chứng cho sự thật. Phàm ai thuộc về sự thật, thì nghe tiếng…” (Ga 18, 37; xem Ep 4, 21) của Ngài. Đi tìm và nhận ra sự thật là một cách nào đó, khoa học đi tìm và nhận ra chính Đức Giêsu Kitô. Vì lẽ đó, Giáo Hội và người kitô không những không sợ, mà còn yêu thích và đẩy mạnh khoa học nữa.
Chúng tôi thầm nghĩ: những thiển kiến trên đây cũng là tâm tư, cũng là những gì đã mạnh mẽ thối thúc tác giả nghiên cứu và đưa ra cống hiến độc giả bài viết sau đây. NTM]
Joses Vũ xuân Huyên
Đức Giêsu là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong giòng lịch sử nhân loại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tâm linh và văn hóa của hàng tỷ người [1] . Vì thế, làm sao biết rõ được “lý lịch” của Ngài: đó là một trong những khát vọng sâu xa của nhiều người qua nhiều thời đại khác nhau. Trong ngành Thần học Kinh Thánh, các nhà chuyên môn đã và đang nỗ lực tìm cho ra “bộ mặt thật” của Ngài, nói một cách khác, họ cố gắng tìm về một “Đức Giêsu nguyên thủy” (Original Jesus ).
Đức Giêsu Kitô –bản Tuyên tín ngắn gọn nhất của Giáo Hội sơ khai: Đức Giêsu là Đấng Kitô; rồi sau này đã trở thành tên kép của Ngài. Tên này xuất hiện rất sớm, nhưng thuở ban đầu thường được viết ngược lại là (Đấng) Kitô Giêsu [2] –đã bị đầu óc khoa học tách làm đôi: một đàng là “con người” Giêsu, và một đàng là “Đấng” Kitô. Con người Giêsu thuộc lịch sử, Đấng Kitô thuộc Thần Học. Người ta cho rằng, biến cố phục sinh như một vực thẳm sâu hun hút, không thể bắc cầu nối nhịp giữa hai bờ xa cách nổi: mặt “phải” và mặt “trái” của cùng một nhân vật. “Mặt trái” Giêsu và “mặt phải” Kitô. “Giữa Đức Giêsu tiền phục sinh và hoàn cảnh hậu phục sinh là một nấm mồ” (R. Bultmann). “Nhân vật Giêsu” đã được đức tin và tín lý của Giáo Hội sơ khai cắt xén và tô điểm khá nhiều, để “dựng đứng” nên một “Đấng Kitô”. Đấng Kitô ấy đã được “phong thần”, nên không còn trung thực là một Giêsu như trước nữa. Do đó, muốn tìm về một “Giêsu nguyên thủy”, thì cần phải lo cạo cho sạch “lớp sơn” Tín lý đã phủ bên ngoài đó đi. Rất may, khuynh hướng tách biệt “Đức Giêsu lịch sử” với “Đức Kitô đức tin” đã dần dần mất đất đứng trong nền Thần học hiện nay.
Khuynh hướng này thực ra là đứa con của trào lưu “Thời đại ánh sáng” (Aufklaerung/siècle des lumières) tại Âu Châu. Trào lưu này phát triển mạnh trong thế kỷ 18, và có ảnh hưởng cả tới ngành nghiên cứu Kinh Thánh; điển hình nhất phải kể đến việc khai sinh ra phương pháp phê bình lịch sử trong ngành này. Theo phương pháp này, tất cả những gì trước đó được coi là chân lý đều phải đem ra đặt vấn đề và xét lại dưới ánh sáng của lịch sử, theo tiêu chuẩn xác thực của sử học, sau đó nếu cần, thì sẽ “sửa sai” những gì được coi là chân lý. Thêm vào đó, người ta còn áp dụng các phương pháp khác, như phê bình văn chương, phê bình tài liệu, lịch sử hình thành và soạn thảo các văn bản…, cũng như dựa vào các khám phá của ngành khảo cổ, để soi sáng vấn đề.
Ban đầu, vấn đề nguồn gốc của Giáo Hội được đem ra đặt lại. Người ta tự hỏi: Đức Giêsu có thực sự muốn thiết lập Giáo Hội và có đứng ra thiết lập Giáo Hội một cách trực tiếp không (như Mt 16, 18 cho biết), hay Giáo Hội chỉ là “một tiến trình” (A. Voegtle) lịch sử của con người xã hội? Người ta cho rằng: Kitô giáo chỉ mới khai sinh từ thời Giáo Hội xuất hiện, chứ không phải từ thời Đức Giêsu (W. G. Kuemmel), lý do rất đơn giản là vì chính Đức Giêsu cũng chưa phải là một kitô hữu mà vẫn còn là một tín đồ trung thành của Do Thái giáo (R. Bultmann).[3] Nhưng sau đó, vấn đề này lại đẻ ra thêm nhiều vấn đề khác: Trước khi thắc mắc về Giáo Hội, thì tất phải thắc mắc về chính Vị sáng lập Giáo Hội: Ngài là ai, sinh năm nào, chết năm nào và hoạt động tại đậu, được bao lâu?
Những người đầu tiên đã khơi ra vấn nạn này là H. S. Reimarus (1694-1768), G. E. Lessing (1729-1781) rồi đến D. F. Strauss (1808-1874) và J. Weiss (1863-1914). Cuộc tranh luận đã đạt đến cao điểm vào thế kỷ 19; nhưng đến đầu thế kỷ 20, thì A. Schweitzer (xem: Geschichte der Leben-Jesu-Forschung, xuất bản lần đầu năm 1909) đã mường tượng được sự thất bại của nỗ lực này. Còn đối với R. Bultmann (Jesus , 1926), thì dường như ông muốn “bỏ cuộc” và không còn tha thiết bàn luận gì về Đức Giêsu lịch sử nữa. Ông cho rằng không thể tìm về một Đức Giêsu đích thực trong một quá khứ quá xa xôi như thế được; vì thế, hay nhất là nên chấm dứt việc nghiên cứu về đề tài này luôn cho gọn. G. Bornkamm trong cuốn sách xuất bản vào năm 1956 (Jesus von Nazareth ), cũng cho rằng hiện nay không ai còn có khả năng viết lại lý lịch Đức Giêsu được nữa; những gì đã viết ra – theo ông – chỉ là sản phẩm của các nhà Thần học dệt thơ, hay là sản phẩm của các nhà thơ cố nặn cho ra Thần học. Thế nhưng, M. Dibelius (Jesus , 1939) vẫn hăng say tiếp tục lần bước trên con đường nghiên cứu của người xưa. Và sau này, còn có thêm E. Stauffer (1957) là người có lẽ nhiệt thành nhất trong việc này. Hiện nay, vẫn còn H. Conzelmann, G. Ebeling, E. Fuchs, E. Kaesemann, J. Blank và W. Trilling tiếp tục nghiên cứu theo chiều hướng ấy; rồi mới đây J. Gnilka, đã cho xuất bản tập khảo luận công phu về Đức Giêsu, dày 331 trang (xem: phần tài liệu tham khảo dưới đây). Mới nhất còn có một bài khảo cứu của J. Kremer, “Wer war Jesus wirklich. Orientierungshilfe eines Bibelwissenschaft-lers,” trong tạp chí Stimmen der Zeit số tháng 9/1991, tr. 579-596.
Hiện nay, số lượng sách báo bàn về vấn đề nói trên đã gia tăng khủng khiếp. Nhất là sau khi khoa khảo cổ khám phá ra hai “thư viện” tại Nag’ Hammadi (cạnh sông Nil) vào năm 1945/46 và Qumran[4] vào năm 1947, người ta lại đua nhau viết tiếp và đã từng có dịp nuôi ảo vọng cắt nghĩa được hết những vấn nạn chung quanh con người Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài. Ngay cả các nhà Thần học Do Thái cũng bắt đầu lưu tâm tới Đức Giêsu. Sch. Ben-Chorin gọi Ngài là “người anh em” (Bruder Jesus. Der Nazarener in juedischer Sicht . Muenchen (1.)1967). Rồi những người cộng sản hoặc vô thần cũng lao đầu vào nghiên cứu, để khám phá thêm “sự thật” về nhân vật Giêsu. Các nhà văn, nhà báo bị cuốn hút và “lạc lối” vào trong lãnh vực này, cũng đã viết nên những thiên tiểu thuyết tràng giang đại hải, chọn Giêsu làm vai chính. Thí dụ, K. F. Bahrdt đã xuất bản vào những năm 1784-1792, bộ “lý lịch Đức Giêsu” dày 3.000 trang. K. H. Venturini đã xuất bản vào những năm 1800-1802, một bộ tương tự với 2.700 trang. Trong bộ “kiếm hiệp” này, Venturini đã tiểu thuyết hóa mối quan hệ thầy trò thành “mối tình” giữa Đức Giêsu và Maria thành Magdala. Cuốn phim “Cơn cám dỗ cuối cùng” (The last temptation of Christ ) mới đây cũng chỉ là trò nhái lại chuyện cũ của người xưa. Hiện nay, những sách báo và phim ảnh thuộc loại này vẫn còn nhan nhản trên các thị trường thương mại. Mới nhất hiện nay phải kể đến cuốn phim “Giêsu thành Montréal”. Còn về sách báo, thì tờ Le Monde , số ra ngày 13. 4. 1990, trong phần điểm sách năm qua, đã gọi năm 1989 là “Năm Giêsu” (année Jésus ). Phần lớn các tác phẩm thuộc loại này thường dựa theo những cái gọi là “khám phá” mới trong ngành nghiên cứu (mà phần lớn chỉ đơn thuần là những giả thuyết!) rồi phóng đại, tô màu cho thêm ăn khách. Trên thực tế, chúng ăn khách thật – nhiều cuốn bán chạy như tôm tươi (Bestseller ) và mang về những “món lợi” khổng lồ cho kẻ viết – vì đã sẳn bị đầu độc, nhân tâm ngày càng tỏ ra đa nghi hơn đối với các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về Đức Giêsu. Trong kỷ nguyên điện tử này, Đức Giêsu không còn bị đóng đinh trên thập giá nữa, mà bị đóng đinh ở trong các sách vở và phim ảnh đang tràn ngập thị trường. Thực ra, các độc giả này muốn lột bỏ cái mà họ gọi là huyền thoại (mythos ) về Đức Giêsu, nhưng lại vô tình dấn bước đi tìm một Giêsu chỉ có ở trong tưởng tượng. Phần lớn những loại sách báo và phim ảnh này không có giá trị gì nhiều về phương diện khoa học: chúng chỉ là những đứa con đẻ của mộng mơ mang thánh hiệu Giêsu. Ở đây, chúng ta không chủ ý lưu tâm tới những “sản phẩm” loại này, mà chỉ muốn dồn cả chú tâm vào những “kết quả” của hơn 200 năm “nghiên cứu đứng đắn” vừa qua, dựa trên nền tảng khoa học lịch sử. Theo H. Schlier (Tin lành sau trở lại Công giáo), thì các nỗ lực nghiên cứu này nhằm tới mục tiêu viết lên cuốn “Phúc Âm thứ 5” sau 4 Phúc Âm chính thứ của Giáo Hội. Còn A. Schweitzer thì cho đó là những kết quả công đầu mà nền Thần học tại Đức, đã cống hiến cho các nổ lực nghiên cứu đứng đắn ấy.
Trong bài này, nếu đôi khi có nêu lên một vài giả thuyết “khác lạ” đối với niềm tin và những hiểu biết thông thường về giáo lý, thì cũng chỉ là nhằm mở rộng biên cương của vấn đề theo nhu cầu của trí tuệ mà thôi, chứ không có nghĩa là tất yếu chúng phản ánh niềm tin của người viết, hoặc là nhất thiết bó buộc người đọc phải nhận. Vả lại, đã gọi là “giả thuyết”, thì bao lâu chưa chứng minh được là “thật”, thì bấy lâu vẫn còn phải được coi là “giả”. Lẫn lộn giữa “giả” và “thực” là điều nguy hại: nguy hại cho chính mình trước khi gây thiệt hại cho người khác. Vụ E. Drewermann hiện nay trong ngành Thần học tại Đức, là một điển hình cho nhiều trường hợp đã từng thấy xảy ra trong những thời xưa.
Với hơn 2 thế kỷ nỗ lực nghiên cứu, dù chưa (hoặc không bao giờ) đạt đến mức độ chắc chắn trăm phần trăm, công trình tìm hiểu nói trên không hẳn là vô giá trị, vì nó đã cống hiến cho chúng ta một số kết quả tương đối chính xác về “lý lịch” của Đức Giêsu, như sau:
0. ĐỨC GIÊSU LÀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ HAY CHỈ LÀ HUYỀN THOẠI ?
Vào thế kỷ 19, đã xẩy ra một cuộc tranh luận sôi nổi do việc đặt lại vấn đề với câu hỏi này: Đức Giêsu có thực sự sống trên trái đất này không (nhân vật lịch sử) hay chỉ là hình ảnh thêu dệt của người xưa (nhân vật huyền thoại)? (xem: B. Bauer, Christus und die Caesaren . Tuebingen 1877).
Để biết về Đức Giêsu, thì cần phải căn cứ vào tất cả các nguồn tài liệu nói về Ngài hoặc có chút ít liên quan tới Ngài. Rất tiếc, như hầu hết các nhà sáng lập tôn giáo thời bấy giờ, Ngài không viết gì để lưu truyền lại cho hậu thế chúng ta. Phúc Âm Thánh Gioan cho biết: chỉ có một lần Đức Giêsu đã viết,
Nguồn tài liệu chính thức về Chúa Giêsu là các Phúc Âm và các Thánh Thư trong Tân Ước. Nhưng các nguồn tài liệu này lại được ghi lại sau khi Đức Giêsu đã lìa khỏi đời nầy hàng mấy chục năm. Thánh Phaolô là người đầu tiên (Thư gửi giáo đoàn Thêxalônica viết vào năm 50; Thư 1Cr viết vào khoảng năm 56) đã viết về Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, nhưng chúng ta không biết chắc Phaolô có quen biết với con người Giêsu bằng xương bằng thịt hay không; đồng thời, trong các nguồn tài liệu do ngài cung cấp, ngài không hề lưu ý tới “Đức Giêsu lịch sử”, mà chỉ lưu ý tới “Đức Kitô” đã chịu tử nạn và sống lại hiển vinh. Còn về các Phúc Âm, dù là người đầu tiên đã khởi công viết Phúc Âm, thì Máccô (không phải là Matthêu như người xưa thường lầm tưởng), thì Máccô cũng đã bắt đầu công việc ấy khá trễ, tức là vào những năm 60-70. Hơn nữa, ngài không phải là môn đệ trực tiếp của Đức Giêsu, mà chỉ là môn đệ của Thánh Phêrô. Các Phúc Âm khác còn được viết trễ hơn: Phúc Âm Thánh Matthêu được viết khoảng năm 80. Phúc Âm Thánh Luca (môn đệ của Phaolô) được viết vào khoảng năm 70-80. Phúc Âm Thánh Gioan được viết vào những năm cuối thế kỷ thứ I. Thêm vào đó, – thiết tưởng cũng nên biết, – các Phúc Âm không phải là những tác phẩm đã được viết “một mạch” từ lúc khởi sự cho tới khi xong, nhưng là kết quả của một tiến trình “sưu tầm” qua nhiều giai đoạn và thế hệ khác nhau: lúc đầu Phúc Âm chỉ là những văn bản được dùng trong Phụng Vụ, những bài Giáo Lý, những bài Giảng Thuyết… của Giáo Hội sơ khai. Phần nổi bật, cổ kính nhất và được viết một cách khá liên tục có lẽ là bài tường thuật về cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Tuy nhiên, khi soạn lại như thế, các Thánh Sử đã không đặt nặng các chi tiết lịch sử. Chủ ý của các vị không nhằm rành mạch ghi lại lý lịch Đức Giêsu cho bằng ghi lại những hoạt động và giáo huấn của Ngài. Các bài tường thuật đó không phải là những tờ biên bản của cảnh sát, nhưng là những tập chứng chỉ của lòng tin: lòng tin của các ngài và của Giáo Hội sơ khai. Các vị không phải chỉ muốn truyền bá điều chính mình đã thấy và đã nghe, nhưng còn muốn làm chứng cho thấy đó là những điều xác thực. Truyền bá, mà không cần làm chứng gì thì tương đối dễ. Người ta có thể truyền bá một dễ dàng một triết thuyết, một ý thức hệ, một nhân sinh quan, một vũ trụ quan…, nếu không cần phải làm chứng về tính chất xác thực của chúng. Nhưng trái lại, là một điều rất rất khó, khi cần phải làm chứng, nhất là khi phải lấy mạng sống, tức là chính cái chết của mình ra mà làm chứng: chết để ký tên và đóng dấu xác nhận cho những điều mình nói. Và khi làm chứng như thế, các ngài cũng đã không quan tâm đến việc làm chứng về các chi tiết lịch sử, cho bằng làm chứng về các chân lý cứu độ. Nhưng dù các ngài có chú trọng tới các chi tiết lịch sử đó chăng nữa, thì cũng nên biết thêm rằng, quan niệm về “lịch sử” cũng như về cách thức trình bày của người xưa không thể hội đủ những điều kiện “khoa học” để được gọi là chính xác đúng theo những gì kỹ thuật ngày nay đòi hỏi, khi viết sử. Lấy tiêu chuẩn thời nay mà phê bình người xưa có phải là khe khắt quá hay không[5]
Vì những lý do trên đây, nên khi đọc Phúc Âm, chúng ta thường thấy nhan nhản những cách chỉ định khá mơ hồ về không gian và thời gian, như: “lúc ấy”, “khi đó”, “khi”, “và khi các Ngài đi tiếp”, “khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng trên bờ hồ”, “sau đó Ngài lại đi tiếp”, hoặc những lối diễn tả tương tự. Nếu xét theo tiêu chuẩn của sử học tân tiến ngày nay, người ta có thể nói được rằng: không có một tháng năm nào ghi lại trong Tân Ước, đáng được kể – về mặt sử học – là chắc chắn 100 % cả (W. Trilling). W. G. Kuemmel (Einfuehrung in das NT) còn cho rằng ngay cả Thánh Máccô, vị thánh sử đầu tiên, cũng không có một khái niệm gì rõ ràng về địa hình, địa vật của vùng Palestina thời Đức Giêsu.
Dầu thế, cũng không được phép kết luận cho rằng Tân Ước chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, không gói ghém một giá trị lịch sử nào. Thực ra, nếu để ý khi đọc, thì sẽ nhận ra được ngay những nét đại cương về một bối cảnh lịch sử của một thời tuy xa xưa nhưng vẫn còn rất sinh động ở trong đó: những nhân vật lịch sử như vua Hêrôđê Cả và con của ông là Hêrôđê Antipas, quan tổng trấn Philatô… thay phiên nhau xuất hiện trên chính trường. Trong xã hội ấy, cũng có những phe phái tôn giáo hoặc đảng phái chính trị phức tạp như Sađuxê, Pharisiêu, nhóm Cuồng Nhiệt (Zelotai ), nhóm tay chân Hêrôđê (Mc 3, 6; 12, 13t)… Ngoài ra, còn có cả Hội đồng tối cao của Do thái giáo, có đền thờ và việc phượng tự; có sự khác biệt về não trạng giữa người dân miền Galilê (miền Bắc) và Giuđêa (miền Nam); có thuế đền thờ và thuế cho người Rôma… Những chi tiết ấy tuy nhỏ nhặt, nhưng cũng đủ vẽ nên những nét chấm phá khá chân thực về miền Palestina, dưới quyền bảo hộ của đế quốc Rôma thời đó. Bối cảnh ấy rất phức tạp, có một không gian và một thời gian nhất định, không thể là sản phẩm của tưởng tượng được, nhưng là dấu vết lịch sử rất xác thực còn lưu lại trong đó.
Huấn thị của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh phổ biến ngày 21. 4. 1964, cũng đã lưu ý nhấn mạnh đến giá trị lịch sử của Phúc Âm như sau: “Để minh định một cách thích đáng về tính chất xác thực vững chắc của những gì các Phúc Âm trình thuật lại, thì nhà chú giải cần phải cẩn trọng lưu tâm tới 3 giai đoạn truyền lưu (tria tempora traditionis ) đã từng chuyển đạt giáo huấn và cuộc đời Đức Giêsu đến tận chúng ta” (II, đ. 1). Ba giai đoạn đó là: (1) giáo huấn và các sinh hoạt chung giữa Đức Giêsu với các môn đệ Ngài, (2) giáo huấn và những mẩu chuyện đó được lưu truyền và thành hình dần dần trong Giáo Hội sơ khai, và sau này (3) mới được các thánh sử lo xếp đặt và ghi lại.
Ngoài ra, khoa khảo cổ cũng đã góp công không nhỏ trong việc chứng minh cho tính chất xác thực của Phúc Âm. Xin đan cử một thí dụ: J. Jeremias (xem: Die Wiederentdeckung von Bethesda. Johannes 5, 2 . Goettingen 1949) cho rằng cái hồ nước được nhắc tới trong Ga 5, 2 là hoàn toàn giống với hồ Bethesđa mà khoa khảo cổ đã phát hiện trước đó; sự kiện này giúp xác định được nơi chốn của phép lạ Đức Giêsu đã làm ngày xưa. Đó là một trong những đóng góp không thể bỏ qua của ngành này.
Thêm vào đó, người ta còn lưu ý tới cả những nguồn tài liệu ngoài Phúc Âm. Thí dụ, J. Jeremias (xem: Die unbekannte Jesu Worte . Guetersloh (4.) 1965) đã sưu tầm những lời tương truyền của Đức Giêsu không thấy ghi lại trong Tân Ước, nhưng được đọc thấy ở trong các nền văn hóa cổ xưa khác, rồi đem ra phân tích rất tỉ mỉ, giúp người đọc hiểu thêm về con người và giáo huấn của Ngài.
Ngoài ra, trong sử sách và văn chương Do thái cũng như Rôma thời đó, người ta cũng thấy – dù không nhiều như chúng ta mong ước – những “dấu chân” lịch sử của Đức Giêsu:
Trong một bản tường trình về việc thành Rôma bị thiêu hủy dưới thời Nêrô, sau khi cho biết về mối thù mà bạo chúa Nêrô ghi lòng đối với các tín hữu Rôma, Taxitus – một viên chức cao cấp và là nghị viên vào năm 97 sau CN – còn viết thêm những giòng này (khoảng năm 116/11): “ Auctor nominis eius Christus Tiberio imperiante per procuratorem Pontium Pilatum supplicio affectus erat ” (Danh xưng này [= Kitô hữu] bắt nguồn từ ông Kitô, là người đã bị quan tổng trấn Pônxiô Philatô xử tử hình, dưới thời hoàng đế Tibêriô) (Ann. 15-44). Những giòng ngắn ngủi này được coi là lời chứng tích khách quan nhất, chắc chắn nhất cũng như hùng hồn nhất về con người lịch sử Đức Giêsu do sử sách người đời để lại.
Thêm vào đó, người ta cũng ưa nhắc tới đoạn văn của sử gia Suêtôniô trong cuốn tiểu sử của hoàng đế Clauđiô Vita Claudii (25, 4) như sau: “(Claudius) Judaeos impulsore Chresto assidue tumultuantes Rôma expulit ” (Claudiô đã trục xuất những người Do thái khỏi Rôma, vì bị ông Kitô khích động, họ thường xuyên sống trong tình trạng náo loạn). Tuy nhiên, đoạn văn này không có giá trị nhiều cho đề tài của chúng ta, vì rất có thể ông Kitô được nhắc đến ở đây, chưa hẳn là Đức Giêsu Kitô, mà chỉ là một ông Kitô nào đó. Có điều chi tiết này hợp với cuộc nổi loạn được ghi lại trong Tông đồ Công vụ 18, 2.
Trong Antiquitates Judaeorum 20, 20, sử gia Do thái Josephus Flavius cũng cho biết rằng Thày cả Thượng phẩm Annanos (Anna II) đã xử tử hình Thánh Giacôbê, là “anh em của ông Giêsu, được gọi là Kitô” vào năm 62. Chỗ khác (Ant .18, 3, 3), ông còn cho biết thêm: “Ông Giêsu sống vào thời này, nếu coi ông là người thì là một người thông thái. Ông là người đã làm nhiều phép lạ, là thầy dạy những ai vui nhận chân lý. Ông đã lôi cuốn được nhiều người Do thái và người Hy hóa (Helléniste ) theo mình. Rồi khi ông bị Philatô phạt đóng đinh vào thập giá vì những lời tố cáo của các vị đứng đầu trong chúng ta, thì những người lúc trước đã yêu mến ông vẫn không bỏ cuộc. Vì sau ba ngày ông lại hiện ra với họ như người còn sống, theo lời những tiên tri của Chúa đã nói về điều này. Ngoài ra, còn có hàng ngàn những điều lạ lùng khác về ông nữa. Cho tới nay, dòng giống những người được gọi là Kitô hữu đã tin theo ông, vẫn không giảm sút.” Đây là một đoạn văn hết sức minh bạch. Nhưng cũng vì quá minh bạch nên có nhiều người lại nghi ngờ về giá trị lịch sử của nó. Họ cho rằng, một là Giáo Hội sơ khai đã thêm cả đoạn văn này vào bộ sử, hai là ít nhất Giáo Hội sơ khai cũng đã thêm thắt ít nhiều vào đoạn văn nguyên thủy của nhà sử gia tên tuổi nói trên.
Các bản văn tư tế trong bộ Talmud cũng nhắc tới Đức Giêsu, và cho biết Ngài thường công kích việc giữ luật và hay làm phép lạ. Có chỗ mang nặng tính chất bài (Kitô) giáo, như khi cho rằng Đức Giêsu là con ngoại hôn, là hạng phù thủy, hoặc mang tính chất phò (Do thái) giáo, khi cho rằng việc Đức Giêsu bị tử hình là điều hoàn toàn hợp pháp… Sau này, còn có Toledot Jesu (Truyện ông Giêsu) gồm những truyện hoàn toàn có tính cách bài (Kitô) giáo.
Tất cả những tài liệu trên đây – hoặc tích cực hoặc tiêu cực – cũng đủ để chứng minh Đức Giêsu là một nhân vật có thực, Ngài là người Do thái, sống và hoạt động tại vùng Palestina 20 thế kỷ trước chúng ta. Các ngành nghiên cứu khoa học trong thời nay cũng đồng thanh công nhận là những giáo huấn xưa nay của Giáo Hội về Đức Giêsu đều có nền tảng vững chắc, bắt nguồn từ cuộc đời và hoạt động của Đức Giêsu trên trần thế, chứ không phải là chuyện huyền thoại. Thực ra, nếu Giáo Hội sơ khai đã huyền thoại hóa nhân vật Giêsu cũng như giáo huấn của Ngài, thì Giáo Hội đó đã không để sót lại những chi tiết tiêu cực hiện đọc thấy trong Tân Ước, như việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa, quê hương của Ngài sẽ không phải là Nadarét, Giuđa cũng không thể nộp Ngài… Nhất là Giáo Hội đó đã không để cho Ngài chết tất tưởi trên thập giá, nhưng phải tìm cho Ngài một hình thức “kết cục êm đẹp” (Happy-End ) nào đó, mà lý trí con người có thể tạm chấp nhận được; cũng như không thể để Ngài đi vào cõi mây xanh quá “trừu tượng, mơ hồ” như sự việc thăng thiên đã kể lại. Đó là những chi tiết hoàn toàn “thất lợi” cho việc truyền giáo ngay từ ban đầu.
Để châm biếm những ai còn nghi ngờ không biết Đức Giêsu có phải là một nhân vật lịch sử hay không, người ta thường kể lại giai thoại sau đây: Khi Napôlêôn hỏi nhỏ C. M. Wieland cho biết về sự việc Đức Giêsu có sống thực hay không, Wieland đã tâu lại với vua rằng: “Thưa hoàng thượng, hạ thần biết có những kẻ điên khùng vẫn thường hồ nghi như thế. Nhưng theo hạ thần, hồ nghi như thế thì cũng chẳng khác nào hồ nghi liệu Giuliô Xêdar có sống thực hay không, hay là hồ nghi liệu chính hoàng thượng đây có đang sống thực hay không. Ai còn hồ nghi như thế, thì đúng là hạng dốt nát!”
Hiện nay, không ai còn đặt lại vấn đề ngây thơ kia nữa. Đức Giêsu được công nhận là một nhân vật đã sống thực trong giòng lịch sử nhân loại.
I. NGUỒN GỐC VÀ THÂN THẾ ĐỨC GIÊSU
1. Năm Sinh
Đức Giêsu có tên thật là J’hosua (nếu là tiếng Do Thái) hoặc Jesua hoặc Jesu (nếu là tiếng Aramê). Tên này có nghĩa là: “Giavê là sự cứu độ” hay “Giavê ban ơn cứu độ”. Giêsu không phải là một tên gọi đặc biệt và mới lạ của riêng Đức Giêsu, nhưng là tên gọi khá thông dụng và rất được ưa chuộng vào thời đó[6] . Cha Mẹ Ngài có tên (theo đúng nguyên ngữ) là Joses và Mirjam
Mt 2, 1 cho biết: Ngài sinh ra tại Bêlem, xứ Giuđêa dưới thời vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là con của Antipater và Kypros, được chánh quyền Rôma phong vương cho làm vua xứ Giuđêa vào khoảng cuối năm 40 trước CN, nhưng mãi 3 năm sau, ông mới được lên ngôi. Hêrôđê băng hà vào năm 750 “ ab urbe condita ” (năm 750 kể từ khi kiến lập thành phố Rôma). Theo cách tính của chúng ta hiện nay (kỷ nguyên kitô), năm 1 (năm Đức Kitô sinh ra) là năm 754 ” ab urbe condita “.
Vì Đức Giêsu giáng sinh lúc Hêrôđê còn đang sống, cho nên nếu tính cho đúng, thì phải nói là Ngài đã sinh ra vào những năm từ 7 tới 4 trước (!) niên lịch hiện nay. Đó là một nhầm lẫn trong cách tính niên lịch ngay từ lúc đầu. Như đã biết, cho tới thế kỷ thứ 6, nhân loại vẫn chưa chọn Đức Giêsu làm “mốc” cho cách tính niên lịch (dương lịch) như hiện đang thịnh hành. Mãi tới năm 523-525, Đức Giáo Hoàng Gioan I mới truyền cho tu sĩ Diônysiô ở Rôma, – có biệt danh là Diônysiô Exiguô (kẻ thấp hèn), – tính lại ngày lễ Phục sinh của nghi thức Alexandria mà xác định thời biểu của ngày lễ này cho bên Giáo Hội Rôma. Năm 525, Diônysiô cho xuất bản cuốn Liber de Paschate . Trong đó, ngài đã so sánh ba dữ kiện sau đây: đoạn Lc 3, 23, năm Hoàng đế Điôklêxiăn lên ngôi và năm “ ab urbe condita “. Theo Lc 3, 23 cho biết, thì Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai vào khoảng năm 30 tuổi. Hoàng đế Điôklêxiăn lên ngôi ngày 29.8.284 trước CN. Nếu căn cứ theo ba dữ kiện nêu trên, thì theo ngài, năm 1 (lúc Đức Giêsu sinh ra) phải là năm 754 “ ab urbe condita .” Sau hơn 500 năm mới tính lại từ đầu, nên nếu có lệch lạc một số năm như thế, thì chỉ là điều dễ hiểu và có thể tha thứ được.
Ngoài ra, cũng được biết thêm chi tiết này nữa, đó là: có lẽ lúc Đức Giêsu giáng sinh cũng chính là lúc Thầy cả Thượng phẩm Simon Ben Boethos (khoảng năm 24-5 trước CN) còn tại chức tại Giêrusalem.
Theo Lc 2, 1-3 cho biết thì lúc Đức Giêsu sinh ra, cũng là lúc Hoàng đế Augustô đã ra lệnh cho kiểm tra dân số lần đầu tiên, dưới thời Quirinô làm tổng trấn xứ Xyria. Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết được đích xác về một cuộc kiểm tra nào như thế. Rất có thể, cuộc kiểm này đã tiến hành vào năm 8 trước công nguyên, là năm mối bang giao giữa vua Hêrôđê và chánh quyền Rôma bị sứt mẻ đi nhiều. Hơn nữa, một vị quan Quirinô nào đó chỉ có thể là tổng trấn xứ Xyria vào những năm từ 12 tới 9/8 trước CN mà thôi, vì từ năm 9-4 trước CN (năm Hêrôđê băng hà), chúng ta đã có danh tánh đích xác của hai vị tổng trấn là Sentius Saturninus và P.Quintilius Varus. Theo Giáo Phụ Tertulianô, không phải Quirinô nhưng là Sentius Saturninus đã cho tổ chức cuộc kiểm tra mà Lc 2, 2 đã đề cập tới, vào những năm 9/8 tới 6 trước CN (Adversus Marcionem IV, 9). Không rõ Tertulianô đã xác quyết như thế, vì biết chắc về sự kiện này, hay chỉ muốn “điều chỉnh” lại tên của vị tổng trấn ấy sao cho hợp với năm 6 trước CN, như thấy ghi trong sử sách người đời mà thôi.
Sử gia Do thái Josephus Flavius (Ant. 18, 1 tt) còn cho biết là ở Xyria thời đó, cũng có một vị tổng trấn tên là Quirinô đã đứng ra tổ chức một cuộc kiểm tra, nhưng cuộc kiểm tra này lại được tổ chức vào năm 6 sau CN, và chỉ kiểm tra miền Giuđêa thôi, chứ không kiểm tra miền Galilê!
Vì thế, có tác giả cho rằng: một là không phải Quirinô, nhưng là một tổng trấn nào đó đã đứng ra lo vụ kiểm tra này; hai là Thánh sử Luca đã lẫn lộn cuộc kiểm tra của Quirinô vào năm 6 sau CN với một cuộc kiểm tra nào đó đã diễn ra vào khoảng năm 4 trước CN mà hiện nay chúng ta chưa thể biết được.
Mt 2, 1-12 còn cho biết có một chòm sao lạ đã xuất hiện vào lúc Đức Giêsu sinh ra. Chi tiết này đã gây tò mò cho nhiều người. Vào năm 1606, trong cuốn sách của ông nhan đề De Jesu Christi salvatoris nostri vero anno natalitio , nhà thiên văn J. Kepler đã cho rằng năm sinh của Đức Giêsu phải là năm 7 trước CN. Vì theo cách tính của ông, vào năm đó, hành tinh Jupiter và hành tinh Saturn đã giao thoa trong chòm sao Ngư đẩu (sao con cá). Nếu theo lối giải thích của chiêm tinh học cổ thời, thì Jupiter là ngôi sao của vũ trụ. Jupiter là vì sao vua. Còn Saturn thì đối với người Babylon là ngôi sao chỉ hướng “amuru”, nghiã là xứ Xyria; còn theo cách cắt nghiã của nền văn hóa Do Thái đã bị Hy hóa, thì Saturn là ngôi sao của dân Do thái. Còn chòm sao Ngư đẩu là chòm sao của thời cánh chung. Như thế, khi thấy hiện tượng trên, Ba vua (Ba nhà chiêm tinh) trong Mt 2 đã hiểu ngay là: ở xứ Xyria, hay rõ hơn là tại miền Do thái (trong thời bảo hộ Rôma, Do thái thuộc vùng hành chánh Xyria-Palestina), một vị vua thời cánh chung vừa giáng sinh (V, 74tt)[7] . Ngoài ra, vào năm 1925 các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy ở Xippar cạnh giòng sông Êuphrát, một bảng đất nung có từ thế kỷ thứ 3 trước CN; trên bảng đó, có ghi lại việc quan sát một ngôi sao xuất hiện vào năm 7 trước CN.
Nếu ngôi sao đó đã thực sự xuất hiện trên nền trời, thì một là ngôi sao ấy đã xuất hiện vào khoảng tháng 12 năm 7 trước CN, khi trời chiều vừa tối. Nhưng nếu thế, thì lúc đó lại không có mặt vua Hêrôđê ở Giêrusalem, vì theo thông lệ vào mùa Đông, nhà vua thường về nghỉ tại Giêrihkô. Tuy nhiên, thông lệ này không hẳn là một trở ngại lớn cho vấn đề chúng ta đang bàn, vì cũng có thể vào dịp lễ Cung hiến Đền thờ, nhà vua lại trở về thủ đô để dự lễ. Hai là ngôi sao ấy đã xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10, lúc bầu trời đã tối mịt. Nhưng nếu thế, thì đoàn tùy tùng của “Ba vua” sẽ khó có thể là một cuộc hành trình kéo dài suốt 6 tuần lễ liên tiếp trong sa mạc được, vì lúc đó nhiệt độ còn quá cao. Kết luận: ngôi sao ấy phải xuất hiện vào tháng 12 thì mới có lý.
Lc 2, 1-20 còn cho biết: Đức Giêsu sinh ra giữa lúc các mục đồng và đoàn vật còn đang nghỉ đêm ngoài trời. Chi tiết này cho phép suy diễn để hiểu rằng lúc đó khí trời còn tương đối ấm áp, và ngoài đồng vẫn còn đủ cỏ cho súc vật ăn. Điểm thứ nhất: trên thực tế, ở Bêlem khí trời chỉ ấm áp về đêm trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 10 mà thôi; những tháng còn lại, trời khá lạnh, không thể nghỉ đêm ngoài trời được. Điểm thứ hai: Vào mùa Hạ, vì trời nắng gắt nên cánh đồng Bêlem cũng thường cháy trụi cỏ. Tình trạng này kéo dài cho tới khi những giọt mưa đầu mùa Thu trở lại, lúc đó đồng cỏ mới có thể dần dần hồi sinh. Như thế, đoàn vật chỉ ở ngoài đồng trong khoảng các tháng 3 và 4 mà thôi. Kết luận: ngày giờ Đức Giêsu sinh ra cũng phải trùng vào khoảng thời gian này, vì như thế, mới hợp với chi tiết Lc 2 đã cho biết trên đây.
Nhưng tại sao lại mừng lễ Đức Giêsu giáng sinh vào đêm 24 rạng 25 tháng 12 như hiện nay[8] ? Đêm 24 tháng 12 ấy bắt nguồn từ đâu? Thưa: bắt nguồn từ một dịp lễ của người Rôma. Vào mùa Đông, đêm 24 tháng 12 là đêm bắt đầu ngắn lại và ngày bắt đầu dài ra, nên từ năm 275 trở đi, người Rôma đã dựa vào hiện tượng thiên nhiên này mà chọn khoảng thời gian giữa đêm/ngày ấy làm dịp mừng lễ Thần mặt trời của họ, và đặt tên cho là “ natalis solis invicti ” (sinh nhật của mặt trời bách thắng). Đến năm 311, dưới thời Hoàng đế Conxtantinô, Kitô giáo được tự do phát triển, nên số tín hữu tại Rôma cứ tăng dần. Dù đã trở lại đạo, nhưng các tín hữu này vẫn còn tiếp tục mừng lễ natalis solis invicti chung với các đồng bào của họ như trước. Rồi sau này, họ đã biến lễ “sinh nhật của mặt trời bách thắng” thành lễ “sinh nhật của mặt trời công chính”. Mặt trời công chính ở đây được hiểu là Đức Kitô theo tinh thần câu Ml 4, 2 trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, không biết được đích xác là vào năm nào, các kitô hữu Rôma này đã biến lễ của người Rôma thành lễ giáng sinh của Đức Giêsu; chỉ phỏng đoán là vào khoảng thời gian từ sau năm 311 cho đến trước năm 336.
2. Nơi Sinh
Mt 2, 1 và Lc 2, 4 cho biết Đức Giêsu sinh ra tại làng Bêlem, thuộc xứ Giuđêa (miền Nam), còn Nadarét (miền Bắc) là quê hương của cha mẹ Ngài. Nhưng nếu theo cách diễn tả của Mt, thì người đọc Phúc Âm có cảm tưởng là quê hương của thánh Giuse phải là Bêlem hay ít nhất cũng nằm trong vùng Giuđêa mới phải. Thánh Giuse đã đưa gia đình về Nadarét tồ nạn, chỉ vì sợ Arkhêlao (Mt 2, 22) mới lên ngôi, sau khi Hêrôđê băng hà.
Còn theo Lc 2, 26t, thì quê hương của Thánh Giuse và Đức Mẹ lại là Nadarét, miền Galilê. Các Ngài về Bêlem chỉ là để chu toàn bổn phận đối với vụ kiểm tra dân số.
Ngoài ra, lúc sinh thời, Đức Giêsu cũng thường được gọi là người thành Nadarét (Nazarenos hay Nasarenos ), như đọc thấy trong Mc 1, 24; 10, 47; 14, 67; 16, 6. Có khi Ngài cũng được gọi là Nazoraios , như trong Mt 2, 23; 26, 71; Lc 18, 37; Ga 18, 5. 7; 19, 19. Thành phố Nadarét còn được gọi là quê cha (patris ) của Ngài (Mc 6, 1 ss). Căn cứ vào những chứng cớ trên đây, một số tác giả đã cho rằng: Đức Giêsu không phải chỉ lớn lên tại Nadarét mà thôi, nhưng còn sinh ra tại đó nữa. Theo họ, truyền thống Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem đã bị khuynh hướng Thần học thời Giáo Hội sơ khai “sửa đổi” cho phù hợp với Mich 5, 2-15. Theo lời tiên tri này, thì Đấng Cứu Thế phải sinh ra tại Bêlem, là quê hương của vua Đavít (II, 52t). Tuy nhiên, vương cung thánh đường Giáng Sinh tại Bêlem hiện nay đã được xây cất ngay từ năm 325, dưới thời Hoàng đế Conxtantinô, để kính nhớ nơi Đức Giêsu sinh ra. Đây là nhà thờ cổ kính nhất của Kitô giáo còn sót lại cho tới ngày nay.
Nadarét là một thành phố nhỏ nằm về phía Tây hồ Gen-nêdarét (có lẽ là tên mới của hồ Kinnereth trong Sách Dân số 34, 11; theo Ga 6, 1; 21, 1, thì hồ nói trên cũng được gọi là hồ Tiberias), và cách hồ này khoảng 25 km theo đường chim bay. Không một lần nào tên Nadarét đã được nhắc đến trong Cựu ước. Sử gia Josephus Flavius cũng không hề nhắc tới thành phố này. Ga 1, 46 cho biết Nadarét là một thành phố bị khinh rẻ, nằm trong miền Galilê, và chẳng có gì đáng lưu ý, ngoài những đám quân phản loạn. Sự việc Đức Giêsu đã xuất xứ từ thành này – như đã nói trên kia – là một trở ngại lớn cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội sơ khai, vì đối với người Do thái, không thể nào Đấng Mêsia lại xuất thân từ vùng này được.
3. Học Vấn Và Nghề Nghiệp
Trong Tân Ước, Đức Giêsu thường được gọi là Rabbi (tiếng Do Thái: Mc 9, 5; 10, 51; 11, 21; 14, 45 — Mt 23, 7. 8; 26, 25. 49. — Ga 1, 39. 50; 3, 2; 4, 31; 6, 25; 9, 2; 11, 8) hoặc Rabbuni (tiếng Aramê: Mc 10, 51; Ga 20, 16). Bản dịch Hy Lạp chuyển từ ấy thành didáskalos (tạm dịch: thầy dạy, sư phụ). Trong thời đó, tước hiệu này chưa được chính thức dùng để chỉ những thầy Tư tế trong đạo Do thái, nhưng vẫn là một kiểu xưng hô lịch sự rất phổ thông của người đương thời. Có lẽ đó cũng là trường hợp tương tự như người dân miền Nam Việt Nam ngày xưa vẫn thường gọi những người phong nhã là thầy. Từ thế kỷ thứ nhất trở đi, danh xưng này mới được chính thức dùng để chỉ những vị Tư tế như hiện nay. Vì thế, không thể căn cứ vào tước hiệu này mà kết luận rằng Đức Giêsu đã đi học để làm Rabbi . Có lẽ Ngài chỉ là một thường dân, không địa vị không chức tước gì trong xã hội thời ấy.
Một truyền thuyết Tư tế Do thái lại cho rằng Đức Giêsu là học trò của Jehoshua ben Perakhja vào thuở đó. Nhưng truyền thuyết này không đứng vững, vì nếu thế, thì Ngài phải sống dưới thời vua Jannaj mới đúng. Ngoài ra, theo Ga 7, 15, dân chúng thời đó cũng thường thắc mắc tại sao Đức Giêsu không có học hành gì mà vẫn am tường Kinh Thánh đến như vậy.
Dù không chính thức hấp thụ một nền học vấn, nhưng nếu căn cứ theo giáo huấn và những mẩu đối thoại trong Phúc Âm, cũng như chỉ nhìn theo nhãn quan sử học đơn thuần, người ta cũng có thể kết luận được rằng Đức Giêsu có một kiến thức về Do thái giáo còn cao hơn cả Thánh Phaolô, là người vốn được học hành đến nơi đến chốn, dưới chân sư phụ Gamalien (Cv 22,3) rất nổi tiếng vào thời đó, rồi sau này đã trở thành vị tông đồ “trí thức” nhất của Đức Giêsu. Nhiều lần Phúc Âm cũng kể lại Đức Giêsu vào Hội đường, đọc Kinh Thánh rồi giảng dạy dân chúng. Người ta không rõ Ngài có dịch Kinh Thánh từ tiếng Do thái cổ (chính thức) ra tiếng Aramê thông dụng thời bấy giờ, rồi giảng dạy dân chúng, hay là Ngài chỉ nhớ một số đoạn Kinh Thánh nào đó quen thuộc, rồi đem ra cắt nghĩa và giảng dạy dân chúng như thế mà thôi (III, 767). Ngài rất thông thạo các Thánh Vịnh, và có lẽ cả sách tiên tri Isaia nữa.
Từ khi khoa khảo cổ phát hiện nhiều di tích tại vùng Palestina, đặc biệt là tại vùng Biển Chết, người ta mới khám phá ra rằng ngày xưa tại vùng này, dân chúng đã sử dụng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau như tiếng Do thái, Aramê và Hy lạp, gần giống như trong nước Ítraen ngày nay vậy: có tiếng Do thái, tiếng Ảrập và tiếng Anh. Có lẽ Đức Giêsu đã nói và giảng dạy bằng tiếng Aramê. Ngay trước khi Phúc Âm thành hình, thì những lời nói và giáo huấn của Ngài cũng đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Trong Phúc Âm ngày nay, vẫn còn sót lại một vài từ của tiếng Aramê, đã từng thoát ra từ miệng Ngài, như: Abba (‘ăb/’ăbă: Mc 14, 36), Ephphatha (‘etpatah: Mc 7, 34), Eloi, Eloi, lema sabakhtani (Ilăh: Mc 15, 34).
Có thể nói, thời đó, tiếng Hy Lạp cũng thông dụng như tiếng Anh bây giờ. Ga 19, 20 cho biết là bản án treo trên đầu thập giá Đức Giêsu được viết bằng 3 thứ tiếng: Do Thái là tiếng bản xứ, La Tinh là tiếng bảo hộ, và Hy Lạp là tiếng thông dụng nhiều người biết. Vì thế, có tác giả cho rằng rất có thể Đức Giêsu cũng đã thông hiểu cả tiếng Hy Lạp nữa. Thời đó ai thông hiểu tiếng Hy Lạp, thì được xếp vào thành phần trí thức, giống như những ai thông hiểu chữ Nho trong xã hội Việt Nam ngày xưa, và những ai thông hiểu tiếng La tinh trong xã hội Âu châu thời Trung cổ vậy.
Các bài giảng của Ngài thường không phải là những bài ứng khẩu theo hoàn cảnh, nhưng là những bài đã được cẩn thận suy nghĩ và chu đáo dọn trước. Vì nếu đem dịch ngược những bản văn Phúc Âm còn lưu truyền bằng tiếng Hy Lạp ra tiếng Aramê, thì sẽ thấy những dấu vết còn sót lại của các hình thức đối ngẫu, song song, phản đề, có âm vận có nhịp điệu đầy đủ… Trong cách giảng dạy, Ngài thường dùng ngụ ngôn; tuy nhiên hình thức này không phải là sáng kiến riêng của Ngài, nhưng là một hình thức khá thông dụng và rất được ưa chuộng ở Phương Đông thời bấy giờ. Các bài giảng của Ngài thường làm chất liệu mở đầu cho các cuộc đối thoại với dân chúng hay với môn đệ của Ngài, hoặc cũng có thể là kết quả thu hoạch từ các cuộc gặp gỡ như thế. Ngài thường giảng một số đề tài nhiều lần, đến độ không phải chỉ các môn đệ theo Ngài mà ngay cả dân chúng cũng thuộc lòng để có thể tiếp tục kể lại đầy đủ cho những người chưa có dịp nghe qua. Đặc biệt, khi nói về Thiên Chúa, theo thói quen “kị húy” ở trong Cựu Ước (VIII, 32), Ngài thường dùng thể thụ động thần linh (passivum divinum ).
Trước khi ra hoạt động công khai, Đức Giêsu đã hành nghề “tékton ” là nghề của Thánh Giuse. Chúng ta thường dịch chữ đó là thợ mộc. Nhưng thực ra từ “ tékton” bao quát khá nhiều việc khác nhau như làm cầu cống, làm guồng nước, xây nhà, làm cửa, sửa yên ngựa… như một bản văn Hy Lạp bằng giấy cói (papyrus ) thời đó cho biết. Con nối nghiệp cha là chuyện thông thường trong xã hội Do Thái thời đó. Cha có bổn phận phải dạy nghề cho con, như một câu trong văn chương Tư tế đã viết: “Không lo dạy nghề cho con, là dạy nó đi trộm cướp” (bQid 30b) (VIII, 77).
Ngoài ra, Phúc Âm không mảy may – dù trực tiếp hay gián tiếp – mang theo một dấu vết gì để từ đó có thể liên tưởng tới một bóng “hiền thê” nào trong cả cuộc đời của Đức Giêsu; thế nên, sự kiện Ngài đã sống độc thân là một sự thật lịch sử không thể nghi ngờ được. Theo thiển ý, nếu Ngài đã lập gia đình (hoặc có thêm anh chị em ruột thịt, như nhiều nhà thần học Tin Lành và đôi khi cả Công Giáo (!) chủ trương), thì khi sắp trút hơi thở cuối cùng trên thánh giá, Ngài đã không phó thác Đức Mẹ cho người môn đệ yêu dấu làm chi. Nếu có người ruột thịt trong gia đình riêng của mình mà đi phó thác mẹ mình cho người ngoài gia đình, thì đó là việc làm hoàn toàn trái ngược với tâm tình gia đình Á Đông. Đó là điểm tâm lý Á Đông mà nền Thần Học Tây Phương có lẽ chưa hiểu nổi. Mối tình giữa Maria thành Magdala và Đức Giêsu chỉ là sản phẩm “tiểu thuyết hóa”, hoàn toàn không có một chút nền tảng nào trong Tân Ước.
Nếu tóm lược cuộc đời niên thiếu của Đức Giêsu, thì sẽ có được những điểm chính sau đây:
• Sứ thần Gáprien truyền tin cho Đức Mẹ: tháng 6/7 năm 8 trước CN.
• Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Êlisabét: tháng 6/7 năm 8 trước CN.
• Đức Mẹ trở về Nadarét: tháng 9/10 năm 8 trước CN.
• Về Bêlem làm bổn phận đối với cuộc kiểm tra dân số: tháng 2/3 năm 7 trước CN (đi đường mất 4 ngày).
• Đức Giêsu giáng sinh: tháng 3/4 năm 7 trước CN.
• Đức Giêsu chịu cắt bì: 8 ngày sau khi sinh.
• Dâng Đức Giêsu vào Đền Thánh: 4/5 năm 7 trước CN.
• “Ba Vua” tới thờ lạy: đầu tháng 12 năm 7 trước CN. (sớm nhất là cuối tháng 9 năm trước CN.)
• Trốn sang Ai Cập: giữa tháng 12 năm 7 và đầu năm 6 trước CN, có lẽ theo con đường ngắn nhất qua ngả Askalon, đi dọc theo bờ biển mà tới bình nguyên sông Nil, nơi đã có nhiều người Do thái đến lập cư.
• (10)Thảm sát các trẻ em tại Bêlem: đầu năm 6 trước CN.
• Vua Hêrôđê băng hà: tháng 3 năm 4 trước CN.
• Trở về Nadarét: cuối mùa Hè hay mùa Thu năm 4 trước CN.
• Lên Đền Thánh lúc 12 tuổi: năm 6 sau CN. (IV, 289)
II. CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI CỦA ĐỨC GIÊSU
Cuộc đời công khai của Đức Giêsu có thể chia làm 2 giai đoạn: (1) giai đoạn thành công lúc ban đầu, thường được gọi là “Mùa Xuân Galilê” tương đối ngắn ngủi, và (2) giai đoạn bị tẩy chay vào lúc cuối đời. Lc 9, 51 cho chúng ta thấy rõ khúc quanh lịch sử đó: “Vì giờ hiến thân đã điểm, nên Ngài can đảm đi lên thành Giêrusalem.”
1. Năm Khởi Đầu Hoạt Động
Lc 3, 23 cho biết Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai vào “khoảng 30 tuổi.” Số tuổi đó có chính xác hay không? Chỉ biết rằng đó là con số rất thường gặp thấy trong Kinh Thánh: Giuse ra mắt Pharaô, vua Ai Cập, lúc ông 30 tuổi (St 41. 46); Đavít được xức dầu phong vương, lúc ông cũng vừa 30 tuổi (2 Sm 5. 4); Êdêkien được gọi làm tiên tri cũng hồi 30 tuổi. Cho nên, có lẽ đó chỉ là con số biểu tượng, tương tự như quan niệm “tam thập như lập” của người Á Đông. 30 là số tuổi lý tưởng để lập thân. Vì thế, E. Stauffer kết luận rằng chi tiết Lc 3, 23 cho biết, không phải là chi tiết lịch sử đáng tin cậy. Ngoài ra, Lc 3, 23 chỉ nói “khoảng” mà không xác quyết là 30 tuổi tròn.
Trước khi ra hoạt động, Đức Giêsu đã chịu phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả. Đó là điều khá chắc chắn. Gioan Tẩy Giả là một nhân vật lịch sử có thực, không thể nghi ngờ; sử gia Josephus Flavius cũng đã nhắc tới những hoạt động của ngài. Lc 3, 1 đã để lại cho chúng ta một chi tiết lịch sử (có thể được coi là chắc chắn nhất trong các chi tiết Phúc Âm ghi lại), khi cho biết Gioan Tẩy Giả đã khởi sự hoạt động vào năm thứ 15 thời Hoàng Đế Tibêriô. Sử sách cho biết là Augustô băng hà ngày 19. 8. 14 sau CN. Như thế, năm thứ 15 thời Hoàng Đế Tibêriô hoặc là nằm trong khoảng thời gian từ 19. 8. 28 tới 18. 8. 29 sau CN, nếu dựa theo cách tính của Rôma; hoặc là nằm trong khoảng thời gian từ 1. 10. 27 tới 30. 9. 28, nếu tính theo cách của Xyria. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều tác giả, thì cách tính của Xyria có lẽ hợp lý hơn. Hơn nữa, những danh tánh được kể ra trong Lc 3, 1. 2 đều xác thực, khi đem đối chiếu với lịch sử người đời: Pônxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđêa từ năm 26 sau CN; Hêrôđê Antipas làm vua xứ Galilê từ năm 4 trước CN tới 39 sau CN; Philippô làm vua xứ Iturêa từ năm 4 trước CN. tới 34 sau CN; Hanna là thầy cả thượng phẩm từ năm 6 tới 15 sau CN và Caipha từ năm 18 tới năm 38 sau CN. Theo truyền thuyết, Gioan Tẩy Giả đã bị giam và bị xử tại pháo đài Makhairos, thuộc miền nam Peraia, phiá bên kia Biển Chết.
Nếu thế, Đức Giêsu có thể đã chịu phép rửa từ tay thánh nhân vào tháng 2 năm 27 – 29[9] . Để trả lời câu hỏi: Đức Giêsu đã chịu phép rửa tại đâu, thì hiện nay có hai địa danh nằm dọc bờ sông Giócđan được đề ra: hoặc là Bêtabara, gần Giêrihkô (miền Nam); hoặc là Aimon, gần Salem, phía nam Skythopolis (Bet-Shean, miền Trung).
Sau khi chịu Phép rửa, Đức Giêsu đã vào ẩn mình trong sa mạc (Mc 1, 12); có lẽ là trong sa mạc Giuđêa, gần thành Giêrihkô[10] . Từ ngàn xưa, nơi đây vốn là chỗ lui tới của những người “thoát tục”. Vào sa mạc sau khi đã lãnh nhận Phép rửa là một thông lệ thời bấy giờ, đặc biệt thông lệ của nhóm Qumran. Tuy nhiên, không chắc Đức Giêsu đã lưu lại đó những 40 ngày (nghiã là từ tháng 2 tới tháng 4) như Tân Ước cho biết. Con số 40 cũng là con số thường gặp trong Kinh Thánh[11] . Điển hình là trường hợp Môsê: ông cũng đã ẩn mình trên núi Sinai 40 ngày. Có lẽ Tân Ước chỉ nhằm đối chiếu Đức Giêsu với Môsê. Nếu Môsê là đấng ban luật cũ, thì Đức Giêsu là Đấng ban luật mới. Do đó, theo tiêu chuẩn lịch sử, thì cũng khó lòng mà biết cho chính xác Đức Giêsu đã lưu lại trong sa mạc trong bao lâu (III, 290tt). Vào thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 8, một tu viện Chính Thống giáo thường gọi là “ gebel qarantal ” đã mọc lên tại Đôk, phía Tây Bắc Giêrihkô để ghi nhớ việc Đức Giêsu đã lưu lại nơi ấy. Nếu Đức Giêsu ở lại đó không bao lâu, thì rất có thể Ngài đã bắt đầu ra hoạt động vào khoảng đầu năm 27-29 sau CN.
2. Thời Gian Hoạt Động
Theo các Phúc Âm Nhất lãm, thì Đức Giêsu hành hương về Giêrusalem chỉ có 1 lần; còn theo Phúc Âm Thánh Gioan, thì Ngài hành hương về đó nhiều hơn là một lần: Ga 2, 13 cho biết Ngài về đó dự lễ Vượt qua. Ga 5, 1 cho biết Ngài lên thánh đô dự lễ của người Do Thái, và vì Thánh sử không nói rõ, nên có tác giả cho là Lễ Vượt qua, có tác giả khác lại cho là lễ Lều Trại. Ga 7, 2. 14 cũng cho biết Đức Giêsu về Giêrusalem dự lễ Lều Trại[12] Ga 10, 22 còn cho biết Ngài về đó dự lễ Cung Hiến Đền Thờ. Ngoài ra, theo các Phúc Âm Nhất lãm cũng như Phúc Âm Thánh Gioan (19, 1), thì Đức Giêsu chịu tử nạn đúng vào mùa lễ Vượt qua. Tóm lại, có thể Ngài đã về Giêrusalem dự lễ Vượt qua tới 3 lần. Như thế, tất thời gian Ngài hoạt động cũng phải được tới 3 năm, hoặc ít lắm là 2 năm trọn.
Tuy có những điểm khác biệt giữa các Phúc Âm Nhất lãm và Phúc Âm Thánh Gioan, nhưng những chi tiết đó không nhất thiết phải mâu thuẫn lẫn nhau. Có lẽ các Phúc Âm Nhất lãm đã tóm tắt rất nhiều về thời gian hoạt động của Đức Giêsu. Vả lại, khi các Thánh Sử chỉ tường thuật có một lần về sự việc Ngài lên Giêrusalem, thì cũng chưa có nghĩa là Ngài hoạt động chỉ được có một năm.
Có điều chắc chắn: Đức Giêsu không phải là một người xa lạ nơi thành thánh này. Theo các Phúc Âm, thì Đức Giêsu có nhiều bạn hữu ở đó[13]; ngoài ra, tại đó, Ngài cũng đã gặp nhiều người có thiện cảm cũng như lắm kẻ chống đối. Điều đó chứng tỏ rằng Ngài đã từng đến đó ít nhất là mấy lần, chứ không phải chỉ có một lần duy nhất mà thôi. Hơn nữa, Mt 23, 37 cũng cho phép phỏng đoán là Ngài đã đến đó nhiều lần: “Giêrusalem! Giêrusalem! đã bao lần Ta muốn tụ tập các con cái ngươi lại…” Lc 9, 53; 13, 1-5; 17, 11 cũng kể lại những chi tiết tương tự như thế (III, 290).
Thời đó, từ Galilê (địa bàn hoạt động của Đức Giêsu ở miền Bắc) về Giêrusalem (miền Nam), có 3 trục lộ chính; không biết Đức Giêsu đã đi theo đường nào. Mc 10, 46 cho biết: có một lần Ngài đi ngang Giêrihkô. Nếu đã tới Giêrihkô, thì chắc chắn Ngài sẽ đi theo con đường thông thường là Wadi el-Kelt mà về Giêrusalem. Nếu thế, chúng ta có thể phỏng đoán là Ngài đã dùng tuyến đường phía Đông, chạy dọc theo bờ sông Giócđan. Nếu thực sự Ngài đã đi con đường này, thì nhất thiết Ngài phải băng qua miền Samaria (miền Trung), và đi mất tới 3-4 ngày đường mới tới thành thánh. Vào mùa Xuân, khí trời ấm áp, dễ chịu, lữ khách có thể dừng chân nghỉ đêm ngay ngoài trời thanh tịnh, là chuyện khá thông thường trong thời đó.
3. Địa Bàn Hoạt Động
Thành phố ngư phủ Capharnaum (tiếng Do thái là Kefar-nahum : làng Nahum), nằm về phía Tây Bắc bờ hồ Gennêsarét, là trung tâm vùng hoạt động của Ngài (Mc 1, 21; 2, 1). Mt 9, 1 gọi thành phố này là “thành phố của Ngài”. Vì thế, có tác giả cho rằng đây là quê hương thứ hai của Đức Giêsu, và quả quyết thêm rằng, Ngài còn có cả một ngôi nhà tại đó nữa (Mc 2, 15; 9, 33). Nếu quả thực như thế, thì rất có thể Ngài và mẹ Ngài đã di chuyển về vùng này, trước khi Ngài ra hoạt động công khai.
Capharnaum ngày xưa là một thành phố ngư phủ khá phồn thịnh (mẻ lưới lạ Lc 5, 6). Vì nằm giữa ranh giới lãnh địa của Hêrôđê Antipas và Philippô, nên thành phố này cũng có cả trạm thuế (thánh Matthêu có lẽ được Đức Giêsu gọi tại thành phố này). Dân nơi đây là dân “tứ chiếng” nên tâm lý cởi mở, dễ dàng đón nhận giáo thuyết mới hơn những nơi khác. Rất tiếc, ngày nay Capharnaum chỉ còn lại những dấu vết của hoang tàn, nổi bật nhất là ngôi nhà Thánh Phêrô và ngôi hội đường được xây dựng vào thế kỷ thứ 2, nhưng cũng tại trên nền hội đường cũ thời Đức Giêsu [14] . Hội đường cũ đã do một vị quan Rôma ngoại giáo xây cất cho dân bản xứ (Lc 7, 5). Và có lẽ Đức Giêsu cũng đã nhiều lần giảng dạy trong hội đường này. Ngoài ra, Ngài còn hoạt động tại các vùng Nain, Cana, Khôradim, Bétsaiđa, Nadarét là những vùng tập trung đa số dân Do Thái sinh sống tại miền Galilê. Dĩ nhiên, còn phải kể đến Giêru-salem, thủ đô toàn quốc của Do Thái kể từ thời vua Đavít [15] . Cũng như các tiên tri thuở trước, Đức Giêsu chỉ hoạt động giữa người Do Thái và cho người Do Thái mà thôi. Ý hướng đó được thể hiện rõ ràng qua việc Ngài lựa chọn 12 môn đệ gồm: Simon Phêrô, Giacôbê, Gioan, Anrê, Philipphê, Bácthôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê, Thađêô, Simon Nhiệt thành và Giu đa Ítkariôt. Các ông thuộc đủ mọi thành phần khác nhau, nhưng có lẽ tất cả đều xuất thân tại vùng Galilê như Ngài, để tiếp tay với Ngài chiêu tập 12 chi họ Ítraen là: Ruben, Simêon, Lêvi, Giuđa, Dabulon, Issakar, Dan, Gad, Aser, Nephtali, Giuse và Bengiamin, dù thời đó chỉ còn lại có 2 chi họ rưỡi là Juda, Bengiamin và Lêvi mà thôi. Tuy nhiên, Ngài vẫn có cảm tình và rộng tay giúp đỡ cả những người dân ngoại. Những vùng ngoại giáo như Sepphoris, Skythopolis, Gabai, Hippos, Gađara, Gerasa, Xêsarêa Philíp, Tyros, Siđon là những nơi mang dấu vết chân Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, rất khó có thể vẽ ra được một lộ trình chính xác về những vùng Ngài đã đặt chân tới. Những chi tiết địa lý do các Phúc Âm để lại cho chúng ta, đều tương đối mơ hồ, đến nỗi ngay cả những quả núi Phúc Âm nhắc đến, cũng khó mà có thể được xác định trên địa hình thực tế hiện nay là ở đâu. Đức Giêsu không giảng dạy tại một nơi cố định, nhưng Ngài thường đi khắp nơi trong xứ Palestina, giảng dạy bất cứ lúc nào, khi thuận tiện. Ngài lui tới với mọi người, nhưng đặc biệt là với giới “ Amme-ha-Arez ” (dân quê, dân nghèo).
4. Thứ Tự Các Hoạt Động Theo Thời Gian
Ai cũng bết, khi chép Phúc Âm, các Thánh Sử không ghi lại các sự kiện theo thứ tự không gian và thời gian khách quan, nhưng theo “thứ tự” thần học chủ quan của các Ngài. Vì lưu tâm tới khía cạnh thần học của vấn đề, nên các ngài (đặc biệt là tác giả Phúc Âm Thánh Gioan) có thể hy sinh những tiểu tiết, thứ tự lịch sử hoặc địa lý. Vì thế, các sự kiện mà chúng ta đang có trong tay, đã bị “đảo lộn” đi rất nhiều (nói theo nhãn quan khoa học lịch sử ngày nay). Sau đây, chúng ta sẽ dựa theo phương pháp phê bình lịch sử, để xếp đặt lại những sự kiện đó theo thứ tự thời gian, mong có được một cái nhìn nhất quán và liên tục về các hoạt động của Đức Giêsu. Trong cách phân chia này, chúng ta tạm dựa theo giả thuyết cho rằng Ngài đã hoạt động được hơn kém là 3 năm, tức là dựa theo lập trường đi đúng với truyền thống xưa nay của Giáo Hội.
Trước lễ Vượt Qua năm 27 (29): Đức Giêsu từ sa mạc trở về vùng sông Giócđan, và được Gioan Tẩy Giả nhường lại cho hai môn đệ là Gioan và Anrê.- Hai vị này chiêu mộ thêm Simon Phêrô, Philipphê và Nathanaen (Ga 1, 35-51).- Vào “một ngày thứ ba” Ngài cùng 5 môn đệ đầu tiên đến dự tiệc cưới tại Cana.- Sau đó, Ngài cùng mẹ Ngài và 5 môn đệ đầu tiên di chuyển về thành phố Capharnaum bên bờ hồ Gen-nêsarét (Ga 2, 12).
Dịp lễ Vượt Qua năm 27 (29): Đức Giêsu đi lên Giêrusa-lem dự lễ; Ngài thanh tẩy đền thờ (Ga 2, 13-22) và gặp gỡ với Nicôđêmô (Ga 3, 1-21).
Từ đầu mùa Hè tới tháng 11 năm 27 (29): Đức Giêsu từ Giêrusalem trở lại vùng sông Giócđan, nơi Ngài đã lãnh Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy Giả trước đó, để tiếp tục rao giảng. – Sau khi bị các người thuộc phái Pharisiêu theo dõi, Ngài bỏ về vùng Galilê qua ngả Samaria, gặp người phụ nữ bên bờ giếng Giacób (Ga 4, 1-42) và chữa bệnh cho đứa con của một vị quan triều đình (Ga 4, 43-54).
Từ cuối năm 27 (29) cho tới mùa Thu năm 28 (30) (hoặc đầu năm 29/31): Rất khó xếp đặt thứ tự cho giai đoạn này. Vì thế, E. Stauffer cho rằng giai đoạn này là “10 tháng thầm lặng” của Đức Giêsu. Thực ra, Ngài không nghỉ ngơi, nhưng còn hoạt động mạnh hơn trước, đến nỗi Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ mình đến hỏi Ngài: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay không?” (Mt 11, 3). Có thể tạm xếp đặt giai đoạn này lại như sau:
– Hoạt động âm thầm tại Galilê.
– Lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, có lẽ dự cả lễ Ngũ Tuần nữa [16] của năm 28 (30).
– Chữa nhạc mẫu Phêrô, chữa một người bất toại cùng nhiều bệnh nhân khác.
– Cuối Hè năm 28 (30): kêu gọi thêm môn đệ.
– Sau khi Gioan Tẩy Giả bị tống ngục, Đức Giêsu lại hoạt động mạnh hơn qua bài giảng “tám mối phúc thật” được coi như là đường hướng cho cương lĩnh hoạt động của Ngài. – Chữa một người phong cùi (Mt 8, 1-4). – Chữa đầy tớ quan bách quân (Mt 8, 5-13). – Trừ quỷ (Mt 12, 22-24; Lc 11, 14). – Bài giảng trên hồ (Mc 4, 1-34). – Vượt qua biển động và trừ quỷ tại Gêrasa (Mc 4, 35-5, 21).
– Cho con gái Giairô sống lại (Mc 5, 22-43). – Bị tẩy chay tại Nadarét (Mc 6, 1-6). – Sai môn đệ đi rao giảng (Lc 9, 1). – Rao giảng tại Giuđêa, trên đường về dự lễ Lều Trại (cuối tháng 9) và Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ đến phỏng vấn Ngài (Lc 7, 18-28).
Tháng 10 năm 28 (30): Ga 5, 1 cho biết Đức Giêsu lên Giêrusalem dự “lễ của người Do Thái”. – Chữa một người bất toại tại Bêtesđa (Ga 5, 1-15).
Tháng 1 năm 29 (31): Có lẽ cũng khoảng thời gian này Philatô đã nhận tước hiệu “ amicus Caesaris ” (bạn của Hoàng Đế) (xem: Ga 19, 12) do Sajanus ban tặng. Sajanus là sủng thần của hoàng đế Tibêriô khét tiếng thù ghét người Do Thái trong lịch sử đế quốc Rôma.
Đầu năm 29 (31): Tại Galilê, dân chúng đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia. – Phép lạ bánh hóa nhiều (Ga 6, 1-13) – Cuộc tranh luận với người Do Thái tại hội đường Capharnaum về lời hằng sống: được lưu truyền trong Ga 6, 22-71 như là giáo huấn của Ngài về phép Thánh Thể. Vào dịp lễ Vượt Qua năm nay, Đức Giêsu hành hương về Giêrusalem dự lễ. Dù Thánh sử Gioan không nhắc đến việc đó trong giai đoạn này, nhưng Đức Giêsu đã tỏ ra rất trung thành với truyền thống đạo đức này, và Ngài cũng không hề bị đối phương tố cáo là đã chểnh mảng việc hành hương, cho nên chúng ta có phép để suy ra là trong mùa lễ năm ấy, Ngài cũng đã có mặt tại đền thánh Giêrusalem.
Từ lễ Vượt Qua (tháng 4) tới lễ Lều Trại (tháng 9) năm 29 (31): Đức Giêsu trở lại Galilê để tránh đám đông và tránh Hội đồng tối cao Do thái giáo. Trong thời gian này Ngài có mặt tại vùng Tyrô và Siđon (Mc 7, 24-30). – Phép lạ bánh hóa nhiều (Mc 8, 1-9). – Ngài lánh mặt tại vùng Xêsarêa Philíp và được Phêrô tuyên xưng: Ngài là Đấng Mêsia (Mc 8, 27-34). – Tiên báo về cuộc khổ nạn (Mc 8, 30-32). – Cuối Hè năm 31, Ngài biến hình trên núi Tabor (Mc 9, 1-9). – Câu chuyện dưới chân núi (Mc 9, 13-28). – Tiên báo khổ nạn lần thứ 2 (cả 4 Phúc Âm đều ghi lại); đó cũng là dịp các môn đệ tranh ngôi, tranh quyền (Mc 9, 32-36). – Tháng 9 năm 31, Ngài hành hương về Giêrusalem dự lễ Lều Trại.
Lễ Lều Trại: luôn luôn là dịp lễ quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu. Lễ này kéo dài 7 ngày cộng thêm một ngày bế mạc. Sau lễ (Ga 7, 37), Ngài tranh luận trong Đền thờ về các tiên tri, gây bỡ ngỡ cho Hội đồng Tôn giáo (Ga 7, 37-52). – Đêm trước ngày bế mạc, Đức Giêsu lên núi Cây Dầu. – Ngày bế mạc, Ngài tranh luận với Ký Lục và Biệt Phái về ánh sáng thế gian (Ga 8, 12tt) nên bị họ đe ném đá. Thế là Ngài ra khỏi Đền thờ (Ga 8, 59). – Gặp người mù từ lúc mới sinh, Ngài chữa lành, nhưng vì là ngày Sabbat nên bị các người Biệt Phái phản đối (Ga 9, 1-14). – Sau đó, Ngài trở về Galilê.
Mùa Đông năm 29 (31) (tháng 11/12): Đức Giêsu hành hương về Giêrusalem dự lễ Cung hiến Đền thờ (Lc 9, 51-10, 24). – Dân Samaria không cho Ngài trọ nhà (Lc 9, 52-56). – Ngài sai 70 (72) [17] môn đệ đi trước, rao giảng tại miền Giuđêa (Lc 10, 1tt). – Ngài đến thăm chị em Maria, Mácta và Ladarô (Lc 10, 38-42). – Trong dịp lễ, Ngài bị dân chúng vặn hỏi, có phải là Đấng Mêsia hay không? Ngài giải thích, nhưng bị đe dọa ném đá (Ga 10, 22-39). – Lễ xong, Ngài về ẩn lánh tại vùng bắc Pêraia (Ga 10, 40), bên kia sông Giócđan, có lẽ cũng là chỗ Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa trước kia (Bêthabara).
Ngài lánh mặt tại Pêraia: Pêraia nằm ở phía Đông Bê-thania và không xa nơi này nhiều lắm. Khi nghe tin Ladarô đau nặng, Chúa còn ở đó thêm 2 ngày – Khi đến Bêthania, Ngài đã làm cho Ladarô sống lại (Ga 11, 1-44). – Sau đó, Hội đồng Tôn giáo họp lại tìm cách khai trừ Ngài, vì lý do có liên hệ tới vụ Ladarô (Ga 11, 45-53) [18] –Ngài lánh mặt sang vùng Êphraim (Ga 11, 54), nằm khoảng 20 km phía Bắc Giêrusa-lem và gần sa mạc (III, 290-293).
III. CUỘC KHỔ HÌNH VÀ TỬ NẠN CỦA ĐỨC GIÊSU
1. Cuộc Khải Hoàn Vào Thành Giêrusalem
Theo Ga 11, 54, thì Đức Giêsu từ Ephraim, nơi Ngài đang lánh mặt, trở về Giêrusalem; Còn theo Lc 17, 11, thì Ngài lại khởi hành từ phương Bắc. Dầu sao đi nữa, Ngài cũng phải bắt đầu lên đường trước ngày đại lễ khoảng 2 tuần. – Trên đường về, Ngài chữa lành 10 người phong cùi (Lc 17, 11-19) ngoài thành Giêrihkô. – Vào ngày thứ Năm (trước Chúa Nhật lễ Lá hiện nay), Ngài chữa thêm một người mù nữa. – Gặp Giakêu (Lc 19, 1-10) và nghỉ tại nhà ông đêm thứ Năm rạng ngày thứ Sáu. – Sáng hôm sau, Ngài tiếp tục cuộc hành trình đi về Giêrusalem. Đêm đó, có thể Ngài nghỉ tại nhà Ladarô, hoặc có thể nghỉ ngay tại núi Cây Dầu theo thông lệ. Nhưng dù sao chăng nữa, chắc chắn vào ngày Sabbat hôm sau Ngài đã có mặt tại Bêthania, để vào Hội đường cầu nguyện. – Sau khi ở Hội đường về, Ngài tới nhà Simon dùng bữa trưa và được Maria xức dầu thơm (Ga 12, 1-8). – “Vào ngày hôm sau” (Ga 12, 12), tức là ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật lễ Lá hiện nay) Ngài từ Bétphagê đi vào thành Giêrusalem, được đa số dân chúng tiếp đón bên đường (Lc 19, 28-40). Khi tới núi Cây Dầu, Ngài dừng chân nhìn về Giêrusalem và khóc thương cho số phận thành này (Lc 19, 41-44). – Sau cuộc khải hoàn, Ngài lại vào Đền thờ. Có thể xếp đoạn Phúc Âm nói về việc Ngài “thanh tẩy Đền thờ (lần thứ hai)” vào trong khoảng thời gian này.
2. Từ Chúa Nhật Tới Thứ Tư Tuần Thánh
Có thể xếp các sự kiện lại như sau: Ngài bị vặn hỏi là có nên nộp thuế cho hoàng đế hay không? (Mt 22, 15-21 ss). – Tranh luận với nhóm Sađuxê về sự sống lại (Mt 22, 23-33 ss). – Che chở người đàn bà ngoại tình khỏi bị ném đá (Ga 8, 1-11). Matthêu còn thêm nhiều sự kiện khác nữa trong khoảng thời gian này (22, 34-40; 22, 41-46; 23, 1-36; 22, 1-14; 24, 1-51; 25, 1-13; 25, 14-32; 25, 31-46). Tuy nhiên, cũng không có gì là phi lý nếu chúng ta xếp các sự kiện này vào một khoảng thời gian sớm hơn.
3. Từ Thứ Tư Tới Thứ Sáu Tuần Thánh
Thời gian này tuy ngắn ngủi, nhưng rất phức tạp, vì các Thánh Sử đã rút gọn các biến cố lại rất nhiều. Thêm vào đó, còn phải kể tới những chi tiết khác biệt giữa các Phúc Âm. Theo các Phúc Âm Nhất lãm (Mc 14, 12 ss), thì bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu là bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua; còn theo Phúc Âm Thánh Gioan, thì bữa tiệc Vượt Qua này lại diễn ra vào chiều ngày thứ Sáu, nghĩa là khi Ngài chịu chết trên thập giá. Như thế, theo Phúc Âm Thánh Gioan, bữa Tiệc Ly không phải là bữa tiệc Vượt Qua. Điểm khác biệt tuy nhỏ, nhưng có một tầm mức thần học quan trọng. Có thể quyết điểm khác biệt một cách tạm ổn thỏa với giả thuyết cho rằng Thánh Gioan đã hy sinh tiểu tiết lịch sử, để làm nổi bật khía cạnh thần học của việc Đức Giêsu chịu chết: Ngài chịu tử nạn như một con chiên hy tế trong lễ Vượt Qua, vì Ngài mới là Con Chiên hy tế đích thực, thay thế cho con chiên vượt qua trong Cựu Ước.
a) Bữa Tiệc Ly Vào Ngày Nào Trong Tuần?
Một số tác giả cho rằng Đức Giêsu dùng bữa Tiệc Ly không phải vào tối thứ Năm (như Giáo Hội vẫn thường mừng lễ từ trước tới nay), nhưng là vào tối thứ Ba. A. Jaubert (La Date de la Cène. Paris 1957) nghiên cứu và cho biết là các tu sĩ sống tại vùng Qumran đã dùng một thứ lịch riêng, khác với loại lịch thông dụng thường được dùng tại Giêrusalem. Loại lịch của nhóm Qumran này căn cứ theo sách Giôben và tính theo mặt trời; trong khi đó, loại lịch tại Giêrusalem lại tính theo mặt trăng! Điều này được các văn bản thời đó (thí dụ: 1 QM 2, 1-2) chứng minh là đáng tin cậy.
Do đó, người ta cho rằng vào thời Đức Giêsu đã có hai thời điểm để mừng lễ Vượt Qua. Nhưng dù tính theo loại lịch nào chăng nữa, thì ngày lễ Vượt Qua luôn luôn phải là ngày 15 tháng Nisan. Tuy nhiên, nếu tính theo mặt trời, thì ngày này luôn luôn là ngày thứ Ba trong tuần; còn nếu tính theo mặt trăng, thì lễ này chuyển dịch khác nhau theo các ngày trong tuần (VIII, 281).
Kết luận: lễ Vượt Qua theo niên lịch của nhóm Qumran trong năm Đức Giêsu chịu tử nạn phải là ngày thứ Ba. Nếu theo giả thuyết này, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc cho ngành chú giải về giai đoạn này trong cuộc đời Đức Giêsu. Cho nên không lạ gì, khi thấy giả thuyết này được J. T. Milik… và mới đây E. Ruckstuhl ủng hộ nhiệt liệt. E. Ruckstuhl (xem: Zur Chronologie der Leidensgeschichte Jesu , lần cuối cùng in trong: — , Jesus im Horizont der Evangelien (SBAB 3). Stuttgart 1988, 101-139; 141-184) còn lý luận cho rằng các phiên tòa xét xử Đức Giêsu không thể giải quyết quá lẹ trong một đêm thứ Năm như vậy được, nhất là khi Ngài lại bị áp giải đi đi lại lại mấy lần như thế. Ruckstuhl còn đi xa hơn nữa, khi cho rằng Đức Giêsu cũng dành rất nhiều cảm tình cho nhóm Qumran[19] , và kẻ cho Chúa mượn phòng dùng bữa Tiệc Ly rất có thể là một người trong nhóm này thuộc chi nhánh tại Giêru-salem.
Dù thế, chúng ta vẫn tạm chọn ngày thứ Năm là ngày Đức Giêsu dùng bữa Tiệc Ly – đúng theo lập trường của truyền thống xưa nay trong Giáo Hội, – để phân định các biến cố như dưới đây:
Sau trưa ngày thứ Năm, Đức trao trọng trách cho Phêrô và Gioan lo chuẩn bị mừng lễ. Nếu Ngài đã thực sự ăn chiên Vượt Qua trong dịp này, thì bắt buộc Phêrô và Gioan phải kiếm chiên mà giết trong Đền Thờ theo luật định. Nếu không, các ngài vẫn có thể giết chiên tại nhà, nhưng như thế không thể gọi là chiên Vượt Qua được. Khi trời vừa tối, Đức Giêsu đi tới nơi dự tiệc. Tiệc này chỉ được dùng trong vòng đai của thành thánh Giêru-salem mà thôi. Bữa ăn thường kéo dài từ lúc mặt trời lặn cho tới mãi nửa đêm. Nếu thực sự bữa này là bữa tiệc Vượt Qua, thì tất cả thực khách phải ăn theo thế nằm và uống rượu theo luật định. Luật buộc uống rượu nhằm làm nổi bật tính cách đại tiệc của bữa Vượt Qua, vì thời đó không phải ngày nào cũng có rượu mà uống! [20] . Khi dùng bữa xong, có thể Đức Giêsu đã ghé qua Đền Thờ, vì từ đêm nay Đền Thờ đã bắt đầu mở cửa để mừng lễ Vượt Qua. Sau đó Ngài mới đi ra vườn Giệtsêmani (nghiã là: máy ép dầu) nằm tại chân núi Cây Dầu. Nếu không ghé qua Đền Thờ, thì Ngài sẽ tới núi Cây Dầu vào khoảng 12 giờ đêm; còn nếu có ghé qua Đền Thờ, thì Ngài sẽ đến đó trễ hơn lối một giờ, nghiã là vào khoảng một giờ sáng ngày thứ Sáu. Đêm nay, nếu Ngài có bỏ thành Giêrusalem mà ra núi Cây Dầu, cũng không có gì là vi phạm luật lệ lễ Vượt Qua cả. Vì khu vực núi Cây Dầu, tuy nằm ngoài tường thành của thánh đô, nhưng vẫn được luật nhân nhượng kể là khu vực hành lễ, bởi lẽ con số khách hành hương lên quá cao trong những dịp như thế. Theo W. Steark, trong thời Đức Giêsu, thủ đô Giêru-salem có tới 200.000 dân cư; trong khi đó, J. Jeremias ước lượng chỉ vào khoảng 55.000 hoặc cao lắm là 95.000. Theo thiển ý, con số 55.000 đáng tin hơn. Nếu thế, vào dịp lễ Vượt Qua, số khách hành hương khắp nơi (cả từ những vùng diaspora ) tuốn về thêm khoảng 125. 000 người nữa. Tổng cộng, có tới 180.000 người có mặt tại thủ đô bé nhỏ này trong dịp đó. Như thế là quá chật chội, buộc phải nới vòng đai hành lễ thêm ra.
Có lẽ cũng vì quá chật chội như thế mà Đức Giêsu đã ra núi Cây Dầu để cầu nguyện. Nhưng thực ra Ngài ở đó không được lâu, vì khoảng một hoặc hai giờ sáng (dù có ghé qua Đền Thờ hay không), Ngài đã bị bắt đem đi.
b) Bị Bắt Và Ra Tòa
Ai đã bắt Ngài? Theo Mc 14, 43, thì một đội quân trong Đền Thờ, do các Thượng tế, Ký lục và Kỳ lão sai đi, đã đến bắt Ngài. Một số thành viên của 3 phe này làm thành Tòa án tối cao của Do thái giáo (Synhedrion ). Còn theo Mt 26, 47, thì đội quân đi bắt Ngài là do Thượng tế và Kỳ lão sai đi (không có các Ký lục). Trong khi đó, Lc 22, 52 lại cho biết là đích thân các Thượng tế và Kỳ lão cùng đội quân Đền Thờ của họ đã ra tay bắt Ngài! Ga 18, 3 cho biết thêm: ngoài đội quân của Thượng tế và Biệt phái còn có cả một cơ binh (speira ) cùng một cơ đội trưởng (chiliarchos : 18, 12) đã nhúng tay hợp tác vào trong việc này. Chi tiết này hơi phi lý, vì một “ speira ” của đội quân Rôma có tới 600 người! Hơn nữa, nếu chính người Rôma đi bắt, thì họ đã giải Đức Giêsu về thẳng với vị quan của họ là Philatô rồi! (VIII, 292t).
Bắt được Ngài là nhờ có sự cộng tác của Giuđa Ítcariốt, một trong nhóm 12 tông đồ của Ngài. Có tác giả cho rằng, có lẽ trước khi theo Đức Giêsu, Giuđa đã có chân trong “mặt trận cứu quốc” giữa người Do thái. Chữ Hy lạp ” Iscariôtês ” có thể bắt nguồn từ chữ Latinh “ sicarius ” và có nghĩa là: người mang đoản kiếm (siqarim ). Ở điểm này, còn một thắc mắc khác nữa: nếu Giuđa đã thực sự bỏ đi ra sau khi dùng món khai vị trong bữa Tiệc Ly – như từ trước tới nay chúng ta vẫn ước đoán , thì lúc đó trời còn sớm; tại sao Giuđa đã không dẫn người tới bắt Thầy mình ngay tại nhà Tiệc Ly, mà lại phải đợi để bắt tại núi Cây Dầu?
Vào khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng ngày thứ Sáu, Đức Giêsu bị điệu đến trước mặt Thày cả Thượng phẩm Hanna và bị vị này chất vấn. Theo Josephus Flavius (Ant. 20, 198), Hanna là một trong những người được coi là có phúc nhất thời đó, vì ông có những 5 người con thuộc hàng thượng tế. Chỗ khác (De Bello Judaico 5, 506), Josephus Flavius còn cho biết là mộ phần của Hanna nằm ở phía Nam thành phố Giêrusalem. Cuộc điều tra tại dinh Hanna chỉ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, tức khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng là xong, nghĩa là đúng vào lúc gà gáy nhắc nhở Phêrô, vào “lúc ngày mới vừa bắt đầu” (Lc 22, 66). Sau đó, Hội đồng tối cao nhóm họp. Cơ quan này là Tòa án Tối cao của Do thái, cũng gọi là Tòa Đại hình (beth dijn ha-migdol ), gồm 70 thành viên cộng thêm Thày cả Thượng phẩm đương nhiệm. 70 thành viên này thuộc 3 phe khác nhau: Thượng tế, Ký lục và Kỳ lão; nhưng trong thực tế, phe Thượng tế có nhiều thế lực hơn 2 phe kia. Theo các Phúc Âm Nhất lãm, cơ quan này đã nhóm họp vào đêm hôm đó (Mc 10, 53-65 ss) tại Đền Thờ. Còn theo Phúc Âm Thánh Gioan (18, 12-14. 19-24), thì sau khi Đức Giêsu bị Hanna (nhạc phụ Caipha) thẩm vấn, Ngài đã bị điệu tới nhà Caipha.
Như đã biết, theo sách Mishna – được chép vào năm 200 sau CN, nhưng có lẽ lề lối này đã được áp dụng ngay từ thời Đức Giêsu , cơ quan này chỉ họp vào ban ngày mà không họp ban đêm như các Phúc Âm Nhất lãm đã cho biết, nhất là vào trong đêm mừng lễ Vượt Qua thì lại càng phi lý. Hơn nữa, trên phương diện pháp lý, nếu cơ quan này đã chính thức họp, thì họ có toàn quyền sinh sát mà không cần đến ý kiến của chính quyền bảo hộ Rôma! Họ có quyền xử tử công dân Do thái. Dĩ nhiên, hình thức án phạt không phải là đóng đinh nhưng chỉ là ném đá. Trái lại, như chúng ta thấy trong trường hợp Đức Giêsu, họ đã dùng đến cánh tay của Philatô, đại diện cho chính quyền Rôma. Như thế, điều phi lý này chỉ giải thích được với giả thuyết cho rằng: Cơ quan này đã không chính thức họp vào đêm đó, nhưng cùng lắm là chỉ gặp nhau tại dinh Thày cả Thượng phẩm với tư cách riêng tư, để hội ý, điều tra và tìm cách kết tội Đức Giêsu sao cho hữu hiệu mà thôi (VIII, 294-298.771).
“Tới sáng” họ lại áp giải Ngài tới dinh Tổng trấn Philatô (Mc 15. 1). Philatô là vị Tổng trấn thứ 5 của Rôma tại vùng đất này. Theo Philô (Legato ad Gaium , 301-302), thì Philatô là người “cứng cổ, ngang ngược và đanh thép” đã “có những hành vi hối lộ, hung tàn, trộm cướp, ngược đãi, nhục mạ, có thể đem ra xử tử mà khỏi cần tòa án, cọng thêm nhiều chuyện cực kỳ tàn nhẫn khác”. Đức Giêsu bị áp giải tới Philatô vào một “buổi sáng”. Đó là một chi tiết khá xác thực, vì hợp với quy định pháp lý trên thực tế. Theo quy định, tòa án Rôma thường bắt đầu nhóm họp vào lúc trời vừa mới hừng đông. Ngoài ra, một phiên tòa Rôma phải hội đủ 4 điều kiện: (1) công khai, (2) người tố cáo phải là dân sự, (3) bị cáo có quyền bào chữa và (4) phải do một hội đồng (consilium ) tuyên án. Dưới thời Hoàng Đế Augustô, vị quan Tổng trấn là Thẩm phán duy nhất. Ông có thể có thêm cộng sự viên, nhưng không bị lệ thuộc vào phán quyết của những người này (xem: Cv 25, 12) (XI, 298t). Trong phiên tòa xử Đức Giêsu, rất có thể là Philatô đã dùng tới thông dịch viên, khi phải thẩm vấn Ngài. Phiên tòa này đã diễn ra một là tại pháo đài Antônia, nằm ở phía Tây Bắc Đền thờ; hai là tại trong cung điện Hêrôđê, nằm gần cổng Giáppha, phía Tây thành Giêrusalem, trong trường hợp dinh Philatô cũng nằm trong khu vực của hoàng cung (VIII, 309). Tuy nhiên, từ thế kỷ 12 người ta cho rằng phiên tòa xử Đức Giêsu có lẽ đã diễn ra tại pháo đài Antônia. Vì vào những ngày đại lễ như thế, Philatô phải có mặt tại pháo đài này để trực tiếp chỉ huy việc giữ an ninh trật tự nơi đền thờ. Ngoài ra, Ga 19, 13 cũng cho biết: “Khi Philatô nghe thế, ông liền dẫn Đức Giêsu ra ngoài, rồi ngồi trên ghế thẩm phán (chính ông ngồi lên hay ông bắt Đức Giêsu ngồi lên: có hai cách dịch), nơi chỗ gọi là lithostrotos , tiếng Do thái gọi là Gabbatha. “Gabbatha ” có nghĩa là một “chỗ cao”; có lẽ cũng là một chỗ nào đó trong pháo đài này. Nếu thực sự phiên tòa đã diễn ra tại đây, thì cũng nên biết là nơi này có thể chứa được từ 4.000 cho tới 4.500 dân chúng vào tham dự, vì bên trong pháo đài có một sân rộng tới 2.500 mét vuông (VII, 773). Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn bị nghi ngờ, vì không trả lời được câu hỏi: tại sao bà vợ của Philatô cũng có mặt tại nơi đây trong những ngày “lộn xộn” như vậy.
Bản án công khai treo trên đầu thập giá Đức Giêsu tiết lộ cho chúng ta biết “tội trạng” chính thức, dựa theo đó người ta đã xử tử Ngài: mưu đồ xưng vương. Đó là một tội phạm chính trị, có hại cho nền an ninh công cộng của đế quốc Rôma. Ngoài ra, còn biết được rằng những tội nhân bị án phạt đóng đinh trên thập giá trong khoảng thời gian từ lúc Rôma đến bảo hộ vùng này cho tới khi kết liễu chiến tranh Do thái, tất cả đều bị kết án vì lý do chính trị như thế (VIII, 291). Nhưng nếu sự thực chỉ có thế (Philatô kết án Đức Giêsu, vì sợ Ngài nổi loạn), thì làm sao mà dằn lòng cho khỏi thắc mắc như thế này được: tại sao ông Philatô lại không cho “vơ gọn” luôn tất cả các môn đệ của Ngài? Như vậy, có lẽ sự thật thực ra còn phức tạp hơn nhiều! Thật sự, phiên tòa này là kết quả của một cuộc tranh chấp tôn giáo giai dẳng nhiều năm tháng. Qua các Phúc Âm, chúng ta được biết Đức Giêsu thường công khai chỉ trích cách thức giữ luật và lề lối sống đạo của các người Do thái (nhất là giới lãnh đạo) đương thời. Cao điểm là việc thanh tẩy Đền thờ. Cho nên, như đã nói ở trên, nhiều tác giả chủ trương cho rằng chính việc thanh tẩy này là nguyên nhân trực tiếp đã khiến người ta quyết định trừ diệt Ngài. Như thế, lý do chính trị chỉ được viện dẫn ra để làm “bình phong” cho một vụ án tôn giáo khá mờ ám mà thôi. Trong hình luật Rôma, người ta cũng thấy có ghi lại hai loại tội đáng lãnh án tử hình, là: (1) phản quốc (đế quốc Rôma) (perduellio ) và (2) làm mất thể diện oai phong của quốc dân Rôma (crimen maiestatis populi Romani imminutae ). Những lời giới thẩm quyền Do thái buộc tội Đức Giêsu hằm rất đúng vào 2 loại tội ghi trong hình luật này (VIII, 291. 308).
Sau khi thẩm vấn xong, Philatô cho điệu Đức Giêsu tới gặp Hêrôđê, vì Philatô cho rằng ông vua này mới có quyền trên Ngài là người Do thái. Nhưng Hêrôđê không xử, lại trả về cho quan Tổng trấn. Vì không tìm ra được lý do chính đáng, nên Philatô dự tính chỉ cho lính đánh đòn rồi tha Ngài; nhưng vì bị phản đối, nên buộc lòng ông phải kết án và cho thi hành án lệnh. Phiên tòa kết thúc vào lúc 12 giờ trưa: “khoảng giờ thứ 6, nhằm ngày chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua” (Ga 19, 14). Quân lính áp giải Đức Giêsu đi đánh đòn, rồi đóng đinh trên thập giá, theo bản án.
c) Trên Thánh Giá
Trước khi bị điệu đi đóng đinh, Đức Giêsu còn bị lôi ra đánh đòn theo thông lệ. Đánh đòn đây không phải là để tra tấn nữa, nhưng là để tiến hành phần “dạo đầu” đương nhiên của bản án đóng đinh. Từ thời Catô đã có luật bảo vệ người công dân Rôma cho khỏi bị đánh đòn. Xêdar coi đó là một hình thức hành hung tàn nhẫn. Khi đánh đòn, lý hình thường dùng một sợi giây da kinh khủng (horribile flagellum ),đầu giây có gắn xương khô, gai nhọn hoặc những hạt chì. Nạn nhân thường bị lột áo ra, nằm dưới đất hoặc bị trói vào cột. Số roi thường không cố định, nhưng tùy hứng và tùy sức của lý hình (VIII, 308tt).
Bản án đóng đinh trên thập giá là một bản án rất phổ thông của người Rôma dành cho phường phản loạn. Cicêrô (Pro Rabirio 5, 16) coi đó là “bản án tử hình tàn nhẫn và ghê sợ nhất”. Josephus Flavius (Bell . 7, 203) cũng coi đó là “một cách chết thương tâm nhất”. Đây cũng là hình phạt dành cho hạng nô lệ (servile supplicium ) (Tacitus, Historiae 4, 11). Đối với một công dân Rôma, muốn đóng đinh họ, trước hết buộc phải tước quyền công dân của họ đi (VIII, 312).
Đức Giêsu phải vác thập giá đi ngang khu phố cao của kinh thành Giêrusalem, qua cổng Gênnath, gần tháp Hippikus, mà tiến ra pháp trường nằm phía ngoài dãy tường thành phố. Hippkus, Phasael và Mariamme là tên của ba cây tháp nằm ở phía Đông Bắc cung điện Hêrôđê. Theo luật Rôma và đồng thời cũng hợp với phong tục Do thái, thì bản án phải được thi hành bên ngoài thành phố. Con đường đau khổ Đức Giêsu phải đi (Via Dolorosa [21] ) chỉ dài chừng vài cây số mà thôi.
Tấm bảng kể tội Đức Giêsu được viết bằng 3 thứ tiếng (Ga 19, 20)[22] – sau này sẽ được đóng trên đầu thập giá – có thể đã do một người được lệnh cầm đi phía trước đoàn người hành quyết, hoặc là đã được lý hình đem treo ngay vào cổ “tội nhân”, lúc còn trên đường tiến ra pháp trường. Họ bắt tội nhân vác thập giá đi công khai như thế, nhằm cảnh cáo những kẻ bên đường. Tội nhân phải tự vác thanh ngang (patibulum ) của thập giá. Nếu họ bắt ông Simon quê Xyrênê (Mc 15, 21 ss) vác đỡ thập giá, thì không phải ông này đã chung vai vác với Đức Giêsu (như thường thấy trong các bức tranh…), nhưng là phải vác thay hẳn cho Ngài. Đây là nghĩa vụ “lao công chiến trường” rất phổ thông dành cho những người Do thái thời đó, nhất là trong các dịp lễ quan trong như lễ Vượt Qua (VIII, 310).
Pháp trường là ngọn đồi Gôngôta (Golgotha ). Các Thánh Sử đều dịch là “núi Sọ” (Mc 15, 22 ss). Gôngôta bởi tiếng “ golgolta ” (bỏ mất một chữ “l”) của Do thái và có nghiã là: cái sọ người, một khối tròn. Ngọn đồi này mang tên như thế có lẽ vì hình dáng của nó trông giống như một cái sọ. Không rõ đây có phải là pháp trường cố định hay chỉ là nhất thời mà thôi. Ngọn đồi này nằm gần chỗ bức tường (thường gọi là bức tường thứ hai) phía Bắc quặt về hướng Tây, tức là ở chỗ Đền thờ Đấng Cứu Thế (có mồ Đức Giêsu ở phía trong) hiện nay. Thực ra, Đền thờ này đã được xây cất lần đầu, khi Thánh Hêlêna, từ mẫu của Hoàng đế Conxtantinô, được thị kiến cho biết nơi đó là pháp trường của Đấng Cứu Thế ngày xưa. Còn đền thờ hiện nay mới được Thập tự quân xây lại hồi thế kỷ 12, cũng nằm trên nền đền thờ cũ. Do đó, từ thế kỷ thứ 4 tới nay, nơi đây vẫn được coi là nơi Đức Giêsu đã bị treo trên thập giá và đã được mai táng trong mồ. Tuy nhiên, khoa khảo cổ chỉ tìm thấy nơi đây những vết tích từ thời Hoàng đế Conxtantinô mà thôi. Công cuộc khai quật của U. Lux-Wagner vào những năm 1971-1974 cho biết là Gôngôta (nếu thực sự nằm ở đấy), thì chỉ cao khoảng 12 mét so với đáy của hầm đá bên cạnh. Chi tiết này cắt nghiã tại sao khách hành hương từ Bordeaux tới Giêrusalem vào năm 333, đã gọi Gôngôta là ” monticulus ” (núi nhỏ, đồi bé). Cho tới nay, trong giới khảo cổ cũng như giới chú giải Kinh Thánh, chưa ai dám xác định cho chắc 100% vị trí của Gôngôta ngày xưa là ở đâu. Vì thế, một nơi khác gọi là “Gordon’s Calvaria ,” nằm ở phía Bắc thành phố Giêrusalem, cũng thường được đề ra làm giải đáp thứ hai. Thực ra, rất khó mà xác định Gôngôta nằm ở đâu, vì từ thời Đức Giêsu cho tới nay, tường thành Giêrusalem đã bị phá đổ và được xây lại nhiều lần. Thêm vào đó, vòng đai thành phố mỗi ngày một rộng thêm ra (XI, 310tt; IX, 773). Đến nỗi, ngay cả tên các cổng thành ngày xưa và ngày nay cũng không còn đồng nhất với nhau nữa.
Khi bị đóng đinh như thế, tử tội sẽ bị đóng đinh hoặc cột chặt hai tay vào thanh ngang (patibulum ) mà chính mình đã vác trước đó, rồi bị dựng đứng lên. Lý hình sẽ tìm cách ghép thanh ngang này cùng với tội nhân vào thanh dọc là một cây cột đã dựng sẵn, làm thành thập giá hình chữ T (crux commissa ) hoặc hình chữ (crux immissa ). Trong trường hợp Đức Giêsu, có lẽ Ngài không được cột hai tay nhưng đã bị đóng đinh thực sự vào thập giá. Ga 20, 25 và Lc 24, 39 tiết lộ cho biết rõ điều đó. Nếu đóng đinh, thì đinh được đóng vào cổ tay, chứ không phải trong lòng bàn tay (như thường thấy nơi các tượng chịu nạn). Và để sức nặng không làm cho thân xác của tội nhân xệ xuống hoặc bứt ra khỏi thập giá, thì người ta thường gắn thêm một cái kệ để đỡ chân (sedile ).
Vì thập giá cũng không cao hơn thân hình tội nhân bao nhiêu, nên đôi chân của họ thường bị đóng theo thế cong vòng: nạn nhân không thể duỗi thẳng chân ra được. Ngành khảo cổ đã khai quật được bộ xương của một người bị đóng đinh vào khoảng trước năm 70 sau CN, và nhờ đó mà có thêm bằng chứng cho điều vừa mô tả trên đây: cây đinh còn dính liền với bộ xương vừa nói, chính là cây đinh đóng thâu qua hai chân của tội nhân (VIII, 311).
Đức Giêsu bị đóng đinh vào lúc 13 giờ (1 giờ trưa), trùng với khoảng thời gian ông Simon từ ngoài đồng trở về nghỉ trưa, vì tháng đó, trời đã bắt đầu nắng gắt. Các Phúc Âm Nhất lãm còn nói thêm: từ giờ thứ 6 tới giờ thứ 9, trời đất bỗng ra tối tăm (Mc 15, 33). Chi tiết này không gặp trở ngại nhiều cho cách tính giờ của chúng ta. Thời bấy giờ, khi nói vào giờ thứ 6 thì có thể hiểu cả những giờ sau giờ thứ 6 nữa, tương tự như tiếng “hồi trưa” của Việt Nam, không nhất thiết là phải đúng 12 giờ trưa (III, 295).
Khi đóng đinh xong, lý hình có quyền chia nhau y phục của tội nhân. Đây là một thông lệ khá cổ điển. Nếu tội nhân còn tiền bạc và tài sản gì khác, thì sẽ bị xung vào công quỹ của quan Tổng trấn. Trường hợp Đức Giêsu, lý hình chỉ có thể chia nhau chiếc áo trong, chiếc áo ngoài, một giây thắt lưng và cùng lắm là thêm một chiếc khăn che đầu nữa mà thôi. Ngài không còn có gì hơn nữa. Ngài sống khó nghèo. Ngài cũng sống như tiêu chuẩn chính Ngài đã đề ra cho các môn đệ Ngài, khi sai họ đi rao giảng: Các con chớ mang bị, chớ mang hai áo, giày dép và gậy gộc! (xem: Mt 10, 10 ss). Khi tranh luận về vấn đề có nên nộp thuế cho Xêdar hay không, Ngài đã xin người ta cho Ngài xem một đồng tiền (Mc 12, 15). Có tác giả cho rằng có lẽ vì Ngài chưa hề biết đến “mặt mũi” đồng tiền ra sao cả.
Khoảng 2 giờ chiều, những kẻ lên án Ngài bỏ ra về, để xin Philatô chuẩn bị cho cất xác các nạn nhân xuống. Họ tin rằng, mọi sự đều đã thi hành theo đúng quy định Rôma: đánh dập ống chân, cất xác xuống rồi thủ tiêu. Tất cả mọi hành vi đều có lính canh chừng kiểm soát. Những tên lính đứng canh dưới chân thập hình có hai nhiệm vụ như sau: (1) chứng thực cái chết của tội nhân và (2) nếu quá hạn mà nạn nhân chưa chết, thì lo đập dập ống chân cho mau chết. Khoảng 3 giờ chiều. Đức Giêsu tắt thở. Ngài đã chết thật, không phải chết giả hoặc chưa chết hẳn, như người ta vẫn thường vu khống từ 2000 năm qua. Có một điểm khác biệt không thể bỏ qua, gặp thấy trong các trình thuật Phúc Âm ghi lại các biến cố của giờ phút nghiêm trọng này: theo các Phúc Âm Marcô và Matthêu, trước khi tắt thở, Đức Giêsu đã lớn tiếng than rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15, 34 ss). Đó là một câu (2a) trong Thánh vịnh 22 (21). [23] . Theo Phúc Âm thánh Luca, Đức Giêsu đã đọc một lời kinh chiều quen thuộc của Do thái giáo: “Con xin phó dâng linh hồn con trong tay Chúa” [24] , và xin tha cho những kẻ đóng đinh Ngài (23, 34. 46). Còn theo Phúc Âm thánh Gioan, thì Đức Giêsu đã thốt ra lời: “Mọi sự đã hoàn tất” (19, 30). Có lẽ là vì mỗi phúc âm gia đều nhằm một tiêu đích riêng, và đều phải “đưa tim mừng” cho nhiều loại thính giả/độc giả khác nhau, nên trong lúc trình thuật, đã lưu ý đặc biệt đến những điểm đáp ứng nhiều hơn cho nhu cầu công tác của mình, và không thấy cần phải kể lại một số chi tiết khác. Hoặc là: trong lúc “sưu tầm” (Lc 1, 3), mỗi phúc âm gia đã gặp thấy một số chi tiết trong cuộc đời của Đức Giêsu, được kể lại trong số tài liệu mình có, nhưng lại không thấy nói tới ở trong những nguồn tài liệu mà các phúc âm gia khác thu thập được.
Sau khi Đức Giêsu tắt thở, Giuse Arimathia đã đến xin Philatô cho cất xác Ngài xuống để mai táng. Theo luật Rôma, xác tử tội không được tháo xuống khỏi thập giá, nhưng cứ để rữa ra cho chim trời tới ăn. Sau đó, nếu còn gì sót lại, thì mới được đem hủy đi, bình thường là quẳng xuống sông. Giáo Hội thời sơ khai thường không lấy được xác các vị tử đạo về là vì như thế. Nếu muốn lấy xác về an táng, thì phải có phép đặc biệt. Chính thân nhân của kẻ xấu số phải đứng ra xin. Nhưng nếu bị kết án vì tội perduellio (phản quốc) như trường hợp Đức Giêsu, thì rất khó. Ngược lại, theo luật Do thái, nạn nhân bị tử hình trên thập giá phải được chôn cất ngay. Làm thế không phải vì cảm thương người xấu số, nhưng vì sợ tên tử tội sẽ đem lại tai họa cho xứ sở và làm ô uế việc phụng tự. Đệ nhị Luật 21, 23 quy định rằng: “Xác chết không được để qua đêm trên thập hình, nhưng phải được chôn cất ngay trong ngày đó, vì kẻ bị đóng đinh là kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ. Ngươi không được phép làm ô uế đất đai mà Giavê đã ban cho ngươi làm thừa tự như thế.” (XI, 314). Có lẽ vì tế nhị và vì tôn trọng luật lệ thiêng liêng này, mà Philatô đã cho phép cất xác Đức Giêsu xuống và đem đi mai táng, cho dù Ngài đã bị kết tội là perduellio . Mặc dầu hôm đó là nhằm ngày lễ Vượt Qua, nhưng vẫn không có gì cản trở việc an táng, vì đó là việc nghiã, được phép làm cả trong ngày Sabbat. Có lẽ đến lúc trời vừa tối, Giuse Arimathia và các bạn ông mới hoàn tất nghĩa cử mai táng ấy.
Trong khi đó, những kẻ đã kết án Đức Giêsu về tới nhà, bắt đầu mừng lễ Vượt Qua vào lúc 6 giờ chiều. Họ có thể mừng riêng tại nhà hoặc mừng chung tại một phòng hội nào đó (nếu là Pharisiêu). Sau khi dùng tiệc xong, họ mới được tin là xác Đức Giêsu đã lọt vào tay Giuse Arimathia, nên lại họp nhau để bàn kế hoạch mới. Sáng sớm ngày Sabbat hôm sau, Hội đồng tối cao Do thái giáo còn gởi người đến xin Philatô cho lính canh mộ. Bốn người lính Rôma được cắt cử làm công tác ấy. Họ canh gác liên tục từ sáng sớm ngày Sabbat hôm đó cho tới lối 1 giờ sáng của ngày đầu tuần hôm sau. Khi các bà đến thăm mồ Đức Giêsu, thì họ đã tẩu thoát mất hút đâu hết từ lâu rồi!
4. Đức Giêsu Chịu Tử Nạn Vào Năm Nào Và Ngài Đã Sống Được Bao Lâu?
Theo Mc 14, 12 ss, Đức Giêsu chịu tử nạn vào ngày đầu tiên của thời gian mừng lễ Vượt Qua, nghĩa là ngày 15 tháng Nisan. Còn theo Ga 13, 1. 29; 18, 28; 19, 31, thì Ngài chịu tử nạn vào ngày trước đó, nghĩa là vào buổi chiều giết con chiên Vượt Qua, tức là ngày 14 tháng Nisan. Tại sao lại có sự khác biệt khá quan trọng như thế? Có hai cách trả lời (phần trên đã nói qua, xin hệ thống hóa lại như sau): (1) Có lẽ các Phúc Âm Nhất lãm trung thực hơn về chi tiết này. Như đã biết, Thánh Gioan thường hy sinh các chi tiết lịch sử cho mục tiêu thần học Ngài nhắm. Ở đây cũng thế, ngài cố ý xếp giờ Thầy mình chịu tử nạn sao cho trùng hợp với lúc giết con chiên Vượt Qua làm hy tế, để chứng minh rằng chính Đức Giêsu mới là Con Chiên Vượt Qua đích thực (19, 18; xem thêm 18, 28). (2) Có thể là vì thời đó có hai thứ niên lịch khác nhau được dùng song song cùng một lúc: lịch tính theo mặt trời (Qumran) và lịch tính theo mặt trăng (Giêrusalem). Ở Giêrusalem thời đó chưa có niên lịch nhất định, nhưng chỉ biết căn cứ vào lúc mặt trăng xuất hiện mà tính ngày cho từng tháng. Điều đó thiếu chính xác, vì khi mắt phàm thấy được ánh sáng, thì trước đó, mặt trăng đã thực sự chuyển sang chu kỳ mới ít nhất là một ngày rồi! Hơn nữa, nếu tính theo mặt trăng, thì một năm chỉ có 354 ngày. Do đó, cứ 19 năm thì lại có 7 tháng nhuận. Chưa kể là đôi khi lịch cũng uyển chuyển theo “tình cảm”, như khi đường xá xa xôi, khách hành hương chưa kịp về hoặc vì mùa màng chưa xong, chưa có phẩm vật để dâng lễ tạ ơn, thì cơ quan soạn lịch sẽ “nhân nhượng” thêm cho một tháng nhuận để đợi chờ! Cho nên, tính ngược lại sao cho chính xác sau gần 2.000 năm dài, là việc làm hết sức phức tạp. Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu chịu tử nạn vào một ngày thứ Sáu, thì người ta có thể tự hỏi: ngày thứ Sáu nào thời đó trùng với ngày 14 hoặc 15 tháng Nisan. J. Jeremias cho rằng: rất có thể ngày thứ Sáu đó trùng vào ngày 15 Nisan của năm 27 hoặc có thể là cả của những năm 30, 31 và 34 (sau CN) nữa. Cách tính này hợp với các Phúc Âm Nhất lãm. Còn nếu là ngày 14 Nisan, thì rất có thể là của những năm 30 và 33 và có thể là cả của năm 27 (sau CN) nữa. Cách tính này hợp với Phúc Âm Thánh Gioan. Thực ra, chúng ta chỉ có được một vài tiêu điểm thời khắc khá chắc chắn, dùng làm “mốc” để tính thời gian như sau: “Mốc trước” (terminus a quo/post quem ) là lúc Đức Giêsu bắt đầu ra hoạt động công khai, nghĩa là không thể trước năm thứ 15 thời Hoàng đế Tibêriô, là năm Gioan Tẩy Giả bắt đầu hoạt động. Không thể nào Đức Giêsu đã hoạt động công khai trước Gioan Tẩy Giả. Năm thứ 15 thời Hoàng đế Tibêriô nằm trong khoảng thời gian như đã nói trên, tức là từ 1. 10. 27 cho tới 30. 9. 28: tính như thế xem ra có lý hơn cả. Còn “mốc sau” (terminus ad quem/ante quem ) là năm Philatô mãn nhiệm chức Tổng trấn Giuđêa (năm 36). Hoặc xa hơn nữa, có thể lấy cả thời điểm Thánh Phaolô trở lại để làm mốc mà tính. Ngài chỉ có thể trở lại sau khi Đức Giêsu đã chịu tử nạn và sau khi Giáo Hội sơ khai đã phát triển đến mức độ “đáng lo ngại”. Theo W. G. Kuemmel, thì Thánh Phaolô đã trở lại khoảng năm 31/32. Còn W. Marxsen cho rằng ngài trở lại trễ nhất là vào năm 33/34. Do đó, có thể tạm rút ra kết luận để nói là Đức Giêsu đã chịu tử nạn vào ngày thứ Sáu 7. 4. 30 (đúng như cách tính của các Phúc Âm Nhất lãm). Đó là cách tính được nhiều tác giả công nhận. Hoặc cũng có thể xê dịch sang ngày thứ Sáu 14 Nisan 30, tức là ngày 6. 4. 30 (theo cách tính của Phúc Âm Thánh Gioan). Tuy nhiên, cũng còn có nhiều giả thuyết khác được đưa ra để cố giải đáp cho vấn đề tính năm này: những năm được chọn đều nằm trong khoảng thời gian kể từ năm 27 (sớm nhất) cho tới năm 33! (trễ nhất). Nếu là thế, thì Đức Giêsu đã phải sống lâu hơn, từ 36 tới 39 tuổi, chứ không phải chỉ có 33 tuổi như chúng ta vẫn tưởng đâu! (II, 92-97; IV, 97).
Như thế, cuộc đời Đức Giêsu gắn liền với 2 triều đại Octa-vianô Augustô (27 trước CN – 14 sau CN) và Tibêriô (14-37 sau CN) trong đế quốc Rôma, nhưng cả 2 hoàng đế này chưa từng một lần đặt chân tới vùng bảo hộ Palestina, quê hương của Ngài.
IV. TỔNG KẾT
Tóm lại, cho tới nay, với hơn 200 năm nghiên cứu và tranh luận, xuyên qua những đổ vỡ tiêu cực, khoa phê bình lịch sử đã đạt được những thành quả tích cực rất đáng tin cậy về lý lịch của Đức Giêsu như sau:
• Họ và tên: J’hoshua (tiếng Do Thái) hoặc Jesua hay là Jesu (tiếng Aramê)
• Quốc tịch: Do thái, thuộc hoàng tộc Đavít.
• Năm sinh: 7 trước CN (trước khi vua Herôđê băng hà ít lâu: 4 trước CN)
• Nơi sinh: có lẽ là Bêlem.
• Nơi thường trú: Nadarét.
• Ngôn ngữ: tiếng Aramê của miền Galilê.
• Cha mẹ: Joses và Mirjam.
• Nghề nghiệp: có lẽ theo nghề teknos (”thợ mộc”) của cha.
• Tình trạng: độc thân.
• Liên hệ: có liên lạc với Gioan Tẩy Giả, lúc mới ra hoạt động và đánh giá vị này rất cao.
• Hoạt động công khai: bắt đầu lúc Ngài chừng 30 tuổi.
• Địa bàn hoạt động: Khác với Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu giảng dạy khắp nơi, nhưng phần lớn là chung quanh hồ Gênnêsarét, mà trọng tâm là thành phố ngư phủ Caphar-naum. Thời gian hoạt động chừng 2 năm rưỡi.
• Tâm tình với thủ đô: nhiều lần lên Giêrusalem.
• Đề tài rao giảng: Nước Thiên Chúa đang ở gần kề.
• Hoạt động nổi bật nhất: chữa bệnh.
• Thái độ đối với ngày Sabbat: thái độ này đã gây bất mãn cho giới thẩm quyền và những người “mộ đạo” trong dân Do thái.
• Cảm tình: Ngài được mộ mến, vì tiếp xúc với mọi hạng người, đặc biệt là hạng Amme-ha-Arez (dân quê/nghèo hèn) và những người có tội công khai.
• Môn đệ: dù không phải là Rabbi , nhưng Ngài cũng thu nhận một số (70/72) môn đệ, trong số đó Ngài đã chọn ra 12 Tông đồ.
• Thành công: lúc ban đầu, vì đa số tin rằng Ngài là Đấng Mêsia.
• Thất bại: với thời gian số người tin theo giảm dần, chỉ còn lại một số nhỏ (Lc 12, 32).
• Hiểu lầm: cố tránh phát biểu về chính trị, nhưng thường chỉ trích giới thẩm quyền tôn giáo, và mãnh liệt tấn công lề lối phụng tự chỉ vụ hình thức ở trong Đền thờ.
• Bữa Tiệc Ly: Trong lần cuối cùng có mặt tại Giêrusalem, Ngài đã dùng bữa Tiệc Ly với các tông đồ. Bữa tiệc này không phải là bữa tiệc bình thường như chính lời nói và cử chỉ của Ngài trong bữa tiệc đó minh chứng.
• Nội công: Ngài bị bắt vì một người trong nhóm 12 phản bội.
• Tội phạm: Giới thẩm quyền Do thái đã tố cáo Ngài phạm thượng.
• Bản án: Chính quyền Rôma, đại diện là Pônxiô Philatô, đã lên án Ngài vì lý do chính trị: hiểu lầm Đấng Mêsia theo quan niệm thế tục đương thời (titulus crucis là “Vua Do thái”).
• Hành quyết: Ngài bị đóng đinh sau trưa ngày lễ Vượt Qua (7. 4. 30) tại một nơi nằm ngoài vòng đai thủ đô Giêrusalem.
• Mai táng: trong cùng ngày đó, tại một chỗ không xa nơi hành quyết.
• Mồ trống: ngay sau ngày Sabbat.
• Phục sinh: Các môn đệ của Ngài xác tín và làm chứng rằng họ đã được xem thấy và tiếp chuyện Ngài như một người vẫn sống.
• Tác phẩm: Ngài không để lại một bút tích nào cho các thế hệ tương lai.
• Như thế, khách quan mà nói, chúng ta biết hơi ít và rất tương đối về lý lịch của Đức Giêsu. Tuy nhiên, theo A. Schlatter và P. Althaus, thì không có lý lịch của một nhân vật cổ thời nào được ghi lại tương đối kỹ lưỡng cho bằng cuộc đời của Đức Giêsu. Còn theo Hans Kueng (xem: Die Weltreligionen als Herausforderung (Wir in unserer Welt ). Herne 1990), thì những điều chúng ta biết về Ngài vẫn chi tiết, xác thực và đầy đủ hơn những điều nhân loại biết về những vị sáng lập các tôn giáo lớn cùng thời với Ngài. Dĩ nhiên, sẽ có những độc giả không đồng ý với điểm này điểm nọ trong những điểm vừa trình bày trên đây. Điều đó dễ hiểu, vì cho tới nay, ngay cả những kết quả nghiên cứu của các tác giả nổi danh vẫn còn khá nhiều bất đồng với nhau. Bài này chỉ cố gắng đi tìm một “mẫu số chung” cho nhiều “phân số” bất đồng, chỉ cố gắng đi tìm một “con đường mòn” được nhiều người ái mộ trong “rừng sách” mênh mông. Hơn nữa, những kết quả của các cuộc nghiên cứu lâu năm, tuy được các ngành khoa học khác nhau kiểm chứng dưới ánh sáng của lý trí, nhưng chúng vẫn còn là (hoặc mãi là) những giả thuyết.
• Giả thuyết thì chưa thực. Giả thuyết thì tương đối. Nhưng cái chưa thực còn hơn là cái hư ảo. Cái tương đối còn là hơn cái mơ hồ.
• Người viết chỉ mới chập chững đi tìm những chi tiết lịch sử về Đức Giêsu, không phải vì “hùa theo” trào lưu đặt lại vấn đề, cũng không nhằm lấy hồ nghi làm động lực, nhưng là vì nhu cầu của con tim. Con tim của một người con. Người con mới mở mắt vào đời đã “mồ côi” cha, mà khoảng cách giữa lúc Cha lìa đời và con vào đời là đã 2.000 năm. Cho nên, bất cứ một dấu vết lịch sử nào – tuy có tương đối – về lý lịch của người Cha đó, thì cũng đủ làm cho đứa con sinh sau đẻ muộn này hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi.
Sauerland, mùa Hạ, 17.8.1991.
Kenneth R. Melchin [1]
[HTTH SỐ 6, NĂM THỨ BA (1993)]
MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO
· I.BiKi 24 (1969) tập 2
· Leroy, H., Jesus. Ueberlieferung und Deutung (Ertraege der Forchung 95). Darmstadt: Wiss. Buchges. 1978.
· Tiết mục: “Versuch einer Chronologie des Lebens Jesu,” in: Mertens, H. A., Handbuch der Bibelkunde . Duesseldorf: Patmos 1984, 287-295.
· Schmid, J., Das Evangelium nach Lukas (Regensburger NT III): Das 15. Jahr des Kaisers Tiberius und die Chronologie des Lebens Jesu. Regensburg: Pustet (1) 1940 – (4) 1960, 94 tt.
· Trilling, W., Fragen zur Geschichtlichkeit Jesu . Duessedorf: Patmos/ Leipzig: St. Benno 1966.
· Trilling, W., Vielfalt und Einheit im NT (Unterweisen und Verkuenden 3).Einsiedeln-Zuerich-Koeln: Benziger 1968.
· Danh hiệu: “Jesus von Nazareth”; trong: G. Cornfeld – G. J. Botterweck (xb.), Die Bibel und ihre Umwelt (Pictorial Biblical Encyclopedia. Tel Aviv 1964). Bergisch-Gladbach: G. Luebbe 1988, 762-776.
· Gnilka, J., Jesus von Nazaret. Botschaft und Geschichte . (HThK NT, Suppl.III). Freiburg-Basel-Wien: Herder (2) 1991.
[1] Người ta ước lượng từ buổi thành hình Giáo Hội với 120 người trong ngày Hiện Xuống (Cv 1, 15) cho tới nay, đã có hơn 5 tỷ tín hữu và 5 triệu giáo sĩ..
[2] Kitô là một tước hiệu, Giêsu là tên. Tước đi trước tên
[3] Ngày nay, không thể chỉ căn cứ vào Mt 16, 18 để chứng minh rằng Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội, vì hầu hết các tác giả Công giáo cũng như Tin lành tên tuổi trong khoa Thần học Tân Ước cũng như Thần học Cơ bản đều cho rằng câu này đã được Giáo Hội sơ khai sửa đổi hoặc thêm vào. Số tác giả chủ trương Đức Giêsu không hề muốn thiết lập Giáo Hội không phải là ít. Do đó, những người chống đối Giáo Hội lại càng có thế để ăn nói. Riêng về phần Giáo Hội, trong mấy chục năm qua cũng cho thấy sự thay đổi đáng lưu ý trong cách thức trình bày vấn đề khúc mắc này qua các văn kiện chính thức. Người viết hy vọng, khi thời giờ cho phép, sẽ cố gắng trình bày thêm về cuộc tranh luận này và mạn phép đề nghị một giải pháp cho vấn đề trong một bài khác.
[4] Mới đây M. Baigent và R. Leigh tung ra một cuốn sách tố cáo Vaticanô đã “cản mũi kỳ đà” trong công cuộc nghiên cứu các cuộn văn tìm thấy ở Qumran, vì theo họ, Vaticanô sợ tài liệu cổ kính này có thể tiết lộ những chi tiết thất lợi cho Kitô giáo (và cả Do thái giáo nữa). Đó là một lập luận vu khống vô căn cứ, vì: (1) Vaticanô không độc quyền hoặc có ảnh hưởng lớn trong việc nghiên cứu này. Ngay từ ban đầu, ủy ban nghiên cứu đã gồm các thành viên quốc tế và thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau. (2) 80 % tài liệu đã được phổ biến, không phải là các bản văn Kinh Thánh; số còn lại là vì rách nát nên chưa chắp nối lại được, và vì thế cũng chưa đọc được. (3) Các tài liệu đã phổ biến không tiết lộ gì đích danh nói về Đức Giêsu. Chỉ có 1 chỗ (dài 5 giòng!) nói tới Đấng Mêsia phải chịu đau khổ, mà người ta cũng không thể xác định nổi đoạn văn này có ý tiên báo việc Đấng Mêsia sẽ chịu đau khổ (thì tương lai) hay là chỉ có ý tường thuật việc Ngài đã chịu đau khổ (thì quá khứ) mà thôi; đó là chưa nói chi đến việc cần phải xác định xem đoạn văn này có ý nói về Đức Giêsu hay là chỉ nói về một vị Mêsia nào đó thôi! Cũng nên lưu ý là trước đó, vào năm 1984, M. Baigent và R. Leigh đã tung ra một cuốn sách khác “tiết lộ” rằng Đức Giêsu không sống độc thân, nhưng đã lập gia đình. Hiền thê của Ngài là Maria Magđalena!
[5] Cũng nên nhắc lại rằng không có một cuốn sách cổ thời nào đáng tin cậy – về phương diện xác thực lịch sử – và được hoàn tất nhanh chóng cho bằng cuốn Kinh Thánh Tân Ước cả. Chỉ xin nêu ra đây vài thí dụ: Ilias và Ôđyxê của Homer được hoàn tất lần đầu tiên vào thế kỷ 11 sau công nguyên (=CN), cho dù Homer đã sống vào thế kỷ 8 trước CN. Như thế, giữa tác giả và tác phẩm có một khoảng cách 1.800 năm! Các tác phẩm của Platon được viết vào những năm 427-357 trước CN, thế nhưng toàn bộ tác phẩm của ông mà chúng ta có hiện nay, lại chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 895 sau CN. Như thế, tác giả và tác phẩm cách nhau cả 1.300 năm! Tác phẩm của Horaxiô cũng mới hoàn tất vào thế kỷ thứ 8, tác phẩm của Xêsar (Caesar ) cũng mới hoàn tất vào thế kỷ thứ 10, nghiã là sau đó 1.000 năm!?
[6] Hiện nay, Giêsu vẫn còn được dùng làm tên gọi tại Tây ban Nha và Nam Mỹ
[7] Để đơn giản hóa việc trích dẫn, người viết theo cách thức ghi chú sau đây: giữa các con số ghi trong ngoặc, số La mã chỉ tài liệu được ghi ở phần cuối bài, và số Ả rập chỉ trang ở trong tài liệu đó
[8] Cho tới nay, Giáo Hội Đông Phương vẫn mừng Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng mỗi năm. Còn vào thế kỷ thứ 3, Clêmentê Alexandria lại cho mừng vào ngày 19 tháng 4
[9] Trong cách phân chia tiếp theo sau đây, chúng ta sẽ tự do uyển chuyển theo hai niên đại trung dung này
[10]Giêrihkô là thành phố cổ kính nhất thế giới còn để lại tàn tích cho tới ngày nay
[11] Trước cơn đại hồng thủy, trời cũng nưa 40 ngày đêm; tiên tri Elia đi 40 ngày mới tới núi Hôréb
[12] Sau mùa thu hoạch nho và ô liu
[13] Điển hình là chị em Mácta, Maria và Ladarô tại Bêthania, cách đó không xa.
[14] Ngôi hội đường này dài 24 m, rộng 18 m cộng thêm một tiền đường, đã bị sập vì động đất. Hình thức hiện nay đã được chỉnh trang lại một phần
[15] Khoảng 1.000 trước CN; nhưng chắc chắn thành phố này đã có từ năm 1.800 trước CN với tên cũ là Salem
[16] Mùa gặt lúa mì, 50 ngày sau lễ Bánh Không Men
[17] Không rõ 70 hay 72, vì có nhiều bản Tân Ước chép tay cổ xưa lại ghi là 72 !
[18] Tuy nhiên, có tác giả lại coi việc thanh tẩy (đánh đuổi trong) Đền thờ là lý do trực tiếp đưa đến cái chết của Đức Giêsu
[19] Khác với những nhóm khác đương thời, trong các Phúc Âm không hề thấy đề cập tới nhóm này
[20] Việc giới hạn rước Máu Thánh trong các Thánh Lễ như hiện nay – theo thiển ý – là điều đáng tiếc, vì như thế làm giảm đi tính cách “đại tiệc” của mỗi Thánh Lễ. Khi có thể và được phép, nên ủng hộ việc rước lễ dưới hai hình thức, và chọn cách thức sao cho hợp với ý của mọi người tham dự
[21] Via Dolorosa với 14 chặng như hiện nay là do các tu sĩ Dòng Phanxicô mới cắm mốc dẫn lối từ thế kỷ 16
[22] Vào thời Trung Cổ, người ta cho rằng: 3 thứ ngôn ngữ được dùng để viết ở đây tượng trưng cho 3 thứ “ngôn ngữ thánh” của Giáo Hội thời sơ khai
[23] Đây là lời kinh một người lâm nạn – giống như người Tôi tớ Giavê trong Is 52-53, – lòng đầy tín thác [như thấy trong câu: “Chúa là sức mạnh con nương,/ Cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa”, và câu cuối: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa/ Cho anh em tất cả được hay,/ Và trong đại hội dân Ngài,/ Con xin dâng tiến một bài tán dương”], thưa lên cùng Thiên Chúa. Trên thập giá, Đức Giêsu đã đọc trọn cả lời kinh của thánh vịnh này: Ngài bắt đầu đọc lớn tiếng; sau đó, sức không còn nữa, Ngài đã đọc thì thầm – ít nhất là – trong lòng
[24] Giờ thứ 9 là một giờ kinh (Nona ) của Do thái giáo