Mối Phúc về lòng thương xót

Bài 01 Mối Phúc về lòng thương xót trong bối cảnh của Tám Mối Phúc Thật và thuật ngữ Thương Xót

 

  lord_of_mercy_savior_christ_love_jesus-lctx-long-chua-thuong-xot

 

 Với Mối Phúc nói về lòng thương xót, chúng ta bắt đầu phần thứ hai của các Mối Phúc trong Phúc Âm Mát-thêu. Bốn Mối Phúc đầu tiên nhắc đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, cũng như niềm tin vào Thiên Chúa, và sự khao khát tìm gặp Ngài. Còn bốn Mối Phúc kế tiếp nhắc đến tương quan của chúng ta với nhau, với tha nhân bên cạnh mình. Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, và có tâm hồn nghèo khó, có tinh thần hiền lành khiêm nhường như Đức Ki-tô, và cùng với Ngài đón nhận những đau khổ xảy đến, cũng như cả cuộc đời luôn khát khao sống sự công chính, khát khao thánh ý của Thiên Chúa, thì người đó sẽ nhận ra rằng, tương quan của mình với anh chị em cũng cần được thay đổi. Yêu Chúa và yêu người là hai tinh thần luôn đi chung và tương hợp với nhau. “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. (Mc 12, 29-31). Ai tách lìa hai tinh thần này ra khỏi nhau, thì chưa sống trọn vẹn tinh thần của Đức Ki-tô.

 

Mối Phúc thứ năm này trong mạch văn có một điểm đặc biệt. Đó là từ ngữ “thương xót” được nhắc đến hai lần, trong vế đầu và trong vế cuối: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Còn ở các Mối Phúc trước, chúng ta thấy các cặp sau: tâm hồn nghèo khó và Nước Trời; hiền lành và được Đất Hứa; sầu khổ được Thiên Chúa ủi an; và khát khao nên người công chính được Thiên Chúa cho thoả lòng. Để giúp cho việc suy niệm về Mối Phúc này, giờ đây xin tìm hiểu về ý nghĩa của từ ngữ thương xót.

 

Thương xót trong tiếng Do Thái là hesed. Theo Cantalamessa, từ ngữ này có hai ý nghĩa nền tảng. Thứ nhất từ ngữ thương xót ngụ ý nói về thái độ của bên mạnh hơn (trong một hiệp ước, hay chỉ về Thiên Chúa) đối với bên yếu hơn, và thường thì diễn tả sự tha thứ cho những người bất tín và tội lỗi. Ý nghĩa thứ hai ngụ ý nói về thái độ hướng đến những hoàn cảnh bất hạnh và khổ đau của người khác (không nhất thiết là những người tội lỗi), và ý nghĩa này được diễn tả trong các hành động nhân hậu và thương xót. Như thế, có thể nói đó là lòng thương xót của trái tim và lòng thương xót của đôi tay.[1]

 

Theo thần học gia ĐHY. Walter Kasper, từ ngữ quan trọng nhất diễn tả lòng thương xót là hesedHesed diễn đạt những ý nghĩa như ơn huệ, dễ thương, và cũng có ý nghĩa ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót. Ý nghĩa của từ ngữ hesedvượt trên sự rung động hay tội nghiệp về những khổ đau của người khác, và chỉ về sự chú ý tràn đầy tự do và từ bi của Thiên Chúa đối với con người. Hơn nữa, từ ngữ hesed không chỉ về một hành động tạm thời, mà chỉ về hành động kéo dài. Như thế, hướng về Thiên Chúa, từ ngữ hesed này diễn tả ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng này của Thiên Chúa vượt trên tính hợp lý của tương quan giữa hai người trung thành với nhau. Nghĩa là dù con người có bất trung và bội phản, thì Thiên Chúa vẫn thương xót, và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Ân sủng này của Thiên Chúa còn mang tính cách nhưng không vô điều kiện, và vượt trên mọi sự chờ đợi của con người. Tóm lại, ân sủng này của Thiên Chúa làm tan vỡ mọi chuẩn mực và thước đo của con người. Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện đón nhận hoàn cảnh đầy khổ đau và tội lỗi của con người, Ngài đã nhìn thấy cảnh đời oái ăm của con người nghèo nàn và bất hạnh, Ngài đã đón nhận lời kêu van của họ, Ngài đã cúi mình xuống và tự hạ mình xuống, Ngài đã đi xuống với người đang chìm mình trong khổ đau, và dù cho bao sự bất trung của con người, Ngài vẫn tiếp tục đón nhận, tha thứ và ban cho con người những cơ hội mới, dù cho con người lẽ ra cần phải chịu những hình phạt. Tất cả những điều này của Thiên Chúa vượt trên mọi kinh nghiệm bình thường và sự chờ đợi của con người, vượt trên mọi mường tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp của hesed, Thiên Chúa tự mạc khải một phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa.[2]

 

 Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ eleao có ý nghĩa là thương xót, cảm thông. Theo Walter Kasper, Aristoteles là người đầu tiên đưa ra định nghĩa cho từ ngữ thương xót. Cụ thể hơn, Aristoteles đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm của người khác dù không lầm lỗi gì nhưng phải chịu đau khổ, cũng làm cho chúng ta bị ảnh hưởng hay cũng đụng chạm tới chúng ta, bởi vì sự đau khổ đó có thể xảy ra với chúng ta. Qua đó, chúng ta sẵn lòng chia sẻ với họ sự đau khổ đó. Trong sự chia sẻ với những nạn nhân phải chịu đau khổ, có hai tâm tình được biểu lộ. Đó là tâm tình cảm thông và đoàn kết. Các Giáo Phụ đã đón nhận cách giải thích của Aristoteles về sự thương xót. Thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô đều đã giải thích sự thương xót ở trong ý nghĩa “trái tim dành cho những người đau khổ”.

 

Trong tiếng La-tinh thương xót là misericordiaCor nghĩa là trái tim và miseri nghĩa là những người nghèo. Như vậy cả hai vị thánh đều theo ý hướng của Aristoteles: “miserum cor habens super miseria alterius – Có một trái tim biết khổ đau đối với khổ đau của những người khác”. Lòng thương xót và cảm thông này đối với thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô, không chỉ nằm ở trên phương diện cảm giác, hay chúng không chỉ mang dáng dấp của tình cảm, mà còn hướng tới một hành động, tìm cách để chiến đấu cũng như loại bỏ những đau khổ.[3]

 

Trong Tân Ước, lòng thương xót trong bản văn tiếng Hy-lạp là eleemosyne, có nghĩa là yêu thương người nghèo và giúp đỡ họ. Trong bản văn của Mát-thêu về Mối Phúc thương xót, từ ngữ được dùng trong tiếng Hy-lạp là eleemon, cũng mang ý nghĩa thương xót và cảm thông, ở đây Chúa Giê-su muốn nói về hành động đúng đắn của người môn đệ là biết sống cảm thông và thương xót.[4]

 

Từ ngữ thương xót trong tiếng Đức là Barmherzigkeit. Trước hết, trong từ ngữ này có từ Herz – trái tim (tâm hồn). Theo Schellenberger, trong lịch sử phát triển của tiếng Đức, thì vào thế kỷ 11, từ ngữ armselig có nghĩa tương đương với từ ngữ thương xót trong tiếng La-tinh misericors. Nếu dịch sát nghĩa là “có tâm hồn nghèo khó”. Danh từ là misericodia, từ tiếng Đức dịch sát nghĩa là Armseligkeit. “Armseligkeit được nêu ở đây, vì từ ngữ này liên hệ chặt chẽ với một tâm hồn nghèo khó”. Tu sĩ Christian von Stablo đã viết như vậy vào năm 865. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó trong tâm hồn, để qua đó Ngài có được trái tim nghèo khó như chúng ta có. Như thế, Chúa trở nên nghèo như chúng ta là người nghèo. Ở đây, Schellenberger đã giải thích khá thú vị. Từ ngữ nghèo – Armut trong tiếng Đức, khi liên hệ đến tương quan thương xót của Chúa (Đấng trở nên nghèo) dành cho chúng ta là người nghèo, thì được biến đổi thành B(i)-Armherzigkeittrong tiếng Đức. Như thế, khi Chúa Giê-su chúc phúc cho những người sống tinh thần thương xót, thì cũng liên hệ đến chính Ngài. Chúa Giê-su thật sự chính là lòng thương xót – B(i)-Armherzigkeit của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa trong Chúa Giê-su đã tự đồng hoá với con người, và con người cũng được đồng hoá với Chúa, khi con người sống đúng tinh thần thương xót – barmherzig của Chúa. Như thế lòng thương xót – Barmherzigkeit ngụ ý chỉ về tương quan của hai người trong cùng một tâm tình và hoàn cảnh, vì người ban tặng và hiến dâng đã tự mình bước vào hoàn cảnh của người đón nhận.[5]

 

Còn trong tiếng Việt Nam, từ điển Khai Trí đã định nghĩa từ ngữ thương: (1) Thương là yêu (mẹ thương con, vợ thương chồng…). (2) Thương là đau đớn xót xa (thương người nghèo khó, thương thân, thương tâm). Ngoài ra còn có những từ như thương cảm, thương hại trong ý nghĩa thương xót (thương hại cho thằng bé mới lọt lòng mà đã mồi côi).[6] Đọc trong Từ điển Công Giáo 500 mục từ, từ ngữ lòng thương xót (liên ái, Misericordia, Mercy, Miséricorde) được giải thích như sau: “Thương: đau lòng. Xót: thương sâu xa. Lòng thương xót là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thương được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ hay ủi an”.[7] Hơn nữa, từ ngữ lòng thương xót này rất gần với từ ngữ lòng nhân hậu. Nhân: lòng thương yêu; hậu: sâu nặng. Nhân hậu: lòng thương yêu sâu nặng. Người có lòng nhân hậu luôn mong muốn và thực hiện điều tốt hoàn toàn vì lợi ích của người khác.[8]

 

Như thế, từ ngữ thương xót luôn là đề tài quan trọng trong Ki-tô giáo. Vì từ ngữ này gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của Ki-tô hữu. Vì thế, một cách nào đó, có thể nói rằng, từ ngữ “thương xót” là từ ngữ điển hình của Ki-tô giáo. Nếu chiêm ngắm lại những biến cố xảy ra trong những thập niên vừa qua, người Ki-tô hữu càng thấy giá trị cao quý và quan trọng của lòng thương xót. Trong tác phẩm Barmherzigkeit – Lòng thương xót của Thần học gia ĐHY. Walter Kasper, có chương với tựa đề Barmherzigkeit – ein aktuelles, aber vergessenes Thema – Lòng thương xót, một đề tài có tính hiện tại nhưng lại bị lãng quên. Và Kasper đã mời gọi mọi người cùng suy tư về lòng thương xót, và có thể nói cùng kêu gọi đến lòng thương xót – Schrei nach Barmherzigkeit. Nếu chúng ta đồng ý bước vào hành trình suy tư này, cụ thể hơn bước vào hành trình suy niệm Mối Phúc về lòng thương xót, chúng ta cùng lật lại sách Thánh Kinh, để khám phá ra tầm quan trọng của lòng thương xót.

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

dongten.net 27.08.2015