Một bước đến với Hà Nội

Việt Nam và Tòa Thánh sắp thiết lập bang giao? Câu hỏi này xuất hiện sau khi thành lập một nhóm làm việc chung với mục đích thiết lập quan hệ bang giao vào năm 2009, và vừa gặp gỡ lần thứ sáu tại Vatican từ ngày 24 đến 26-10. Và nhóm sẽ lại gặp nhau tại Hà Nội vào năm tới.

Pope-Francis-Vietnam-Leaders.jpg
Đức Thánh Cha tiếp Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng
ngày 22/3/2014

Cuộc gặp gỡ ít thu hút sự chú ý, bởi truyền thông đang tập trung vào thỏa thuận đột phá giữa Vatican- Trung Quốc về vấn đề bổ nhiệm các giám mục, bao gồm việc Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chấp thuận 8 giám mục nhà nước và Bắc Kinh sẽ công nhận 30 giám mục hầm trú.

Bang giao không nằm trong những thương thảo kín đáo giữa Vatican và Trung Quốc, nhưng Tòa Thánh và Việt Nam đã lập nhóm làm việc chung để hướng đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập bang giao.

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam đang tiến triển theo hướng tích cực, bất chấp còn nhiều căng thẳng giữa giáo hội và nhà nước ở cấp địa phương. Giáo hội được tự do tôn giáo, nhưng đôi khi nổi lên nhiều vấn đề liên quan đến công lý, bao gồm các yêu cầu trả lại những tài sản của giáo hội.

Trong thông cáo báo chí hồi tháng 10, nhóm làm việc chung “nhìn nhận mọi chuyện đang tiến triển, thường xuyên liên lạc và tham vấn trao đổi ở cấp cao, và công nhận các chuyến viếng thăm mục vụ thường xuyên của phái viên giáo hoàng không thường trực. Đấy chỉ là phần rất nhỏ so với quan hệ tích cực mà hai bên đang hướng đến.

Khi Đảng Cộng sản giành quyền kiểm soát tòa Việt Nam vào ngày 30-4-1975, họ phá vỡ bang giao với Tòa Thánh, nhưng không bắt bớ Giáo hội Công giáo tàn bạo như Trung Quốc. Nhà nước vẫn chấp nhận một mức độ tự do tôn giáo nhất định, và ngày càng khá hơn trong các thập niên gần đây, với các chuyến thăm qua lại giữa Vatican và Việt Nam.

Từ đó, đôi bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng về việc bổ nhiệm các giám mục, và việc này đã được thực thi tốt đẹp. Các giám mục Việt Nam có thể tự do đến Vatican, và Tòa Thánh có thể gởi các viên chức cấp cao đến Việt Nam.

Một bước đột phá là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vatican vào tháng giêng 2007, tiếp kiến Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Ông là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam đến Roma kể từ sau 1975. Và buổi gặp này dẫn đến thành lập nhóm làm việc chung. Tháng mười hai 2009, chủ tịch nước Việt Nam, Nguyễn Minh Triết cũng đã đến thăm Đức Giáo hoàng, và tháng sáu 2010, nhóm làm việc đồng thuận rằng “để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như giữa Tòa Thánh và giáo hội Công giáo sở tại” bước đầu cần làm là có một đại diện không thường trực của Tòa Thánh ở Việt Nam. Sau đó, đức cha Ettore Balestrero, trưởng phái đoàn Tòa Thánh đã bảo tôi rằng: “Đây là bước đầu tiên trên con đường tiến đến bang giao. Đây là bước tiến lịch sử.”

Kể từ lúc đó, đã có nhiều điều tích cực, đáng chú ý nhất là: Phái viên giáo hoàng đã viếng thăm 26 giáo phận, Hội đồng Giám mục Á châu đã tổ chức hội nghị chung ở Việt Nam vào tháng mười hai 2012, và đại học Công giáo đầu tiên sau năm 1975 đã mở cửa vào tháng chín 2016 này.

Tòa Thánh muốn tiến triển đến thiết lập quan hệ bang giao, và thông cáo tháng 10 của nhóm làm việc chung cho biết, “Đức Giáo hoàng Phanxicô rất quan tâm phát triển quan hệ Việt Nam-Tòa Thánh.”

Vậy tại sao, phía Việt Nam lại chần chừ? Các nguồn tin cho biết có ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, là một vài “xung đột địa phương.” Một vài cộng đoàn Công giáo yêu cầu chính quyền trả lại các tài sản của giáo hội đã bị sung công, đồng thời lên tiếng chất vấn chính quyền về các vấn đề công lý, tự do ngôn luận, và các vấn đề khác. Nhưng mọi chuyện hầu như không thể giải quyết một cách tốt đẹp.

Thứ hai, thiết lập bang giao ngay lúc này, không hẳn thuận lợi cho Việt Nam.

Và từ đó dẫn đến lý do quyết định cho việc này, chính là Trung Quốc. Việt Nam xem Trung Quốc là anh lớn và sợ rằng nếu mình đi trước trong bang giao với Tòa Thánh thì có thể gây mất lòng Bắc Kinh, mà những người ở trung ương Đảng Cộng sản lại thân với Trung Quốc.

Do đó, quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh vẫn chưa thể có trong tương lai gần.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 15.11.2016/
America Mag | Gerard O’Connell)