Valleyfield, Quebec – Dù cho việc trợ tử đã được hợp pháp hóa ở Quebec gần 1 năm và ở Canada từ một ít tháng này, Đức cha Noel Simard của Valleyfield vẫn chưa chấp nhận được thực tế mới này. Theo ngài, trợ tử thật sự là “làm cho chết êm dịu”.
Đức cha Simard đã không thể thuyết phục các nhà lập pháp rút lại việc hợp pháp hóa chết êm dịu và trợ tử. Đức cha nhận định rằng “việc trợ giúp y khoa để chết là mối đe dọa đối với các nền tảng của xã hội chúng ta” khi nó thách thức các giá trị căn bản như cách thức luật pháp dùng để cấm giết người và cách các nhân viên y tế được yêu cầu chăm sóc cho các bệnh nhân.
Trong các năm qua, Đức cha Simard là một trong những Giám mục Canada lên tiếng mạnh mẽ nhất về vấn đề này. Thỉnh thoảng ngài dùng những lời mạnh mẽ để chống lại luật “làm cho chết êm dịu”. Trong những năm 1990, khi còn là một Linh mục trẻ, Đức cha đã đồng hành với các bệnh nhân Aids giai đoạn cuối ở Sudbury, Ontario. Đức cha nói: “Tất cả chúng ta giả định rằng những bệnh nhân bị bệnh nan y tuyệt vọng muốn chết. Nhưng nó không phải như vậy: Điều họ mong mỏi, đầu tiên và trước hết, là người nào đó nắm tay và đồng hành với họ.”
Đức cha nói là cả tiến trình này giúp mang lại ý nghĩa cho đau khổ của họ và mang lại cho họ phẩm giá. Ngài nói: “Rất thường xuyên chúng ta giới hạn phẩm giá của một người vào khả năng phản ứng, nói năng và còn ý thức. Nhưng phẩm giá không nên được kể là liên kết với khả năng: Phẩm giá nối kết với chúng ta cách nội tại và thiết yếu, như một con người. Và phẩm giá nội tại đó vẫn gắn liền với chúng ta, dù cho điều gì xảy ra.”
Đức cha nói thêm rằng trong xã hội ngày nay, giá trị căn bản của một người thường được quyết định bởi điều họ có thể làm ra. Đức cha nói: “Khi chúng ta không còn có thể làm được điều gì được xã hội đánh giá là có ích, chúng ta trở thành gánh năng…. Bối cảnh cụ thể đó là mối đe dọa trực tiếp đối với người bệnh, người tàn tật và yếu đuối.”
Đức cha Simard cảm thấy lo buồn khi một nghiên cứu do Ủy ban y tế Canada xuất bản, gợi ý rằng “việc trợ giúp y khoa để chết” có thể giúp hệ thống bảo hiểm sức khỏe của quốc gia tiết kiệm 139 triệu đô la mỗi năm. Những kế hoạch như thế là những nỗi lo sợ tồi tệ nhất của Đức cha. Ngài lo rằng “làm cho chết êm dịu”, đến nay được xem như một quyền lợi, sẽ trở thành một bổn phân (luân lý). Các áp lực sẽ tác động lên các cá nhân để bảo đảm rằng họ sẽ yêu cầu được “chết êm dịu”, bởi vì họ đã trở thành một gánh nặng, một phí tổn.”
Đức cha Simard cũng nói đến “’social euthanasia” (làm chết êm dịu về xã hội), đó là bỏ rơi và loại bỏ con người qua một bên thay vì giúp đỡ, đồng hành những thành viên dễ thương tổn nhất của xã hội chúng ta.”
Trong thời gian qua đã có những tranh luận trong Giáo hội Công giáo Canada về chăm sóc mục vụ cho những người chọn cái chết được trợ giúp y khoa. Đức cha Simard nhận định rằng vì càng ngày càng nhiều người Canada chọn “làm cho chết êm dịu”, Giáo hội phải tiếp tục suy tư về “cách thức loan truyền sứ điệp của Chúa Kitô, cũng như giáo huấn của Hội thánh, để có những cảm thông và tiếng nói xoa diịu và chữa lành những trái tim tan vỡ.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 01.02.2017/ CNS 31/01/2017)