Một giáo hoàng được giới trí thức thế tục mến chuộng cũng nhiệt tâm với các phép lạ và thánh tích

Giáo dân vẫn còn nói về Đức Giáo hoàng Phanxicô và máu thánh.

pope-1.jpg
Đức Giáo hoàng Phanxicô đang hôn thánh tích là máu của thánh Januarius [San Gennaro trong tiếng Ý]
trong buổi gặp các giám chức ở nhà thờ chính tòa Napoli hôm 21-3-15 (Andrew Medichini/AP)

 

Trong chuyến thăm thành phố cổ kính dưới chân núi Vesuvius, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã vào nhà thờ chính tòa để cầu nguyện với thánh Januarius, vị thánh bảo trợ cho Napoli. Máu của thánh Januarius từ cách đây 1700 năm, dù đã khô nhưng có những dịp ‘tự hóa lỏng’ một hiện tượng mà các tín hữu nhận là một dấu chỉ phép lạ. Những người quy tụ tại nhà thờ chính tòa Napolo, háo hức xem Đức Phanxicô cầu nguyện, rồi hôn chiếc bình bằng bạc và thủy tinh đựng máu khô của thánh Januarius.

 

Và kìa, khối máu đen đang hóa lỏng.

 

Hồng y của Napoli, đứng bên cạnh Đức Phanxicô, hân hoan loan tin phép lạ máu hóa lỏng này, và mọi người hò reo vỗ tay vui mừng. Rồi Đức Phanxicô công nhận điều kỳ diệu này, khi máu hóa lỏng một nửa. Đức Phanxicô nói, ‘Điều này nghĩa là thánh nhân yêu chúng ta một nửa đó. Chúng ta phải loan báo Lời Chúa hơn nữa, để ngài yêu chúng ta hơn.’

 

Với nhiều người, giáo hoàng đến từ Mỹ La tinh này là một nhà cải cách, một người quyết tâm đưa Giáo hội Công giáo vào một thời đại ánh sáng mới. Nhưng triều giáo hoàng của Đức Phanxicô cũng cho chúng ta thấy những điều có vẻ mâu thuẫn rõ ràng. Và có lẽ đây là điểm rõ nhất: Một giáo hoàng được giới trí thức, ngay cả những người vô thần, mến chuộng, cũng hoàn toàn giữ chặt một dạng phụng tự nhiệt thành nhất của Giáo hội Công giáo.

Hơn các bậc tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô đi sâu trong thế giới lòng mộ đạo bình dân, bao gồm việc tôn kính các thánh tích, như máu, xương và phục trang của các thánh, cũng như lòng sùng kính với Đức Trinh nữ Maria qua các buổi kiệu và những nghi lễ khác. Khi làm như thế, Đức Giáo hoàng đang tán thành một nhánh Công giáo nhiệt tâm và huyền bí hơn, được thực hành rộng rãi ở quê hương ngài, châu Mỹ La tinh, nhất là trong giới dân nghèo.

pope-2.jpg

 

Nhưng, những người chỉ trích lại nói rằng ngài đang luẩn quẩn với sự mê tín. Và khi nói đến những lời lặp lại thường xuyên của ngài về ma quỷ và việc ngài ủng hộ rõ ràng cho việc trừ quỷ, nhiều người nói rằng ngài đang mạo hiểm hạ thấp hình ảnh lãnh đạo tinh thần của thế kỷ XXI, khi không chịu hòa chung với thời đại.

 

Vito Mancuso, một thần học gia viết sách ở Bologna, Ý, cho rằng ‘Mối nguy hiểm là khi lòng mộ đạo bình dân trở nên quá quan trọng, khi chúng ta tìm cách nâng tinh thần bằng việc chạm vào một phần cơ thể hay một mảnh áo của một vị thánh. Chúng ta sẽ đi lùi, gần như trở lại thói thờ ngẫu tượng.’

 

Sự kiện ở Napoli, nơi Đức Phanxicô gây xôn xao với máu của thánh Januarius, chỉ là một trong dnah sách dài lòng sùng kính mà giáo hoàng bày tỏ với các thánh tích. Ví dụ như, hồi tháng 6, ngài đã ‘tôn kính’ Tấm khăn liệm Turin, cầu nguyện trước tấm khăn liệm mà nhiều người tin là tấm khăn đã cuộn xác Chúa Giêsu Kitô, cho dù các kiểm nghiệm carbon xác định rằng niên đại của tấm khăn này là vài thế kỷ sau khi Chúa chịu chết.

 

Đức Giáo hoàng không có lời chính thức nào về tính xác thực của tấm khăn liệm. Nhưng ban từ thiện của giáo hoàng đã chu cấp cho ít nhất 2 nhóm người vô gia cư ở Roma được đến viếng Tấm khăn liệm, và bản thân ngài cũng đã có một thông điệp bằng video mừng sự kiện này.

 

‘Chúng ta hãy lắng nghe những gì tấm khăn liệm muốn nói với chúng ta trong thinh lặng, qua chính sự chết. Lời độc nhất và tuyệt đối của Thiên Chúa vươn đến với chúng ta qua tấm khăn liệm thánh.’

 

Đức Giáo hoàng mới đây đã yêu cầu rằng hài tích của thánh Piô thành Pietrelcina, hay thường được gọi thân thương là cha Piô, sẽ được trưng bày ở vương cung thánh đường vào năm tới. Sáu tháng sau khi Đức Phanxicô làm giáo hoàng, lần đầu tiên Vatican trưng bày các hài tích được cho là của thánh Phêrô, dù nhiều người vẫn hoài nghi về gốc gác của các thánh tích này.

 

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của giáo hoàng, hài tích của thánh Maria Goretti, trinh nữ tử đạo, cũng được cung nghinh qua nhiều thành phố nước Mỹ. Ở Netturo, Ý, quanh hài tích của thánh Goretti, là đầy các vật kỷ niệm bày tỏ lòng biết ơn thánh nhân của những người được chữa lành sau khi cầu nguyện với ngài.

Cha Giovanni Alberti, trưởng đền thánh kính thánh Goretti, cho biết, ‘Đức Giáo hoàng rõ ràng có chiều hướng theo dạng phụng vụ này. Ngài đến từ Nam Mỹ, nơi cảm thức mộ đạo bình dân rất mạnh.’

 

Ngay cả với những người ủng hộ giáo hoàng, thì những hành động này của ngài cũng khiến họ thấy khó chịu. Ví dụ như, nói về lòng mộ đạo bình dân của Đức Phanxicô, blogger Taylor Marshall cho rằng, ông e ngại những ‘người không Công giáo ma mãnh’ sẽ nghĩ không hay về các hành động của giáo hoàng.

Marshall viết rằng, một người như thế ‘lắc đầu và tự nghĩ ‘Giáo hoàng này không hiểu. Đây không phải là Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô! Đây là một thuyết hổ lốn quê mùa, hay tệ hơn nữa là một thứ ma thuật ngu si.’ ’

 

Nhưng nhiều người ủng hộ giáo hoàng lại thấy nơi ngài, một con người khi bàn về đức tin thực hành, thì bác bỏ chủ trương ưu tú, và hướng về người nghèo, đặc biệt là những người ở thế giới đang phát triển.

 

pope-3.jpg

 

Một lòng sùng kính với các thánh tích

 

Trong giáo lý Công giáo, các thánh tích, thường là máu, xương, hay đồ vật của các thánh và những người thánh thiện khác, thì không có sức mạnh siêu nhiên tự thân. Nhưng, những vật này được xem là thiêng, và trong vài trường hợp có thể là đường truyền dẫn cho các phép lạ bởi tay Chúa, qua lời chuyển cầu của các thánh hoặc Đức Mẹ. Vị trí cao của các thánh tích vẫn là một điểm khác biệt căn bản giữa Công giáo và nhiều đức tin Tin Lành khác, và đây cũng là một điểm gây chia rẽ giữa nhiều người Công giáo.

 

Lòng mộ đạo bình dân sâu sắc của Đức Phanxicô đã có từ lâu trước khi ngài làm giáo hoàng. Khi còn là linh mục dòng Tên Argentina, ngài đã bày tỏ rõ lòng sùng kính với các thánh tích, tổ chức các cuộc rước kiệu trên đường phố và các cử hành khác, vốn thường thật ‘kinh khủng’ với các đồng bạn trong dòng Tên cấp tiến của ngài. Năm 2007, Đức Phanxicô đã có ảnh hưởng sâu sắc lên một văn kiện then chốt của các giám mục Mỹ La tinh, củng cố cho tầm quan trọng của việc ‘người nghèo gặp Chúa nơi các đền thánh.’

 

Tiểu sử gia Austen Ivereigh nói rằng, ‘Ngài nói về một dạng tư tưởng bình dân, rằng ‘dân chúng’ có thể nối kết với sự thánh thiêng một cách trực tiếp, và theo những cách mà những người ưu tú lại thường không có.’

 

Trong số các tín hữu ở Napoli, không ai bác bỏ sức lôi cuốn của lòng mộ đạo bình dân.

 

Máu của thánh Januarius vẫn là một điều bí ẩn không lời giải. Một vài người cho rằng là do thay đổi nhiệt độ, hay chấn động. Nhưng các tín hữu, thấy việc máu hóa lỏng này là một dấu chỉ rằng vị thánh bảo trợ của họ đang hành động hết sức để bảo vệ Napoli khỏi dịch hạch, động đất và những thất thường của núi lửa Vesuvius. Mỗi năm, máu khô của thánh nhân được trưng bày 3 lần, và thường, không phải luôn luôn, hóa lỏng ra.

 

Chuyến viếng thăm hồi tháng 3 của Đức Phanxicô, là lần đầu tiên máu hóa lỏng trước mặt một giáo hoàng kể từ năm 1848. Enzo Piscopo, phát ngôn viên của giáo phận Napoli, nhắc lại chuyến đi ít thành quả hơn của Đức Bênêđictô XVI, khi ngài đến đây giữa một cơn bão mùa đông đến sớm một cách kỳ lạ, dù lúc đó mới chỉ tháng 10 năm 2007.

 

‘Ôi, hôm đó mưa tuyết khủng khiếp.’ Bên trong nhà thờ chính tòa, hồng y Napoli trình bình đựng máu thánh cho Đức Bênêđictô. ‘Ngài cầm lấy, giữ chặt, nhưng máu không hóa lỏng.’

 

Với nhiều người dân Napoli, việc máu hóa lỏng càng làm cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng thêm phần kỳ diệu. Bà Rita Santoro, 69 tuổi, người bán các thẻ cầu nguyện trên bậc thềm nhà thờ chính tòa, đang đứng chờ bên ngoài nhà thờ lúc Đức Phanxicô đến. Ngài xoa đầu bà lúc ra khỏi nhà thờ, bà cho biết, ‘và sau đó, các triệu chứng bao tử của tôi biến đâu mất.

 

Với tôi, máu hóa lỏng cho giáo hoàng, là một phép lạ. Nghĩa là Đức Giáo hoàng là phúc lành cho Napoli. Mà chúng tôi thì có đầy rắc rối ở đây. Chúng tôi cần lời chúc lành của ngài.’

 

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 01.09.2015/ 
Washington Post – Anthony Faiola/ Stefano Pitrelli – 28/8/15)