Một Việc Sùng Kính Đức Mẹ Guadalupe Cách Sai Trái

Hỏi: Trong một tờ flier có in hình Đức Mẹ Guadalupe (mà dân Mễ Tây Cơ rất sùng kính) được phân phát ờ một số nhà thờ, có ghi nội dung quảng cáo như sau:

our-lady-of-guadalupe.jpg “Tổng Thống Argentina nhận được bức hình này và xem nó như thư rác. Tám ngày sau đó, con trai ông ta đã chết. Một người đàn ông khác cũng nhận được bức hình này và ngay lập tức gửi bản sao đến cho nhiều người… thật là ngạc nhiên anh ta trúng số độc đắc.

Anh Alberto Martinex nhận được bức hình này, đưa cho cô thư ký của mình để copy nhưng quên phân phát cho mọi người, cô ấy mất việc còn gia đình anh ta không còn nữa.

Bức hình nay ẩn chứa sự huyền diệu và linh thiêng. Đừng quên phân phát bức hình này đến ít nhất 20 người trong vòng 13 ngày, các bạn sẽ nhận được một sự ngạc nhiên đáng kinh ngạc!!!

Xin cha cho biết ý kiến về quảng cáo trên đây.

Trả lời:
Có thể nói một cách không sai lầm là quảng cáo trên đây thuộc loại mê hoặc tôn giáo, tin tưởng xằng bậy và xúc phạm đến Đức Mẹ một cách nặng nề.

Thật vậy, trước hết, không hề có giáo lý, tín lý nào của Giáo Hội dạy rằng: Ai không tôn kính hay loan truyền việc tôn sùng ảnh tượng của Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh thì sẽ gặp tai họa lớn lao hay sẽ được thưởng công nhãn tiền ở đời này như nội dung tờ quảng cáo trên đây.

  1. Giáo lý của Giáo Hội về việc tôn kính Ảnh Tượng

 

Đức tin chân chính, cũng như giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội, chỉ dạy chúng ta tôn thờ (adore) một Thiên Chúa Ba Ngôi và tôn kính (venerate, honour) Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ mà thôi.

Về ảnh tượng, thì trước hết Thiên Chúa đã ngăn cấm dân Do Thái xưa kia như sau: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất mà thờ.” (Xh 20: 4)

Nhưng sau khi Chúa Giêsu nhập thể mang thân xác Con Người thì việc tạc tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh để dùng trong phụng vụ thánh lại được phép với mục đích như sau: “Sự tôn kính ảnh tượng của Kitô giáo không nghịch với điều răn thứ nhất cấm các ảnh tượng, vì ‘sự tôn kính ảnh tượng là hướng tâm hồn lênkhuôn mẫu điển hình (prototype)’ (Thánh Basilio, Spir 48,45). Ai tôn kính hình ảnh nào là tôn kính người được hình dung trong hình ảnh đó. Tôn kính chứ không phải là tôn thờ, vì sự tôn thờ chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.” (x. SGLGHCG, số 2132)

Nói rõ hơn, Giáo Hội cho phép tạc tượng hay vẽ hình Chúa Giêsu từ khi sinh ra trong Hang đá cho đến khi bị treo trên thập giá, cũng như vẽ hình Đức Mẹ và các Thánh vì các ngài là những tạo vật có thân xác con người thật sự.

Tuy nhiên, những ảnh tượng này chỉ là các Á bí tích (Sacramentals) được dùng để nâng lòng chúng ta lên tới Thiên Chúa là Đấng vô hình vô tượng nhưng đã nhập thể và mang hình ảnh con người trong Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật cũng là Con Người thật.

Tuy nhiên ta chỉ được tôn kính (venerate) mọi hình ảnh của Chúa Kitô chứ không thờ lậy(adore) những ảnh tượng này cùng thể thức như thờ lậy Chúa hiện diện thực sự trong hình bánh và rượu của Phép Thánh Thể.

Cũng vậy, chỉ được tôn kính các ảnh tượng về Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, nhưng với mục đích nâng lòng lên để yêu kính Đức Mẹ và các Thánh đang chầu chực Chúa ở trên Thiên Đàng, chứ không hiện diện thực sự trong các ảnh tượng đó, dù các ảnh tượng này được làm bằng bất cứ vật liệu quí giá nào như vàng, bạc, kim cương, đá quí hoặc vẽ trên nhung lụa hay giấy in sách báo.

Tóm lại, các ảnh tượng chỉ giúp ta dễ nâng lòng lên với Chúa, Đức Mẹ và các Thánh mà những ảnh tượng kia là dấu chỉ hữu hình chứ không phải là hiện thân của Chúa Kitô, Đức Mẹ và bất cứ Thánh Nam Nữ nào.

Đây là giáo lý của Giáo Hội về việc tôn sùng ảnh tuợng trong phụng vụ thánh.

  1. Việc lợi dụng ảnh tượng cho mục đích không chính đáng

 

Được biết, lâu nay ở Mỹ đã xuất hiện đó đây một vài truyền đơn hay thư mật tương tự như loại quảng cáo trên đây được gửi đi để xin ai nhận được thì sao lại và gửi cho 30 hoặc 50 người quen biết khác. Người thứ hai thứ ba nhận thư cũng được yêu cầu gửi tiếp cho những người khác để tránh tai hoạ nào đó hoặc sẽ nhận được ơn này, ơn kia v.v… Cũng có những truyền đơn in hình Chúa và Đức Mẹ tương tự như tờ flier trên đây.

Việc làm này đã gây hoang mang cho nhiều người vô tình nhận được loại “mật thư” nói trên. Đây là việc làm không có giá trị tín lý nào phù hợp với đức tin công giáo cũng như giáo lý của Giáo Hội về việc sùng kính các Ảnh tượng của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh. Cũng không có căn bản đức tin nào về những điều được gọi là “mặc khải” về bí mật thiêng liêng cả.

Thật vậy, trước hết, chắc chắn một điều là Chúa Giêsu, Đức Mẹ (và các Thánh) không hề đe dọa ai hoặc hứa ban thưởng nhãn tiền cho ai nếu người đó tôn sùng hay coi thường ảnh tượng nào của Chúa hay Đức Mẹ. Bằng cớ là xưa nay có biết bao nhà thờ, đền thánh trong đó không những có nhiều Ảnh tượng thánh mà đặc biệt là có Nhà Tạm (Tabernacle) nơi Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong phép Thánh Thể, đã bị bom đạn, hay kẻ gian manh tàn phá, nhưng kẻ phá hoại đã không bị phạt nhãn tiền! Cụ thể là trong năm qua ở ViệtNam, tượng Đức Mẹ Sầu Bi đã bị đạp phá mà có ai bị đánh chết như con trai Tổng thống Argentina bị giết chỉ vì ông này coi thường bức hình Đức Mẹ Guadalupe như truyền đơn trên loan tin?

Chúa và Đức Mẹ không phạt ai nhãn tiền không phải vì bất lực mà vì lòng khoan dung nhịn nhục vô biên đối với những kẻ vô tình hay cố ý xúc phạm đó để mong họ ăn năn hối cải mà thôi.

Xưa kia, khi vui lòng chịu khó để đền tội cho nhân loại, Chúa Giêsu đã nhịn nhục để cho những kẻ khặc nhổ vào mặt Chúa và đánh đạp Ngài cách tàn nhẫn. Nếu Chúa không nhịn nhục, vui lòng chịu khó thì những kẻ ngỗ nghịch kia đã bị trừng phạt ghê gớm như thế nào rồi, vì Ngài có thể xin “Chúa Cha cấp cho hai đạo binh thiên thần” (Mt 26:53) để đánh tan những kẻ đến bắt Ngài trong đêm bị nộp vì Giuđa phản bội.

Nhưng Chúa Giêsu đã không trả thù. Hơn thế nữa, Chúa còn cầu nguyện “xin Chúa Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. (Lc 23:34). Còn sự nhịn nhục, tha thứ nào lớn hơn nữa?

Đức Mẹ cũng nhẫn nhục chịu đựng đau khổ không kém khi phải chứng kiến những cực hình của Chúa Giêsu, con yêu quí của Mẹ mà không thốt lên lời oán trách nào đối với những kẻ đã xỉ vả, đánh đập Chúa cách quá tàn nhẫn như vậy.

Đây là tất cả sự thật về lòng thương xót, nhịn nhục và tha thứ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria cho những kẻ đã ngỗ nghịch xúc phạm đến Chúa và Mẹ. Như vậy, không có lý do gì để tin rằng Chúa hay Đức Mẹ sẽ trừng phạt nhãn tiền những ai không tôn kính ảnh tượng của Mẹ, dù dưới danh hiệu Fatima, Lộ Đức, LaVang hay Guadalupe.

Loan truyền sai lầm về việc này là xúc phạm đến Mẹ về lòng thương xót, nhịn nhục và tha thứ theo gương Chúa Giêsu. Nhưng nhịn nhục, để không vội trừng phạt ở đây chỉ vì khoan dung chờ đợi kẻ ngỗ nghịch sám hối chứ không có nghĩa là những hành vi bất kính đối với các ảnh tượng của Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh là không sai trái.

Ngược lại, giáo lý hiện hành của Giáo Hội đã nhắc lại lời dạy của Công Đồng Nicêa (787 A.D.) “biện minh cho việc tôn kính các ảnh tượng thánh cũng như chống lại sự phá hủy (iconoclast) các ảnh tượng này, như ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh…” (X. SGLGHCG, số 2131). Nghĩa là ta phải tôn kính và tôn trọng các ảnh tượng của Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh, vì các Á bí tích này có liên hệ trực tiếp đến Chúa, Đức Mẹ và các Thánh mà chúng ta không được nhìn thấy bằng xương bằng thịt.

Do đó phải dành cho các ảnh tuợng này một sự kính trọng đúng mức. Cụ thể, không được phép quăng các ảnh tượng cũ, tràng hạt, sách kinh, sách giáo lý, kinh thánh đã làm phép vào thùng rác chung với các vật dơ bẩn khác. Trái lại, phải đem đốt đi để lấy tro dùng vào dịp Lễ Tro hàng năm, hay đem thả ra sông, hồ cho tan trong nước.

***

Tóm lại, chúng ta được phép trưng bày và tôn kính các ảnh tượng về Chúa Kitô, Đức Mẹ, các thánh và các thiên thần, nhưng không được loan truyền huyền hoặc về công dụng khác thường nào của việc tôn kính này, vì không có giáo lý nào dạy như vậy.

Nói khác đi, không được gán cho Chúa, Đức Mẹ cách đối xử không phù hợp với lòng nhân từ, thương xót và nhịn nhục của Chúa và Đức Mẹ, như sẽ trừng phạt hay ban thưởng nhãn tiền cho ai tương tự nội dung tờ flier trên đây.

Mặt khác, loan truyền cách mê tín mù quáng như vậy cũng phạm tội thờ ngẫu tượng (Idolatry), nghĩa là tin thờ những ảnh tượng kia như những thần linh có quyền năng ban ơn hay giáng hoạ cho ai biết tôn thờ hoặc coi thường việc này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn