Mùa Vọng: Mùa của niềm hy vọng

Lm. Harrison Ayre

Mùa Vọng hướng chúng ta tới việc gặp gỡ Đức Giêsu trước hết qua biến cố Người đến lần đầu tiên như là con người trong hình hài một trẻ thơ, và thứ đến qua việc chào đón Người đến lần cuối cùng như là vị thẩm phán vào ngày sau hết. Tuy nhiên, chúng ta không nên giới hạn việc gặp gỡ Đức Giêsu chỉ trong phạm vi tưởng niệm điều đã xảy ra trong quá khứ, với niên đại cụ thể, hoặc ngưỡng vọng về tương lai xa vời mà không biết khi nào sẽ xảy ra. Đúng hơn, Mùa Vọng còn nhắc nhớ chúng ta về việc gặp gỡ Đức Giêsu ngay trong giây phút hiện tại, vì thực, Người là Emmanuel- Thiên Chúa ở với chúng ta, mọi ngày, cho đến tận thế. Nhờ đó, sống tinh thần Mùa Vọng, chúng ta học biết rằng Thiên Chúa là nền tảng của niềm hy vọng, và niềm hy vọng đó là nền tảng để gia tăng tình yêu của chúng ta đối với cuộc sống này.

Mùa Vọng: không chỉ hướng về tương lai

Sự vĩnh cửu thường chỉ được coi là một mục tiêu trong tương lai. Những ý nghĩ như “khi tôi bước vào cuộc sống đời đời” hoặc “tôi mong đợi sự sống vĩnh cửu” có thể cho thấy như thể chúng ta tin rằng Thiên Chúa chỉ hiện diện trong tương lai mà không ăn nhập gì với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Nếu như vậy, thì chúng ta đã đánh mất cảm thức sự hiện diện thiết thân của Thiên Chúa ở đây và ngay lúc này, nếu không muốn nói là Thiên Chúa không còn gần gũi với những trải nghiệm hiện sinh của chúng ta.

Mùa Vọng, khi tập trung vào hai lần đến của Đức Giêsu, nhắc nhở chúng ta rằng cái này không thể tồn tại mà không có cái kia. Sự vĩnh cửu là một mục tiêu, nhưng nó cũng hiện diện ngay bây giờ — mặc dù được nhìn thấy lờ mờ như thể qua một tấm gương (x. 1 Cor 13, 12). Phụng vụ, các bí tích và chính Giáo hội đã trở thành phương thế để Chúa Kitô hiện diện với chúng ta hôm nay – và do đó, vĩnh cửu cũng ở giữa chúng ta. Sau khi phục sinh, Đức Giêsu không còn bị giam giữ bởi thời gian và không gian, nên Người ở đâu thì ở đó có sự vĩnh cửu. Mùa Vọng giúp chúng ta nhìn bằng đôi mắt đức tin rằng mục tiêu vĩnh cửu của chúng ta đang được tiến hành vì Chúa Kitô đang ở đây với chúng ta. Vì Đức Giêsu đến giữa chúng ta như là con người, Người chết và sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng ta nên sự vĩnh cửu nằm trong tầm tay của chúng ta.

Mùa Vọng: giúp xác tín về nền tảng của hy vọng

Chúng ta thường giảm thiểu niềm hy vọng thành suy nghĩ viển vông giống như kiểu nói “Tôi hy vọng mình trúng xổ số” hoặc “Tôi hy vọng công việc này suôn sẻ,” v.v. Sự giảm thiểu đáng tiếc này đã đánh mất đặc tính trung tâm của đức cậy nơi ý thức Kitô hữu. Hy vọng mà không có nền tảng và sự bảo đảm thì chỉ là mơ tưởng hão huyền.

Nếu sự vĩnh cửu đã hiện diện nơi Đức Kitô, thì hy vọng tìm thấy sự bảo đảm nơi chính Người. Chúng ta hy vọng vì chúng ta đã nhìn thấy những tác động của Đức Giêsu trong cuộc sống của mình và trong đời sống của Giáo hội. Niềm hy vọng cho chúng ta khả năng nhìn thấy Chúa Kitô trong mọi người, gặp gỡ Người trong lời cầu nguyện và bí tích, và nghe lời Người trong Kinh thánh. Tất cả điều này mang lại cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa tròn đầy và kiên vững. Niềm hy vọng Kitô giáo khẳng định rằng cuộc sống con người không phải là phù du, mà là trường tồn vì nó được kết hợp với cuộc sống của chính Chúa Giêsu. Mùa Vọng là nền tảng của niềm hy vọng – nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa như là sự cứu rỗi – khi đối diện với bất cứ điều gì phù du và chóng qua. Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta hy vọng ngay giữa những thử thách, khó khăn, đau khổ, mất mát tưởng chừng như vô vọng nhất.

Mùa Vọng: giúp tăng triển lòng khao khát Thiên Chúa

Sự xuất hiện của Chúa Kitô là tất cả những gì mà Mùa Vọng hướng tới. Do đó, Mùa Vọng giúp tăng triển lòng khao khát Thiên Chúa khi chúng ta không chỉ xem Ngài như một mục tiêu trong tương lai, mà còn nhận ra Ngài như là Đấng mà chúng ta có thể gặp ngay lúc này. Chúng ta gặp được Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài qua bậc sống, qua các cảnh huống trong hành trình Kitô hữu.

Chính điều này là bước đầu để chúng ta sống trước viễn cảnh thiên đàng khi chúng ta diện kiến Thiên Chúa. Thiên đàng đang ở giữa chúng ta nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta. Vì vậy, nếu hôm nay Chúa Giêsu không hiện diện với chúng ta – có nghĩa là mục tiêu trên trời của chúng ta là điều không thể đạt được – thì Kitô giáo chỉ là một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện thần thoại hoặc một điều viển vông. Nhưng nếu chúng ta nhìn cuộc sống không phải là một điều gì đó để trốn tránh, mà là một trạng thái để đón nhận, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa đang đến với chúng ta trong cuộc Nhập thể của Chúa Kitô, Đấng đang gặp gỡ chúng ta trong cuộc sống thường ngày, đang chia sẻ với chúng ta từng khoảnh khắc vui buồn, thánh thiện cũng như tội lỗi, và đang dẫn chúng ta bước vào cuộc sống của chính Thiên Chúa.

Như thế, sống tinh thần Mùa Vọng là chúng ta sống trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tất cả cùng một lúc. Quá khứ gắn cuộc đời chúng ta với những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử, qua Đức Giêsu Kitô. Tương lai thắp lên niềm hy vọng của chúng ta về thời điểm khi vương quốc của Thiên Chúa tràn ngập trái đất bằng hòa bình, công lý và ơn cứu độ. Hiện tại giúp chúng ta trải nghiệm Thiên Chúa đang ở với chúng ta ngay lúc này, không có điểm nào trong cuộc sống mà không có Ngài, nơi Đức Kitô phục sinh.

Được như vậy, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu này sẽ giúp tăng triển lòng khao khát Thiên Chúa của chúng ta, do đó, cũng củng cố niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu của chúng ta.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com