Mùa Vọng và Giáng Sinh: Chúa mong đợi nơi ta điều gì?

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (11.12.2020) – Mỗi khi bước vào Mùa Vọng, chúng ta được nhắc nhở về tâm tình sám hối và thái độ tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Việc đón chờ Chúa đến sẽ không tùy thuộc vào những công việc chuẩn bị ồn ào bên ngoài như làm hang đá máng cỏ thật to đẹp, thật hoành tráng, trang trí đường phố ngõ ngách bằng những ánh đèn lấp lánh đủ màu sắc, hay trưng bày khắp nơi từ trong nhà ra đường phố những cây thông đắt tiền, hiện đại… Thật ra, điều Chúa ước mong hơn cả là bản thân mỗi Ki-tô hữu chúng ta chuẩn bị đón Chúa như thế nào và đã sống tinh thần Mùa Vọng ra sao. 

Thực vậy, “Mùa Vọng là mùa người Kitô hữu và cộng đoàn Hội thánh ngày hôm nay khơi dậy lòng mong muốn gặp gỡ và kết hiệp chặt chẽ hơn nữa với Đấng đã đến và đã đem lại cho mình sự sống mới. Không phải chờ đợi trong thụ động với những câu kinh, nghi lễ có sẵn, bằng lòng với những tri thức đã thu thập được về một quá khứ xa xôi trong không gian và thời gian, mà là sự chờ đợi của ngày hôm nay và lúc này, một sự chờ đợi cũng nóng bỏng với câu hỏi “Chúng tôi phải làm gì?” để có thể gặp Người và kết hiệp với Người, trong cái ngày hôm nay của cuộc sống cụ thể của từng người, từng giới, từng cộng đoàn, như người đương thời của Gioan Tẩy giả đã đua nhau nêu lên khi nghe ngài loan báo Đấng sẽ đến (x. Lc 3, 10-14).”[1]

Vậy để có thể gặp gỡ được Chúa trong Mùa Vọng và Giáng Sinh này, chúng ta cần lắng nghe Chúa nói và nhận ra Chúa đang mong đợi gì nơi Chúng ta.

Có tiếng hô: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán”.” (I-sa-ia 40, 3-5)

Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” (Mc 1, 2-5)

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 42-44).

Vậy ta có thể tóm tắt thông điệp Lời Chúa trong Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh qua 3 điểm chính: 1- Hãy hoán cải; 2- Hãy tỉnh thức; 3- Hãy vui mừng.

1.- QUYẾT TÂM HOÁN CẢI

Việc đầu tiên trong thông điệp Vọng – Giáng Sinh, đó là Chúa kêu gọi chúng ta hoán cải để đón nhận Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đón nhận Chúa Cứu Thế đến để thay đổi con người và cuộc sống chúng ta, để canh tân đổi mới đời sống ta theo như lòng Chúa mong ước. Hoán cải là việc quan trọng đầu tiên mà mỗi người Ki-tô hữu chúng ta phải nhận thức rõ ràng và quyết tâm thực hiện, bởi nếu không chúng ta vẫn chỉ là “người-ngoài-cuộc” và Chúa sẽ phải chờ đợi chúng ta mãi…

Theo tin từ trang Vatican News ngày 06-12 vừa qua cho hay: Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 06-12-2020 CN thứ hai mùa Vọng, ĐTC Phan-xi-cô suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng, với lời của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi lãnh nhận phép rửa hoán cải. ĐTC giải thích hai chiều kích của hoán cải: thứ nhất là từ bỏ tội lỗi và tính thế gian; và thứ hai là tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Người

ĐTC nói rằng đoạn Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng (Mc 1, 1-8) giới thiệu thân thế và hoạt động của thánh Gioan Tẩy giả. Thánh nhân chỉ cho những người đương thời với ngài một hành trình đức tin giống với hành trình mà Mùa Vọng đề ra cho chúng ta, để chuẩn bị cho chúng ta đón tiếp Chúa vào lễ Giáng sinh. Hành trình đức tin này là một hành trình hoán cải.

Tiếp đến, ĐTC diễn giải ý nghĩa của từ “Hoán cải”. Ngài giải thích như sau: Trong Kinh Thánh, từ này muốn nói trước hết đến việc thay đổi hướng đi và định hướng; và do đó nó cũng có nghĩa là thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta. Trong đời sống luân lý và thiêng liêng, hoán cải có nghĩa là xa rời sự dữ và hướng đến điều thiện, từ bỏ tội lỗi và hướng đến tình yêu của Thiên Chúa. Đây là điều mà thánh Gioan Tẩy giả đã dạy khi ở trong sa mạc Giuđêa, ngài “đã loan báo phép rửa hoán cải để được tha tội” (c.4). ĐTC nhận xét: Việc lãnh nhận phép rửa là một dấu hiệu bên ngoài và hữu hình, cho thấy sự hoán cải của những ai lắng nghe lời giảng của thánh nhân và quyết định ăn năn đền tội. Phép rửa đó được thực hiện bằng việc dìm mình trong nước, nhưng nó sẽ vô ích nếu không có lòng sám hối và thay đổi cuộc sống.[2]

Thực vậy, hoán cải, hay sám hối, hối cải, là cánh cửa mở ra để chúng ta được ơn tha thứ, để bước vào cuộc sống mới với Chúa trong hạnh phúc và bình an. Do vậy, sự hoán cải mang tầm vóc quan trọng nhất của đời người, vì không có hoán cải thì không có đổi mới bản thân, không muốn trở về với Chúa, nên cũng không thể đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ (x. Lc 13, 3.5). 

Chúng ta tự hỏi, vậy tại sao Chúa luôn kêu gọi chúng ta phải hối cải. Điều đó có ý nghĩa gì? Chúng ta biết rằng:

Hoán cải được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau. Nói chung, hoán cải là một sự thay đổi đời sống: bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; quên mình để biết phục vụ tha nhân và cộng đồng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, dù quyết định hay đổi mới cách nào đi nữa, thì điều quan trọng là đưa ta tới gần Đấng là nguồn mạch thiện hảo, và cũng là đích điểm của đời sống con người. Ý nghĩa cuối cùng này hoàn toàn mang tính tôn giáo.

Hoán cải theo từ Hy Lạp (metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là đổi ý hướng, đổi tâm tình, đổi não trạng. Sự thay đổi này không chỉ trên bình diện tâm trí, mà còn là có nghĩa là thay đổi hướng đithay đổi đường xưa lối cũ, để quay về với Thiên Chúa, để ta được kết hợp và dự phần vào sự sống của Ngài.

Hoán cải là một trong những điểm then chốt của đời sống Kitô hữu. Nó bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Kinh Thánh, từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông Ðồ. ‘Hãy sám hối’‘Hãy hoán cải’ là những lời đầu tiên Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu khác, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi là Hiến chương của Nước Trời. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là ‘phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội’.” (Lc 24, 47)[3]

Vậy trong Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh này, nhờ ơn Chúa giúp và với sự soi sáng của Lời Chúa, chúng ta quyết tâm hoán cải, đổi mới con người, đổi mới tâm can, canh tân đời sống để đón nhận Chúa đến với ta, để ta dứt khoát từ bỏ tội và chọn Chúa là cứu cánh đời mình. Như ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Nếu lấy ‘ta’ ra khỏi trung tâm cuộc đời và đặt ‘Chúa Kitô’ vào đó, ta sẽ được an toàn, mạnh mẽ và hy vọng. Nhìn bề ngoài, không có gì có vẻ thay đổi cả, nhưng tận đáy lòng con người chúng ta, tất cả mọi sự đều thay đổi.” Đó là hiệu quả của ơn Chúa và sự hoán cải của chúng ta.

2.- THÁI ĐỘ TỈNH THỨC

Có thể nói tỉnh thức là điểm nhấn quan trọng kế tiếp sau hoán cải trong thông điệp Lời Chúa dịp Mùa Vọng và Giáng Sinh. Đây là một thái độ hết sức cần thiết giúp chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng đón Chúa đến với chúng ta, nhất là khi chúng ta không ngờ. Tỉnh thức không phải là tình trạng tỉnh ngủ, hồi hộp, lo lắng, mệt mỏi… nhưng chính là một thái độ nội tâm của ta khi ta thức tỉnh, sáng suốt, khôn ngoan, chọn lựa thấu đáo và thi hành nghiêm túc những gì Chúa muốn nơi ta. 

Thông thường Mùa Vọng là thời gian giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Dù đó là một lễ kỷ niệm, vì Chúa đã đến rồi, nhưng sự chuẩn bị cũng phải chu đáo và nghiêm túc. Chúng ta sẽ đi xưng tội, có thể siêng năng tham dự thánh lễ hơn, có thể đọc kinh cầu nguyện siêng hơn, có thể làm việc bác ái nhiều hơn. Bên cạnh đó nhiều người cũng có thói quen sửa sang và trang trí nhà cửa, đi mua sắm, chuẩn bị những bữa tiệc Giáng Sinh thịnh soạn cho gia đình và bạn bè v.v… 

Xét cho cùng, những việc đó cần thiết và tốt lành. Tuy nhiên, đó không thể là chính yếu và cấp bách so với những sự chuẩn bị khác quan trọng hơn. Như trên đã nói, một trong những chuẩn bị quan trọng của người tín hữu trong Mùa Vọng, đó là sống tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa vào giờ chết của mình. Đây là một cuộc thao dượt tâm linh đòi hỏi chúng ta kiên tâm, tích cực và mau mắn. Chúng ta biết rằng, sự chết sẽ không đợi chúng ta, nó đến rất bất ngờ.

Thực vậy, Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta. Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng. Như Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33). Thánh Phao-lô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra …” và mong rằng: “Chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến.” (1Tx 5, 23)

Tỉnh thức do đó không có nghĩa là chúng ta chờ đợi một cách thụ động, trái lại theo nghĩa tích cực là chúng ta chu toàn việc bổn phận mình. Nhất là chúng ta luôn thực hành thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Thực vậy, “Tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan, như Thánh Phanxicô de Sales đã nói rằng: “Sự chờ đợi đích thực có nghĩa là chờ đợi mà không lo lắng gì cả”. Tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi người anh em bé mọn, khốn khổ, bất ngờ đến với mình và nài xin mình trợ giúp. Thật thế, Đức Kitô đến với chúng ta qua hiện thân người đói khát, rách rưới, một người yếu đau, lỡ đường, thậm chí một phạm nhân trong nhà giam như chính Ngài đã khẳng định (x. Mt 25, 31-46). Ai tỉnh thức đón nhận những người bé mọn này là đón nhận Ngài, được Ngài đưa vào dự tiệc dành sẵn đời đời. Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: ‘Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay’.”[4]

3.- TÂM TÌNH VUI MỪNG

Chắc hẳn không ai trong chúng ta không biết đến những tấm thiệp Giáng Sinh (Noel) với những câu chúc như “Chúc Mừng Chúa Giáng Sinh Vui Vẻ!”, “Merry Christmas!”, “Joyeux Noel!”… Đây là cách bày tỏ nỗi vui mừng hân hoan trong dịp Lễ Giáng Sinh.

Thực ra, xét cho kỹ, chúng ta vui mừng hoan hỉ không phải dựa vào những sự ồn ào, náo nhiệt, hào nhoáng của những tập tục mừng lễ bên ngoài nhưng đó phải là tâm tình vui mừng trong nội tâm, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn huệ làm con cái Thiên Chúa nhờ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm người. Chương trình và kế hoạch ấy đã được thực hiện cách đây hơn hai ngàn năm. Đây là Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca:

“Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ‘Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.’ Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.’ ”(Lc 2, 8-14)

Thực vậy, khi giáng trần, Chúa Giêsu đã mang đến cho con người mọi nơi, mọi thời niềm vui thiêng thánh. Nếu không có Chúa Giêsu, sẽ không có niềm vui, niềm vui ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng:

“Vào Chúa nhật III Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi vui lên và sống hy vọng, đồng thời trở nên sứ giả của niềm vui: “Anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc hãy cảm tạ Chúa” (1Th 5, 16-17). Nếu điều này trở thành lối sống của chúng ta, thì Tin Mừng có thể thấm nhập vào mọi nhà và giúp đỡ con người cũng như gia đình tái khám phá rằng thực sự có ơn cứu độ nơi Ðức Kitô. Trong Ngài, người ta có thể tìm thấy sự bình an nội tâm và trợ lực để đương đầu mỗi ngày với những trạng huống khác nhau trong cuộc sống.

“Niềm vui là một đặc tính thiết yếu của đức tin. Cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, viếng thăm và cứu độ là động lực làm cho chúng ta vui mừng. Chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế, tự hiến thân mình vì chúng ta là lý do chính để người tín hữu vui mừng. Người Kitô hữu buồn, bởi họ không nhìn thấy những điều Thiên Chúa đã làm cho họ, và vì thế, sẽ không có sự hiệp thông. Niềm vui của người Kitô hữu phát xuất từ tâm tình tạ ơn, tạ ơn nhất là vì tình yêu thương của Chúa thể hiện nơi chúng ta.”[5]

Ước mong tâm tình vui mừng của chúng ta dịp Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh sẽ là sức mạnh biến bản thân mỗi người chúng ta trở thành tin vui lan tỏa đến mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong đời. Tin vui đó không phải là những sáo ngữ hời hợt hay những lời chúc vô hồn, nhưng là những cử chỉ thân tình, cảm thông, yêu dấu, là những chia sẻ vật chất cũng như tinh thần tràn đầy tình thương, là những thăm viếng ấm áp tình người đối với những ai đang đau khổ, nghèo đói, cô đơn, bị bỏ rơi…Vì, như Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta đã nói: “Những người nghèo khổ đang kêu gọi chúng ta. Chúng ta phải nhanh chân đến để yêu thương họ” và “Niềm vui giống như một tấm lưới để bắt các tâm hồn. Thiên Chúa yêu những người cho đi trong vui tươi; và người nào cho đi một cách vui tươi, người đó cho gấp bội” ./.