Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (9.6.2015 – Thứ ba, sau Chúa Nhật X Thường Niên)

Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian
(Mt 5, 13-16)

 

13 “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.

16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

***

  1. Muối và ánh sáng

Trong “Bài giảng trên núi”, sau khi công bố các Mối Phúc, Đức Giêsu nói với các môn đệ, và qua các môn đệ, Ngài nói với tất cả chúng ta, là Ki-tô hữu: “Chính anh em là muối cho đời”; “chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Hai lời mời gọi này của Đức Giêsu thường được hiểu tách biệt nhau và theo nghĩa thực hành: làm muối cho đời, nghĩa là làm cho môi trường sống của mình thêm “mặt mà” tình bác ái và yêu thương; làm ánh sáng cho trần gian, nghĩa là làm gương sáng về đời sống đức tin và đạo đức.

Sống Lời Chúa là hoa trái phải có. Tuy nhiên, chúng ta được mời trước hết hãy dành nhiều thời gian để “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”, theo gương Đức Maria. Khi đó, chúng ta sẽ khám phá nhiều ý nghĩa rất bất ngờ, có liên quan đến mầu nhiệm Đức Ki-tô, và sẽ cảm thấy thú vị, đem lại cho chúng ta sức sống. Trước hết, hạt muối và ánh sáng là hai thực tại có bản chất và giá trị rất tương phản nhau:

 

Muối Ánh sáng
1. Về mặt vật lí, muối có lẽ có cấu tạo đơn giản. 

 

2. Ở bình diện biểu tượng, muối được dùng trong các lối nói ẩn dụ (“hạt muối cắn đôi”…) và cũng được dùng làm biểu tượng (chẳng hạn muối và bánh mì ở Nga, diễn tả lòng hiếu khách).

 

 

 

 

3. Tuy cả hai đều cần cho cuộc sống, nhưng muối rất rẻ.

 

 

 

 

4. Muối được đặt ở trên bàn ăn hay trong nhà bếp trong một góc nào đó.

 

1. Ánh sáng phức tạp và kì diệu hơn; được nghiên cứu nhiều hơn. 

2. Nhưng ở bình diện này, ánh sáng chắc chắn hơn hẳn hạt muối: Ánh Sáng Tin Mừng; ánh sáng là biểu tượng của sự sống, bởi vì nhìn thấy ánh sáng, có nghĩa là đang còn sống; Ngôi Lời là ánh sáng; ánh sáng soi đường, soi lối, soi lòng: “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”…

3. Còn ánh sáng đắt tiền hơn (khác nhau giữa tiền muối và tiền điện hàng tháng! Nhiên liệu để đốt sáng; các phương tiện chiếu sáng…; và càng ngày càng có những phương tiện chiếu sáng cầu kì, đắt tiền, vì còn là đồ trang trí nội thất).

4. Trong khi các phương tiện chiếu ánh sáng luôn ở vị trí cao để soi sáng và ở khắp nơi.

So sánh như thế để chúng ta cảm nhận được phần nào sự nghịch lí trong lời mời gọi của Đức Giêsu: muối và ánh sáng tương phản với nhau như thế, nhưng Đức Giêsu mời gọi chúng ta trở nên cả hai, cả muối lẫn ánh sáng cùng một lúc. Như thế thì làm sao có thể thực hiện được: vừa là muối, nghĩa là trở nên tầm thường, nhỏ bé và phải tan biến đi để “ướp cho mặn đời”; vừa trở nên ánh sáng, nghĩa là trở nên điều kì diệu, luôn hiện diện và thu hút sự chú ý của mọi người!

 

  1. Nghịch lý Tin Mừng

Nhưng lời của Đức Giêsu còn hơn cả lời mời gọi, vì Ngài nói: “chính anh em là…”. Là Ki-tô hữu, nghĩa là người thuộc về Đức Ki-tô, người đi theo Đức Ki-tô, thì tất yếu là như thế, tất yếu là một một nghịch lí, tất yếu vừa là muối, và vừa ánh sáng. Và chúng ta chỉ có thể hiểu và sống được, khi chúng ta được soi sáng và được thúc đẩy bởi chính Lời của Chúa và bởi chính ngôi vị của Ngài.

Trước hết trong các mối phúc, chúng ta nhận thấy cũng có sự nghịch lí như thế. Thật vậy, nghịch lí giữa muối và ánh sáng, chính là nghịch lí có trong ở trong từng mối phúc: “Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ”. Nghịch lí ở đây là, một đàng là nghèo khó, và một đàng là có cả Nước Trời! Và tương tự như thế, đối với các mối phúc khác.

Chính khi chúng ta có một tinh thần tự do đối với của cải vật chất, không theo đuổi của cải vật chất như là ngẫu tượng, là chủ, là chúa của mình, thì chúng ta có được sự bình an và hạnh phúc của Nước Trời ngay ở đời này rồi. Ngược lại, thật là bất hạnh cho chúng ta, nếu lòng chúng ta gắn bó với những của cải phù vân đời này, coi của đời là chủ, là chúa, là ngẫu tượng, là cùng đích đời mình; trong trường hợp này, bất hạnh không phải ở sau mà ngay ở đời này rồi.

Cũng vậy, thật hạnh phúc cho chúng ta nếu chúng ta sống hiền lành, bởi vì Chúa là Đấng hiền lành và chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; thật hạnh phúc cho chúng ta nếu chúng ta biết sầu khổ, nhất là sầu khổ vì lòng mến và vì sự đồng cảm với người khác; thật hạnh phúc cho chúng ta, nếu chúng ta biết biết xót thương và có tâm hồn trong sạch, vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và là Đấng Thánh.

 

  1. Mầu nhiệm Vượt Qua

Chúng ta là muối và là ánh sáng như thế đó, theo các mối phúc. Và đó chính là mầu nhiệm Vượt Qua: chính khi Đức Giê-su trở nên muối của đất trong cuộc Thương Khó, thì lúc đó Ngài trở nên Ánh Sáng muôn dân trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Con đường muối và ánh sáng chính là con đường chết và phục sinh, nghĩa là con đường của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Và con đường Vượt Qua của Đức Giêsu, cũng chính là con đường trở nên muối và ánh sáng của chúng ta hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc