Như mọi người biết, ngày 20 tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo Sĩ đã cho công bố chỉ thị mới về việc tái cấu trúc các giáo xứ vì lý do thiếu linh mục và các khó khăn tài chánh. Chỉ thị mới quả quyết rằng mục đích cuộc cải tổ này là chuyển giáo xứ từ mô hình “tự bảo tồn” qua mô hình truyền giảng Tin Mừng.
Tựa đề của chỉ thị là “Hoán cải mục vụ cộng đồng giáo xứ để phục vụ sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội”. Cuộc cải tổ này, vì thế, chủ yếu tập chú vào vấn đề cơ cấu giáo xứ, chứ không hẳn cuộc hoán cải thiêng liêng hay các điểm chuyên biệt của việc truyền giảng Tin Mừng. Văn kiện cung cấp các hướng dẫn cụ thể cho việc gom các giáo xứ lại với nhau, nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa các vai trò của linh mục và giáo dân, và nhấn mạnh rằng chỉ có linh mục được lãnh đạo giáo xứ mà thôi. Nó cho rằng sự phân biệt này có tính quan yếu trong việc giúp mỗi người phục vụ Giáo Hội tốt nhất theo ơn gọi riêng của mình. Trong khi nhấn mạnh chiều kích thế tục độc đáo của ơn gọi giáo dân giữa lòng thế giới, văn kiện chỉ rõ như một châm ngôn rằng nói đến sinh hoạt giáo xứ, linh mục phải lãnh đạo và giáo dân phải tuân theo.
Trong một bài báo tựa là “Rôma ngưng các cuộc cải tổ”, một hãng tin Công Giáo Đức, KNA, giải thích văn kiện như một cố gắng ngăn chặn các vụ đóng cửa nhà thờ được đề nghị ở Đức. Một luật sư được bài báo trích dẫn coi văn kiện “hoàn toàn có tính giáo sĩ trị” và nói rằng nó “giải đáp các vấn đề hôm nay bằng các giải đáp hôm qua”.
Theo Colleen Dulle của tạp chí America (americamagazine.org), văn kiện có 5 điều chủ yếu sau đây:
1.Giáo xứ không còn đóng vai trò nổi bật trong đời sống cộng đồng nữa.
Theo chỉ thị mới, mô hình giáo xứ hiện hành không còn phù hợp với mong đợi của phần lớn người ta nữa: Trong khi trước đây, nhà thờ giáo xứ là nơi tụ họp chính của cộng đồng, thì giờ đây họ có nhiều nơi khác để tụ họp, đích thân hay một cách ảo, làm suy yếu sự liên kết của họ với những người hàng xóm địa dư. (Văn kiện không nhắc đến cách coronavirus đã ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa những người hàng xóm hoặc các giáo dân ra sao).
Do sự thay đổi này, văn kiện cho biết, “bất cứ hành động mục vụ nào bị giới hạn vào lãnh thổ của Giáo xứ đều đã lỗi thời, một điều các giáo dân trong xứ tự quan sát thấy khi Giáo xứ của họ dường như quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn nỗi luyến tiếc quá khứ, trái ngược với việc nhìn về tương lai một cách can đảm”. Một giáo xứ truyền giáo, thay vì cứ tập chú vào việc bảo tồn cộng đồng hiện thời, được “‘kêu gọi vươn tay ra với mọi người, không trừ ai’, nhất là người nghèo”. Văn kiện nói rằng các linh mục, phó tế và những người thánh hiến thường là những người đầu tiên tỏ lòng cảm thương với người nghèo.
- Đừng đóng cửa các giáo xứ: Hãy tái cấu trúc chúng.
Văn kiện đề nghị rằng cách chuyển qua một giáo xứ truyền giáo hơn sẽ bao gồm việc tái cấu trúc, thay vì đóng cửa, các giáo xứ, để sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên đang giảm sút của giáo phận. Các giám mục được thúc giục đừng “đình chỉ” hoặc đóng cửa các giáo xứ vì thiếu linh mục hoặc ngân quỹ hoặc đóng cửa nhiều giáo xứ trong một quyết định. Thay vào đó, nếu một giáo xứ phải đóng cửa, giám mục nên giải thích cặn kẽ lý do của mình.
Văn kiện khuyến nghị giữ cho các tòa nhà của nhà thờ giáo xứ mở cửa, nếu có thể, để ngăn chặn việc gây chấn thương cho các tín hữu nào có “mối liên hệ xúc cảm và hoài cổ sâu sắc” đối với chúng.
Thay vì đóng cửa các nhà thờ, văn kiện đề nghị giám mục từ từ thành lập các nhóm giáo xứ do một linh mục lãnh đạo trong tư cách đại diện của giám mục. Vị linh mục “phối trí viên” này có thể làm việc và sống trong cộng đồng với các linh mục khác, những vị phục vụ trong tư cách phó xứ, cho từng giáo xứ hoặc cho một lãnh vực thừa tác vụ (thí dụ: thừa tác vụ giới trẻ, thừa tác vụ cho người buộc phải ở trong nhà) bao trùm mọi giáo xứ trong nhóm.
Khi thành lập các nhóm này, giám mục phải “xem xét tính đồng nhất và phong tục của các cư dân, cùng với các đặc điểm chung của khu vực, nhằm cổ vũ mối liên hệ chặt chẽ giữa các linh mục chánh xứ và các công nhân mục vụ khác”.
- Giáo xứ nên được lãnh đạo bởi các linh mục, không phải giáo dân.
Văn kiện có tính chỉ thị này nhấn mạnh rằng cần phải tránh việc “giáo sĩ hóa hoạt động mục vụ”. Nó quả quyết rằng giáo dân là “những người chủ đạo của việc truyền giảng Tin Mừng”, và các mục tử được giao phó nhiệm vụ giúp đỡ giáo dân phát triển trong sứ mệnh đó.
Tránh việc “giáo sĩ hóa các hoạt động mục vụ” có ý nghĩa kép trong văn kiện: Không nên giới hạn tất cả các hoạt động mục vụ hay truyền giáo vào vị mục tử, cũng như các giáo dân không nên “bị giáo sĩ hóa” bằng cách đảm nhận các vai trò mà theo truyền thống vốn dành riêng cho các giáo sĩ.
Văn kiện nhấn mạnh điểm vừa kể nhiều lần, nói rằng “chức vụ đặc thù của Linh mục Chánh xứ” không được giao cho một nhóm gồm các giáo sĩ và giáo dân, như đã được đề nghị ở một số nơi. Mặc dù văn kiện không xác định các vai trò cố hữu của “chức vụ Linh mục Chánh xứ”, nhưng một thí dụ rõ ràng là giáo dân không thể cử hành các bí tích dành riêng cho các linh mục.
Văn kiện cũng hạn chế việc các người không thụ phong phục vụ trong bất cứ vai trò lãnh đạo nào có thể được coi như ngang hàng với một linh mục. Nó chỉ rõ rằng nên tránh những chỉ danh như “người lãnh đạo nhóm” để gọi những người như vậy vì chúng “truyền đạt cảm thức về một thứ quản trị hợp đoàn đối với giáo xứ”. Tương tự như vậy, chỉ thị nói rằng không nên gọi các quản trị viên giáo xứ (parish administrator) là “mục tử”, “đồng mục tử”, “tuyên úy”, “phối trí viên”, “phối hợp viên” hay “quản trị viên Giáo xứ”, vì các danh xưng này có liên quan trực tiếp đến khuôn diện thừa tác của các linh mục. Cả các kiểu nói như “giao phó việc chăm sóc mục vụ của một giáo xứ” cũng không được phép dùng vì chúng thuộc thừa tác vụ của các linh mục và “không phù hợp với bản sắc ơn gọi [của những người không phải là linh mục]”.
Văn kiện cũng nói rằng công việc của một quản trị viên giáo xứ, một vai trò đang trở nên phổ biến hơn trong các khu vực phải đương đầu với sự thiếu hụt linh mục, “trong căn bản chỉ có tính tạm thời” cho đến khi một linh mục chánh xứ mới đến nhậm chức. Văn kiện nói rằng “Điều bất hợp pháp đối với một Giám mục giáo phận là bổ nhiệm một Quản trị viên Giáo xứ và duy trì vị này ở vị trí đó trong một thời gian dài, quá một năm, hoặc thậm chí vĩnh viễn, để tránh việc bổ nhiệm một Linh mục chánh xứ”.
Theo văn kiện này, việc có một quản trị viên giáo xứ hạ giáo xứ xuống hàng một mô hình “tự bảo tồn”, thay vì giúp nó khả năng thực hiện các kế hoạch truyền giáo sâu rộng hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp không có linh mục, văn kiện, bằng cách sử dụng một hạn từ không được khích lệ ở chỗ khác trong văn kiện, nói rằng giám mục “có thể ủy thác việc chăm sóc mục vụ của một Giáo xứ cho một phó tế, một tu sĩ thánh hiến hoặc một giáo dân, hoặc thậm chí một nhóm người”, kể cả các nhiệm vụ như cử hành Phụng vụ Lời Chúa vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, rửa tội, cử hành nghi thức tang lễ, hỗ trợ trong các cuộc hôn nhân và thuyết giảng bên ngoài Thánh lễ. Văn kiện nói rằng những người được ủy thác vai trò như vậy phải hành động “dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của Linh mục Chánh xứ”, và những trường hợp này được coi là luật trừ. Điều rõ ràng là không nên hiểu việc chăm sóc mục vụ này như tương đương với vai trò linh mục.
- Giáo dân có thể phục vụ trong các hội đồng tư vấn.
Văn kiện đưa ra hai dự khoản về các hội đồng tư vấn tại các giáo xứ: Nó buộc mỗi giáo xứ phải có một hội đồng tài chính và khuyến cáo mỗi giáo xứ nên có một hội đồng mục vụ. Văn kiện nhấn mạnh, cả hai hội đồng hoàn toàn có tính tư vấn và phải báo cáo cho linh mục chánh xứ.
Hội đồng tài chính nên được bao gồm ít nhất ba người Công Giáo là chuyên gia về các vấn đề tài chính và pháp lý, được chọn bởi linh mục hoặc được giáo xứ bầu lên theo cách nào đó. Họ không cần phải là giáo dân trong xứ, và một người có thể phục vụ trong nhiều ủy ban giáo xứ. Văn kiện kêu gọi sự “minh bạch” trong vấn đề tài chính nhưng không nêu chi tiết về bất cứ biện pháp minh bạch nào ngoài việc nộp báo cáo hàng năm cho vị bản quyền hoặc giám mục địa phương.
Theo văn kiện, hội đồng mục vụ nên quan tâm đến việc truyền giáo hơn là việc “tổ chức nhà thờ”. Chỉ thị nói rằng linh mục nên tránh các thái quá trong việc luôn luôn đưa cho hội đồng các quyết định đã làm sẵn hoặc trong việc chỉ phục vụ “như một trong số các thành viên, loại bỏ trên thực tế vai trò Mục tử và là nhà Lãnh đạo cộng đồng của mình”.
- Không được bắt buộc dâng cúng để có các bí tích
Các giáo xứ không nên coi các dâng cúng được đề nghị để có các bí tích như đám cưới hay thánh lễ cầu theo ý định của người ta là lệ phí hoặc tiền thuế, một thông lệ ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, văn kiện đề nghị nhận các khoản dâng cúng một cách ẩn danh để giáo dân trong xứ có thể quyên góp khi có khả năng. Đối với các giáo xứ lo ngại điều này có thể làm giảm doanh thu rất cần thiết, văn kiện kêu gọi các nhà lãnh đạo giáo xứ “nhạy cảm hóa” cộng đồng của họ theo nhu cầu của giáo xứ; còn đối với các mục tử, văn kiện kêu gọi các ngài sống đơn giản như một điển hình của việc quản trị có trách nhiệm.
Văn kiện nói rằng “Quản trị tốt được đo lường không phải bằng ‘các dự án’, mà là bằng các nhu cầu thực sự của tín hữu, nhất là người nghèo và người thiếu thốn”.
Nhìn chung, văn kiện này đưa ra các khuyến cáo cụ thể để tiếp cận vấn đề phức tạp về tái cơ cấu giáo xứ trong một thời điểm khi việc suy thoái kinh tế và ngừng hoạt động vì đại dịch đã hạn chế ngân sách giáo phận. Nhưng việc nó nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của các linh mục trong thừa tác vụ quản trị và không có tính bí tích, ngoài các hạn chế của nó đối với việc bổ nhiệm vô thời hạn các quản trị viên giáo xứ, nêu ra nhiều câu hỏi cho nhiều Giáo Hội như các Giáo Hội trong khu vực Amazon, nơi, chẳng hạn, hai linh mục phục vụ toàn bộ giáo phận Guyana. Cũng thế, việc hạn chế lệ phí để có các bí tích, một điều, giống như nhiều hướng dẫn khác, vốn hiện hữu, có tiềm năng cắt giảm nguồn tài trợ chính cho các giáo xứ Hoa Kỳ, nếu nó được chấp hành.
Kỳ sau: Phản Ứng từ Đức
Vũ Văn An
(vietcatholicnews.org 30.07.2020)